quay về
Con Dưng Ơi 
Bích Xuân

Vào lúc nửa đêm, Phượng đang ngủ mê say như ...chết, bỗng tiếng điện thoại kêu reng reng, Phượng giật mình ngồi nhổm dậy, bốc phôn, ngơ ngác hỏi ai đó ! Trong điện thoại có tiếng trả lời giọng đàn ông rất trẻ. Phượng chưa kịp hỏi tiếng nào thì bên kia đầu dây hối hả tự giới thiệu tên là Ân gọi phôn từ Philadelphia nước Mỹ. Phượng thấy đầu óc mình còn đang tửng từng tưng vì chưa tĩnh ngủ, bực mình, Phượng hỏi cộc lốc :      

      -    Gọi tôi có chuyện gì, xin lỗi khônghề quen ai tên Ân!.
      -   Dạ em biết. Xin lỗi chị, chỉ tình cờ biết chị thôi, và thấy chị có nhiều điểm giống em, nên gọi phôn để xin làm quen…
      -    Trời , biết về tôi cái gì  ! kỳ cục vậy …?
      -    Chị ơi, chị có chê em không ? .
      -  Biết gì mà chê …
Phượng đang nói thì nghe điện thoại bỗng cúp ngang, bực mình nên Phượng tĩnh ngủ và nghĩ thầm người này gọi bằng thẻ điện thoại ngoài đường, không phải gọi trong nhà hay điện thoại cầm tay, tên này không biết làm gì nên quởn gọi điện thoại chọc phá mình đây, nghe mình sừng sộ, hắn vội bỏ số…de. Đang ngủ bị kẻ lạ đánh thức nói mấy câu rồi cúp ngang xương, có tức không chớ !Phượng rủa thầm: gặp qủi yêu gì đâu không hà… rồi mơ màng Phượng ngủ lại lúc nào không hay.
     Qua đêm hôm sau, cũng ba giờ sáng, điện thoại lại vang, Phượng đang ngủ giật mình cau có, nạt nộ: Ai đó!
       - Dạ em …
Phượng quát : Em nào ?
       - Dạ em đêm hôm qua .
      - Nè tôi nói cho biết: đừng chơi cái trò kỳ cục này nghe ! Giờ này người ta đang ngủ, biết chưa !
      - Dạ biết, em phôn thật chớ không phải phôn để dỡn chơi, em biết giờ này chị đang ngủ, nhưng em không thể nào gọi chị sớm hơn đươc, xin...chị thông cảm. Rất tiếc hôm qua chị đang hỏi em cúp phôn nửa chừng…
Phượng giận dữ :
-    Đừng có đùa dai, yêu cầu ông chấm dứt gọi phôn cho tôi …
-    Thế em gọi chị ban ngày được không ?
-    Cũng không …
    Không ngờ bên kia đầu dây điện thoại, tiếng nói bỗng nghiêm giọng, lớn tiêng lại chắc nịch ngang cứng như  cua.
-  Nè, nói cho chị biết, đừng có lộn xộn “tụi mình” nói chuyện đàng hoàng. Em không thể nào gọi phôn ban ngày cho chị được. Em sẽ viết thư  cho chị thì tiện hơn …
Nói xong người kia cúp phôn cái rụp, Phượng ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác đến tĩnh ngủ, đúng là dân ba trợn chuyên chọc phá người ta...Đêm mai nàng sẽ rút dây điện thoại ra thì xong chuyện.
Qua đêm hôm sau, mười một giờ đêm, Phượng lên giường, chuẩn bị gỡ dây điện thoại ra trước khi ngủ, thì điện thoại bỗng reng, Phượng nhìn lại đồng hồ một lần nữa, yên tâm Phượng nhấc phôn nói : Allo ! khi nghe tiếng nói trong phôn Phượng định cúp phôn, nhưng tò mò nàng cũng muốn biết tên này phôn nàng hoài, xem hắn muốn giở trò gì đây ! Phượng lạnh lùng:
-    Phôn tui có chuyện gì ?  tui đã nói rồi không nên đùa dai, lì lợm quá  !
-    Dạ em buồn quá chị a…
-    Mắc mớ chi đến tui !
Phượng định rút dây điện thoại. Bỗng như có tiếng khóc thút thít trong phôn, ngạc nhiên Phượng hỏi:
     - Ê khóc  hả... kỳ vậy ?
 Ân nói nhỏ:
-    Mấy đêm nay em “nhớ”...chị
-    Hả ! nhớ mẹ à…
-    Không nhớ …chị.
Phượng nghĩ gã này điên rồi “nó” đâu biết mặt mũi mình, mà mình cũng chẳng biết tên khỉ gió này là ai sao lại nói chuyện …nhớ nhung vô duyên lãng nhách vậy ! Phượng đang chần chờ muốn cúp phôn , bỗng tên Ân hung hãn :
     - Chị nghe cho rõ ! Chị đừng nghĩ Aân nói khùng, nói điên. Aân sẽ bất chấp mọi khó khăn, Aân sẽ đánh gục và bắn… chết bỏ kẻ thù, để chiếm trái tim chị. Ân yêu chị rồi. Chuyện Aân yêu ai thì đâu có chi là lạ!
     - Trời ! Nói như ...du đãng !
     -  Dúng,  em là du đãng...
Phượng hoảng hốt tột độ cúp phôn liền, rồi để ống nghe ra ngoài, nàng sợ hãi tim đập lung tung liên tục, toàn thân run lên. Rõ là dân phải gió ngông ngang, tên ngịch ngợm này chọc phá người ta sợ để cho đỡ ...buồn !
 Kể từ đó, trước khi ngủ, đêm đêm nàng đều gỡ dây điện thoại để ra ngoài.

Ba tuần lễ sau, Phượng nhận được một bao thơ lớn, màu vàng. Cầm bao thơ lên coi địa chỉ và tên họ của người gởi ngoài bìa thư, Phượng thấy có con dấu Prison Philadelphia, vậy là thư này đến từ nhà tù Philadelphia, Phượng thót mình như điện giựt, Phượng đọc đi, đọc lại hai, ba lần tên người gởi và địa chỉ trên bao thơ. Trời đất ơi ! Có phải tên Ân này mấy tuần trước gọi phôn cho mình đây không ? hắn  đang bị tù mà tại sao lại điện thoại ra ngoài được? Mình đâu biết hắn là ai, tại sao hắn biết số phôn mà gọi cho mình vậy trời ? Phượng nhăn trán suy nghĩ hoài mà không ra. Sau này thì nàng biết, tình cờ hắn đọc được địa chỉ và số phôn của Phượng trong một tạp chí nào đó !

Phượng hồi hộp mở thư, bên trong có cuốn nhật ký; hai hình bán thân người đàn ông, một chụp nghiêng, một chụp thẳng, có bảng số trước ngực, một carte postal hoa hồng, có mấy câu thơ của Ân (tên tội pham) viết tặng Phượng, và lá thư kể về cuộc đời của Ân cũng như chuyện Aân bị bắt ngồi tù. Thư viết bằng tay dài 7 trang giấy lớn, loại giấy A4.
 Phượng hồi hộp, tay run run cầm trong tay lá thư của tên tội phạm ở đâu lạ hoắc  lạ hơ gởi thư cho nàng. Rồi Phượng nhìn tấm hình có bảng số trước ngực tội phạm, nàng lại nhìn bức tâm thư đang cầm trong tay với đầu óc nghĩ ngợi lung tung: mắc mớ chi tên ni gởi thư cho mình nhỉ !

 Tù phạm tên Ân cho biết y là con lai Mỹ mẹ Việt, y sinh năm 1972, Khuôn mặt Ân hiền, nhưng ẩn trong nét hiền chứa đựng sự ngông cuồng bồng bột. Trong tấm hình thứ hai nhìn thẳng của Aân  chụp trong nhà tù, Ân nói vừa mới chụp cách đây hai tuần, gởi để  Phượng so sánh khuôn mặt Ân với tấm hình cũ. Phượng nhìn hai tấm hình so sánh, tấm hình cũ có chút ít thay đổi, nét cám dỗ bồng bột, vẫn chưa mất hẳn.

Tại sao tên tù lạ hoắc này gởi thư cho nàng ? Một cơn gió êm dịu bay qua, lòng Phượng không cảm thấy dửng dưng những gì đã vừa biết đến. Nàng luôn luôn tôn trọng sự thật, dù sự thật là một cái gì đó đã đi qua và bắt nàng phải hiểu. Mở lá thư đọc ngay trang đầu của Aân viết. Phượng chăm chú đọc từng câu, từng chữ, dòng văn mạch lạc, buồn. Trong thư đầy những tình cảm vấn vương của Ân kể về dưới mái gia đình, cuộc đời ấu thơ. Khi gia đình Ân đến nước Mỹ, theo diện con lai, để rồi sau đó Ân bị tù tội cho đến ngày hôm nay. Ân kể chuyện trong tù, về những tội nhân đã có tiền án. Phần Ân bị kết án năm năm. Nhưng đã chín năm rồi, Ân vẫn bị giam giữ chưa được về. Ân đang nhờ luật sư khiếu nại nhà tù về việc giam giữ Ân đã quá án tù hạn định.
 
Trong thư Ân nói hết, kể hết với lòng thành thật của mình. Ân muốn tìm hiểu tất cả những thú vui ở đời, nên Ân đã tự huỷ hoại đời mình, để bây giờ Ân trở thành kẻ xấu. Ân nói, thời gian lao lý trong tù, đã học hỏi được rất nhiều điều hay, cố gắng rèn luyện tốt cho bản thân trước khi Ân  ra khỏi tù. Ân cảm thấy hối tiếc đã đánh mất những gì của đời trai trẻ. Ân kể trong thư như trăm nghìn ký ức, đang cuồn cuộn nhớ về người mẹ, bao năm chung sống êm đềm, trùm lên cuộc đời thơ ấu của Ân. Bây giờ khi tỉnh giấc, chỉ thấy mỗi mình Ân với đêm đen của song sắt. Ân hy vọng ngày mai sẽ được trở về, sẽ làm cho mẹ vui, không còn làm mẹ đau buồn nữa.  Rồi Ân giải thích hôm nói chuyện với Phượng, Ân không muốn nàng sợ khi biết nói chuyện với người đang bị tù tội, nên Ân lờ đi những câu hỏi của Phượng. Ân nói dấu diếm chuyện này Ân cảm thấy trong lòng rất khó chịu, bởi Ân là người thẳng thắn, nên khi dấu ai điều gì thấy ái ngại trong lòng. Và Ân biết địa chỉ Phượng tình cờ đọc trong một cuốn sách do một người nào đó gởi tặng mẹ Ân, bà vào tù thăm con, đưa sách cho con đọc đỡ buồn.


Phượng cảm thấy lòng buồn buồn, đọc từng chữ của Aân viết trong thư. Có đoạn nét chữ Ân  như không được ngay hàng, chữ to, chữ nhỏ. Nét viết vội vàng vô chừng, cũng có đoạn nét chữ dịu dàng, thẳng đứng nhất định, biểu hiệu tâm hồn sâu sắc già dặn của Ân trở về với nội tâm. Phượng đọc thư Ân một mạch không chớp mắt, nàng cảm thấy như muôn vàn đốm sáng trong tim Ân, nhưng còn cái gì đó đang sâu nặng ở trong lòng mình.


Rồi đến câu chuyện trong nhật ký của Ân, Ân bắt đầu bằng nỗi bất hạnh của mình khi bị mẹ ruồng bỏ ngay từ khi sinh ra đời đem Ân cho vào cô nhi viện. Một tháng sau được một người đàn bà đã có chồng, nhưng không có con, đến xin về nuôi. Ân tìm lại được hơi ấm nồng nàn, trong vòng tay âu yếm, yêu thương hạnh phúc, bên cạnh mẹ nuôi, Ân may mắn thoát ra được đời tuổi thơ lặng lẽ trong cô nhi viện, Ân được nuôi dạy đùm bọc, chính là người mẹ nuôi ấy.
Nhưng màu da và đôi mắt, đã làm cho Ân lạc lõng ngay khi cắp sách đến trường. Ân bị học sinh cùng lớp trêu ghẹo, nói Ân là con lượm, con xin, không cha, không mẹ. Ân ráng sức cãi lại mình vẫn có mẹ, có cha. Đến mười lăm tuổi, Ân đâm ra ít nói, không dám chơi với ai, sợ bị mỉa mai trêu ghẹo, chỉ chơi một mình, và rất thương cha mẹ nuôi. Có khi Ân gạn hỏi mẹ nuôi, có phải mình là con nuôi, con lượm, con xin… Mẹ Ân khóc lóc dấu diếm, cho đến ngày làm thủ tục đi Mỹ mẹ nuôi mới nói thật: " không biết gì về mẹ ruột, chỉ đến cô nhi viện ký giấy, rồi ẳm con ra về."
    
 Đến Mỹ, Ân đi học lại. Trong lớp học Ân là học sinh ngoan. Ân học rất chăm chỉ tấn tới. Vài năm sau Ân nói thông thạo tiếng Mỹ; Ân làm thơ bằng tiếng Mỹ, thỉnh thoảng có thơ đăng trên báo của nhà trường. Năm đó Ân hai mươi lăm tuổi. Tâm hồn Ân hiền hoà dễ thương, đâu biết có cục than đỏ nằm ẩn bên trong, sắp sửa bùng lên làm hư hỏng tuổi thanh xuân, tươi đẹp đang chờ đón Ân.  Chỉ vài câu đưa đẩy, của những người bạn thấp kém về văn hóa nói khích trong những lúc đùa giỡn vui chơi. Đâu ngờ, , đã đưa cuộc đời Ân vào bốn bức tường đen, sống đời buồn thảm tháng năm hiu quạnh.
     
Ân bắt đầu trốn học. Vì muốn làm kẻ giang hồ lãng tử, nên giao du với các tay anh chị, lông bông ngoài đường, và luôn luôn chuẩn bị để tấn công... Ân có trí tưởng tượng bốc lửa và có tham vọng làm đại ca. Ân nghiêm khắc với chính mình, để có đủ tư cách trừng trị bọn đàn em ngu độn, trong giới xã hội đen.
Cha mẹ nuôi của Ân biết con hư hỏng, khuyên bảo hết lời không được, nên chỉ biết than trời trách phận. Mẹ nuôi Ân buồn phiền, nên ngồi đâu bà khóc đó, ai nhìn thấy cũng mũi lòng. Ân bỏ nhà đi, nhưng thỉnh thoảng cũng về thăm mẹ, có khi Ân ở  chơi với mẹ đôi ba ngày. Ân về, thấy vắng cha nên hỏi mẹ. Mẹ Ân nói: “ông già” mày đi làm xa cuối tuần mới về” Thật ra cha Ân đã có tình nhân mới, nên vắng nhà thường xuyên. Lâu lâu ông về thăm nhà một lần rồi vội vã quay lưng ra đi. Lúc ấy mẹ Ân đứng lặng nhìn theo, thở dài với giọt lệ buồn.
 
Ân kể tiếp trong thư: Một buổi chiều, trời bắt đầu chạng vạng tối, Ân lù lù về nhà. Bà mẹ vui mừng rối rít, vội vã xuống bếp luộc thịt, làm mắm nêm, kho cá bống riu, nấu canh tôm bằm nấu khổ qua xắt mỏng. Bà làm những món Ân vẫn thích. Cơm dọn lên bàn, hai mẹ con vừa ăn vừa nói chuyện. Đến cuối bữa cơm, bà đem chuyện chồng ra tâm sự với con.  Ân lặng thinh không nói, nhưng trong lòng giận cha nuôi đã phản bội mẹ. Ân hầm hầm bỏ đũa, đứng lên đến ngồi trên giường, xỏ hai chân vô giày, mặc áo. Mẹ Ân hỏi:
     - Con lại đi à, vừa mới về…. 
     - Con đi tìm “ông già”. Ân nói:
Mẹ Ân nạt:
     - Kệ… cha mày đi đâu, tìm làm gì !
 Ân vói tay lấy ly nước trà trên bàn :
- Tìm “ông già”… đánh một trận cho bỏ ghét.
Mẹ Ân hốt hoảng:
     -  Cha… mày đừng có hỗn !.
Ân cãi:
       - Con không hỗn, con ghét nhất đàn ông làm khổ vợ...
 Ân gằn mạnh ly nước xuống bàn, những giọt nước li ti, văng tung toé trên mặt bàn. Ân bước ra cửa, leo lên xe đề máy. Xe chạy vọt đi, bỏ lại sau lưng mẹ Ân tái tê chua xót, nhìn theo thở dài khi xe Ân đã khuất trong đám sương mù, bàng bạc đàng xa giăng đầy phía trước, phía sau…
      Từ khi Ân bỏ học, bỏ nhà đi. Cha Ân vì buồn nhớ con, nên chiều chiều ông hay ra quán uống rượu giải sầu. Đi đêm có ngày gặp ma. Ông mê say người đàn bà, làm trong quán rượu. Hằng ngày ông lái xe đến quán rượu, ngồi một góc si như anh thanh niên mới biết yêu. Tối về nhà như người mất hồn, ngồi đâu mắt đăm  đăm phờ ra, như người còn đang trong giấc ngủ. Hình ảnh này mẹ Ân chưa một lần nghĩ đến. Lòng bà đau như chưa bao giờ đau. Bây giờ bà đã mất con lẫn chồng. Thân bà trơ trọi một mình, có khác chi kiếp sống của kẻ khổ sai lưu đày. Lòng bà thật cô đơn như mưa tạt vào mặt rát tê. Phải chi bà sống nơi nông thôn xứ sở của bà, có ngôi nhà trông ra làng nước, có rặng tre đầu làng, bên con sông lặng lẽ, có cành củi mục trôi quanh, giữa đêm trăng suông bao la. Có tình chòm xóm, đơn giản bình thường. Có bóng những người mẹ già xiêu xiêu trong nắng chiều, mang lại cho nhau một nụ cười hy vọng. Chân trời nơi đây, không tìm được hy vọng, trong tâm hồn bà. Bà nhớ về kỷ niệm, như người đi trong sa mạc khát khao nước, một hình ảnh gần nửa cuộc đời bà. Ôi thôi !...

Rồi chồng bà cùng người đàn bà, làm trong quán rượu kia, ngang nhiên sống với nhau như vợ chồng. Bà chán chường cho lòng dạ chồng mình nên làm ngơ, để mặc ông muốn làm gì thì làm. Bà chỉ nghĩ đến thằng Ân, luôn luôn bà nghĩ đến thằng Ân. Bây giờ nó làm gì, ở đâu ? Đi lang thang trên đường, hay đang làm gì đó mà suốt đời bà không bao giờ biết được. Khuôn mặt thanh tú của Ân từ từ hiện ra, làm tim bà đau nhói. Bà tầm thường nhưng bà biết quí trong học vấn, còn Ân thông minh học giỏi, mà khinh rẽ bản thân, khinh rẽ học vấn, để thành lao động hạ cấp trong giới giang hồ. Con dưng ơi con dưng! Thật là tủi hổ, nhục nhã, ê chề, mẹ bất lực, xót xa...        
      Mẹ Ân buồn đến mang bệnh. Bệnh buồn chán. Một mình bà trong căn nhà tĩnh lặng, tiếng lá rơi ngoài sân cũng nghe. Có những đêm bà lên cơn mê sảng, thấy mơ hồ hai hình ảnh: Chồng và con bà, hoàn toàn giống nhau, hai dấu hiệu của sự hư hỏng. Bà đã nhìn thấy những tì vết đó, nhưng sao nó như mơ hồ, bà không diễn tả được thành lời. Bao nhiêu năm bà ôm ấp Ân trong tay, từ lúc nó vừa đúng một tháng, bà chưa xa nó một ngày, chỉ quanh quẩn với công việc nuôi con. Bà chưa hề sinh đẻ, nên không hiểu sự mang nặng đẻ đau của thứ tình cảm yêu thương con đến như thế nào, riêng tình thương yêu của bà đối với thằng Ân, thì không có thứ gì trên đời này đem ví được.
      Bà không muốn nói chuyện về chồng có nhân tình cho Ân  biết, nhưng trong buổi cơm vui miệng, bà đã kể cho Ân nghe chuyện của “ông già” nó, không ngờ nó nổi máu du côn, đòi đi tìm “ông già” gây sự. Hai lỗ tai nó vênh ra ngang thế kia thì nó không phải là hạng “tầm thường”.
      Một hôm, chồng bà về giữa đêm khuya, bấm chuông, rồi gõ cửa dồn dập. Bà đang chợp mắt, tĩnh dậy, bàng hoàng ra mở cửa. Cha Ân vừa bước vào nhà đã chưởi ào lên:
       -Tôi đã biết trước mà… thế nào có ngày thằng du côn mất dạy đó cũng vào… tù.
Mẹ Ân bênh con :
     - Này này... miệng ông có gang có thép, đừng nói dại cho con… 
Ông chồng hét lớn:
    - Nói dại ! tới bây giờ bà chưa mở mắt ra, thằng Aân nó đã hư lâu rồi, chúng nó bắn nhau ngoài kia kìa, may mà lính đến kịp, không thì chết cả đám…
Mẹ Ân thất kinh :
     - Trời ! sao lại có chuyện này ? 
Ôâng bực mình hét to:
     -Thằng mất dạy lêu lỏng thế kia, làm sao mà không có chuyện ?
Rồi ông đứng yên, nhìn quanh nhà. Bỗng ông quay sang nhìn bà chăm chăm :
      - Cũng tại bà, tại không khí trong nhà này nó...u ám

 Nói rồi ông quay đi ra lấy xe chạy cái vù. Bà đứng nhìn theo rất khổ sở, không biết ông chồng bà đi đâu ? Đang ngồi thấp thỏm chờ tin. Nghe tiếng gõ cửa, bà mừng rỡ chạy ra. Chồng bà bước vào nhưng không nói gì. Bà định hỏi nhưng khi nhìn vẻ mặt dàu dàu của ông bà chợt hiểu. Ông đến bàn kéo ghế ngồi lặng yên, châm lửa hút thuốc, mồ hôi từ từ ướt ra trên trán. Nhưng nét mặt ông không suy nghĩ, không lo lắng, không buồn gì. Sự yên lặng bình thản của ông giữa ban đêm như giông bão cuộn con người ta vào đó. Trời nóng nực, tịch mịch, trong nhà chỉ có ông và bà, và những khoảng trống chung quanh. Ông về ngồi đấy, đâu khác gì hiu quạnh trong những ngáy tháng qua. Hai người không biết gì hết ngoài đêm tối không định hướng. Bà ngồi lặng lẽ quan sát chồng, bà thấy ông chưa bao giờ ngồi lặng im lâu như thế. Bỗng trong đôi mắt ông, đôi dòng lệ từ từ chảy xuống má. Giọt nước mắt ông khiến bà nhói lòng. Lẳng lặng bà nhìn xuống đất, đầu óc bà nghĩ ngợi lung tung, bà cảm thấy một cái gì đó đang nặng trĩu trong lòng. Một cái gì mà bà không đủ sức hiểu, hình như nó còn gắn bó, một thứ tình còn đang ray rức thịt da, dù cho trong lòng bà có những ngày mưa trầm gió xát vào cuộc đời mình.

       Chồng bà thỉnh thoảng lấy tay quệt nước mắt, rồi ông nói một giọng buồn buồn:
     - Bọn thanh niên đánh nhau, cảnh sát đến thấy thằng Ân cầm súng trên tay, bắt về nhốt rồi. Không biết bao lâu mới được thả ra?
 Mẹ Ân nhìn ông rụng rời tay chân, nhưng hàm chứa bao hy vọng:
     - Cầm súng mà không bắn ai, thì đâu có tội ?.
Ông nạt bà:
- Cảnh sát nói chưa bắn ai, nhưng cầm súng trong tay là có ý giết người. Tội này nặng lắm, không biết bao nhiêu năm tù ? .
Mẹ Ân lạc giọng:
     - Trời ! Ân,  con ơi ! .
**0**
Mẹ Ân dọn dọn dẹp lại căn phòng bỏ trống, ngỗn ngang những sách vỡ, áo quần cũ của Ân. Bà sơn sửa căn phòng lại sạch sẽ, làm nơi thờ phụng Đức Quan Thế Âm. Đây là điểm tựa cuối cùng, cho sự cô đơn hoang vắng trong lòng bà. Ân vào tù  đã năm năm mà chồng bà cũng chẳng về. Chỉ còn lại ánh trăng đêm ngủ yên soi qua khe cửa, với màng sương mù của buổi sáng chưa tan. Làm sao biết được cuộc sống ngày mai ! Bao nhiêu chuyện trong đời người, còn gì nữa mà bồi hồi những yêu thương ve vuốt. Những hy vọng lùi xa, rồi cuộc sống hiện tại cũng sẽ quen. Ký ức giông tố gia đình như ngấn nước mắt, nhòe nhoẹt một lần rồi cũng đục lờ theo thời gian. Bà đã nhảy ra khỏi bản năng của một người đàn bà, sinh ra để làm đàn bà chịu nhiều khổ đau. Chẳng còn gì để bám víu vào cuộc đời. Còn chăng là những nếp nhăn xô nhíu trên mặt, nên sáng nào bà cũng gõ mõ, theo tiếng kinh ê a, qua giọng khàn đục của bà bay theo giữa chiều tắt nắng.
 Chiều nhoà trên vầng trán thanh thản, đức Quan Thế âm  như ánh hào quang lấp lánh quanh nhà, làm cho hồn bà cũng nương bay theo, lướt đi trong không trung, rời xa cảnh đời phù du mây khói. Bà ở vậy mong chờ đưa con nuôi bà hết án tù, nhưng hơn 5 năm, rồi  8, 9 năm qua Aân vẫn chưa ra khỏi tù…

      Đọc xong những trang nhật ký, Phượng nghe cổ họng mình rát khô, xét đoán nội tâm mình với người khác. Chuyện buồn lây sang chuyện buồn. Chuyện buồn cứ nhân thêm chuyện buồn. Đàn bà cần cảm thông, đó cũng là tình yêu. Phượng ngồi ngẩn ngơ bên chiều trống trơn ngõ ngách, nàng nhìn ra cửa, Phượng nghe rõ tiếng gió kêu ngoài trời. Hoàng hôn buổi chiều trùm lên cảnh vật. Ánh sáng mờ mờ rũ xuống. Nàng nhìn trời tái xám lăng lắc trên xa làm rung bật nỗi xót xa dư âm trong tâm linh nàng vọng lại...

Bích Xuân
 quay về
 góp ý bài này