Về lại trang đầu
Mùa Về Trên Núi Tuyết
Bích Xuân



Một buổi sáng, khách ngồi trong phòng nhìn ra, bốn phía phủ đầy tuyết. Dưới chân núi, những đám mây trùm trên ngọn cây xanh non tươi thắm Từng cụm mây nghiêng nghiêng lơ lửng dưới thung lũng như một bức tranh thủy mạc. Tia nắng vàng rực trên ngọn núi tuyết, cho khách một cảm giác khỏe mạnh, yêu đời ...

Từ dưới mặt đất khách lên núi với cao độ 1700m (bằng xe hơi cá nhân). Xe leo lên dốc cao, bắt đầu nghe hai tai lùng bùng, khoảng 10 phút sau thì trở lại bình thường. Khách hít thở không khí trong lành tuyệt vời trên núi tuyết.  Lên đây, nhìn xuống bốn phía, các ngọn núi phủ băng tuyết và những người trượt tuyết lượn qua, lượn lại như cánh bướm với tốc độ lao nhanh xuống dưới chân núi thật tài tình và đẹp mắt ...

Đứng trên cao đỉnh núi Alpes, khách chầm chậm trong thinh lặng, ngắm đất trời vô tận. Một khi làm chủ được nội tâm thì dũng khí càng dồi dào cho sự bình yên trong tâm hồn. Ở đây, không có những dòng nhạc kích động đưa người bay bổng trong không gian mà là một chuyến đi phiêu lưu theo lộ trình của thiên nhiên. Ở vùng núi, một nơi mà hằng năm những người thích môn thể thao ưa tìm đến. Nơi đây, có những những hòn non bộ, cây cối, suối nước sắp đặt sẵn theo hệ thống để tạo cảm giác cho những người tham gia. Ngọn núi này, có lịch sử, có cổ tích như chuyện huyền thoại, không ngờ khách cũng được hiện diện nơi đây, để có dịp ngắm nhìn bốn phía núi tuyết hùng vĩ bao la. Lên đến đây, ai có tâm trạng buồn được giải thoát. Giữa núi trời thiên nhiên, cùng với nắng gió thơm hơi, làm cho tâm trí khách chìm đắm biết bao là tưởng tượng ...

Ngày đầu, khách lên núi, trượt tuyết hăng lắm. Tối về, khách ngủ một giấc như "chết" qua đến ngày mai, cảm giác hăng hái ồ ạt vẫn còn. Ngày thứ hai, toàn thân ê ẩm, đau nhức phải ngủ để lấy lại sức. Qua ngày thứ ba, cơ thể đã bắt đầu quen thì không còn mệt nữa . Người ta lên núi để thay đổi không khí, và tìm cảm giác mạnh về môn thể thao này. Nơi trượt tuyết, bắt đầu lúc 9 giờ 30,  đến 5 giờ chiều là ngưng mọi hoạt động. Trượt tuyết, đôi chân phải biết « lái » trên hai miếng ván để kiểm soát và kiềm chế hướng đi. Trên sân trượt, có bốn màu sắc, trình độ trượt khác nhau .

                                                                   (Bích Xuân)

Vùng xanh lá cây : băng tuyết rất dễ. Xanh da trời : không dễ. Đỏ : rất khó (có những con dốc sâu). Đen : rất nguy hiểm (từ trên đỉnh cao xuống một đường thẳng nhưng gồ ghề). Ngoài ra, những cây cờ chỉ định ở cuối lộ trình, liên quan đến tuyết và thời tiết. Cờ hình vuông, vàng và đen xen kẽ, có nguy cơ tuyết lở trong phạm vi đó. Cờ đen : nguy cơ tuyết lở khắp nơi. Từ trên cao, qua nhiều con dốc, Khi bị té, không thể đứng dậy, vì đôi giày nặng gần 4 ký trên hai miếng ván. Phải mở khoá, rút chiếc giầy mới đứng lên được. Môn thể thao này dù người giỏi hay dở sơ ý cũng bị té. Khi té hai vai rơi xuống tuyết với một tốc độ mạnh dễ làm trặt xương cổ, gẫy cương chân. Trên băng tuyết cũng dễ bị mây mờ rơi xuống rất nhanh, đứng gần một thước cũng không thể nhìn thấy, lúc đó phải đứng yên một chỗ, chờ xe kiểm soát chạy chung quanh thổi còi báo động, để biết người trượt tuyết ở vị trí nào.

Trẻ con trượt ở dưới chân núi tuyết, bắt đầu từ bốn tuổi, hầu hết đều biết chơi loại thể thao trượt tuyết này.  Chúng biết trượt nhanh hơn người lớn, vì nó không biết hậu quả của những lần té. Rồi kế đến tuổi 15,18 cũng hăng hái ghê gớm, muốn đạt mục tiêu nhanh chóng nên không biết sợ, không biết dè dặt là gì, nên trượt giỏi hơn là người có tuổi. Tất cả các ngọn núi băng tuyết, người ta chỉ làm việc cho bốn tháng mùa đông trong một năm, từ tháng mười hai đến tháng tư. Lên núi tuyết một tuần là đủ, càng lên cao càng thiếu oxygène. Lên ngọn núi cao với điều  kiện : đi dạo, uống trà ngắm cảnh thư giản là tốt nhất .                                                                                                                                                                                    
Môn trượt tuyết đã có từ 4000 năm ( trước Thiên Chúa giáng sinh). Những người sống ở Bắc cực đã hiểu việc di chuyển trên tuyết thật dễ dàng, chỉ cần mang dưới chân những tấm gỗ dài. Ở Pháp, trong thế kỷ vừa qua, nhờ lực lượng đặc biệt (thuộc quân đội) phát triển cách đi này giống như những người Bắc cực hồi xa xưa, dùng một phương tiện để di chuyển. Cho tới năm 1924, với những tổ chức tranh giải thể thao quốc tế mùa đông ở vùng Chamonix (Jeux Olympiques d'hiver Chamonix) môn trượt tuyết lúc này mới được coi như một trò chơi giải trí. Đến năm 1936, môn trượt tuyết chính thức là môn thể thao, trong những cuộc tranh giải thể thao quốc tế. Trò chơi này, được trích ra và biến cải từ những trại huấn luyện chuyên nghiệp của lính dù, được tổ chức với sự an toàn. Bất ngờ trong cảm giác mạnh, làm cho thần kinh dân chơi môn thể thao này đôi khi phải trải qua những thử thách ghê gớm. Môn thể thao này được giới trẻ ưa thích (từ 14 đến 20 tuổi) kể cả một số người lớn. Ở khắp bốn phía của núi Alpes (vùng giải trí thuộc loại mới).

Sau đệ nhị thế chiến, môn thể thao này bành trướng khắp nơi. Những khu trượt tuyết và những dàn dây cáp cơ động, đưa những cabine từ dưới chân núi lên đến đỉnh cao, mọc loạn xạ như nấm trên khắp các đường dốc đẹp nhất của dãy núi Alpes. Kỹ thuật trên hai miếng ván trượt trên đường dốc đều đặn ít đem lại được những cảm giác mạnh. Và để có những cảm giác mạnh hơn, bằng những lần phóng lên, phóng xuống tối đa người ta bèn chế ra những đường dốc dợn sóng (le hot-dog ). Trượt trên một mảnh ván lớn, đó là môn ... surf, người Pháp gọi là kilometre lance' (KL) hay là monoski và môn này đã được phép tham dự tại đại hội thể thao quốc tế Albertville vào năm 1992 .

Nguồn gốc ngọn núi Alpes.
Cách đây 247 triệu năm ( hơi quá xa vời chúng ta) Alpes là một vùng đại dương hoang vu. Những lục địa lúc đó còn dính chùm với nhau, thời gian hưng thịnh của những con khủng long, tranh dành những vùng đất này ... Vài triệu năm sau, xuất hiện hai vết gẫy của những lục địa, dưới mặt nước, từ từ bắt đầu có sự hình thành của dẫy núi này, khi mảng lục địa Phi Châu trôi lại, chạm vào mảng lục địa Âu - Á châu, và trồi lên từ đáy biển dẫy núi Alpes ( cách đây 130 triệu năm). Đại dương tự khép lại, nhường chỗ vĩnh viễn cho dạng núi Alpes ( cách đây 65 triệu năm). Alpes với hình dáng khúc khỉu, gập ghềnh. Vì thế, người ta gọi dẫy núi Alpes là dẫy núi trẻ so với tuổi của dẫy núi Masssif central đã có trước đây 200 triệu năm.

Những nhà khảo cứu địa chất, tìm được những vết tích của ngọn núi Alpes, về đời sống những nền văn minh thời tiền sử, qua những đồ vật được xử dụng hàng ngày. Người ta không nắm chắc về những tập tục, ví dụ như tế lễ vào thời đại đó. Nhưng một "công trình" khá lạ lùng được tìm thấy ở đấy là một khối đá khổng lồ, có đường kính 6 thước, hình dạng như một cái bàn. Trên mặt bằng của khối đá này, còn lại di tích của 82 vết chân người đứng ... Có lẽ đây là di tích còn lại của những lần làm lễ tế thần núi. Đó là sự suy luận của những nhà khảo cổ địa chất, nhưng thật sự có đúng vậy không ? Bí mật vẫn bao trùm trên tảng đá này. Để có thể ngắm nhìn những vết chân lạ lùng này, khách phải có đủ can đảm đi lên, đi xuống khoảng 7 giờ đồng hồ. Tảng đá này ở giữa dẫy núi với cao độ 2750 m .
  Ngoài ra, ngọn núi Alpes còn là sào huyệt của một tướng cướp hào hiệp, chuyên cứu giúp những người khốn khổ. chuyên cứu giúp những người khốn khổ. Vào thế kỷ 18, nạn đói hoành hành cộng với thuế má nặng nề, người dân sống tại vùng Alpes rất khốn khổ. Lúc đó, xuất hiện một nhân vật tên là Louis Mandrin (1724-1755 ) một loại anh hùng Lương Sơn Bạc của vùng núi non. Nhân vật này bất mãn trước số phận của người dân, đã tự nổi dậy bảo vệ những người nghèo khó chống lại chính quyền. Được sự ủng hộ của vài chục người cùng chí hướng, Mandrin đã thành lập một đảng cướp có võ trang đầy đủ, tấn công những đoàn xe thâu thuế, đem phân phát

(Bích Xuân (bên phải) cùng nhóm bạn đồng hành)
cho  dân nghèo. Đôi khi Mandrin cũng giải thoát một số tù nhân. Mandrin đã nổi tiếng nhanh chóng trong lớp người bần cùng. Song song Mandrin cũng bị nhà nước truy nã gắt gao. Không bao lâu Mandrin đã bị bắt và bị lên án tử. Mandrin chết trong đau đớn (căng xác trên bánh xe quay). Vụ này gây tiếng vang lớn, vua Charle-Emmanuel III đã cho cải đổi giảm thuế vụ và tạo cho cuộc sống người dân dễ thở hơn. Dẫy núi Alpes cũng là nơi dung thân của những nhóm kháng chiến chống Đức. Nhờ địa thế hiểm trở, họ đã thành công trong những kế hoạch tấn công du kích.

Dẫy núi Alpes tại Pháp đã chiếm gần 10 % diện tích đất đai của quốc gia Pháp. Nó còn trải dài và lấn qua các nước như Thụy Sĩ, Áo, và Ý tạo thành một dẫy tổng hợp với chiều dài khoảng 1300 cây số. Chỗ hẹp nhất 60 cây số, chỗ rộng nhất là 650 cây số,( tùy theo vùng). Đỉnh núi Alpes, cái "nóc" của Âu châu, người ta gọi là Mont Blanc với cao độ 4807 m. Kế đến là núi Mont Rose, ngọn núi thứ hai, với cao độ 4634 m, Núi Alpes, có một vành đai bao bọc. Vành đai này có tên Prealpes. 

Bích Xuân