_


_

Thăm viếng Berlin

 Bích  Xuân

Cô tiếp viên của hãng hàng không Berlin Airline, đội mũ đỏ, khăn choàng cổ cũng màu đỏ báo tin chiếc máy bay đang chuẩn bị đáp xuống phi trường Telgal Berlin. Hai cánh và đuôi máy bay cũng màu đỏ đáp xuống phi đạo một cách nhẹ nhàng trong buổi tối sương mù của mùa đông lạnh buốt.
(Một miếng tường bể của Berlin qua nét vẽ của một họa nhân, gắn trước Viện bảo tàng)
Bước ra khỏi nơi lấy hành lý, tôi đã trông thấy cô bạn Thanh Tâm và người đàn ông (chưa từng biết) chờ sẵn. Người đàn ông khỏe mạnh khoảng 45 tuổi, áo quần đơn giản, nét mặt chững chạc, đầu láng bóng không  một…sợi tóc, nhưng có nụ cười dễ mến. Tôi ôm Thanh Tâm mừng rỡ, và bắt tay chào người đàn ông bên cạnh. Thanh Tâm giới thiệu: Anh Hai là ông chủ em...Tôi thoáng chút ngạc nhiên ! Tôi sẽ nói về anh Hai, ông chủ của Thanh Tâm  ở đoạn sau. Tôi đưa ngay cái xách cho Thanh Tâm trong đó có 20 ổ bánh mì thịt đặc biệt của Khai Trí ở Paris. Dân Việt ở Đức, Anh, Bỉ, Hòa Lan, ngay những nguời ở các tỉnh trong nước Pháp khoái  ăn bánh mì thịt của Khai Trí thế mới lạ ! Mỗi lần đến Paris, lúc về, họ mua cả xách, mà bánh mì Khai Trí đâu có rẻ, 3 euro một ổ, vậy mà người ta đứng sắp hàng ra đến tận cửa…

Từ Pháp đến Berlin thủ đô của nước Đức chỉ mất 1giờ 50 phút bằng đường máy bay, vậy mà hôm nay tôi mới đi và lòng  cảm thấy rất phấn khởi. Tôi đi Berlin lần này vì tò mò, muốn biết hai mươi năm sau đông Đức bây giờ ra sao. Khi nói đến đông Đức là người ta nghĩ ngay đến bức tường bằng bêton trong bọc sắc của Berlin, một biểu tượng Cộng Sản của đông Đức. 
(Tác giả đang chụp  hình bức tường Berlin)
Tôi là người khách du đến Berlin rất trể, và cũng là lần đầu tiên đến Berlin, sau khi dân tây Đức làm lễ kỷ niệm hai mươi năm bức tường Berlin sụp đổ (1989-2009). Đến muộn, nhưng bức tường bêton vẫn chưa biến mất, tường còn giữ lại một dàoạn tượng trưng dài 20 mét để khách du chụp hình kỷ niệm. Tôi được ông Hai và Thanh Tâm ( trước kia làm việc ở Đông Đức) đưa đi xem những thắng cảnh lịch sữ. Đi đến đâu ông Hai cũng kể lại với giọng bồi hồi xúc động, khi xưa ông đứng phía đông nhìn sang bên tây mà tưởng tượng đủ điều…
 Chúng tôi đến Brandebourg. Thành Brandebourg là cửa chính của ranh giới giữa đông và tây Đức. Cổng làm bằng những cột tròn, cao to ( như kiểu Hy Lạp). Bước qua khỏi những cây cột lớn là phía đông, du khách sẽ thấy có hai người lính gát thành ngày xưa: Lính Mỹ, và lính Nga. Lính Mỹ cầm cờ hoa Mỹ, lính Nga cầm cờ đỏ lưỡi liềm. Hai ông lính đứng trên một bục gỗ lớn để du khách chụp hình kỷ niệm. Mỗi lần chụp hình phải trả 2euro.
 (Tác giả trước thành Branbebourg Berlin)
Đi quanh một đoạn đường, ông anh Hai tự nhiên nói : « Chỗ này nè, trước đó tôi thường ra đứng đây nhìn mấy chục ông lính gát cỗng và nhìn bức tường « đã đời » rồi quay về… »
Nhìn chung quanh, nhà cửa phía đông Đức mới mẻ, sạch sẽ, ngăn nắp, nhiều ngân hàng, nhiều tiệm máy móc của Nhật. Đây là nơi đông du khách ngoại quốc, nhưng không thấy người bán dạo hàng rong, tôi thấy một cậu con trai 12, 13 tuổi đứng nhúng cây nhựa vào chậu nước, rồi đưa lên môi thổi nhẹ, những hình tròn bong bóng lấp lánh dưới nắng vàng, nhẹ nhàng bay bổng lên cao trông thập đẹp mắt.

Đi trở lại ra phía trước cửa thành Brandebourg, băng ngang qua con đường xe hơi phía trước, thấy ngay một hàng thánh giá màu trắng trên hàng rào. Cây thánh giá, có tấm hình ghi rõ ngày tháng năm sinh, cũng như ngày mất của người quá cố. Nạn nhân trẻ cuối cùng của bức tường Berlin chỉ 20 tuổi. Đây là con đường có nhiều khách ngoại quốc qua lại, và cũng là nơi để tưởng nhớ 1 008 người bị giết khi vượt tường Berlin (tường cao 3,6 mét) nhưng cũng có 57 người được thoát qua đường hầm trong ba ngày, nhờ 37 sinh viên ở đông Đức đào một đường hầm dài 300 mét, chiều sâu 12 mét trong thời gian 6 tháng, nhờ có sự  trợ giúp của những người tây Đức, đào đường hầm từ phía ngoài bức tường. Lính  giữ biên giới tường Berlin bị giết chết 27 người.

Ông Hai đưa tôi đi thăm con đường nhỏ sát tường Berlin cũ (bây giờ một miếng đất bằng phẳng) bức tường Berlin dài 155 km,  cao 3,6 m, cứ 2 km có một chòi canh (có tất cả 302 chòi canh) 600 chó dữ. Sau bức tường Berlin là hàng  rào kẻm gai,  có thêm một bức tường bêton nhỏ cao 3 thước nữa. Tổng số người trốn thoát khỏi đông Đức là 5 043 người.
 Đông Đức bây giờ khu phố nào cũng đông đúc người và nhà cửa tân thời, phố xá tấp nập. Ông Hai nói sau hai mươi năm, đông Đức đổi mới hoàn toàn, làm gì có những ngôi nhà làm bằng gỗ mục của đông Đức trước kia. Muốn biết thì vào Viện bảo tàng mà xem những hình ảnh cũ…

Hôm sau, tôi đến thăm một trạm gát khác nữa (trạm gát còn giữ nguyên) Trạm gát này trước kia được kiểm soát bởi lính Mỹ và lính Nga. Trên con đường chính này, khách du sẽ nhìn thấy tấm hình của hai người lính Mỹ và lính Nga, dựng từ trên cao từ năm 1994 để phân biệt ranh giới. Hình lính Mỹ hướng về tây Đức, sau lưng tấm hình lính Mỹ là hình người lính Nga, phía đông Đức.
(Hình lính Mỹ để phân biệt ranh giới Tây và đông Đức)
Tường Berlin dài 155 km, trước kia có 7 trạm canh gát, trạm gát do lính Mỹ và lính Nga kiểm soát là trạm số 5. Hôm nay, tôi đang ở tại trạm số 5, nơi trước kia Hitler duyệt binh. Phía sau trạm gát số 5 là thành phố đông Đức hiện đại, tân thời. Viện bảo tàng về bức tường Berlin. Những mãnh vụn của tường Berlin, qua nét vẽ tài hoa của các họa sĩ,  được gắn trước cửa Viện bảo tàng.

Hình ảnh triển lãm kỷ niệm 20 năm tường Berlin sụp đỗ, còn trên con đường biên giới, nối liền giữa đông và tây Đức là đường Friedrichstrabe. Khách ngoại quốc đổ về đây rất đông. Bên lề đường, có những gian hàng bán dạo áo quần, mũ, nón của lính Nga. Cũng nằm trên đường Friedrichstrabe này, khách đi bộ lần lên phía trên chừng năm phút, nhìn về phía trái có tòa nhà gạch đỏ là toà án, kế bên toà án là nhà tù. Nhà tù đập vỡ hết, bây giờ chỉ còn lại nền nhà trống trơn. Sát bên  cạnh nhà tù, có từng ô vuông cũng màu gạch đỏ, những ô vuông là nơi của những người bị tử hình ngay bên chân tường Berlin, còn lại dấu vết xưa để tượng trưng.
Bên cạnh khoảng đất trống gần kế bên, những bức hình của Hitler cũng được phóng lớn để triển lãm những hình ảnh này một thời làm cả thế giới kinh hoàng. Cũng tại nơi đây là trung tâm những buổi lễ của Hietler ngày xưa. nay chỉ còn dấu tích cũ  qua hình ảnh và sự vật. 
 (Miếng tường  Berlin qua nét vẽ của họa sĩ )
Kỷ niệm 20 bức tường Berlin, dân Đức làm bức tường berlin bằng một loại xốp nhẹ. Những miếng tường đặt ngay trên con đường dài 30 thứớc. Miếng tường đầu tiên ngã xuống, đụng tường thứ hai, tường thứ hai đụng vào tường thứ ba, thứ tư, thế là mấy chục bức tường ngã xuống cùng một lúc, nhưng còn 3 miếng tường cuối cùng không ngã, mọi người la ó lên : Cuba, Bắc Hàn, Trung Quốc …Lạ thay, hai miếng tường tiếp tục ngã xuống, còn lại một miếng không ngã. Bỗng có người hét to : Trung Cộng chưa chịu ngã...
 Trưa hôm sau, chúng tôi lên một tầng lầu cao của tour Berliner Fernsehturm. Tour Berliner Fernsehturm là nơi phát sóng truyền của đông Đức, có chiều cao 368m. Tour quay tròn để du khách đứng trên nhìn xuống, thấy được hết chung quanh vẽ đẹp của thành phố đông Đức sau năm 1989. Nhưng tôi vẫn thích thành phố tây Đức với nét đẹp cổ kính hơn. Tiếp theo sau đó, tôi đi xem nhà thờ « mất đầu » lâu đài bị bể « ngực » hư hại vì chiến tranh trong đệ nhị thế chiến.

 Một đêm thức giấc, người tây Đức sang đông Đức kinh hoàng không được trở về lại tây Đức. Vì sao phải xây bức tường Berlin ?  Tại sao đông Đức trở thành Cộng Sản năm 1961, rồi 28 năm sau, tường đông Đức Berlin sụp đổ ?
(Một du khách trẻ đang xem hình triển lãm)
Có hai lý do để xây tường Berlin.
1- Lý do về kinh tế : Nhiều người ở đông Đức dời nhà qua ở tây Đức.
2- Bên cạnh tây Đức là đông Đức khu vực của Nga.
Sau đệ nhị thế chiến (1945) nước Đức có bốn khu để tu sửa lại do bốn nước Nga, Pháp, Anh và Mỹ mỗi nước phụ trách một khu. Khu vực đông Đức là của Nga cũng là khu  lớn nhất trong bốn khu.
Từ năm 1954-1960, những người tài giỏi tại đông Đức từ từ dọn sang ở tây Đức. Trong đó gồm 4 600 bác sĩ, 738 giáo sư  đại học, 15 536 kỷ sư kỹ thuật, 36 759  người có trình độ cao, trong đó có những người trong Hàn lâm viện, và 11 705 sinh viên đều rời đông Đức sang tây Đức .
Tôi cũng được đến xem phòng họp của các chính trị gia trước kia để quyết định xây tường Berlin, đó là một lâu đài để nghỉ hè của gia đình qúi tộc của người Áo. Tòa lâu đài trong một khu rừng vắng ở tây Đức. 
(Trạm gát tường Berlin xưa của lính Mỹ còn hôm nay)
Đêm 22-8-1961, đông Đức trở thành khối Cộng Sản đông Âu, dưới sự cai trị của đãng Cộng sản Liên Sô. Đông Đức trước năm 1989, dân số 1279 212 người. Trong suốt 28 năm Cộng sản Liên Sô ôm giữ đông Đức, kinh tế đông Đức không khá hơn mà vẫn nghèo  trong khi tây Đức mỗi ngày càng giàu mạnh, ngày 9-11-1989. Bức tường Berlin sập đổ, chính quyền đông Đức cũng sụp đổ theo.

Nói đến đông Âu mà không nói đến người Việt là điều vô cùng thiếu sót,  tôi được hai cô bạn gái đưa đến khu chợ Đồng Xuân của người Việt tại đông Đức được thành lập sau 1989. Khu đất này chủ nhân người Việt xây dựng lên để đồng hương có nơi sinh hoạt buôn bán, đa số là dân miềm Bắc. Chợ mỗi ngày làm thêm ra. Trong chợ không chỉ là người Việt mà còn có người Tàu, người Ấn Độ, người Trung Đông...Chợ có tiệm hớt tóc, tiệm làm móng tay, tiệm xâm mắt, xăm môi….
Người Việt sinh sống ở tây Đức sau 1989, có giấy tờ nhập cư  đa số là mở nhà hàng ăn, có bán thêm món Sushi, ở Berlin có 280 tiệm bán Sushi. Ngoài ra số người Việt còn buôn bán thêm ở chợ Đồng Xuân tại đông Đức. Người Việt tập trung nhiều nhất là ở tây Đức

Có 120 000 người Việt ở Đức, số có giấy tờ chính thức 88 200 người, sống rải rác trên toàn liên bang Đức, số còn lại kể như sống bất hợp pháp.
( Trong nhà hàng Suhsu thứ hai của Mrhai)
Bây giờ xin vài dòng về ông Hai mà đoạn trên tôi đã nhắc đến. Ông Hai cái tên nghe thật bình dân và dễ nhớ, ông người gốc miền nam, nhìn ông dễ thân thiện.  Ông Hai từ Sài Gòn đi theo diện hợp tác lao động ở đông Đức một năm. Năm 1989, ông Hai cùng đoàn người đông Âu chạy sang tây Đức. Ông Hai là một trong những người Việt thành công về món Suhsi tại Berlin. Hiện ông là chủ nhân 3 nhà hàng Sushi Mrhai, với 80 nhân viên, 30 món Sushi khác nhau.  Tháng năm sắp tới, ông Hai sẽ khai trương thêm một Sushi MrHai thứ tư nữa.  Các tờ báo tây Berlin từng khen ngợi các món Sushi và nhất là sự thành công nhanh chóng của MrHai .

 Tôi đi thăm ba nhà hàng Sushi MrHai. Bước vào bên nhà hàng là thấy ngay tấm hình lớn với cái cái đầu…trọc bóng láng của ông Hai treo trên tường. Hình ảnh chỉ từ đầu đến mũi (không có miệng) nhưng khách cũng thấy  đôi mắt MrHai đang cười với mọi người. Tấm hình nghệ thuật này là logo nhà hàng Sushi MrHai. Ba nhà hàng Sushi, trình bày mỗi cách khác nhau, chứng tỏ ông có cả một ê kíp về kỹ thuật cũng như cố vấn đang làm việc với ông. Bên trong nhà hàng, trình bày hiện đại, sạch sẽ, đẹp, có tổ chức. Nhưng ngay cách cửa chính, trước cửa tiệm, ông Hai đều để tượng Phật thật lớn. Có tiệm Phật Thích Ca, tiệm thì Phật Quan Âm, khói hương nghi ngút, tiệm Sushi khác thì thờ ông Địa với cái bụng to tổ chảng, miệng cười toe toét. Không biết tiệm Sushi thứ tư, ông Hai sẽ trưng bày hình tượng gì ? 
( Nhà hàng  Suhsi thứ hai Mrhai)
MrHai vừa là tiệm ăn, vừa là bar nên rất đông khách, hầu hết khách là người đức Đức và khách ngoại quốc, không thấy có khách Á châu. Tôi thấy người Đức ăn xong là đứng dậy ra về liền, không như người Pháp bữa ăn của họ 3 tiếng đồng hồ.
Được thành công ngày hôm nay, nhờ ông Hai chịu khó làm việc 10 năm, trong một nhà hàng Sushi của Nhật đầu tiên ở Berlin. Sau ông ra mở tiệm và sáng chế thêm những món Sushi khác lạ, thơm ngon hơn, nhưng truyền thống món Sushi của Nhật, ông vẫn giữ để làm căn bản. Ông Hai cho biết cảm tưởng : Hai mươi năm trước, ông đã từng làm việc trong nhà máy sản xuất vật liệu xây nhà « một công việc tận xương tủy » và sau bức tường Berlin sập đổ, chuyện ông đi rửa chén, phụ bếp, dọn dẹp trong nhà hàng là chuyện nhỏ. Rồi hai mươi năm sau, ông không thể tin tưởng mình có được sự thành công như hôm nay.

Mr Hai cũng đặc biệt, chỉ chọn những người điều hành, trông coi nhà hàng của ông là những người trước kia từng làm việc trong nhà hàng ông. Tôi ngạc nhiên lẫn thán phục khi Mr Hai giới thiệu, một người phụ nữ nhanh nhẹn, tóc túm lên cao, trên 40 tuổi, nhưng vẫn còn giữ lại nét đẹp của chân quê. Vừa chạy bàn tiếp khách, vừa hướng dẫn nhân viên, từ bar rượu đến phòng ăn, chị chính là Giám đốc của nhà hàng sang trọng giữa trung tâm thủ đô Berlinnày. Và Thanh Tâm đi đón tôi ở sân bay cũng là một Giám đốc thứ hai của Sushi MrHai. Mr Hai tâm hồn rất nghệ sĩ và hiếu khách. Xin có vài dòng giới thiệu với đồng hương, một người Việt đã thành công tại Berlin. Xin mời vào trang web : www.mrhai.de
           ( Ông bà Mr Hai và Thanh Tâm (giữa)
Cảm ơn Mr Hai, Thanh Tâm, và Hà đã lo cho tôi thật chu đáo, để tôi có một cuộc viếng thăm nhiều ý nghĩa và đầy ắp  kỷ niệm thân thương, trong những ngày êm ái vừa qua tại thủ đô Berlin…
 

Bích  Xuân
bichxuanparis@yahoo.com