Trịnh Hưng và tôi tại Montreal
                                                     Bích Xuân

 
Từ Hoa Kỳ trở về đầu tiên tôi phải làm công việc: lau chùi nhà cửa, quét màng nhện, giặt giũ áo quần v.v…mặc dầu trước khi đi tôi đã dọn dẹp sạch sẽ ngăn nắp. Đi xa gần ba tháng ngôi nhà bé tí nằm sát bên xa lộ, hàng ngày không biết bao nhiêu xe cộ chạy qua lại, nên đã hứng không biết bao nhiêu là bụi đường. Bụi dính trên cửa, trên bàn, trên ghế v.v… Trong lúc làm công việc mà lòng tôi vẫn nhớ: "Những lần phiêu bạt thân đơn chiếc/ Lần lượt theo nhau suốt tối ngày…" nên vừa dọn dẹp xong là tôi hẹn với nhạc sĩ Trịnh Hưng, để bàn về chuyến đi Canada sắp đến.

Nhạc sĩ Trịnh Hưng cách đây 50 năm về trước, chuyên sáng tác những nhạc phẩm canh kê lúa gạo, là quê hương của những người giàu tính thiên nhiên dân tộc, ( Tôi Yêu, Lối Về Xóm Nhỏ v.v…) Ngồi trước mặt tôi bây giờ là một ông già, theo định luật của thời gian. Một  nghệ sĩ ăn mặc xuềnh xoàng "bụi đời". Đầu tóc được chải chuốt, nhưng sao nó cứ xù xù ra thế ! Nhưng tôi chẳng hề khó chịu, tôi chỉ có thói quen đánh giá về  nét duyên  nơi đàn ông, và không biết tự lúc nào, tôi thân thiết Trịnh Hưng như đôi bạn. Tôi luôn luôn dành một khoảng mênh mông trong lòng, cho người nghệ sĩ  này.

Trời tháng ba vẫn còn lớp sương mù, bao phủ thành phố Paris. Văn nghệ đối với tôi một món ăn được hình thành thú vị, trong tinh thần sẵn có. Vì thế Kỷ niệm Đệ Thất Chu Niên của nguyệt san NGHỆ THUẬT được tổ chức tại Montreal, Trịnh Hưng và tôi với tính cách của một cộng tác viên thường xuyên của báo, đến Canada dự đêm văn nghệ kỷ niệm 7 năm thành lập, cũng là để biểu hiệu đồng cảm với  nhạc sĩ Lê Dinh chủ nhiệm tạp chí Nghệ thuật.

Vài năm trước tôi nhận được tạp chí Nghệ Thuật (Canada). Lật coi bên trong, có bài thơ trích từ tập thơ tôi xuất bản. Đó là lần đầu tiên, được một chủ biên trích thơ đăng gởi báo tặng. Và, truyện ngắn đầu tay " Chuyện Cái Diskette" tôi cũng được "khai bút" trên tờ Nghệ Thuật, mang lại những niềm vui bất ngờ khác, tôi thật sự đã hạnh phúc …

Tôi được quen với nhạc sĩ Lê Dinh, do nhạc sĩ Trịnh Hưng giới thiệu. Chỉ nói chuyện qua điện thoại vài lần, ông nhạc sĩ giọng miền Nam mộc mạc, tôi cảm thấy rất dễ chịu… Tôi cố tập cho mình, có được tính nhận xét là không để cho đầu óc rỗng tuếch, có lý do để nghĩ về cảm xúc. Tôi muốn nói đến cách xử sự khoan hòa, tâm lý sâu xa, là những hương chất được tiết tỏa từ tha nhân, ghi vào bộ nhớ mình …

Trên chiếc máy bay Air Canada, đang bay trên chín tầng mây. Làm sao biết được mây chín tầng mà người đời thường hay nói ! Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay, không thấy gì ngoài một đám mây trắng, dày đặc phía dưới. Lúc  đứng dưới đất nhìn trời âm u. Bây giờ ngồi trên máy bay nghe lòng nôn nao,  máy bay chuẩn bị đáp xuống vùng đất tuyết mênh mông, những người chờ đón chúng tôi chưa hề biết mặt…

Chúng tôi bước ra khỏi máy bay, và được rửa giày bằng thuốc khử trùng trước khi đến nơi xuất trình thẻ thông hành. Trịnh Hưng vai đeo cái xách, tay cầm cây guitare đi phía sau, thỉnh thoảng tôi ngoái đầu lại và đứng chờ ông ….cụ  72 tuổi nghệ sĩ này đang bước theo tôi, như muốn chạy mà vẫn không kịp. Chúng tôi đứng sắp hàng theo thứ tự như bao nhiêu người khác chờ xuất thẻ thông hành. Một lát sau không thấy Trịnh Hưng đâu ? Thì ra ông cụ qua đứng hàng kế bên kia. Yên chí khỏi sợ ông đi lạc. Nhưng khi quay nhìn lại thì ông đâu mất rồi ? Tôi thấy ông sang đứng hàng thứ ba, đứng ngay phía trước. Mấy ông tây bà đầm này dễ chịu thật, thấy ông già chen lên đứng phía trước cũng chẳng nói gì…Trịnh Hưng đi ra trước và đứng chờ tôi nơi để hành lý. Thế mới ngon lành…

Cánh cửa vừa mở, tôi và Trịnh Hưng đẩy xe hành lý bước ra, đã nghe có tiếng gọi (giọng đàn bà). Tôi biết ngay là chị Lê Dinh. Rồi hai người đàn ông nữa, tôi cũng đoán được ai là nhạc sĩ Lê Dinh, người đàn ông bên cạnh tự nhiên tôi nhanh miệng một lãng xẹt: "A …chào anh Hồ Đắc Vũ…" Chị Lê Dinh lắc đầu: Bồ Giang Công Tử đó…" Tôi quê dễ sợ ! Chỉ biết chào Bồ Giang Công Tử bằng nụ cười… ruồi.

Bồ Giang Công Tử tức Lãng Tử phụ trách mục "Ngồi quán cóc tán dóc chuyện đời" cùng đi đón tôi và Trịnh Hưng hôm nay, anh Lê Dinh không cho hay trước, nên tôi nhầm Hồ Đắc Vũ là Bồ Giang Công Tử, vì nhìn hình trong báo Nghệ Thuật, hai chàng cùng đeo kính cận, nét mặt hao hao giống nhau, nên tôi nhầm !

Trên xe trực chỉ về nhà nhạc sĩ Lê Dinh, Trịnh Hưng đặt nhiều câu hỏi, với anh chàng Bồ Giang Công Tử, lời đâu lắm thế….bây giờ mới thấy ông TH khoẻ re, không như ngồi trên máy bay cứ gật gù như gà bị trúng nước. Xe không chạy thẳng về nhà mà ghé vào quán phở. Trong khi chờ ca sĩ Huyền Châu đến, anh Lê Dinh đưa cho chúng tôi coi 3 tờ chương trình, trong đó có những ngày chúng tôi cư ngụ tại Montréal, chương trình của buổi văn nghệ đêm thứ bảy 7 –4 –01 và bản ghi với những di tích lịch sử do Lãng Tử sưu tầm, để chúng tôi biết "vài nét về thành phố Monréal" . Điều gây cho tôi chú ý, là tờ dự thảo chương trình những ngày tôi và nhạc sĩ Trịnh Hưng lưu ngụ tại đây, bắt đầu từ ngày 5 đến 18/4. Mỗi sáng, trưa, chiều tối, giờ giấc, cũng như những buổi điểm tâm dùng món gì tại đâu. Sẽ gặp những ai, và viếng thăm thắng cảnh Québec, Montréal được ghi rõ v.v…Như rứa là hôm nay 5/4 ngay trang đầu chương trình đã ghi : 12 giờ đón tôi và Trịnh Hưng. 13 giờ 30 ăn phở tại nhà hàng Victoria. Về nhà nghỉ ngơi. 18 giờ dùng cơm tối nhà hàng Tam Tam. 21 giờ: 30 Lên núi Vương Sơn ( Mont Royal) xem thành phố về đêm…

Qua đêm hôm sau, chúng tôi được thưởng thức món bún bò Huế, tại tư gia của đôi nghệ sĩ Huyền Châu và Lãng Tử, tức Bồ Giang Công Tử, trong mục "Ngồi quán cóc nói dóc chuyện đời" mà tôi vẫn khoái. Chiện nói dóc mà mình thích mới lạ ! Món bún bò Huế là món nghề của nàng. Nàng đây là "tôi" một cây nấu món bún bò Huế rất quê hương mà phải đầu hàng cô ca sĩ gốc Bắc này. Kỷ niệm buổi tao ngộ, bằng hương vị đậm đà, bún bò giò heo, vừa cay vừa ngọt, vừa có tí tị mùi mắm ruốc, mùi hành lá trong tô bún bay ngang. Nghệ thuật tạo miếng ăn là phải thực hành. "Thực" đây là ẩm thực, vừa ăn uống vừa nói chuyện, mới sáng thêm chân lý nghệ thuật…ăn. Nhân dịp này tôi được gặp nhà văn và cũng là hoạ sĩ: Hồ Đắc Vũ, Lê Thái ( đài Tiếng Nói Việt Nam ) nhạc sĩ tây ban cầm Duy Ngọc v.v… Họa sĩ Hồ Đắc Vũ chải tóc ngược hết ra phía sau, nét mặt đăm đăm trông rất "ngầu" giống nam tài tử chính trong phim "Người tình". Lê Thái phụ trách đài phát thanh, có mái tóc chải một bên trông rất lãng mạn lả lướt, như điệu Tango trong bài La Cumpascita của Geraldo Martos Rodriguez ! Ít nói, nhưng thỉnh thoảng anh chen vào một vài câu rất ý vị. Đúng là dân của đài phát thanh…Đến Duy Ngọc người đệm đàn tay ban cầm. Trời ạ ! sao nghe tiếng đàn guitare, du dương quyến rủ tôi đến thế !… Tôi mà như Duy Ngọc tôi sẽ tập cho các… em gái thành ca sĩ hết…..

Đêm văn nghệ Kỷ niệm tạp chí Nghệ Thuật tròn 7 tuổi. Không phải kỷ niệm những gì buồn vui trong 7 năm làm báo, mà kỷ niệm những gì đã qua, không bao giờ trở lại nữa. Tôi nhìn phong độ ung dung thư thái của nhạc sĩ Lê Dinh, hẳn đã sắp xếp đâu vào đấy, nên chẳng thấy anh bận rộn bất cứ chuyện gì, bao giờ cũng giữ một nụ cười lịch thiệp trên môi, nhìn các loài hoa trên sân khấu, đang làm đẹp mùa xuân. Ngồi cạnh tôi nhà văn Hồ Đắc Vũ, nhà thơ Nguyễn Bá Dĩnh, cùng bà xã Thuỷ Trang và Lê Thái. Nguyễn Bá Dĩnh trông anh rất hoạt bát, nhanh nhẹn…Hoàng Lê đi ngang qua, lúc nào cũng có nụ cười  trên môi. chào nhau bằng cái vẫy tay. Ngồi dưới sân khấu nghe Bà Lê Bạch Lựu, đọc thơ chúc mừng Nghệ Thuật. Rõ ràng thi ca chẳng buông tha một ai, khi trong tâm hồn đã có dòng cảm xúc. Ban nhạc Đại Dương, do gia đình nhạc sĩ Phi Hùng phụ trách. Hai cô con gái thay phiên nhau sử dụng nhạc khí, organ, trống, guitare v.v…. Hôm dợt nhạc với nhạc sĩ Phi Hùng, gặp cô đầm Lily Doiron gốc Canadien trăm phần trăm, hát bài: "Tiếng hát chim đa đa" của Võ Đông Điền và "Nhớ em lý bông mai" của Kim Tuấn. Tôi phục sát đất, nhất là tiếng láy và cách phát âm rõ ràng của cô. Hèn chi năm 1994 cô đã trúng giải nhất, trong buổi tuyển lựa ca sĩ tại Montréal, do nhạc sĩ Lê Dinh tổ chức. Và, Lê Duy. Chu choa ! anh chàng MC đang giới thiệu chương trình, văng vẳng theo làn hơi tròn trịa âm ấm, gây sự chú ý người ta, trong không khí nhộn nhịp vòng quay, và nét nghệ sĩ hoạt bát, là một yếu tố để thành công trong vai trò MC dễ chiếm trọn vẹn cảm tình của khán giả.

Để biết hôm nay sẽ có chương trình gì, tôi coi thời khóa biểu ghi sẵn, trưa nay tôi và Trịnh Hưng sẽ có mặt trong quán cóc của cô Tư Hồng Ngự, để nghe 6 vị trong tấm hình vẽ trên trang báo, nói dóc, nói phét ai mà chả khoái... Trước khi đến quán cóc tôi dặn Trịnh Hưng, chuẩn bị tinh thần để nói…phét ! Trịnh Hưng có vẻ tự tin. Thấy Trịnh Hưng cầm ly nước tôi hỏi :

- Nè, uống gì mà nước…vàng khè vậy ?
Trịnh Hưng nói uống thuốc bổ. 
- Chớ không phải v..i..a..g..r..a… hả !
Trịnh Hưng nạt ngang:
- Đâu phải loại này….
Tôi nôn nóng:
- Ủa ! "nó" ra làm sao ? Cho "tui" coi viên thuốc đó được không ?
- Lát nữa ra quán cóc mà hỏi…

Chúng tôi đến quán cóc của cô Tư Hồng Ngự. Mọi người cùng vào một lượt, đúng giờ. Tôi thầm nhủ: mình là người từ Phú lang sa đến phải biết câu"Nhập gia tùy tục". Người ngồi đối diện tôi, được anh em trong quán cóc gọi ông Lang Tây, là người cứu nhân độ thế. Ôângbác sĩ này có nét mằn mặn nghệ sĩ lắm…, dù ông trong bộ "com lê" rất lịch sự. Tôi nghe anh em gọi anh chàng ngồi bên cạnh tôi làLâm . Anh này trẻ nhất, coi bộ con nhà giàu…học giỏi. Tôi đoán không sai, hiện anh là thầy cãi. Trịnh Hưng trổ tài nói dóc ngay. Anh  họ Lâm ú ớ…cãi. Rứa là 1/ 0. Tôi tiếp lời Trịnh Hưng để tấn công…Tôi nói tôi chỉ thích cái lỗ…mũi của Lâm thôi… Mấy người không biết chi hết trơn. Quí tướng hiện trên đường mũi to, biểu hiệu sự vinh quang phú quí…Cái mũi làm sao thì..thì "cái…nớ " như dzậy…Chàng Lâm nghe nói có lý quá, khoái tỉ cười hả hê không cãi. Phe ta ( Paris) sơ sơ 2/ 0 . Lại được thêm sự hỗ trợ của cô Tư Hồng Ngự và ca sĩ Huyền Châu cũng rất "mặn"cho thêm vào. Tôi quay nhìn Trịnh Hưng, ông cười hô hố lộ hai hàm răng ông ra, tôi thêm yên tâm. Ông ngầm ra dấu chỉ Bồ Giang Công Tử… xơi luôn. Tôi nhìn qua"công tử" mắt lim dim vò vò ly rượu, với dáng điệu lạc phách giang hồ, và "hồng diện" bừng bừng da thịt, cười khì khì mà coi bộ lầm lì "mặn" dữ quá ! Chắc chắn là dòng "nòi tình" nên tôi hơi…ngán, chỉ khẽ ê a ngâm : Hơi rượu mơ hồ qua khóm tre/ Ai kia như mắc kẹt… trong khe. Bồ Giang Công Tử ngồi tít góc bên kia không nghe lọt, chỉ có Lê Thái nghe xong cười ha ha. So vơí Bồ Giang Công tử, Lê Thái khác xa một trời một vực, ốm…teo. Bên trong không biết sao, chớ bộ vó bề ngoài thấy chưa đủ "mặn".  Tôi lại để ý thấy Đại ca thuần phát mà phong lưu tài tử, đang nghiêng nghiêng cười… khoái trí. Nụ cười xa xa vô thưởng vô phạt, lúc ẩn lúc hiện…Một lần gặp gỡ nơi đây, chiện nói phét tiếu lâm, hào hứng sôi động cho có …nghệ thuật.

Đại ca chuyển qua đề tài về hai cuốn sách: "Đất quê ngoại" và "300 chuyện cười" của nhà văn Trà Lũ, tổ chức ngày 15/4 tại Montréal. Tất cả chúng tôi sẽ có mặt. Tôi bắt đầu say say, lung linh một màu vàng yến trước mắt, mấy cái tựa sách về ĐẤT: Đất Hạnh Phúc, Đất Mới, Đất Hứa, Đất Thiên Đàng, Đất Yêu Thương, Đất Lạnh Tình Nồng, Đất Quê Ngoại v.v… Vậy "cha" nhập môn trong nghề văn, bắt đầu khi đến vùng đất Canada, nên mới có mấy tựa sách: Đất Mới, Đất Hứa, Đất Thiên Đàng. Riêng vùng Đất Thiên Đàng rõ ràng cha ni… xạo. Chắc gì trên Đất Thiên Đàng ấy có món thịt tái…dê, có bờ hồ, có cây rũ lá xuống nước, có xóm tre xào xạc trước cổng nhà… lầu ngát hương trà, say nồng men rượu ! Rồi tới Đất Yêu Thương là cái chắc, vì sách  được độc giả khắp nơi đón tiếp nồng hậu quá mờ…gọi cha vì lúc xưa  Trà Lũ, cha ở trong nhà dòng Chúa cứu thế .

Nghe nói đến Canada là thấy những đống tuyết trước nhà. Đất Lạnh Tình Nồng, Đất Lạnh dĩ nhiên rồi. Tình Nồng cũng dĩ nhiên nữa. Tiình bạn ai mà nói Tình Nồng, chỉ nói tình bạn thân quí thôi.  Đọc tựa sách Đất Quê Ngoại, chắc tác giả muốn ngày nào đó sẽ trở về vùng đất quê ngoại hơn bao giờ hết.

Sau đêm văn nghệ kỷ niệm tờ báo Nghệ Thuật. Hai tuần ở Montréal và những chuyện liên miên tiếp diễn. Tôi và Trịnh Hưng được đi xem thắng cảnh ở Québec, phố cổ Montréal trong một ngày có mưa gió. Tôi thích có những cái dịu vợi của mây trong cơn mưa nó có cái gì lạ lùng dưới vòm trời xa lắc. Và, những tiếng cười, tiếng đàn, tiếng hát, mối giao tình tôi với các anh chị em văn nghệ càng thắm thiết hơn, nhất là chị Lê Dinh và Huyền Châu cảm hoà từ tâm linh dễ mến. Nhờ bàn tay đảm đang của hai chị, "không phải năm ngày một tiệc lớn, ba ngày một tiệc nhỏ, mà là mỗi ngày một tiệc nhỏ…" nên hai ông chồng sống trọn vẹn đời nghệ sĩ của mình. Trong hai tuần ở Montréal tôi và Trịnh Hưng ngày nào cũng được đưa đi chơi. Anh  Lê Dinh rất nguyên tắc, đã lập ra chương trình, dù no cũng phải …ăn, mệt cũng phải đi…chơi. Ấy vậy khi đi thì hết mệt. Không đói mà ăn vẫn thấy ngon, do sự ân cần thật tâm của chị Lê Dinh.

Mỗi buổi sáng tôi mở toang cánh cửa sổ, để nhìn qua ngôi nhà trước mặt. Sáng nào như sáng nấy, cũng người đàn bà đứng lau chùi cánh cửa chính. Tôi chợt nghĩ phải chi người đàn bà biến thành…đàn ông để lòng tôi gợi ý thơ ! Và, đi đâu rồi cũng phải về nhà, sau khi "phiêu bạt" đó đây. Đi chơi cũng là một nhu cầu rất đời rất người, và cũng là điều mơ uớc. Đi cho biết đó biết đây, biết chiện đời, biết lòng người nghệ sĩ, biết nhà giàu nhà nghèo bật ra đầy đủ tính cách …Nhưng cái thú vị đệ nhất "ăn chơi" không phải là sự hưởng thụ, mà cuộc đời có được sự ưu ái, đó là điều an ủi. Tất cả ghi lại đây với những lời mộc mạc mới diễn được cái tình đầy đủ khi lòng xúc động. Thật quí báu biết bao, với những tấm lòng rộng mở với người nghệ sĩ, như gieo được một câu văn tình cảm, vần thơ hay…Không riêng gì tôi, khi gặp gỡ nhau ở đây, đã để lại kỷ niệm, mà kỷ niệm là những tiếng vang chung quanh, trong tình tri kỷ kết đọng trong con người. 

Tôi ngồi sau xe cùng với mớ hành lý, anh chị Lê Dinh đưa tôi ra phi trường về lại một nơi thuộc về của tôi. Nhưng tôi chưa về. Tôi còn đi nữa…Tôi đổi máy bay tại Toronto để qua Hoa Kỳ. Ông Trịnh Hưng bay thẳng về Pháp. Tôi không biết bao giờ sẽ trở lại nơi đây nữa, để đứng dưới ánh đèn sân khấu, hát những bài ca nhẹ nhàng, tha thiết  trong "Đêm nguyện Cầu, Một cõi riêng ta, Cảm ơn v.v…" của Lê Dinh. Không đơn giản hát, khi biết có ông nhạc sĩ ngồi dưới sân khấu, chăm chú nghe từng lời, từng nhịp phách và cách phát âm, phải rõ ràng không được nuốt chữ. Tôi rất hứng thú chú trọng đến lời nhạc lúc ca cho được đậm đà, để gây cảm giác cho người nghe. Và, chắc chắn tôi không quên những đêm văn nghệ khoan hoà, những ngày hồn nhiên tại Montréal lần thứ nhì này.

Tôi quay nhìn ngược lại thành phố, thành phố dần dần thu ngắn lại, đang xa dần trong đám sương mù tím úa, và cổng máy bay nhấp nhóa sáng lòe…Thầm thì tôi ngân lên bài ca hạnh phúc, trong niềm say mê thầm lặng, cùng tâm hồn tôi đến kiệt cùng, để san sẻ, để chia sớt những buồn vui trong đêm sâu. Mơ màng tôi thấy mình bay lên, bay mãi lên tít vòm trời. Còn gì nữa ngoài sự bồi hồi…

   Bích Xuân