về lại trang chính                  
 
https://www.youtube.com/user/Nguoibenhepho/videos
http://www.dailymotion.com/bichxuanparis
                                                                    
                                           
                                           VÙNG ĐẤT CỦA LÃNH CHÚA

                                                                           Bích Xuân


Tôi sắp phiêu lưu vào một vùng đất ở phía Bắc nước Pháp, nơi đó có nhiều điều mới lạ, (cách Paris 6 tiếng lái xe). Nhìn trong bản đồ vùng đất sắp đến, phong cảnh chung quanh đâu đâu cũng một màu xanh biếc, toàn là cây rừng. Sở dĩ tôi có chuyến đi này là nghe đồn đãi và xem qua các báo chí, nên muốn đi một lần cho biết. Trước khi đi, tôi chỉ tưởng tượng nơi đó chỉ là một cánh rừng hoang dã với những cảnh trí lạ, to lớn. Nhưng khi đến nơi và được xem những màn trình diễn, trên những sân khấu thiên nhiên mới có được cảm nhận. Viết, để diễn tả lại chỉ thể hiện phần nào qua ngôn ngữ chứ không là tất cả, khi nào bạn đến tận nơi, nhìn tận mắt mới có cảm giác thật sự. Hai ngày xem các màn biểu diễn, tôi có cảm tưởng : những màn trình diễn có tính cách lịch sử đã đi sâu vào lòng dân chúng ở vùng Puy du Fou này.
Chỉ trong vòng 30 năm trở lại đây, công viên trong khu rừng hoang vu hẻo lánh này, đã trở nên giàu có và phát triển mạnh mẽ nhanh chóng. Các tỉnh ở trong nước Pháp đều khâm phục. Ngôi làng đang phát triển mạnh là nhờ ông thị trưởng ở vùng này. Điều đáng nói, hiện nay làng đã dành ra 2 triệu euro, biếu cho các hội từ thiện ở trên thế giới khi cần. Mỗi năm, Puy Du Fou có 1,2 triệu du khách đến viếng thăm.

Hai thế kỷ trước, những người dân ở đây bị cô lập, họ sống trong cảnh nghèo khổ mà không được sự giúp đỡ nào. Thỉnh thoảng, dân làng chỉ được vui lên qua những cuộc lễ để quên đi phần nào nỗi khốn khó. Sự nghèo khó đã in sâu trong trí nhớ của người dân. Bây giờ, người ta nghĩ : người dân ở đây đã quên đi những chuyện cũ, nhưng làm sao quên được ngọn lửa của trí nhớ, của tâm khảm, mặc dầu rất mỏng manh nhưng không bao giờ tắt, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Dân làng này không được giúp đỡ, vì trước đó làng đã xẩy ra một cuộc chiến. Một vị tướng, trước khi lâm chung, yêu cầu dân làng nên tha cho kẻ thù hiện đang là tù nhân. Sau ba tháng chiến đấu mệt mỏi, người dân đã ý thức thế nào là đoàn kết, cuối cùng tất cả cũng chỉ là một dân tộc mà thôi. Sau đó, vùng này không được để ý và giúp đỡ.
Trước đây, vùng đất này thuộc về gia đình của một lãnh chúa mà nguồn gốc có từ thế kỷ 12. Tòa lâu đài của gia đình này xây cất theo kiểu thời phục hưng của Ý nửa chừng bị bỏ dở, nên bán lại cho người nối dòng cuối cùng của gia đình này vào năm 1659. Trong thời cách mạng, lâu đài đã bị đốt cháy. Sau này, người ta sửa chữa lại và được xếp vào loại đền đài di tích lịch sử của quốc gia. Nhưng tòa lâu đài này cũng bị rơi vào lãng quên, cuối cùng biến thành một dinh thự nông nghiệp ở trong trình trạng điêu tàn .

Năm 1977, Thị trưởng vùng Puy du Fou là ông Philippe de Villiers mua lại vùng đất Vendée nằm bên cạnh Puy du Fou này, và tạo dựng lại với sự giúp đỡõ của nhà nuớc, nhưng không làm gì hơn là việc sửa chữa toà lâu đài lại và mở thêm một viện bảo tàng nhỏ. Nhưng xa xôi và hẻo lánh quá chẳng thấy ai đến coi, nên phải đóng cửa lâu đài và viện bảo tàng.
Song song với việc tu bổ tòa lâu đài, ông thị trưởng nẩy ra ý nghĩ : tại sao không tạo dựng ra một màn kịch ngòai trời, với khung cảnh thật lớn, và những màn kịch này tổ chức vào ban đêm, diễn lại lịch sử của một gia đình sống tại vùng đó qua các thời đại, biến chuyển từ thời trung cổ cho tới thế kỷ 20. Khi diễn tuồng thì lấy tòa lâu đài làm bối cảnh chính phía sau.
Bây giờ, làng Puy du Fou có một công viên giải trí với tính cách lịch sử và hướng về thiên nhiên, công viên rộng 550 000m², khán giả ngồi chung quanh đều coi được, đây là công viên lớn, một hoạt động thương mại. Ngược lại, trong các màn trình diễn ở đó, là dân trong làng làm diễn viên không nhận thù lao. Những kịch sĩ nổi tiếng cũng đã từng đến đây làm việc thiện nguyện, đóng những vở kịch lịch sử này chẳng hạn như tài tử Alain Delon, Michel Duchaussoy, Robert Hossein…Hiện nay, công viên lớn này thuộc loại công viên có chủ đề, đứng hàng thư tư trong nước Pháp, nhưng được xếp loại thứ hai sau Disneyland Paris.

Sau khi ra khỏi quốc lộ, con đường dẫn đến Puy du Fou hang cùng ngỏ hẻm nào cũng toàn là rừng cây, tìm mãi không thấy có cánh đồng khô cỏ cháy nào. Trể 3 tiếng đồng hồ vì kẹt xe, không dễ gì đi thông suốt trong ngày thứ bảy, trên con đường đến vùng đất của lãnh chúa này. Kẹt xe dài gần 2 cây số, xe nhích từ từ, có khi dừng hẳn lại, người ta nhảy ra khỏi xe thư giãn tay chân, hay đứng tán gẫu để khỏi sốt ruột khi chờ đợi. Trước khi nhận phòng để ngủ qua đêm, chúng tôi được thư giãn bằng một cuộc đi chơi thuyền, thời gian 1,30 giờ trên những con lạch nhỏ (5km). Mỗi thuyền chở được 10 khách, do các thanh niên chèo đò, đa số thanh niên này là sinh viên làm trong những tháng hè, người lái đò già nhất là 30 tuổi. Nhìn cậu nào cậu nấy ốm nhom như cây sậy, không ốm sao được với mỗi ngày 8 tiếng hì hục chống sào, người mồ hôi toát ướt đẫm áo, chống thuyền đưa khách đi dạo liên miên...

 Khi thuyền ngang qua vùng nước đục thì tất cả đều dừng lại đó, các cậu lấy chèo quậy cho nước bùn nổi lên rồi bật lửa, tức thì nước ở bên hông lườn ghe bốc cháy. Khách ngồi bên thuyền này, nhìn sang thuyền bên kia, thấy lửa bốc cháy dưới thuyền, cười hắc hắc, thật là thú vị, nhưng cũng sợ cháy xuồng nên la hét o ó. Nhưng lửa chỉ phựt cháy lên được một phút là tắt. Cậu sinh viên giải thích : nơi này lá rụng nhiều, dưới nước khi lá nát rã tạo thành một loại gaz , nên gặp lửa là « nước » bốc cháy. Đò đưa khách về trên dòng nước xanh, có hàng liểu rũ hai bên ven hồ thật là thơ mộng lãng mạn, trong một chiều dạo mát đường quê .
Nhận phòng xong, chúng tôi vội vã lên xe để đến ngôi làng Puy du Fou coi màn trình diễn ban đêm ngoài trời. Nghe nói vỡ kịch tôi liền hình dung, một vỡ kịch tầm tầm vậy thôi, không thể tưởng tượng những cảnh trí lạ, to lớn thêm được nữa.

Giữa đất trời bao la này, hàng ngàn khuôn mặt biểu diễn trước mắt khán giả qua vở kịch lớn, trên một sân khấu lớn lộ thiên rộng 230 000m², với 13 500 chỗ ngồi. Người xem chật ních, nhưng người ta không nhớn lên nhớn xuống khi xem. Sân khấu phía trước là một hồ nước rộng, bên kia là những ngôi nhà làm bối cảnh. Quanh mặt hồ, có con đường đi, phiá bên trái, một lâu đài lớn hoang tàn. Trời còn sáng thấy cảnh này chẳng có gì đặc biệt, nhưng khi màn đêm buông xuống, với 1500 ánh đèn chiếu sáng, và tiếng kèn cổ truyền trổi lên, hàng hàng, lớp lớp vũ khúc khác nhau tuyệt đẹp diễn ra với sự xuất hiện  các dũng sĩ cỡi ngựa, từ bên kia hồ nước phóng tới với một tốc độ thật nhanh. Nhìn sân khấu bây giờ sao mà to lớn, đồ sộ…
Trong một hoạt cảnh, người bán hàng rong kể lại cho người trể tuổi kia biết, tổ tiên của cậu là một người hùng mang dòng họ Maupillier từ thời trung cổ, cho đến đệ nhị thế chiến. Ông già kể đến đây, tiếp đến là bối cảnh lịch sử do đại gia đình Maupillier đóng, và dân làng đem hết cả gia đình ra trình diễn. Màn kịch và những màn vũ tập thể phác họa lại một gia đình nông dân Maupillier, một biểu tượng của dân chúng vùng này, và màn kịch cũng diễn lại một trích đoạn thời cách mạng Pháp lật đổ thể chế vương quyền (hoàng hậu Marie Antoinette bị truất phế).

Ban đêm, tia sáng laser bám chung quanh 1 300 diễn viên, cộng thêm những loại ánh sáng khác nữa, sân khấu trong khu vườn lộ thiên rộng lớn, với những hình ảnh sống động, người xem có cảm giác như là chuyện thật, và thích thú qua những tia sáng bằng 300 ngọn pháo bông,  giữa những cuộc đối thoại giữa các người hùng dưới những ngôi sao, bên cạnh những chàng kỵ mã gồm 50 con ngựa chạy với một tốc độ thật nhanh, làm người xem bị xâm chiếm bởi những cảm xúc rất mãnh liệt. Trong hai tiếng đồng hồ, khán giả như chia xẻ với các diễn viên những giây phút tuyệt vời, trong màn kịch thần tiên, huyền ảo, làm cho thời gian và không gian như ngừng lại. Trước khung cảnh này, khán giả không khỏi ngạc niên và ngỡ ngàng đến thích thú, đã đưa người xem lạc vào thế giới xa xưa làm sống lại tâm hồn người.

Thị trưởng vùng Puy du Fou đã có được  3000 dân trong làng, và cũng là hội viên của Hội Puy du Fou, đã dựng lên vở kịch với tinh thần thiện nguyện, họ sẵn sàng hy sinh thời giờ, quên đi thú vui riêng để họp thành một đại gia đình kịch nghệ, gợi lại những bối cảnh lịch sử, với tất cả nhiệt huyết trong lòng. Trước một vở kịch lịch sử riêng vùng Puy du Fou mà khán giả có cảm tưởng như đó là một vỡ kịch lịch sử của một quốc gia, vì sự dàn dựng nghệ thuật này quá to lớn và nhiều tốn kém.

Sau màn trình diễn này, sáng hôm sau chúng tôi đi xem màn kịch ở một nơi khác của những tên cướp biển Vikings (3 000 chỗ). Sân khấu phải đi quanh co xuyên qua cánh rừng mới đến được, đi trong này nếu không cỏ bảng chỉ đường là lạc ngay. Sân khấu thiên nhiên này cũng lấy dòng sông làm bối cảnh, phía sau là tòa lâu đài cũ với những căn nhà thô sơ bên khu rừng rậm. Những pha đốt phá nhà cửa bốc cháy ngút trời, hỗn loạn với những tên cướp biển, trang phục thời trung cổ cỡi ngựa như bay trong tiếng la hét.  Đặc biệt màn kịch này, làm khán giả thích thú là từ dưới sông tự nhiên nổi lên chiếc thuyền, hai người đàn ông trong thuyền nhảy lên bờ, đấu kiếm với những tên cướp trong khói lửa mịt mù, không khác chi là cảnh thật.
Đi băng quan cánh rừng bên kia là một ngôi làng nhỏ (2 500 chỗ) là phần trình diễn của những con chim ó ma quái đưa tin khắp nơi ( những con chim diễn tã lại những lúc đưa thư dưới tời cách mạng tại làng này). Chim lớn như chim ưng, chim ó, chim nhỏ thì đủ màu. Người điều khiển chim đứng ở ngoài hú lên một tiếng, chim từ đâu trong rừng bay ra tứ tung trên bầu trời xanh. Nhưng sau những màn biểu diễn, chim từ đâu bay về lại chổ cũ. Thật tài tình ! Thời gian không có nhiều mà chương trình thì đầy nghịt các màn biểu diễn, nên người xem không có thời giờ để ăn trưa, đa số người ta mang theo thức ăn, khi có chỗ ngồi rồi mới mang thức ăn khô ra ăn tại chỗ như : bánh mì, phó mát, thịt nguội…

Tiếp đến là màn trình diễn trích đoạn chuyến phiêu lưu của « Những chàng ngự lâm pháo thủ » (Mousquetaires de Richelieu) thật tuyệt vời. Sân khấu này rộng lớn, làm theo kiểu thế kỷ 17. Dụng cụ trang hoàng cho sân khấu có 30,5 tấn. Sơ sơ tấm màn nhung của sân khấu 952m², 70m bề dài gần 14m chiều cao. 72 cánh cửa sổ trên sân khấu, 70 ngọn đèn màu với 35 diễn viên mà màn kịch chỉ có 40 phút. Ở đây 3 500 khán giả được coi những màn đấu gươm như thật, cũng như các màn vũ chuyên nghiệp của những con ngựa. Đây là một vở kịch tư nhân lớn nhất của Pháp (chi phí cho vỡ kịch này hết 10 triệu euro) trong này cấm chụp hình, quay vidéo.

Người ta lại đi nhanh đến công trường của những người giác đấu thời La Mã, có chiều dài 115 thước  trong một cảnh trí lớn, 6 500 chỗ. Với cảnh huy hoàng to lớn, những người giác đấu dựng thành vở kịch, khiến người xem như lạc vào thời xa xưa nào đó của thời La Mã. Với 80 giác đấu trong những cảnh chạy đua bằng xe ngựa, và 45 con ngựa được huấn luyện chuyên môn cho những cuộc chạy đua. 8 con sư tử đã làm sống lại những giây phút lịch sử to lớn này, đây là giây phút giải trí đối với những người cổ La Mã thời xưa ưa chuộng. Ban tổ chức cho khán giả biết, những giác đấu này xẩy ra trong thời gian Đại đế Dioclétien vào thế kỷ thứ 3, sau thiên Chúa giáng sinh. Trong những người giác đấu này, nguời ta phân biệt ra ngay, một giác đấu tên Damien từ chối không chịu giết người bị thua cuộc, nên Damien phải chiến đấu với cọp, beo để cứu mạng sống mình.

 Coi xong màn trình diễn của Damien đua xe ngựa làm cho người xem thích thú từng giây phút, người xem có cảm tưởng : đây như là cuộc phiêu lưu của những người dân ở vùng Puy Du Fou, từ ba thế hệ nay đã tạo dựng ra những vở kịch khổng lồ, dưới những màn trình diễn mà tất cả vai đóng đều miễn phí.

Ngôi làng này, đón tiếp những hội viên có trong vai diễn đến ở luôn  tại đây trong bầu không khí rất thoải mái. Các hội viên đóng kịch mỗi tuần hai lần, mỗi thứ sáu và thứ bảy trong mùa hè. Họ họp lại nhau để chuyền cho nhau sự say mê thích thú, cũng như để tạo lên cho người xem sự say mê như  chính bản thân họ.
Ban ngày, công viên người đông không tính xuể (đa số là du khách người Pháp), vậy mà, mới 4 giờ chiều ngày chủ nhật, công viên vắng hoe vắng hoắt, bãi đậu xe không có chiếc nào, chỉ còn vài chiếc xe Bus của khách du lịch.
Trên con đường làng khi trở về, tôi nhìn trời cao mây rộng, phong cảnh màu xanh hữu tình ở đây trong tháng hè nhưng sao vẫn thiếu nắng. Chiếc xe lặng lẽ đi ngang qua những cánh đồng trồng hoa hướng dương rực rỡ, hoa hướng dương hướng về phía mặt trời, làm cho hoa vàng dưới nắng chiều càng vàng hơn. Bên cánh đồng là ngôi làng, với những căn nhà thấp cũ như quê mẹ biết bao là thương nhớ…
Khu rừng thiên nhiên vừa diễn ra những dấu vết lịch sử, để lại trong lòng khách du nỗi niềm man mác luyến lưu. Chiều nay, tôi bỗng nhớ về bạn bè, quê hương cũng như tình người trong muôn thủa. Khu rừng từ từ xa dần phía sau lưng, công viên ở lại với rừng núi phong sương cùng tuế nguyệt. Tôi giữ lại đây những hình ảnh, kỷ niệm một chặng đường nhỏ những gì đã thấy, để cùng bạn đọc chia xẻ những cảm xúc, như đang được tham dự những bức tranh nghệ thuật sống động vừa qua.

Bích Xuân, Paris