về lại trang chính                  
 
https://www.youtube.com/user/Nguoibenhepho/videos
http://www.dailymotion.com/bichxuanparis
 

                                     Thăm Làng làm rượu Champagne
                                                                                     Bích Xuân                                                            

Chiếc xe đi về miền đông bắc Paris vào buổi sáng sớm. Xe chạy được một đoạn trời bỗng đổ mưa. Trời 800px-Vendanges---c-C3-B4tes-de-Beaune.jpgmưa, trời lại dứt cơn mưa,  đúng là nắng mưa là bệnh của trời…Hôm nay, tôi đến viếng thăm thủ đô của rượu « sâm banh » nằm trong tỉnh Reims, cách nơi tôi ở 130 cây số. Trước khi vào thăm nơi sản xuất rượu, chúng tôi vào thành phố Reims, một thành phố có di tích lịch sử, ai yêu thích về lịch sữ đều bị thu hút đến đây. Ngoài nghệ thuật và những thắng cảnh được Unesco xếp vào di sản của quốc gia, ở đây còn có những hãng rượu « sâm banh » đã có một truyền thống lâu đời.

Đi trong nước Pháp, ở đâu cũng thấy lâu đài, nhà thờ, kiến trúc đều giống nhau. Notre Dame ở Reims này kiến trúc giống hệt như Notre Dame ở Paris có được 1600 năm tuổi (407), là một kiệt tác nghệ thuật cổ xưa,( nhà vua cũng đã đến đây làm lễ rửa tội), và cũng chính tại nhà thờ này, tổ chức 25 lần lên ngôi của các vị vua. Ở đây được trang trí 23.000 bức tượng điêu khắc, tượng nổi tiếng nhất là Thiên Thần Với Nụ Cười. Nhà thờ này cũng đã đón tiếp đức giáo hoàng Jean-Paul II vào năm 1996.  Notre Dame ở Reims kiến
 Lâu đài Tau, kiến trúc kiểu Hy Lạp, có từ 509 năm nay, cũng như hoàng cung của vua Louis 15, và công trường Forum cũng rất nổi tiếng, bạn sẽ trông thấy một hầm mộ với lối cấu trúc nửa như La Mã nửa như  Gaulois có từ thế kỷ thứ 3, sau thiên Chúa giáng sinh.
Từ nơi có di tích, cách vài trăm thước là đến đô thị,  đi một vòng là hết. Ở đây, thấy người ta còn đi  xe ngựa (hai ngựa) trong ngày lễ cưới. Xe ngựa chở cô dâu chú rể đi quanh làng để chào bà ( 500 euro một ngày). Dân tại đây hiền hậu, thuộc hạng trung lưu .
Xe rời thành phố Reims với những con đường nhỏ, đi bất kỳ ở đâu trong nước Pháp bây giờ cũng thấy có chương trình khuếch trương đô thị, nên đường xá như 
là công trường. Paris đường chật hẹp đã đành mà ở đây cũng vậy. Tôi thắc mắc, ở vùng quê rộng lớn này, tại sao người ta làm những con đường nhỏ xíu vậy !

7--thung-ruou.jpgTừ Reims đến tỉnh Champagne khoảng 25 cây số. Trên là ruộng nho, dưới đất là những hầm chứa rượu để giữ được mùi vị lâu năm. Champagne này đã nổi tiếng thế giới với loại rượu trắng, tươi mát, sủi bọt, có vị thơm, nên người ta lấy tên tỉnh đặt cho loại rượu là Champagne.
Đường đến tỉnh Champagne, thỉnh thoảng thấy có vài căn nhà nằm hai bên đường. Đường thì quanh co, thiên nhiên chung quanh dần dần hiện ra, đồng ruộng xanh thắm bát ngát thơm hương không khí đất trời, thỉnh thoảng dâng lên một thứ hương nho thơm lạ. Chung quanh rừng nho tươi mát sao mà lặng lẽ, chẳng thấy bóng dáng người, chỉ thấy chim bay. Tiếng chim gì văng vẳng mơ hồ không rõ. Chim hỡi trên trời xanh dừng lại, sao âm thầm lặng lẽ bay đi. 
 Những lâu đài lộng lẫy của những hãng rượu từ từ hiện ra, có nhà loại tầm tầm, có loại nhà lâu đời có  hãng còn giữ nguyên lại, như hãng rượu chúng tôi sắp viếng thăm là một căn nhà bình thường nổi tiếng lâu đời ở vùng này là hãng Mercier (được 149 tuổi). 
Bích Xuân
 Vừa bước phòng đã thấy trưng bày một thùng rượu khổng lồ làm bằng loại gỗ sồi, có sức chứa 160.000 lít, tương đương với 200.000 chai. Thùng rượu gỗ này cũng được 12 cặp bò, 18 con ngựa mang đến Paris triển lãm trong ngày hội chợ quốc tế năm 1889, (triển lãm cùng ngày với tháp Eiffel).
Trước khi viếng thăm một hầm chứa rượu to lớn dưới lòng đất (xuống bằng thang máy, có độ sâu 30 thước, làm hầm rượu này người ta phải lấy ra một số lượng đất là 280.000 tấn đất phấn) chúng tôi được coi một cuốn phim nói về từ lúc hái nho, cho đến khi có được ly rượu « sâm banh » do hãng Champagne Mercier quay từ năm 1900, vào thời đó, đã có 3 triệu người đến xem cuốn phim tài liệu này.
Đi sâu xuống hầm rượu, càng thấy hơi lạnh toát ra. Hầm rượu bây giờ không để làm rượu, mà để du khách thăm viếng bằng xe lửa với 18 cây số đường hầm. Hầm rượu cũng có một một đường rầy xe lửa tư nhân, 
nối liên với những đường rầy xe lửa của nhà nước, để chuyển rượu đi khắp nơi. Trong hầm, có những bức tượng được trang trí bằng thứ ánh sáng lung linh rất đẹp. Những bức tượng để tưởng nhớ những người đã tạo dựng ra nơi này.
Xe lửa qua những hầm rượu sâu hun hút, những chai rượu được chất cao, gần tới trần, chai để nằm ngang, hầm khác rượu để nằm nghiêng trên các giá gỗ. Nhìn đâu cũng thấy chai chất đống, nằm nghiêng, nằm ngang. Trong hầm, còn giữ lại đủ các loại rượu có từ 1923. Dưới hầm cấm chụp hình phía trước, chỉ được chụp hai bên và đằng phiá sau.
Cách đây 116 năm (1891) , hầm rượu này đón tiếp Tổng thống Sadi Carnot viếng thăm. Bắt đầu từ đó khách đến thăm, kéo dài cho đến ngày hôm nay. Và cũng trong hầm này, có một cuộc đua xe giải Champagne, với loại xe 4 CV của hãng xe Renaut, với 18 cây số trong hầm, mà không một chai rượu nào để trong hầm bị bể.
 Chúng tôi ra khỏi hầm rượu, sau một giờ đồng hồ đi dạo, sau đó được hãng rượu mời uống các lại loại sâm banh màu hồng và trắng, thật là mát ruột…Tại đây có loại bánh màu hồng đặc biệt để ăn khi uống với rượi sâm banh. Sau đó, chúng tôi thăm viếng ruộng nho xanh tươi, tốt trái. Đi dạo trong rừng nho, tôi gặp một người đàn ông Pháp, to lớn, 47 tuổi mà tưởng như là 60. Đối thoại giữa tôi và người đàn ông hái nho, một bên vừa cởi mở, mong muốn, nôn nóng. Một bên vừa rụt rè, vừa kín đáo…Tôi sẽ nói về người đàn ông đặc biệt này trong đoạn cuối của bài viết. Bây giờ, xin tiếp tục về vùng đất của Champagne này.

Vùng đất này, có khoảng 350 triệu mét vuông, được chia ra 350 hãng làm rượu sâm banh có những hương vị đậm đà khác nhau, được nổi tiếng trên thế giới như : Lanson, Mumm, Pommery, Taittinger, Ruinart, Canart Duchêne… Đất đai ở đây quá đặt biệt nên các vùng khác không thể có. Đặc biệt là có 4 lớp đất 10.jpgkhác nhau. Đất phía trên là đất xốp, lớp thứ hai là đất sét (dày 200m), lớp thư ba đất vôi, lẫn với cát, và đất sét, và lớp cuối cùng là đất phấn có độ dày 100m. Đất phấn lạnh cóng hàng năm, từ 60 đến 80 ngày, nhưng ở trong đất, loại đất phấn này, đặc biệt quanh năm suốt tháng, vẫn giữ hoài một nhiệt độ là 10 độ C.  Khí hậu lạnh ở đây cũng là lợi điểm quí báu để nho chín từ từ, và đều đặn có mùi thơm êm dịu, nhẹ nhàng. Lý tưởng làm thăng bằng cho sự tươi mát trong khẩu vị. Về hầm rượu cũng rất thuận tiện cho sự phát triển chậm những loại rượu sủi bọt, và hương thơm của rượu. Nhiệt độ dưới hầm rượu, không bao giờ thay đổi qua các mùa.
Nho trồng ở vùng này được ưu điểm của đất đai. Thứ nhất, có nguồn nước đều đặn để tưới, nước thấm qua đất rất đều đặn. Đỉnh đồi trồng nho được mặt trời chiếu thẳng vào. Thứ hai,  có 3 loại nho đặc biệt là hai loại nho màu đen (Pinot Noir, Pinot Meunier) và nho màu xanh (Chardonnay). Cả ba loại nho này, vỏ khác nhau, mùi hương khác nhau, nhưng cùng cho một nước cốt trắng. Mùi hương hai loại nho đen, hương vị như mùi rượu chát đỏ, nho xanh, hương thơm của vùng nhiệt đới. Nho hái từng vùng một, bởi từng độ chín của mùa nho khác nhau. Những người hái nho nhiều kinh nghiệm, và luôn luôn hái bằng tay với sự cẩn thận, nên nho không bị tổn hại. Có những người làm rượu sâm banh ở đây, pha chế với một phương pháp « bí truyền » theo kiểu cha truyền con nối có từ lâu đời.
Nho thành rượu Champagne .
Là một nghệ thuật, nhưng khá rắc rối. Chế tạo rượu sâm banh đòi hỏi nhiều sự hòa hợp rất chính xác để có mùi huơng đặc biệt. Thứ nhất để rượu có tuổi, thứ hai rượu có hương vị tuyệt dịu, tươi mát trong lưỡi ; có mùi thơm của trái cây, thứ ba rượu bốc hơi tự nhiên.
Rượu lên men.
Nho được ép tại nơi gần nhất của ruộng nho. Nước cốt ép đầu tiên tạo men lần đầu khoảng 3 tuần. Sau đợt đầu lên men này, đến đợt pha trộn các vị hương. Có 60 loại rượu có tuổi, với mùi hương khác nhau đem pha trộn với loại rượu mới này. Sau đó, để rượu sủi bọt và làm cho nước trong. Chai rượu đem để nằm ngang, từ 6 đến 9 tuần dưới hầm, đây là lần lên men thứ hai, rượu bắt đầu sủi bọt, trong chai tự nhiên tạo ra hơi gaz .
Làm cho rượu có tuổi già.
12-.jpg Chai nằm yên trong các hầm rượu trên những giá bằng gỗ trong nhiều năm. Rượu có tuổi già phải chuyển động bằng cách xoay chai. (một ngươi thợ giỏi chuyên  xoay và lắc được 40.000 chai mỗi ngày). Rượu để nằm ngang, có chất cặn, nên vừa xoay vừa lắc mỗi ngày một lần, từ 6 đến 8 tuần lễ. Mỗi lần xoay, lắc, để chai nghiêng xuống lên một tí, khi nào chai nghiêng « đứng thẳng » đầu chai chốc xuống, lúc đó có chất cặn đóng ở dưới nút chai, người ta nhúng miệng chai vào nước thật lạnh ở nhiệt độ 20 độ C dưới 0 độ, để cho chất cặn đóng thành nút chai thứ hai bằng nước đá cục. Người ta mở nút chai, hơi gaz trong chai đẩy cục nước đá đầy cặn, và nút chai « bay » ra ngoài. Phần rượu bên trong bị cạn đi một ít, người ta thêm vào đó 25% phần rượu đặc biệt, lâu đời và thêm một tí đường. Lần pha cuối này, rượu được đóng chai ngay lập tức.
Trước khi mở nút chai sâm banh, nhiệt độ phải ở giữa 6 và 8 độ C, ly để uống rượu sâm banh phải là ly rượu nhỏ có độ sâu. Rượu rót vào ly, nhiệt độ tăng từ 8 đến 10 độ C. Muốn có nhiệt độ này, người ta để chai rượu vào một cái sô với nước đá đập nát ( nửa sô), và một nửa sô nước lạnh. Để rượu trong vòng 30 phút, uống mới có mùi hương tuyệt vời của rượu sâm banh. « Sâm banh » được đến với người biết thưởng thức, người ta cảm thấy thích thú của cặp mắt, mũi, lưỡi và hương vị của rượu đột nhiên bộc phát trong những giây phút người ta hòa đồng vui vẻ với nhau. 
Tiểu sử nơi viếng thăm.

Sâm banh Mercier có được 149 năm tuổi (từ năm 1858). Hầm rượu này, nằm dưới một vùng đất phấn đặc biệt ở trên đồi Champagne chuyên trồng nho. Mercier có hơn 2  triệu m² đất trồng nho, mỗi năm mua thêm 50% nho của các hãng khác để sản xuất rượu. (lợi tức mỗi năm 724 triệu euro). Mercier thành lập hãng rượu, lúc đó ông chỉ 20 tuổi. Mercier có cái nhìn xa, và có những quyết định táo bạo, đây là một trong những người đầu tiên làm kỹ nghệ hóa và tối tân hóa những phương pháp làm rượu cổ truyền. Mười một năm sau, ông đã có một vùng đất lớn ở trên đại lộ vùng Champagne này. Ông đào những hầm để chứa rượu lớn. Thập niên (1880) sâm banh Mercier rất thịnh vượng thì ông qua đời (67 tuổi), con trai và con rể ông nối nghiệp. Hiện bây giờ là người cháu gái đời thứ tư của ông điều hành.

Bây giờ, xin nói về người đàn ông hái nho mà tôi đã gặp trong vườn nho ở phần trên. Người đàn ông này đã làm cho tôi rất đỗi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng. Tôi vừa khám phá ra một chuyện mà tưởng rằng ở thế kỷ 21 này không bao giờ có thể xẩy ra, nhất là ở một xứ văn minh này. Nếu ở Pháp còn có người như  ông, thì có lẽ, các quốc gia khác trên thế giới cũng sẽ có hiện tượng này.
Người đàn ông da trắng, to, lớn đang lom khom trong vườn nho, đầu hói, nhưng vẫn còn vài sợi ở bên mép tai, đeo kính cận, chiếc cằm tròn, mặc áo sơ mi màu xanh. Lúc đầu, tôi tưởng là du khách nên đến gần bắt chuyện, ông nói là người hái nho ở đây, tôi mừng húm, nghĩ thầm « trúng mánh ». Tôi hỏi xã giao, ông làm ở ruộng nho này lâu chưa ?  Ông  nói, chỉ mới làm vài năm trong mùa gặt hái nho thôi.
-  Ông sinh ở vùng Champagne ?
-  Không, vùng Picardie.
    
bichxuan.JPG   - Tôi biết vùng đó, không xa vùng Champagne mấy. Ông hái nho tháng mấy ? Nghề này nhẹ nhàng quá chớ !
  - Không nhàn đâu, không quen cực lắm, mỏi lưng, mỏi đầu gối...Nho được hái vào tháng mười.
Tôi móc bóp lấy ra tấm giấy bản đồ,  và hỏi ông một hãng rượu khác cũng ở gần đây. Khi ông 
nhìn thấy bản đồ, ông xua tay lia liạ, ông nói không biết coi bản đồ. Nhưng tôi tưởng ông nói đùa
nên vẫn chìa bản đồ trước mắt ông. Ông nhìn tôi có vẻ ngượng ngập, mắc cở, ông hạ thấp giọng :
  - Thật tình tôi không biết coi bản đồ, tôi không biết…chữ
  - Ông nói thật ! Tôi ngạc nhiên hỏi với giọng nghi ngờ.
  - Tôi mới biết …đọc sơ sơ thôi, nhiều chữ tôi không hiểu.
Nhìn nét chân thật thì không thể ông nói dỡn chơi, nên rất gợi tính tò mò của tôi. Tôi hỏi một loạt những câu :
        - Thế ông biết đọc từ lúc nào ? Phải có học mới đọc được chứ ! Xin lỗi năm nay ông bao nhiêu      tuổi ? Tôi rất thích nghe ông kể chuyện này. À, tôi là Bích, còn tên ông là gì ?
   - Cô vui vẻ và dễ thương quá, nhưng hơi nóng tính một chút, từ từ tôi sẽ kể cho cô nghe mà …
Tôi nôn nóng thật sự, vì sợ hết giờ, vì xe ca lại sắp rời bến…
        - Tên tôi là Gérard 47 tuổi, tôi chỉ biết đọc bắt đầu năm …45 tuổi. Quá trễ, nhưng trễ vẫn còn hơn là không bao giờ. Sau 40 tuổi, tôi mới đi học lại. Trước kia, tôi cứ dấu diếm một cái gì đó làm cho tôi cảm thấy mình hèn nhát, và rụt rè mỗi khi nhìn thẳng về phía trước, như có bức tường đen chắn ngang. Bây giơ tôi mới cảm thấy cuộc đời có nhiều ý nghĩa.
  -  Không biết chữ có làm trở ngại đến việc làm, và nguyên do nào ông đi học lại ?
        - Tôi nghỉ học năm 14 tuổi, sau đó đi làm phụ bếp cho một nhà hàng. Ông chủ nhà hàng rất khó chiụ và hay giận dữ, nên tôi bỏ làm phụ bếp để đi học nghề làm bánh mì. Nhưng cũng không xong, vì làm bánh mì về phần lý thuyết thì phải biết đọc, biết viết. Sau đó, tôi xin được việc làm mà chủ nhân không đòi hỏi phải biết tính, biết đọc, biết viết đó là nghề đúc ngói. Tôi chỉ việc xếp 10 miếng ngói, gạch một cái làm dấu là xong. Làm ở hãng ngói nhiều năm, số chữ hạn hẹp của tôi càng ngày càng mất dần, nên thành người mù chữ. Trong mấy chục năm tôi ở thành thị, nhưng cảm thấy mình như ở cõi hoang vu, không biết đọc, không biết viết như một người rừng. Khi trở thành một người mù chữ, tôi luôn luôn mâu thuẫn trong lòng, mặc dầu biết mình kém cỏi, có mặc cảm thua kém, mắc cở, nhưng không chấp nhận sự yếu kém của mình thành ra không chịu học. Sau này, hãng ngói đóng cửa tôi bị thất nghiệp. Tôi ghi tên tìm việc làm, họ phát giác tôi không biết chữ nên cấp tốc gởi tôi đến cơ quan chống nạn « mù chữ » để học, và tôi học được 3 năm nay. Bây giờ, tôi cảm thấy rất thoải mái trong tâm hồn, mỗi khi nói chuyện với ai, tôi nhìn thẳng vào ánh mắt của người ta chứ không né tránh, cúi xuống như ngày xưa nữa. Có lẽ tôi tiếp tục mù chữ, nếu hãng làm mái ngói không đóng cửa .
Niềm riêng của ông nói đến đây thì tiếng còi xe bus thúc dục. Kệ, tôi nán lại vài phút nữa cũng không sao, trước khi xe chạy, tài xế đếm đủ người mới chạy mà…Tôi hỏi nhanh :
       -  Ông học một mình, hay có ai cùng học ?
       -  Lúc đầu thì tôi không muốn đi, nhưng đến lớp cũng có « học trò » khác bằng tuổi tôi, khoảng 80 chục người nên tôi không còn mắc cở nữa. Tỉnh Picardi nơi tôi ở có nhiều người không biết chữ , nhiều nhất là đàn ông…
        Tiếng còi xe réo lên liên tục, tôi vội vã từ giã ông Gérard  « bay »  nhanh ra chiếc xe đang chuẩn bị lăn bánh. Xe chạy rồi mà tôi cứ quay cổ lại nhìn người đàn ông mặc áo xanh, còn đứng đó trong vườn nho xanh biếc, đưa tay vẫy chào, vẫy chào tôi lần cuối…Tôi tiêng tiếc, câu chuyện chưa xong mà phải ra về. Trên xe trở về, tôi miên man suy nghĩ, Ở những nước chậm tiến, người biết chữ và người không biết chữ, có một sự cách xa, nhưng không cách xa là mấy. Nhưng ở nước văn minh tân tiến, người không biết chữ và người biết chữ cách xa như hố sâu thăm thẳm…Ông Gérard 47 tuổi, người Pháp, ở tại Pháp bây giờ mới viết được những dòng chữ của đứa bé lên 5.  Kể cũng lạ ! Ông đã từng đi học đến 14 tuổi mới nghỉ thì đã học qua lớp tiểu học ở trường rồi.  Không biết tuổi nhỏ ông đã bị hoàn cảnh, hay sai lầm, hay nhút nhát mà khiến ông vào con đường này !
Vườn  nho lùi xa hàng cây, làn gió âm thầm  như một điệu nhạc thiên nhiên. Ngõ trăng đường về nghiêng ngả bóng chiều ẩn trong sắc xanh của lá. Tôi đang mơ màng nghe tâm tình lan tỏa bay xa, bay xa mãi .

                                                                           Bích Xuân