Arizona Bước ChânTrở Lại
Bích Xuân,Paris

Chiếc máy bay American Airline đáp xuống phi trường Phoenix Arizona một buổi chiều đầu xuân. Vợ chồng Đoàn Phú Lạc, Kim Oanh Chủ nhiệm báo Rạng Đông phát hành tại Arizona đến đón và tôi đưa thẳng về nhà anh chị ấy cách phí trường 20 phút. Mùa xuân ở đây, buổi chiều mặt trời còn đỏ rực, nhưng buổi tối có gió mạnh, ra ngoài phải mặt áo len. Thời tiết ở Arizona ban ngày nhiệt độ có thể vượt quá 115 độ F.
Tôi đến Phoenix lần này là lần thứ hai. Lần thứ nhất, cách đây bốn năm để ra mắt tập truyện. Lần này, dự buổi tiệc mừng tạp chí Rạng Đông được 20 tuổi. Sau buổi văn nghệ, qua hôm sau, anh chị Đoàn Phú Lạc, Kim Oanh đưa tôi đi xem thắng cảnh tại Arizona. Chúng tôi đi trên một chiếc xe Jeep mui trần. Trèo núi, xuống đèo đi xe jeep này thì hợp thời trang qúa rồi…Tôi hí hửng leo lên xe Jeep ngồi ở hàng ghế sau, xe chạy chậm thì còn thấy mát mẻ với cái nắng 100 độ F buổi trưa, nhưng khi xe ra xa lộ với vận tốc nhanh thì không thể chịu nổi. Hai ghế trước, có miếng kính để cản gió, phía sau không có gì cản gió nên tôi bị gió táp đến đau mắt, rát cả mặt phải lấy mũ đội trùm đầu, che kín tới mũi, để chịu đựng gió mạnh gần sáu tiếng đồng hồ trên xa lộ, đi và về.
Xe chạy qua các thị trấn Arizona, càng xa thị trấn nhà cửa càng thưa. Xe băng qua những vùng đất cát, không một bóng cây, trụ điện, thỉnh thoảng mới thấy vài cây như giống cây Thà Là ở Ai Cập, và loại hoa tím, đỏ như hoa « bông giấy » ở Việt Nam và một số hoa ở vùng nhiệt đới mà tôi không biết tên. Khung cảnh vắng vẻ như giữa sa mạc làm tôi nhớ đến lời của nhà thơ Nguyễn Qúy Bái hiện ở Arizona. Ông Bái nói ở Arizona đẹp nhất là con kắc kè đổi nhiều màu sắc, và Arizona mùa hè thì rắn hay tìm bóng mát, thỉnh thoảng anh bắt gặp rắn khoanh tròn nằm ở dưới bàn ăn nhà anh lúc nào không hay. Lúc đầu anh thấy sợ, riết rồi quen, hễ thấy rắn vào nhà thì anh bắt liệng ra ngoài…Nghe anh Bái kể rắn hay bò vào nhà làm tôi muốn xỉu…

Con đường dài quanh co đa dạng với các hẻm núi, khi xe xuống thung lũng thời tiết thay đổi, từ nóng đổi sang lạnh, khi xe ra khỏi thung lũng trở lại nóng. Xe ngang qua cánh đồng cây xương rồng, những con đường mòn đi bộ, tôi có cảm giác như đang phiêu du vào miền sa mạc hoang giả của người da đỏ. Arizona là của những ngươì cư dân đầu tiên của người da đỏ, một số nền văn hoá đã bị diệt chủng. Một số sử gia dẫn chứng công thức Zona arida (Tây Ban Nha) rút ngắn lại trở thành Arizona lan ra toàn bộ lảnh thổ. Arizona được khám phá bởi Marcod de Nira năm 1539. Arizona trở thành tiểu bang 48 của Mỹ ngày 14 tháng 2 năm 1912. Arizona cũng là tiểu bang có dân số tăng trưởng rất mạnh mẽ.
Arizona có rất nhiều dãy núi đẹp thiên nhiên, hùng vĩ, và có dãy núi biểu tượng của sự mê tín dị đoan nữa. Ngọn núi hoang dã mê tín dị đoan được mô tả như là một trong ngọn những núi đẹp nhất ở Mỹ được gọi là « The Super », một dãy núi ở Arizona nằm về phía Đông của đô thị Phoenix. Người ta nói Arizona là chủ đề của những chuyện bí ẩn bảo vật bị mất, và những người đi tìm vàng là một những huyền thoại qua nhiều thế hệ, hầu hết là đúng sự thật…vì vùng hoang dã Superstition xung quanh núi có vô số động thực vật đa dạng có thể tiếp cận với bất cứ ai…
Dãy núi màu gạch đỏ Oak Creek Canyon đã hiện ra trước mắt, dãy núi này được mô tả như người em họ nhỏ hơn Grand Canyon. Oak Creek Canyon là địa điểm du lịch thứ hai ở Arizona, sau Grand Canyon.
Sau khi chụp hình kỷ niệm và nói cười huyên thiên, chúng tôi tìm cách lên một ngọn núi màu gạch đỏ để nhìn xuống chung quanh. Đứng trên đỉnh ngọn núi, nhìn chung quanh không gian mở rộng, lòng người cùng trải rộng nơi đây. Trên đỉnh núi này có một nhà thờ, để cầu nguyện, người ta tin là nơi này rất linh thiêng, xin gì được nấy !ù linh thiêng thật, số là khi leo lên được ngọn núi, vợ chồng Đoàn Phú Lạc nói xin cho tôi được tình yêu ở đây !( ý anh Lạc nói là nước Mỹ) …Trong đầu tôi chưa biết cầu xin gì vì mãi nhìn chung quanh núi đồi hùng vỹ, khi nghe anh Lạc nói thế tôi cũng lập lại như vậy. Không bao lâu, tôi suýt được về làm con…dâu nước Mỹ. Có tình yêu, nhưng…hụt ! Chuyện này gát lại, xin kể vào dịp khác.
 
Người Việt định cư ở Phoenix, đa số làm chủ các hàng ăn, ngoài những sinh hoạt của gia đình, cuối tuần họ sinh hoạt Cộng đồng và tôn giáo, chính trị như bao người Việt lưu vong khắp mọi nơi. Tổ chức hội họp Cộng đồng ở nhà thờ mà không treo cờ vàng ba sọc đỏ là có chuyện với nhóm chính trị. Những người không sinh hoạt Cộng đồng họ chỉ biết vui với gia đình, với con cháu…Những người lớn tuổi, có con cháu ở xa, nếu không gặp gỡ đồng hương thì biết đi đâu cho hết thời giờ. Có người đi tìm trò chơi tiền bạc may rủi ở các sòng bài ở Arizona. Ở Phoenix mở thêm Casino mới, nhưng số người không thích vì đánh đâu thua đó, không bằng Casino cũ. Mấy chị thích đỏ đen cho biết thêm, sòng bài bây giờ hay cho khách hàng trúng với một số tiền nhỏ, vài ba chục đô. Tâm lý khách hàng, được trúng khách mới đi đến Casino thường xuyên…
Đi theo họ vào sòng bài, tôi rất ngạc nhiên, người ta đông vô số kể, có rất nhiều giới trẻ. Không biết số người trẻ này vào đánh bài, hay vào đây để ăn uống như tôi…Tôi đi thăm một sòng khác nằm giữa sa mạc, Casino Arizona tại Salt McKellips ở Arizona, khách đến bằng thuyền máy nhỏ. Người ta đào một con sông giữa vùng sa mạc để đưa khách đến Casino mất khoảng 20 phút. Trong các bang, Arizona là số 10 trong số  46 các sòng bạc của Hoa Kỳ. Arizona có tất cả 36 sòng bạc rải rác trong  28 thành phố.

Arizona nổi tiếng với phong cảnh sa mạc và phong phú với những rừng cây xương rồng. Arizona là một khu vực hiểm trở, nơi có hơn một nửa diện tích bao gồm vùng núi và cao nguyên, có nguồn gốc núi lửa trở lại thời tiền sử. Du khách thường xuyên thăm viếng rất nhiều công viên và núi đồi là lịch sử tiểu bang Arizona. Grand Canyon là lớn nhất, nổi tiếng nhất, và càng nổi tiếng thế giới khi có cây cầu làm bằng kính Skywalk. Mỗi năm có 4,5 triệu khách viếng thăm.
Cảm ơn anh chị Lạc và chị Kim Ngọc Dubois đã hướng dẫn tôi đi vào sa mạc của những cây xuơng rồng bén nhọn, dưới cái nóng kinh hồn, sau đó chị Kim Ngọc cho thư giản trong công viên xanh cây cỏ xanh tươi bên bờ hồ có vòi phun nước thật cao, như hồ Laman ở thủ đô Thuỵ Sĩ. Mỗi địa phương ở Mỹ, phương tiện giải trí công cộng đầy đủ, không thiếu món gì, nhưng ít người lui tới. Công viên có vòi phun nước, khung cảnh thật lãng mạn, trữ tình, cây cỏ đặc biệt mới đưộc tươi tốt chịu được sức nóng của mùa hè ở Arizona, nhưng ngoài chúng tôi chỉ có năm, bảy người da trắng ở tiểu bang khác đến viếng thăm mà thôi.
Những ngày vui ở Phoenix rồi cũng qua, nhưng tôi còn muốn đi xem những thắng cảnh thiên nhiên nữa. Ở Mỹ mỗi nơi thiên nhiên đều có lịch sử của nó, khi được hiểu rỏ thật vô cùng thích thú. Tạm biệt anh chị Đoàn Phú Lạc và cảm ơn anh chị đưa tôi đi xem thắng cảnh đẹp vừa qua. Sau đó, tôi ghi tên đi một Tour du lịnh ở Grand Canyon. Grand Canyon là di sản thế giới UNESCO nằm ở phía Tây Arizona, là một trong những điểm du lịch lớn ở Hoa Kỳ. Từ phi trường Habor Phoenix đến Grande Canyon gần 370 km.
 Chiếc xe của đoàn khách du lịch gần đến Grand Canyon Skywalk, bắt đầu đường gập ghềnh, bụi mờ, đất cát dàu đặc dưới cái nắng chói chang soi rọi vào mặt người. Xe bus chao qua đảo lại, làm du khách bắt đầu mệt mỏi…
Xe dừng lại tại một bãi cát trống trơn, tất cả hành khách xuống xe, để chuyển sang một chiếc xe bus khác, vì xe bus của hãng du lịch không thể ngang qua những đoạn đường gập ghềnh đất lỡ, nên phải đi xe của hãng Skywalk. Khi xe bắt đầu lao xuống thung lũng quanh co, thì bỗng mưa đá rơi xuống ào ào nghe lôp cộp trên mui xe. Xe sang một thung lũng khác thì bị mưa tuyết. Du khách ngồi trong xe nhìn ra ngoài mờ mịt tuyết phủ rừng cây. Xe chạy được 20 phút thì ra khỏi thung lũng đến một trạm xe bus khác, rôi dừng lại. Khách phải đổi một loại xe khác nữa để lên dãy núi Grand Canyon Skywalk.

Bên cạnh trạm xe bus Skywalk là phi trường máy bay trực thăng chở khách du lịch. Nơi đây, đu khách muốn đi máy bay thăm viếng Grand Canyon thì đi, ai không muốn thì tiếp tục đi bằng xe bus. Hai người bạn tôi đi máy bay trực thăng 1 tiếng 200đô một người. Nói là một tiếng nhưng tính ra chỉ có 40 phút, vì từ chổ mua vé ra phi trường và leo lên xuống máy bay, chờ « sốp phê » cho nóng máy bay mất toi hết 20 phút.
Tại trạm xe bus Skywalk này có một cửa hàng làm bằng gỗ, bán đồ lưu niệm của người da đỏ, và văn phòng làm việc của nhóm hãng xe du lịch. Khách sắp hàng để nhận một tấm thẻ trước khi đổi xe. Tất cả xe du lịch đều dùng lại đây, người đông hàng hàng lớp lớp, hôm nay gặp lúc trời mưa, nên ai cũng cũng vào trú mưa trong tiệm. Người đứng san sát chen lấn nhau để di chuyển. Du khách kéo nhau đến gian hàng bán áo len, vì không ai ngờ khi đến đây gió mạnh, mưa to như vậy, nên ai cũng mua sắm áo ấm…

Con đường đến Grand Canyon Skywalk, không hề thấy chiếc xe hơi cá nhân nào, hình như xe cá nhân đi hướng khác. Tôi có vài người bạn đi đến Grand Canyon bằng xe riêng, họ chỉ đến dưới chân núi của Grand Canyon skywalk, không đến đỉnh núi Grand Canyon Skywalk. Dưới chân núi thì vui hơn, có nhiều chương trình như cỡi ngựa, cỡi lạc đà, đi du thuyền…Còn khách du lịch trên Skywalk chẳng biết đi đâu ngoài cây cầu làm bằng thủy tinh như vành móng ngựa, được gọi là Grand Canyon Skywalk. Đứng trên này nhìn thấy rõ dãy núi phía trước mặt hình dáng rõ nét như con chim đại bàng đang dang rộng hai đôi cánh. Một tác phẩm tuyệt đẹp nghệ thuật của thiên nhiên.

Tôi đứng trên tấm kính nhìn xuống dưới độ sâu chân núi 1.300 mét, nghe lòng hơi run, như muốn chóng mặt, mặc dù được bảo đảm của bức tường và sàn kính 10,2cm. Skywalk nặng 74 tấn, có sức chứa được 800 người, nhưng được hạn chế chỉ chứa 120 người thôi. Khách du lịch phải có đôi giày đặc biệt của Skywalk mang vào khi ra Skywalk, trách bị trượt và trầy xước sàn kính. Nói là giày nhưng nó là miếng vải để bao đôi giày của khách với giá bán 30 đô. Khách không được mang bất cứ thứ gì ra cây cầu thủy tinh, mà phải để tất cả vào một ngăn tủ ngay cửa ra vào. Khách cũng bị kiểm soát rất kỹ, có máy rà người như là lên máy bay vậy. Muốn có hình kỷ niệm thì phải chụp hình của tổ chức Skywalk, mỗi tấm 30 đô, hình lớn gấp hai lần loại nhỏ.Truy cập mỗi ngày 1500 du khách đến Grand Canyon skywalk. Grand Canyon Skywalk, có từ năm 2007, được tài trợ một phần bởi doanh nhân David Jin ở Las Vegas. Tất cả các xe tư nhân vào Grand Canyon phải trả lệ phí 25 đô, mĩm phí cho công dân Mỹ 62 tuổi trở lên, và những người bị khuyết tật. Grand Canyon skywalk đóng cửa vào mùa đông.

Đứng trên skywalk tôi nhìn chung quanh nơi đây, không có nhà hàng, không có viện bảo tàng, chẳng thấy có gì ngoài cây cầu làm bằng thủy tinh Skywalk và một số căn lều bằng vải, và nhà gạch đỏ của người da đỏ. Một người Mexico hoá trang người da đỏ để du khách chụp hình kỷ niệm. Du khách được 3 giờ ở trên đỉnh núi Grand Canyon Skywalk.Thật là may mắn khi chúng tôi đến Skywalk trời bỗng nắng chan hòa, không còn lạnh, du khách ngồi nghỉ ngơi ở những dãy ghế ngoài trời. Nhưng đến khi về thì mưa gío đổ xuống ào ào, thời tiết thay đổi mưa đó, nắng đó thật lạ lùng…
Một số du khách có tính mạo hiểm muốn xuống chân núi có đường hẻm dài để đi bộ xuống, nhưng khi đi ngược lên rất nguy hiểm và rất khó khăn cho việc kiểm soát có nhiều dấu hiệu đưa đến cái chết đã được thông báo cho du khánh du lịch để biết về sự nguy hiểm này. Xe chở khách du lịch ào ào đến Grand Canyon skywalk. Khách du lịch đa số là người Á Châu, nhiều nhất là Tàu, Nhật, tôi để ý tìm khách du lịch người Việt để có thêm bạn đồng hành cho vui, nhưng không thấy có, chỉ có một lần làm quen được một chị đi cùng Tour ở San Francisco mà thôi.
Đựợc biết, dự án lớn trong tương lai ở Skywalk được lên kế hoạch bao gồm, bảo tàng, rạp chiếu phim, phòng VIP, cửa hàng quà tặng và nhiều nhà hàng bao gồm một, Café Skywalk, nơi du khách có thể ăn trưa bên ngoài trên các cạnh ở hẻm núi, sân golf, khách sạn, sòng bài và cáp treo để đưa du khách viếng thăm các hẻm núi…Nhóm môi trường ở Arizona, và một số quan chức bày tỏ mối quan tâm, dự án này sẽ phá vỡ Skywalk nơi thiêng liêng này. Nhưng có thể tổ chức đám cưới, và bộ lạc nhảy múa của người da đỏ ở Skywalk. Nhóm bảo vệ này nhất quyết chống việc mở sòng bài ở Skywalk.

Từ Grand Canyon Skywalk trở về, chương trình sẽ thăm viếng vài thắng cảnh khác nữa, sau đó khách ngủ ở khách sạn Riviera một đêm tại Las Vegas. Nhưng chương trình thăm viếng bị hủy bỏ, vì  xe bus bị hỏng máy nằm giữa đường. Khách phải chờ mấy tiếng đồng hồ sau mới thấy một chiếc xe bus khác đến đưa về khách sạn, lúc đó hơn 10 giờ đêm.
Tôi đi dạo chung quanh xem vài sòng bài ở Las Vegas, hầu hết các sòng bài lấy vải trắng đậy kín các bàn chia bài, và một số các tiệm đóng cửa. Có tiệm bán nữ trang đem tủ kính ra trước cửa tiệm hạ giá bán 50, đến 75%...Các show diễn lớn hủy bỏ,Khách đánh bài cũng thấy vắng, hôm nay là tối thứ bảy mà vắng khách thế…Tôi thấy có nhiều khách đứng sắp hàng để nhận tiền trúng, hỏi ra mỗi người trúng cũng chỉ vài chục đô mà thôi. Ngoài đường không còn nhộn nhịp như xưa, người đi bộ thưa thớt nếu có cũng chỉ là khách du lịch đi tour ngủ  qua đêm tại đây, vì nhìn là biết họ không phải là khách của sòng bài Las Vegas. Chỉ có khu Venice là đông khách. Nhưng tiệm ăn ngon thì vẫn đông khách, 21đô một người, tiệm ăn của Pháp mắc hơn,  32 đô. Du khách đến Las Vegas bằng máy bay, khi về check out ngay tại khách sạn.
Chiếc xe bus xa dần thành phố Las Vegas giữa khí trời đang trở lạnh cắt da, đang ngắm hướng Los Anges đi tới. Nửa đường xe dừng lại Out Let khu bán hàng rẻ để du khách mua sắm. Những mặc hàng đại đa số là sản xuất tại Trung quốc. Khách du lịch người Tàu mua săm là nhiều nhất, người nào cũng hai ba xách lớn. Tôi nghỉ thầm: Khách du lịch người Tàu đến đây mua hàng hóa của Trung quốc đem về nước để kỷ niệm cho chuyến viễn du tại nước Mỹ…

Thu Paris 2010
Bích  Xuân

bichxuanparis@yahoo.com