Một thoáng Mexico
Bích Xuân
Video, hình ảnh và bài viết

                                                      
                

Từ Paris tôi đến Long Beach, California để lên thuyền Carnival Splendor du hành về miền biển Mexico đầy nắng gió.

Du thuyền khởi hành lúc năm giờ chiều nhưng khách phải có mặt ở bến tàu một giờ trưa theo qui định. Chúng tôi đậu xe trong parking ở bến tàu suốt thời gian du lịch, phải trả với giá 15 dollas mỗi ngày, có nơi 20 . Hành khách sắp hàng chờ làm thủ tục, cuối cùng qua trạm kiểm soát hành lý, có máy rà người giống như ở phi trường, những hành khách ngoại quốc xét kỹ hơn.

Trong tàu Carnival Splendor như một thành phố nhỏ nổi trên biển, đầy đủ các tiện nghi. Chiếc Carnival chứa 3,600 hành khách, và 1,300 nhân viên, kể cả đoàn thủy thủ. Nhân viên phục vụ đa số là người Ấn Độ, Mễ Tây Cơ, Mã Lai…Trên tàu có 1,503 phòng, 60% phòng có cửa kính nhìn ra biển, nếu chọn loại phòng không có cửa sổ, rẻ được 200 đô. Phòng trên tầng cao là mắc nhất.

Tàu có dịch vụ giữ trẻ em, giặt ủi áo quần, bệnh viện và bưu chính. Có nhiều hoạt động khác như ca, kịch, casino, disco, bar piano, trò chơi, thư viện, phòng tập thể dục thể thao, phòng tắm hơi, shuffleboard, thể dục nhịp điệu, chạy bộ, bơi lội, bóng chuyền, bóng bàn, sân golf, massage đá nóng, châm cứu, chăm sóc da mặt, chương trình giảm cân, làm móng tay, móng chân và làm tóc…
Mexico dùng quân đội để bảo vệ du khách và những hải cảng có tàu du lịch .

Du khách chờ lên tàu

Bước lên chiếc du thuyền to lớn, với một cảm giác khoan khoái, lâng lâng, tôi như bay bổng sau mấy tiếng đồng chờ đợi ở bến tàu chờ đợi.
Tàu ra giữa biển, hành khách ùa ra boong tàu hưởng cảnh trời nước bao la mênh mông xanh biếc. Chiếc tàu màu trắng với ống khói có ba màu đỏ, trắng, xanh, nổi bật trên nền xanh của biển. 

Carnival Splendor là chiếc du thuyền lớn nhất của hãng Carnival Cruise Lines (CCL), ra đời năm 2008. Mỗi năm vận chuyển 3 triệu hành khách trên toàn thế giới. Hãng Carnival Cruise Lines hoạt động tại Anh, Đức Ý, Pháp, Tây Ban Nha và Úc.

                                                                           Carnival Splendor

Trong tàu Carnival Splendor như một thành phố nhỏ nổi trên biển, đầy đủ các tiện nghi. Chiếc Carnival chứa 3,600 hành khách, và 1,300 nhân viên, kể cả đoàn thủy thủ. Nhân viên phục vụ đa số là người Ấn Độ, Mễ Tây Cơ, Mã Lai…Trên tàu có 1,503 phòng, 60% phòng có cửa kính nhìn ra biển, nếu chọn loại phòng không có cửa sổ, rẻ được 200 đô. Phòng trên tầng cao là mắc nhất.
Tàu có cả dịch vụ giữ trẻ em, giặt ủi áo quần, bệnh viện và dịch vụ bưu chính. Có nhiều hoạt động khác như ca, kịch, casino, disco, bar piano, trò chơi, thư viện, phòng tập thể dục thể thao, phòng tắm hơi, shuffleboard, thể dục nhịp điệu, chạy bộ, bơi lội, bóng chuyền, bóng bàn, sân golf, massage đá nóng, châm cứu, chăm sóc da mặt, chương trình giảm cân, làm móng tay, móng chân và làm tóc…

 

Bích Xuân trên boong tàu Carnival Splendor


Tàu to lớn và an toàn ít ai nghĩ rằng có lúc đã xảy ra  tai nạn. Cũng chính chiếc Carnival này, người bạn đi về kể lại trong nỗi sợ hãi kinh hoàng khi tàu bị nạn trong bốn ngày do mất điện. Số là tàu rời bến được một ngày, qua đến 6 giờ sáng hôm sau hành khách đang ngủ bỗng thức giấc vì tràn đầy mùi khói từ trong phòng động cơ lan ra sau một tiếng nổ lớn. Tàu bị cúp điện, không có điều hoà nhiệt độ, các nhà vệ sinh không dùng được, tê liệt hoàn toàn. Trực thăng từ hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan phải chở thức ăn tới tiếp tế. Đêm, hành khách ngủ ngoài boong. Tàu trôi ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương của Mexico, với 3,299 hành khách cùng với 1,300 đoàn thủy thủ và nhân viên phục vụ.
 Sau đó  tàu  được Hải quân Hoa Kỳ hộ tống trong 2 ngày mới về đến San Diego.
 Cuối cùng, tất cả đều trở về đất liền sau bốn ngày du lịch trong… địa ngục. Kinh nghiệm, nếu có đi du lịch bằng tàu, bạn nên chọn phòng ở trên tầng cao, tàu lớn có đến tầng thứ 12. Sau hai tháng sửa chữa, con tàu Carnival hoạt động trở lại bình thường.
Bây giờ, xin trở lại chuyến đi chơi ở Mexico.

 

Bãi biển Puerto Valarta Mexico

Ba thắng cảnh ở Mexico tôi được xem qua là những phố cổ, nhưng có cuộc sống về đêm khá sôi động. Puerto Vallarta Old Town là điển hình của thành phố xưa của Mexico. Tại đây, trong 12 ngày liên tục của tháng 12 mỗi năm, đều có kỷ niệm Đức Mẹ Guadalup, có các trò giải trí vui chơi và ăn uống với các thực phẩm tốt nhất.

Tiếp theo là viếng thăm thị xã Malpica. Làng này có 1,000 dân cư với những ngôi nhà cũ kỹ đơn sơ có từ năm 1555. Người dân ở đây rất thích những màu sắc rực rỡ, nên phía trước nhà ở họ thích tô màu, có nhà sơn màu cam, có nhà màu xanh da trời, có nhà màu tím..

 

                                                                                Thị xã Malpica

Phố nhỏ, “đi dăm phút đã về chốn cũ”.
Du khách đi lang thang chung quanh một cuộc là xong cuộc thăm viếng. Du khách khác tò mò muốn ăn thử bánh mì  trong khu vực này, nên sắp hàng đợi đến phiên mình, nhưng phải đi ngang qua một phòng khách để ra phía sau. Vài em bé ngồi xem truyền hình, không quan tâm khi thấy du khách đi ngang qua. Lò bánh mì bằng gạch và xi măng trắng, với một cánh cửa kim loại bị rỉ sét. khách vừa ăn vừa đi với bánh mì nóng giòn, dưới nắng bên hàng cây xương rồng, để đến thăm nơi sản xuất gạch bằng tay, và các cửa hàng bán tạp hóa...

 

                                                                       Tiệm bán bánh mì

 Thôn làng và cảnh thiên nhiên ở Mexico có vẻ hấp dẫn, nên du khách tiếp tục viếng thăm cảnh hoang dã đó là vùng Copala. Xe chạy quanh co qua các sườn núi, làng thôn và dừng lại dưới chân đồi . Du khách theo lối quanh co đi sâu vào bên trong làng. Đường đi lát gạch, có nơi đất cát, có khúc đường dốc. Mặt trời chói chang, mồ hôi đầy trán. Những con chim non trên ngọn đồi Copala, nằm trong ổ kêu chim chíp giữa trưa hè như chào đón khách đi ngang qua.
Thời gian như đứng im trên những con đường nhỏ cổ kính, với các ngôi nhà mái đỏ nép mình bên sườn đồi, được sơn màu sắc rực rỡ yên lặng dưới bóng mát của núi rừng. Thỉnh thoảng, gặp những người Mỹ, họ chọn nơi yên tĩnh này để nghỉ ngơi lúc về hưu. Vài chú bé chào mời khách mua các miếng gỗ khắc thô sơ hình ngôi nhà với con lừa giá 2 dollas. Nơi khác, trên khúc đường đá sỏi một em bé mời khách ngồi lên lưng lừa (taxi) để em dắt đi dạo. Khách thấy mặt em thật thà, cho tiền nhưng không ai dùng lừa của em cả. Copala chỉ có 600 cư dân, ai nhìn cũng hiền lành thân thiện.



Taxi lừa

Copala có từ năm 1565. Nhà cửa nơi đây được làm bằng đá và bùn, mái nhà bằng lá cỏ và thông khô, tường gạch màu cam đỏ.
 Xưa kia ở đây là nơi khai thác vàng. Làng tồn tại lâu đời và có tập quán riêng về hôn nhân. Chú rể chọn vợ cùng với gia đình, và họ thực hiện viếng thăm cô dâu bốn buổi sáng thứ Tư liên tiếp, mang quà tặng truyền thống và thương lượng mức giá bởi người lớn tuổi đại diện chú rể. Trong lần thăm viếng thứ tư, nếu đồng ý và thanh toán xong việc giá cả, cặp đôi này được coi là đã kết hôn. Sau một thời gian ngắn chú rể ở nhà cô dâu, là đến phiên cô dâu về ở bên gia đình chú rể. Sau vài năm vợ chồng mới làm một đám cưới tại nhà thờ công giáo. Người đàn bà ly dị hay góa chồng phải trả một số tiền trước cho người chồng sắp cưới, nếu tái hôn.

Chúng tôi từ giã làng quê Copala, với chút buồn mang về, có lẽ lây từ thân phận người phụ nữ ở một nơi còn chậm tiến này.

Bích Xuân
Paris 17 Juin 2011