SÔNG SEINE PARIS
 

Bích Xuân, Paris 

Hôm nay, trời xanh, mây trắng, ánh nắng hồng chan hòa khắp nơi, tôi như man dại bên hàng cây xanh với nắng gió ... Đã bao lần tôi đi bộ trên đại lộ tình yêu này, đã bao lần vẫn xúc động vì ngắm nhìn dòng sông trong những ngày đầu mùa trăng mát dịu. Dòng sông làm cho tôi nhiều mộng mơ bất chợt, bởi những cảnh đẹp, về chiếc tàu, về ngọn gió, về tòa nhà cổ kính. Tất cả đang chất chồng và tất cả đang bay biến tạo thành chất liệu dệt lên những câu thơ đầy tình thương nhớ ... Lãng mạn tìm về thiên nhiên. Sông lạnh, không một cánh chim, chỉ có một vầng trăng tròn trịa hiện ra soi bóng du thuyền trên quãng sông Seine. Với tôi, lúc này là những phút giây đầy ý nghĩa một cuộc dạo chơi thả hồn xâm nhập vào bí ẩn trong tâm hồn phủ kín. Bỗng tôi mỉm cười bâng quơ  ...   
Sông Seine riêu lá ngập nhạt  màu
Nước thời gian đọng biết về đâu
Buổi chiều mộng dưới hoa nhung tím
ủ Ấp ủ lòng tôi chất chứa nhau.

Sông Seine, là một huyền thoại có những lần sôi nổi qua  làn sóng nước, và biến đổi qua các thời đại bên đường phố trong đám đông chiêm ngưỡng. Sông Seine, đã tiêu biểu đi vào vương quốc trái tim của người dân Paris một khía cạnh nào đó như là một vẻ đẹp chủ nghĩa lãng mạn. Xin mời quí bạn viễn du giữa dòng sông vài phút để biết về câu chuyện nơi dòng sông này. Nói đến sông Seine, người ta không thể không nói đến 37 cây cầu cũ và mới bắc ngang sông đã nói lên lịch sử kiến trúc của thành phố Paris. Cây cầu cổ xưa nhất cũng là tân kỳ nổi tiếng nhất, đó là cầu Pont-Neuf được xây vào năm 1604 để vua Henri IV qua lại dễ dàng giữa cung điện Louvre và tu viện vùng Saint-Germain-des-Prés.  
(Pont Neuf)
Cầu mới được khánh thành năm 1999 nối liền bảo tàng viện Orsay tới công viên cung điện Tuileries. Nhưng cầu đẹp nhất vẫn là cầu Alexandre III với những hàng trụ đèn đường có nét độc đáo. Người ta thống kê năm 2004 có khoảng 7 triệu du khách thưởng ngoạn trên dòng sông Seine.
Giữa hai thế chiến, bê tông cốt sắt được dùng để nới rộng những cầu cũ hay là cất lại những cầu cũ rộng hơn nhưng vẫn giữ lại đường nét cổ kính cũ. Ngày nay, xử dụng cấu trúc thép trong vấn đề xây cất cầu, cũng có sức chịu đựng tương đương với cách xây cất cầu bằng bê tông.
Dòng sông Seine dài 776 cây số, (đã có khoảng trước 10 000 năm trước thiên chúa giáng sinh) bắt nguồn từ vùng Bourgogne và chấm dứt bằng cách chảy ra biển Manche. Tên dòng sông Seine được Jules César (Hoàng đế La mã, người bách chiến bách thắng một thời bá chủ gần hết hoàn cầu) đặt ra từ tên Sequana nàng tiên La mã.

Sông Seine cũng là một đường thủy lưu thông thương mại có tầm quan trọng bậc nhất. Đến thế kỷ 17 và 18 có sự phát triển là thành lập một cảng lớn gần cung điện Louvre bên bờ sông Seine để tiếp tế than, củi, cỏ khô và thực phẩm. Trước khi có động cơ hơi nước, những phà lớn được kéo hai bên bờ bởi những con ngựa hay là những người phu kéo.
(Pont Alexandra)
Từ thời những người Gaulois (người Pháp thời cổ xưa) thành lập một làng bé nhỏ trên một hòn đảo nhỏ giữa Paris ( île de la cité ), lịch sử của thành phố Paris đã có liên hệ mật thiết với dòng sông Seine băng ngang qua thành phố mang theo sự nhộn nhịp của đời sống. Dòng sông Seine còn là một ranh giới địa dư, một biểu tượng ngăn cách bờ bên phải và bờ bên trái, những dinh thự đẹp cũng nằm dài theo hai bên bờ sông. Những chiếc phà cũng như những tàu chở du khách thăm viếng tới lui một cách êm ả trên dòng sông.  

Thật là khó tưởng tượng, vào thế kỷ thứ 9 sau thiên chúa giáng sinh (từ năm 801 cho đến năm 900), một đội quân gồm 700 cướp biển Vikings đã mượn dòng sông Seine để xâm chiếm Paris. Cũng vào năm 1572 dòng sông Seine đã mang nhiều ngàn xác chết, là những nạn nhân của một vụ thảm sát vào thời đó.

Cách đây 300 năm, dòng sông Seine đã giữ nhiều vai trò một lúc : vừa là nguồn nước uống khi qua hệ thống lọc, vừa là hệ thống cống của thành phố, vừa là chỗ để cho những người chuyên môn giặt áo quần và phơi hai bên bờ sông. Những xưởng máy đổ xuống đó những đồ phế thải. Những con ngựa (thời còn xe ngựa) uống nước sông và những người bán cá liệng đầu và đuôi cá xuống sông ... Và cuối cùng là một số người dân Paris cũng tắm ở đó sau khi vua Henri IV đã làm gương vào một mùa hè quá nóng nực năm 1609, ông đã phóng xuống nước trần truồng như nhộng, tiếp theo đó 4000 người dân đa số là đàn ông con trai bắt chước phóng theo, trước sự hiếu kỳ và ngạc nhiên của nhiều người qua lại coi sự việc này như một sự giải trí hiếm có.
( Pont Alexandra)
Vào thế kỷ 18 các hoạt động trên dòng sông phát triển không ngừng. Người ta xây hai bên bờ sông để ngừa trường hợp nước dâng đến khu Chatelet chẳng hạn. Để phòng ngừa nạn lụt, dòng sông được thâu hẹp lại để kiểm soát dòng nước lũ dễ hơn.  Sông Seine luôn luôn có tầm quan trọng bậc nhất về những cảng bên bờ sông. Ngày nay; dòng sông Seine trở thành một thắng cảnh với dòng nước trong sạnh sẽ nhờ chiến dịch chống ô nhiễm.

Sông Seine với những lần nước dâng chậm, thường xẩy ra vào tháng 11 và tháng 04. Thời gian nước dâng kéo dài nhiều ngày đến nhiều tuần. Trái lại những lần dâng lớn luôn luôn xẩy ra vào giữa tháng 12 và tháng 02. Nước dâng lên 5 m coi như là trung bình, nước dân lên 6 m coi như là quan trọng và khi nước dâng quá 7 m được coi như là khác thường. Từ thế kỷ thứ 6 cho đến nay sông Seine đã dâng nước một cách khác thường (quá 7 m) 60 lần, tính trung bình 26 năm một lần. Lần nước dâng khác thường vào năm 1658. Tương đương như thế vào năm 1910 nước dâng đã kéo dài 45 ngày cũng là lần dâng quan trọng nhất ... 

Sau nhiều ngày mưa tầm tả trên đất băng giá ngày 21/01/1910 người ta không còn thấy hai bên bờ sông Seine nữa vì nước đã bao phủ hoàn toàn, nước dâng ngập đến đại lộ Saint-Germain, đường Université, tới Notre-Dame de Lorette (quận 9) rồi tới công trường Trinité. Những ngày kế tiếp tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Thành phố tối đen như mực, nước sông tiếp tục dâng tới ga Lyon, rồi kế đến quãng trường Bastille , tới sân Quốc hội, ngập cầu Austerlitz. Ngày 28/01/1910 nước dâng lên tới 8,62 m khoảng 20.000 cao ốc bị thiệt hại và 200.000 người dân Paris là nạn nhân của trận lụt này.

Vào thế kỷ 21 này người ta e ngại có thể có một trận lụt lớn tương đương với trận lụt 1910. Ngày 21/10/2005 một đoàn gồm hai chiếc phà lớn chở phần cấu trúc ở giữa chiếc cầu bằng thép với chiều dài 106 m, và chiều ngang 12 m nặng 550 tấn đã rời hãng Eiffel ở vùng Lauterbourg tỉnh Alsace (Pháp) bằng dòng sông Rhin ra biển Bắc để ngược dòng sông Seine đến công trường xây dựng cây cầu tương lai này...Cây cầu mới nhất 2006 tên là Simone-de-Beauvoir dành riêng cho người đi bộ, dài 304 m bắc ngang sông Seine một lèo, (không có trụ cột nào dưới nước) giữa công viên Bercy (quận12) và thư viện quốc gia Pháp (quận 13). Phần giữa cầu này sẽ dành ra một khoảng trống công cộng 12 m bề ngang và  50 m bề dài.                                                

(Pont Invalide: nước dâng cao năm 1910)    
Sông Seine có một nét hấp dẫn đặc biệt riêng, nên du khách đến Paris hầu hết đều ghé thăm dòng sông lãng mạn của những buổi mặt trời lặn trên bến nước, tràn qua mọi biên giới bao trùm cả văn chương, hội họa, sân khấu, âm nhạc bởi mang một cái tên bất hủ "Sông Seine Lãng Mạn". Người ta coi đây như là một trung tâm văn hoá của nước Pháp trong nghệ thuật qua nhiều lần sửa đổi.
 Những cây cầu bắc ngang dòng sông nhằm đáp ứng nhu cầu của công chúng. Song cũng tại nước Pháp, thoạt nhìn có vẻ phù phiếm khi quá đuổi theo mốt, trào lưu, một trào lưu tư tưởng hoặc nghệ thuật nó đại diện cho sức ì vô hình nhưng tiềm tàng,  in một dấu ấn mãnh liệt tới mức khó phai mờ ảnh hưởng cho tới những thế kỷ sau. 

Chúc các bạn thả hồn vào mảnh vườn của ký ức, một nơi không hề có trái cấm, cảm hứng từ sông Seine khi ghé đến Paris.

Bích Xuân