Bằng Lái Xe Và Chuyện Cấm Hút Thuốc
Bích Xuân


Từ khi chính phủ Pháp tăng cường cảnh sát kiểm sóat lưu thông, tăng cường máy radar, tăng cường phạt vạ thì số người bị rút bằng lái càng ngày càng gia tăng. Lúc đầu, chính phủ nhằm chủ đích làm giảm số tai nạn lưu thông, nhưng cũng là một cái máy hút tiền tối đa vào qũy nhà nước một cách nhanh chóng. Trong năm 2005, có 50.000 bằng lái bị thâu hồi. Năm 2006, con số này đã tăng lên vì số máy radar được tăng cường khắp nơi .

Trước đây, đậu bằng lái xe là xong. Sau này luật ấn định có 12 điểm, ai chạy xe vi phạm luật giao thông, số điểm tư từ sẽ tan nhanh như tuyết dưới ánh nắng mặt trời, mất hết số điểm trên thì coi như không có bằng lái. Mười hai điểm, mới nghe tưởng nhiều nhưng không nhiều, những điểm này ra đi rất nhanh khi lái xe lơ đãng hay quá tự tin. Luật mới đây, ai đậu bằng bằng lái chỉ còn 6 điểm. Bằng mới này phải trải qua một thời gian thử thách. Năm đầu, không vi phạm luật giao thông được tăng 2 điểm. Năm kế, thêm 2 điểm nữa. Như thế, phải 3 năm liền không vi phạm thì bằng lái lúc đó mới được 12 điểm. Người mất bằng 12 điểm, phải học lại một khoá cấp tốc về luật giao thông trong 2 ngày với tiền lệ phí là 250 đến 300 euro. Khoá học này 2 năm mới được ghi tên học một lần, mỗi lần chỉ được 3 điểm. Vài thí dụ bị mất điểm bằng lái. Uống rượu :6 điểm. Nói chuyện điện thoại xe khi lái xe: 2 điểm. Đậu xe hàng hai: 6 điểm. Đậu xe leo lề : 3 điểm. Không gài giây an toàn: 3 điểm. Cán lên đường sơn trắng dài: 3 điểm. Chạy  sát xe phiá trước : 3 điểm v.v…
Từ khi có luật mất điểm và rút bằng lái, thì nẩy sinh ra một hiện tượng mới. Số người bị rút bằng lái biến thành du đãng xa lộ « bất đắc dĩ » để « trả thù dân tộc » bằng cách mang mặt nạï vác búa tạ đập bể mặt kính radar, hay lấy mỏ hàn cắt « chân » radar cắt điện radar, đổ xăng đốt radar và sơn lên ống kính radar… Hậu quả khi bị bắt phải trả giá rất đắt: phạt tiền và phạt tù. Trước hiện tượng đập phá máy radar này, chính phủ đã cho người đứng “rình” gần đó, hay để máy thâu hình trên cao canh chừng.  Máy radar chụp được số xe, nhưng không thấy rõ mặt người lái thì cũng huề, ngược lại chụp được mặt người lái, mà số xe không rõ lắm, luật sư cãi cũng“bay” luôn. Biết được “mánh” này nên mỗi khi người lái muốn làm “anh hùng” xa lộ, kéo tấm che nắng xuống thì radar không chụp được mặt.

Hiện nay luật sư về ngành lưu thông tại Pháp càng ngày càng nhiều, và hiệp hội luật sư về xe cộ giao thông được thành lập. Đặc biệt tại Paris có hai luật sư chuyên môn chỉ cách lấy lại điểm và bằng lái bị mất. Ví dụ, chủ hãng bị thâu bằng lái, luật sư can thiệp, trong khi chờ đợi tòa xử, người mất bằng có quyền tạm thời lái xe trở lại, với lý do, cần xe để đi làm. Luật sự tìm cách kéo dài thời gian chờ toà xử. Nhưng giá tiền phải trả cho luật sư từ 3.500 đến 4.000 euro.(để lấy lại số điểm còn lại trên bằng lái mà thôi).Bằng mất điểm, 3 năm sau sẽ lấy lại với điều kiện, trong ba năm không vi phạm. Đầu năm 2007, chỉ cần một năm thôi .

Chính phủ làm một công…ba việc, vừa giảm tai nạn, vừa có tiền, vừa tạo công ăn việc làm cho những hãng sản xuất xe không bằng lái. Loại xe không bằng lái này bán rất chạy, kể cả cho mướn. Xe không bằng lái là gì ? Đây là một loại xe bốn bánh, ngắn và nhỏ hơn loại xe thường, sức nặng không quá 350 kg .Tốc độ xe 45 km. Xe này không được chạy trên xa lộ, hay trên đại lộ Périphérique mà chỉ được chạy trong thành phố mà thôi. Xe có hai cửa, hai chỗ ngồi, phía sau có chỗ chở vật dụng. Giá xe mỗi chiếc khoảng 10.000, đến 15.000 euro. Hãng xe Aixam Mega dẫn đầu sản xuất với 13.000 chiếc. Mỗi hãng chỉ có từ 2 đến 5 kiểu xe mà thôi. Loại xe này, mỗi ngày một gia tăng nên giá xe cũ không bị mất giá. Hiện nay có khoảng 10 triệu người Pháp hơn 18 tuổi, không có bằng lái, trong số này, đa số là đàn bà. 1,5 triệu, tuổi từ 18 đến 25. 2 triệu người lớn tuổi không bao giờ có bằng lái. Đầu năm 2007, thống kê cho biết chỉ còn 4703 người tử vong trên xa lộ. Con số giảm  xuống 11,6% so với năm 2005.
 
Song song với việc này, chính phủ đã tung ra đợt đầu 40.000 chiếc xe đạp để trong 50 trạm  ở thành phố Paris. Khách đi đường chỉ bỏ tiền vào máy rồi lấy xe đi, đến trạm nào trả cũng được, không nhất thiết phải trả nơi mướn. Việc cho mướn xe đạp này, được dân chúng hoan nghênh quá xá, vừa đỡ kẹt xe vừa thể thao luôn thể.

Tiếp theo đề tài “nóng bỏng” trên là sự “siết lại” vấn đề hút thuốc. Trong bài diễn văn hôm 23 tháng giêng vừa qua của ông Bộ trưởng y tế, nhắc nhở, giải thích về luật cấm hút thuốc và mong rằng mọi người sẽ triệt để tôn trọng. Luật đã ban hành kể từ 1/2 /2007. Và cuộc “truy lùng” người vi phạm luật này bắt đầu. Dân “phê” thuốc lá cảm thấy “khó chịu”. Một số cự nự vì cho rằng hút thuốc cũng là một tự do, dầu đó là một tự do nho nhỏ, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần trong vấn đề sinh hoạt hằng ngày. Một số khác tâm sự: “ Cấm hút thuốc chắc tôi làm việc hết nổi , vì hết thuốc là gần như hết “pin”. Có người thì than: “Tôi đã thử đủ cách để cai thuốc, nhưng không làm sao hết cơn ghiền được”. Thuốc lá bị cấm hút trên đất Pháp. Nhưng quán rượu, tiệm nhảy, tiệm ăn được gia hạn đến đầu năm 2008 mới chấm dứt.

Chính quyền đã đề cử 175.000 nhân viên, đặc trách kiểm sóat những nơi công cộng, các cơ sở hành chánh và những xí nghiệp trên toàn quốc. Chính quyền cho phép những nhân viên là kỹ sư ngành vệ sinh, bác sĩ về y tếâ, ngành xã hội, cảnh sát …có quyền cảnh cáo và phạt vạ khi bắt gặp người vi phạm luật này. Hút thuốc ngoài những địa điểm ấn định bị phạt 68 euro. Ngược lại, người có trách nhiệm đứng đầu cơ sở, nếu lơ là trong vấn đề kiểm sóat nhân viên hút thuốc trong hãng, sẽ bị phạt 135 euro. Cấm hút thuốc trong tất cả những nơi công cộng, hành chánh, thương mại, hãng xưởng, nhà ga, sân bay, nơi các phương tiện giao thông v.v… Những nơi được hút thuốc là những nơi không có mái che, như trên bến tàu, trên boong tàu, sân ga. Trong sân vâïn động, chỗ có mái che: cấm hút, chỗ không mái thì được hút. Tài xế taxi hút thuốc phải có sự đồng ý của khách. Trong sân trường không mái che cũng không được hút thuốc.

Khoảng 13 triệu người hút thuốc, từ nay trở đi phải « thay đổi » thói quen hút thuốc của họ. Những người không hút thuốc thì hài lòng khi luật được áp dụng, vì đỡ phải hít thở khói thuốc một cách bắt đắc dĩ, cùng lúc với quần áo, tóc tai họ cũng bị « lây » mùi thuốc. Luật cấm hút thuốc được ban ra, người ta thấy có hai phản ứng rõ ràng. Người hút thì xụi lơ “ngỡ ngàng”, người không hút thì hớn hở. Người hút thuốc cảm thấy mình như đang ở ngòai vòng pháp luật. Từ nay sắp tới muốn hút phải tìm nơi để hút, trước khi hút ngước nhìn lên trời, không phải để mơ màng mà coi có mái che hay là không. Khi ghiền mùi thuốc lá, phải lén nhìn trước, nhìn sau như kẻ trộm. Thật là khổ ! Nhưng theo thống kê, mỗi năm có 66.000 người Pháp chết vì hút thuốc lá và 5000 người chết vì hít khói thuốc của người khác. Như thế, dân ghiền thuốc phải xử trí ra sao đây ? Nếu người hút thuốc cảm thấy không đủ nghị lực để tự cai thì nên đi lại bác sĩ chuyên môn. Việc cai thuốc lá cá nhân, hay cai tập thể tuỳ người hút thuốc lựa chọn. Hút thuốc cũng là một “lẽ sống” mất “nó” người hút thuốc cảm thấy “đời” lạt lẽo, vô vị. Muốn bỏ thuốc phải biết tự kềm chế, tự đề cao cảnh giác từng giây, từng phút. Bỏ được thuốc là một thành tích lớn, vì đã chiến thắng được với chính mình.

Bích Xuân