Bích Xuân

Mỗi năm tôi được dịp sang Mỹ, đi chỗ này chỗ kia, có khi đi chung dăm người, có khi đi một mình. Có năm tôi đi Mỹ đến hai, ba lần. May cũng nhờ còn sức khỏe từ thể chất đến tinh thần nên mới đi được như thế. Các bạn nói tôi may mắn và có duyên với nước Mỹ. Mà có duyên thật. Đi nhiều thì biết bao nhiêu điều để ghi lại. Đó là nhờ đời sống ổn định, và nhất là về an sinh xã hội ở Pháp rất tốt.
Mỗi năm tôi được dịp đi sang Mỹ, đi chỗ này chỗ kia, có khi đi tập thể có khi đi một mình. Có năm tôi đi Mỹ đến hai, ba lần. May cũng nhờ còn sức khỏe lành mạnh từ thể xác đến tinh thần nên mới đi được như thế. Các bạn nói tôi may mắn và có duyên với nước Mỹ, mà có duyên thật, có duyên nên mới tụ lại hoài như thế. Đi thế kia thì biết bao nhiêu điều để ghi lại. Đi như vậy là tôi có được đời sống ổn định, và nhất là về an sinh xã hội ở Pháp, không như nước Mỹ chế độ an sinh lỏng lẻo. Nước Mỹ đang gặp khủng hoảng về tinh thần, trong khi vật chất họ rất dư thừa. Người Mỹ đang học  cách thiền, một phương pháp trị liệu mà đối với họ có tính cách chửa trị bằng tâm lý. Người Pháp cũng tập thiền để chửa bệnh.
Năm nay, tôi xuôi ngược lung tung như cá bơi lột trong dòng nước, từ Washington DC, đến Dallas, rồi hứng nắng như lửa ở Arizona. Hết nắng rồi đến lạnh ở một tiểu bang khác, vừa lạnh vừa gió ở vùng Las Vegas, tôi co ro trong chiếc áo len dày, và mệt nhoài trên chuyến xe ca từ 9 giờ sáng khởi hành tại Los Angeles đến 9 giờ tối mới đến được thung lũng Bryce Canyon. Đi xe ca từ tiểu bang này sang tiểu bang khác trong nước Mỹ, ngồi trên xe, tay chân như tê cứng, đứng lên như không muốn nổi. Biết vậy, nhưng mỗi lần qua Mỹ là tôi phải tìm cách đi, không để thời gian trôi qua vô ích…Vui không thấy mệt, khi về mới thấm đòn, lên xe ngủ say mê, giấc ngủ như charger lại bình điện đã bị vơi, tỉnh dậy cảm thấy khỏe ra. Đi chơi, mệt đâu, ngủ đó…
                                                                                                              Từ Mỹ tôi “chạy” tuốt qua bên Mexico…Khi trở về lại Mỹ, tôi bị Hải Quan xét valise, lục xách tay và hỏi đủ thứ…Hỏi tôi qua Mỹ làm gì, ở đâu và ở bao lâu, đem theo bao nhiêu tiền ?  Tôi nói đi thăm bạn, đi một tháng, tiền đem theo tám trăm, nói xong tôi đưa địa chỉ và số phôn nơi tôi cư ngụ tại Mỹ cho ông Mỹ. Ông Mỹ hỏi tiếp: ở một tháng đem theo vài trăm xài sao đủ. Tôi nói, ở nhà bạn ăn, ở đều free, tám trăm dollas ở Pháp mình tôi ăn uống sao hết, nếu không mua sắm có khi còn dư tiền, còn nếu thiếu, tôi có thẻ để lấy tiền. Ông Hải Quan yêu cầu tôi trình thẻ rút tiền. Tôi rút bóp đưa tấm thẻ rút tiền cho ông. Ông Mỹ cầm cái thẻ, nhìn mặt trước, rồi nhìn phía sau tấm thẻ, sau đó trả lại tôi.
 Từ Pháp qua Mỹ, rồi từ Mỹ về lại Pháp thì không sao, nhưng qua Mỹ mà đi ra khỏi nước Mỹ rồi vào lại nước Mỹ là bị chận xét hạch hỏi lung tung. Cũng như từ Pháp đi Montreal Canada, rồi Canada tôi đi sang Mỹ cũng bị chận hỏi rất lâu. Tôi đi ngược xuôi khắp nơi nhiều lần trên đất nước Mỹ, nên chuyện bị xét hỏi không lấy gì làm lạ.

Năm nay, ai đi Mỹ, sẽ đóng thêm tiền valìse. Hành khách đi ngoại quốc chỉ được đem một hành lý 23 ký, thêm một valise nữa trả thêm 60 đô. Khứ hồi tiền valise là 120 đô . Đến Mỹ, đi các tiểu bang khác tiếp tục trả tiền khứ hồi valise. Tốn thì tốn, nhưng đi thì vẫn cứ đi. Ông bà mình thường hay nói: Đi cho biết đó biết đây ! Đi lung tung ở nước ngoài cũng là một hình thức du học, làm thăng hoa cho cuộc sống nội tâm, và cũng là một chất liệu dưỡng sinh trong tâm linh của người viết. Viết, có điều gì khiếm khuyết, kính mong độc giả trí thức chỉ bảo cho. Những chuyến đi của tôi luôn luôn tốt đẹp có muôn vàn kỳ diệu, và trong muôn vàn kỳ diệu đó có luôn tình người cho tôi thêm cuộc sống hạnh phúc. Đi, để quen biết nhiều, để đánh giá những người tốt và biết ơn những điều mà tôi đã nhận được… Đi như vậy có tốn kém gì đâu mà còn học được cái hay của người địa phương…
Tôi đến Washington DC, vào buổi trưa, để dự buổi dạ tiệc kỷ niệm 11 năm báo Sóng Thần của ông Phạm Bá Vinh. Trong buổi tiệc tôi gặp lại anh chị văn nghệ sĩ thân quen Còn lại là khách lạ đối với tôi. Đến Washington DC, tôi thăm viếng vài thắng cảnh ở đây, và các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của cộng đồng ở địa phương tại Virgnia. Nói chung chung vùng Hoa Thịnh Đốn, văn nghệ có chủ đề cũng giống như văn nghệ ở Paris, quyên tiền giúp Thương Phế Binh ở quê nhà, hay giúp trẻ mồ côi, khuyến tật ở VN, v.v… Đa số khá giả người lớn tuổi, ít thấy người trẻ tuổi. Nhà hàng ca nhạc cuối tuần vắng khách. Khu thương mại mua sắm Eden còn có không khí nhộn nhịp, các tiệm ăn ngày cuối tuần không đông khách như xưa…
Mùa thu ở đây thay đổi rõ rệt, lá vàng đầy cây. Ở Âu Châu cũng có 4 mùa rõ rệt. Mùa Đông bắt đầu từ  tháng 1 đến tháng 3. Mùa Xuân từ tháng 4 đến tháng 6. Mùa Mùa Hạ từ tháng 6 đến tháng 9. Mùa Thu từ tháng 10 đến tháng 12. Mỗi mùa như vậy khí hậu thay đổi rõ ràng. Nhưng có khi thời tiết cũng thay đổi đột ngột. Từ nóng bỗng lạnh, có khi sang đông mà vẫn còn ấm áp, đôi khi mùa hạ mà có những ngày lạnh kinh hồn. Lỗi ấy không phải tại thiên nhiên, mà do con người làm ô nhiễm môi sinh nên thiên nhiên mới trừng phạt con người như thế. Từ đây sắp tới, thời tiết và sức khỏe con người gắn chặt với nhau, ở đâu và đi đâu, gặp ai ở bất cứ nơi nào, câu chào hỏi đầu tiên là sức khỏe, sau đó mới nói chuyện khác sau.
Tôi từ gĩa chị Vinh để đi Dallas, chị Vinh là người phụ nữ tôi rất qúi mến. Tôi phải bắt chước chị Vinh, tập cái tính nhẫn nhục, chịu đựng để có tánh vị tha và bỏ qua tất cả những gì rắc rối mà người khác đã làm mình không vui. Cảm ơn chị Vinh, những ngày cùng chị đi dạo bên rừng thu ở Virgnia, và khó quên và những buổi cơm chiều đạm bạc đượm tình quê hương với canh cải, cá kho, bún cua, vịt luộc…

Đến Dallas, tôi viếng thăm khu vườn Arbretun Dallas, có lễ hôi Bí Ngô. Hôm sau, chủ nhật, xem Hội Chợ Công Nghệ có ca nhạc trình diễn ngoài trời ở Park Huffines, Apollo Dr Richarson Dallas. Ngày thứ bảy, cô cháu Mỹ Duyên đưa tôi đi thăm công viên Arbretun Dallas rộng lớn thật đẹp. Công viên mở cửa từ 9 giờ sáng, đến 5 giờ chiều. Giá vé vô cửa 10 đô, Parking 7 đô.
 Công viên có khoảng 150.000 loại cây, và các loại hoa. Mùa thu nở hoa muôn màu: như hoa Cúc, Mộc Lan, cây Anh Đào, Đỗ Quyên, hoa Salvia…Hồ cá thiên nhiên đủ màu, đủ loại lớn, nhỏ được nuôi chung quanh vườn. Nhìn cá bơi lội giữa khung cảnh yên bình, cây xanh tươi tốt, màu sắc muôn hoa hé nở, trong một không khí trong lành, như thiên đàng hạ giới…Bên cạnh những hồ cá là những ngôi nhà được dàn dựng, bên những lùm cây vùng nhiệt đới. Nhà làm bằng gỗ, bên trong ngôi nhà có bàn ghế, mền giường, chén dĩa, son nồi, muỗng nĩa từ năm 1852, cách đây 158 năm về trước.
Kế bên ngôi nhà gỗ là khu làng của người da đỏ ở Texas. Xe ngựa, lều chỏng, những mãnh da thú, da bò, da chồn treo trong những căn lều vải. Khu vườn có nhiều màu sắc. Cư dân địa phương ở đây tự hào, coi ốc đảo này là một trong những thắng cảnh đẹp nhất để khách thăm viếng hàng đầu của thành phố.
 Cũng trong một góc vườn này, mỗi năm có tổ chức  Festival lễ hội Bí Ngô, với 40.000 đủ các loại Bí Ngô, nhiều nhất là Bí màu da cam. Các ngôi nhà được làm bằng những quả Bí, mỗi nhà sẽ đại diện cho một cuốn sách của trẻ em ưa thích có Bí Ngô trong câu chuyện của The Tom Thumb Pumpkin Patch. Cảm ơn cháu Mỹ Duyên mà tôi có mặt tại ngôi làng Bí tuyệt vời này. Nhiều khách chọn mua những trái Bí đỏ đem về để trang trí nhà cửa. Tôi được dịp viếng thăm hai ngày, hai nơi giải trí khác nhau. Một Hội Chợ Công Nghệ.
(Bích Xuân trong vườn Bí)
Hai là vườn Arbretun Dallas. Mỗi nơi mỗi ý nghĩa. Khung cảnh và công trình dàn dựng trong khu vườn Arbretun Dallas quá tuyệt, gía trị nghệ thuật cao. Nhưng không hiểu sao ít người thăm viếng quá ! Ngay cả nơi triển lãm Công Nghệ và có các ban nhạc thay phiên nhau tranh tài trình diễn, nhưng số người đến xem cũng không nhiều. Hai nơi này, tôi đi tới đi lui mấy lần, ngoài du khách Mỹ, tôi thấy  có du khách người Ấn Độ, Mễ, nhưng không thấy du khách người Việt người Tàu…Kinh tế khó khăn ở Mỹ thấy rõ, khách xem ban nhạc trình diễn, nhưng ít người mua nước để uống dù một chai nước có 2,50 đô.

Dallas trong vòng một năm trở lại đây, phong trào ca nhạc “cùng hát cho nhau nghe” có chiều hướng phát triển mạnh. Nhất là các quán nhậu, chỉ cần một người đánh keyboard là xôm tụ, khách là ca sĩ trình diễn. Quán nào không để khách hát thì họ đi sang quán khác. Đến Dallas tôi có dịp vào quán Hoàng Yến, Miền Tây, Quốc Hương…Mỗi quán có số khách riêng nên quán nào cũng có khách. Người sắp xếp chương trình phải linh động kẻo không sẽ có chuyện đánh nhau, trường hợp như ở quán nhậu Miền Tây, ông chủ tiệm gốc miền Tây nên đặt bảng hiệu Miền Tây, ông cho biết, quán nhậu không đánh nhau vì say xỉn mà đánh nhau vì kẻ hát trước người hát sau. Quán mở cửa từ 5 giờ chiều đến 4 giờ sáng, còn khách là mở cửa. Các quán nhậu khác thì đóng cửa 2 giờ sáng. (Paris cũng tương tự như thế) Các nhà hàng khiêu vũ trường như Maxime, Caravel tại Dallas, có ca sĩ thường trực, không có chương cùng hát cho nhau nghe. Số khách trẻ tụ lại các quán bình dân: Hoàng Yên, Miền Tây, Quốc Hương…Mặc dầu không phải là ca sĩ nhưng có khách hát không thua gì ca sĩ chuyên nghiệp…

Quán nhậu ca nhạc ở Dallas hơn ở Paris, là biết nắm cơ hội để tổ chức trong những ngày lễ. Ví dụ như quán Hoàng Yến tổ chức hóa trang trong mùa lễ Halloween, hóa trang đặc biệt sẽ được trúng giải: giải nhất 300 đô, giải nhì 200, giải ba 100…
Cùng hát cho nhau nghe nhà hàng khiêu vũ ở Paris, cũng bắt đầu từ 9 giờ tối đến 2 giờ sáng, có 2 hoặc 3 ca sĩ hát vòng đầu, sau đó là khách lên hát. Gía tiền mỗi người tính luôn phần ăn 25 euro, khách ăn hay không vẫn tính, người không ăn bỏ hộp đem về. Thường thì họ rủ nhau 10 người ngồi một bàn, có 7 món ăn  với giá 250 euro.

Cũng ở Dallas, lần đầu tiên tôi dự một buổi tiệc trong một nhà hàng ở vùng Arlington, buổi tiệc gọi là Babyshower, để đại gia đình hai bên nội ngoại, cha mẹ và các bạn hữu chào đón em bé sắp ra đời (tiệc mừng em bé sắp ra đời chưa thấy có ở Paris ). Buổi tiệc Babyshower hôm đó có khiêu vũ, do ban nhạc Phượng Hoàng phụ trách, âm thanh rõ. Chương trình do MC Ngọc Khanh từng có kinh nghiệm nhiều năm nghề khi còn ở VN đảm trách, phần ca nhạc do ca sĩ ở địa phương trình diễn. MC Ngọc Khanh mời ông nội, bà ngoại của em bé mở đầu phần dạ vũ mà ai cũng bật cười to, không khí thật vui nhộn, rồi đến lúc cắt bánh lại mời ông ngoại, bà nội ra cắt bánh, thêm một tràng cười nữa vang lên. Một buổi tiệc cuối tuần thật vui, khách dự được dịp cười ngất ngưỡng. Cười bằng mười than thuốc bổ mà…
Dallas có nhà hàng Bistro lúc nào cũng đông khách. Tôi có gặp ông chủ tại nhà hàng trong một buổi cơm trưa với nhà báo Mai Văn Đức. Ông hỏi tôi ở Pháp có nhà hàng Á châu giống như Bistro không ? Tôi trả lời là không có. Parking nào ở Mỹ cũng rộng lớn, vì đất rộng người thưa, nên nhà cửa, tiệm nào cũng to lớn. Nhà hàng Việt ở Mỹ với giá rẽ cũng tùy tiểu bang. Đông người Việt như Bolsa, San Jose ở California, ở Houston, Dallas, thì mới rẻ, nhà hàng Việt ở San Francisco hay New-York thì làm sao mà rẻ được !

Còn nói về cách phục vụ khách hàng, tôi vẫn thích ở Mỹ hơn. Những nhà hàng sang trọng tại Paris đã có nguyên tắc thì không nói, nhưng loại tầm tầm thì nhân viên ở Pháp không bằng ở Mỹ. Ngay như ngành Ngân Hàng, việc tiếp khách cũng không bằng nhân viên ở Ngân Hàng Mỹ. Còn các ông làm việc ở Hải Quan trong phi trường ở Mỹ, ông Mỹ nào cũng to lớn, lạnh lùng, khép kín, nhìn là có sự ngăn cách rõ rệt. Mấy ông Tây làm ở Hải Quan Pháp, nhìn mặt thấy dễ chịu, du khách có thiện cảm hơn…

Việc khen chê, bình phẩm, sở thích về một Quốc gia nào đó, tùy  kiến thức nhận xét của mỗi người. Đa số người Việt ở Mỹ sang Pháp chê nhiều hơn là thích. Vì từ thức ăn cho đến nhà cửa, áo quần đều mắc, và đường xá chật hẹp. Nói tóm lại cái gì ở Paris cũng mắc hết. Đâu nói gì xa, ngay như New-York giá cả cũng mắc vậy. Parking với gía 10đô một giờ, trong khi ở Champs Elyées Paris 6 đô, một bánh mì sandwich cá hồi (saumon) 10 đô,( cở như bánh McDonald).Theo công ty địa ốc Cushman & Wakefield, Đại lộ V Avenue ở New-York, một thước vuông là 18 454 euro, trong khi Paris Đại lộ Avenue Champs Elysées chỉ có 6 965 euro một thước vuông mà thôi…Thử hỏi có bao nhiêu người Việt ở New–York. Paris, có những món hàng rất rẻ với gíá 1 đồng. Tiệm TaTi một thương hiệu lớn ở Pháp, có rất nhiều chi nhánh toàn nước Pháp, chuyên bán hàng rẻ đủ mặt hàng như tiệm Rosse ở Mỹ. Tiệm TaTi ở ngay bùng binh République Paris quận 11, bạn ra khỏi xe điện ngầm là đi vào luôn trong tiệm tha hồ bạn lựa chọn.

Đồng đô Mỹ thấp hơn đồng euro, 130 mỹ kim bằng 100 euro, ngay như giới nhà giàu ở Mỹ, nghe nói đi du lịch Âu Châu đã hãi rồi, nói chi đến người có số lương khiêm nhường…Tiện đây xin đơn cử một ví dụ loại nước hoa Chanel số 5, thương hiệu của Pháp mà nữ tài tử Marilyn Monro ở Holywood rất ưa thích. Tôi thấy nhiều bạn sang Paris, thấy lọ nước hoa Chanel số 5 với nhiều giá tiền khác nhau. Bạn không mua, bạn về Mỹ mua rẻ hơn. Nhưng bạn không biết, hương thơm không giữ được lâu. Nói tóm lại, hàng rẻ là hàng bị giảm bớt chất lượng, và còn tùy theo giá cả của người đặt hàng…Tôi biết chắc chắn, lọ Chanel số 5 của tài tử Marilyn Monro mùi thơm đặc biệt giữ được rất lâu, hàng dành cho tài tử, triệu phú phải tăng chất lượng, vì giá lọ nước hoa gấp mấy lần tiền.Tiền nào của nấy, người mua lầm, người bán không lầm bạn ạ !

Trong thời gian ở Dallas và Arizona, tôi để ý thấy có rất nhiều nhà thờ, hơn ở Washington DC. Xe chạy vài cây số là thấy có nhà thờ của Tin Lành, nhưng tôi ít thấy có nhà thờ Thiên Chúa giáo. Đạo Tin Lành  không phụ thuộc vào tòa thánh La-Mã., nên đạo Tin Lành phát triển hoạt động mạnh tại Dallas nói riêng và toàn nước Mỹ nói chung. Người Việt ở xa xứ chẳng mang theo được gì, ngoại trừ niềm tin và ý chí để hội nhập vào tôn giáo, nên đã tổ chức từng nhóm, thành lập để thực hành giáo lý của họ. Có số người Việt mới sang Mỹ, tuy nghèo về vật chất so vớ người bản xứ, nhưng rất giàu về tinh thần nên họ cùng nhau để tạo thành niềm tin tín ngưỡng ấy. Ở Pháp, ít thấy nhà thờ Tin Lành, và lối kiến trúc nhà thờ Tin Lành không cầu kỳ màu sắc như bên Thiên Chúa. Nhà thờ Thiên Chúa giáo dễ biết lắm, cái nào cái nấy to lớn có vòng cung và thường xây cất ở trên đồi cao. Ở Paris, mỗi khu vực đều có nhà thờ Thiên Chúa, đẹp nhất là nhà thờ Notre Dame de Paris. Cũng như nhà thờ Saint Michell tuyệt đẹp nguy nga trên dốc cao ở Montreal mà tôi được nhà văn Song Thao đưa đến viếng thăm. Xem các kiến trúc của các tòa thánh hùng vỹ mới biết quyền lực của Thiên Chúa là không nhỏ. Nhưng đi vào bên trong tòa Thánh thất, tôi cảm thấy không khí  lạnh lẽo như thế nào ấy !

Tôi ghé thăm chùa Đạo Quang ở Dallas một buổi trưa thứ bảy, tôi không thấy Hòa Thượng Trụ Trí chùa kính mến để đến chào. Tôi đi dạo chung quanh vườn. Vườn rộng lớn, có ghế đá khắc tên người tặng kỷ vật, có suối chảy, có hình điêu khắc Phật tổ…Tôi thấy có nhiều người Mỹ trắng cũng đến chùa. Không biết, chùa có thuyết pháp bằng tiếng Anh, hay là những người Mỹ này có vợ Việt, cuối tuần theo vợ đi lễ Phật ? Tôi để ý, chùa nào có thầy giỏi tiếng ngoại ngữ là chùa đó có người da trắng. Ví dụ như chùa Khánh Anh và chùa Linh Sơn ở Pháp.
Trong khuôn viên chùa của ngôi chùa trang nghiêm, tôi ngồi nhìn lá vàng rụng đầy thảm cỏ, lá xanh trên cây cũng đã biến thành màu vàng. Ngắm nhìn lá vàng trong một sáng thu cho tôi một cảm giác thật mơ mộng. Đôi lúc cũng phải có những giây phút lặng lẽ như thế này, làm cho tâm hồn mình thật là khoan khoái, nhẹ nhàng…

                                                                              Thu Paris  2010   
                                                                                Bích Xuân


Du khách thăm viếng làng Bí

Bảng hiệu của làng Bí

Tác giả trước ngôi nhà làm bằng Bí

Lều của người da đỏ bên cạnh  làng Bí

Vật dùng của người da đỏ thời xưa

Xe ngựa của người da đỏ bên cạnh làng Bí