về lại trang chính                  
 
https://www.youtube.com/user/Nguoibenhepho/videos
http://www.dailymotion.com/bichxuanparis
 

                                               NGỒI  QUÁN
                                                                                Bích Xuân


Paris nổi tiếng lâu nay về những quán càphê. Sang trọng cũng lắm, quán cóc cũng nhiều. Ngồi quán cà phê có cái thú của nó. Có thể hóng chuyện của người khác, kể lễ chuyện của mình hay trầm ngâm thả hồn phiêu bạt.
Gần đây với lượng người Việt mỗi ngày một đông, những quán cà phê Việt mọc ra nhiều hơn, nhộn nhịp hơn. Cũng có những quán tưng bừng khai trương, âm thầm đóng cửa nhưng ít nhiều cũng thêm hương sắc phố phường.

Tôi đến quán vài lần, lúc đầu, một mình, một bàn, sau thì bàn của tôi không còn chỗ để thêm ghế. Họ tưởng tôi « buồn tình » hay « sầu đời » nên vào đây mượn hương đưa của rượu để tiêu sầu, nhưng đâu ai biết là tôi vào đây để  làm một phóng sự « Ngồi Quán » cho Trẻ tại Hoa Kỳ.

Tuy gọi là tiệm café nhưng tiệm có bán thức ăn, rượu mạnh, cá ngựa, lô tô, game…Tiệm café có bán những thứ vừa kể trên là tiệm bình dân. Tiệm café của Tây là ra vẻ của Tây liền,  tiệm café có hầm bà lằng  như vậy là loại tiệm bình dân. Tiệm café của Tây thì khác, ngăn nắp, bài bản, trật tự và trang trí trang nhã hơn. Tiện café của người Á châu vẫn cái vẽ luộn thuộm muôn thủa, chỉ khác là có những chàng Tây đang đứng làm việc ở quầy rượu.Tiệm café tôi vào lần này ngay trung tâm khu vực của người Á châu, chung quanh  là những nhà hàng và các siêu thị buôn bán tấp nập. Tiệm này luôn luôn đông khách cả Tây lẫn Ta, có trật tự hơn và may mắn là gần bên đồn cảnh sát.
Quán có tên  LiLy’s  café này có ca nhạc vào chiều thứ bảy và chủ nhật, từ 2 giờ đến 8 giờ tối. Một nhạc sĩ  kiêm ca sĩ Văn tấn Phát. Anh hát đủ thứ tiếng, Việt, Pháp, Anh, Lào, Thái…

Mùa hè, có bàn để ngoài hiên dành cho khách hút thuốc. Giá không đắt không rẽ : một ly bia 3,50 euro, chai Cocacola 3,50 €, ly kem cũng 3,50 €, cà phê xíu 2,50 €. Cà phê ở phố sang thì 5 €. Còn rượu thì 4,45 € đủ giá và tùy loại rượu. Người Việt ở Mỹ sang Paris lần đầu thấy ly cà phê đậm đặc bé tí không khỏi ngạc nhiên…

Những câu chuyện người, chuyện đời.
 
Khoảng 6 giờ chiều, tiệm trở nên thưa khách dần. Số khách còn lại đa số là đàn ông là đàn ông độc thân, đàn ông có vợ, đàn bà có chồng…Người độc thân, cô đơn, buồn là chuyện dĩ nhiên, nhưng người có chồng, kẻ có vợ mà cũng lắm chuyện nặng nề. Họ tìm đến nơi đây chắc uống rượu cho say, để quên nổi niềm, nhưng chả quên được gì mà còn hao xu và say nghiêng say ngả, còn mối sầu thì vẫn trơ trơ…
Một chị khoảng 35 tuổi, có mái tóc mun dài, mặc chiếc áo đỏ thẫm nổi bậc trên khuôn mặt hốc hác của người thiếu ngủ, chị từ VN sang Pháp được hai năm nay, buồn quá chị đâm ra uống rượu. Hôm nay, chị  đến ngồi cùng bàn với tôi, tôi biết chị sắp nói gì nên yên lặng nghe chị kể lễ : Ông chồng chị 70 tuổi, ở Pháp về VN, gặp chị, bị tiếng sét tình ái đánh trúng, nên ông cưới chị đem qua Pháp. Sang Pháp, chị năn nỉ ông chồng xây lại căn nhà cho bà mẹ hiện đang ở VN, có tiếng lấy chồng Việt kiều mà để mẹ ở căn nhà xập xệ « mất mặt » với bà con quá! Ông chồng chìu vợ, bay về VN xây nhà cho mẹ vợ. Nhà mẹ vợ xây xong, chị nhận được thư chồng thú thật là tiếng sét ban đầu là tiếng sét dỏm.  Bây giờ ông mới bị trúng tiếng sét thiệt, mà « người ấy » không ai khác chính là bà…mẹ vợ kém ông 10 tuổi, ông xin lỗi cô và tình nguyện ở lại VN luôn. Mặc dầu biết mẹ già có người thương yêu, chị mừng cho mẹ, nhưng trong lòng vẫn xót xa dầu thực lòng chị cũng không nặng tình gì lắm với ông chồng già.

Qua Pháp được hai năm mà chị về VN ba lần rồi. Tôi lại hỏi chị đi máy bay Air VN, chị nói lúc trước có, sau này đi Air Á Rập, vừa rẽ, chiêu đãi viên  lại tử tế, không như Air VN các cô áo xanh bây giờ không còn tử tế với khách nữa, còn coi thường khách nữa là khác, nhất là khách Việt. Các cô chỉ tử tế với khách ngoại quốc thôi.

Xin kể tiếp câu chuyện thứ hai. Một người đàn ông 45 tuổi, có vợ đang ngồi đối diện trước mặt tôi, buồn rầu thố lộ lấy vợ 20 năm nay, đùng cái từ 3 năm nay bà vợ không cho ngủ chung giường, không cho ông đụng đến người, khi nào vợ bị nhức mỏi trong người ông mới được cầm tay, cầm chân vợ, không phải để vuốt ve, âu yếm mà để thoa dầu cù là mát- xa cho vợ. Ăn thì ăn chung, ngủ thì ngủ riêng. Ông báo với…cảnh sát, nhưng cảnh sát bảo ông tự giải quyết lấy. Ấm ức lắm nhưng ông không đủ can đảm làm gì được. Ông than thở nào con, nào nhà, nào tiệm ôi thôi đủ thư nó ràng buộc…thôi thì đành ngậm bồ hòn, thỉnh thoảng lén đi « ăn chè» cho đỡ thèm…Thôi chào chị nha, tôi phải đi mua cái áo gi-lê có màu đôm đốm và tấm bảng tam giác kẻo hết.
 
Cái áo màu đôm đốm hùng quang, để chủ xe khoát con đôm đốm trên lưng và tấm bảng tam giác lưỡng sắc óng ánh dựng sau đít xe khoảng 30m khi bị xe chết máy giữa xa lộ. Ngày 1-7 2008 này, luật của Pháp ban hành, bắt buộc tất cả chủ nhân xe hơi, phải có trên xe hai vật cần thiết này, để bảo an ninh cho người lái xe, lỡ khi xe bị chết máy giữa đường. Nếu không có 2 món này trên xe sẽ bị phạt 135 euro, trừ khi trả gấp trong hai tuần chỉ 90 euro. Tấm bảng tam giác để phía cốp xe, còn áo đôm đốm thì luôn luôn để phía trước, lý do dễ hiễu là khi bị cảnh sát chận xét mà chủ xe nhảy ra sau xe để trình con đôm đốm thì sẽ bị phạt liền.

Chuyện bên ngoài thế giới.
Một ông A, lèm nhèm bỗng nhiên chê Tây không cầu tiến, không  chịu thích Mỹ, không chịu học tiếng Anh, khư khư ôm nói tiếng bản xứ của mình, nhất là những người Pháp ở thế hệ trước tự hào nhận 29 nước lạc hậu đô hộ trong 160 năm. Nhưng nước Pháp này có ông tổng thống trẻ chịu chơi lại khoái Mỹ.  Ông  B ngồi bàn bên kia, nghe ông A chê Tây, thích Mỹ, bèn lên tiếng chỉ trích Mỹ đã từng bóc lột Phi châu 400 năm …Ông A trả lời là bởi do chính người da đen đem bán dân da đen cho Mỹ. Ông B nhếch nói ông bạn ở Pháp có vẻ thích Mỹ, có lẽ ông bạn hợp đời sống ở Mỹ !  Ông A nói moi đâu thích ở Mỹ, sống ở Mỹ là để làm việc, còn ở Pháp làm việc để sống…khác nhau.
Thấy tôi ngồi chăm chú lắng nghe, ông A quay sang hỏi tôi nghĩ gì về chuyện bầu cử ở Mỹ,  tôi ngắc ngứ, Ông A nhếch môi cười có phần…khi dễ rồi quay sang ông B :
- Theo ý toi, ông Obama có thể đắc cử  tổng thống Hoa Kỳ không ?
Ông B lắc đầu :
 -  Dân Mỹ dường như chưa sẵn sàng cho người da màu làm Tổng thống đâu.
-  Chứ Tổng thống nước Pháp cũng là người ngoại quốc thì sao !
- Nhưng ông Sarkozy là người da trắng, ở Âu châu.
Ông A lại nnói :
          -  Có thể bây giờ người Mỹ muốn đổi mới. Dám ông Obama được lắm à, đa số người trẻ, có học thức đều thích ông Nghị sĩ Obama…
-  Thích thì thích nhưng ổng làm tổng thống nước Mỹ thì còn lâu…
- Lâu gì, còn vài tháng nữa thôi ! Tháng giêng là ông Bush hết nhiệm kỳ rồi.
Ông B nói :
- Thôi, không nói chuyện ở Mỹ nữa. Nào, cụng ly một trăm phần trăm nhé !
Hai ông sâu rượu cụng ly nghe bốp bốp. Hết 100% ly rượu này đến 100% ly rượu khác. Chuyện bầu cử thổng thống ở Mỹ chờ thời gian sẽ trả lời .

Ông A, bỗng đổi giải túc cầu cúp Âu châu hôm 17/5 vừa qua. Italy thắng Pháp 2 - 0. Ông B mắt sáng lên :
- Moi thấy đội banh Pháp lần này không may mắn tí nào! Mới đá được 9 phút  thì Ribéry bị bung gân chân đầu gối bên trái, phải nhập viện tức. Pháp lúng túng như là lính mất đầu. 25 phút ở hiệp đầu đã bị thẻ đỏ bởi cầu thủ Eric Abidal mới chưa có kinh nghiệm ra sân, và Pháp bị một quả Pénalty của Ý. Sau đó lại vắng mặt Viera và Thuram. Rồi Trezeguet bị thẻ vàng. Ôi như là cơn ác mộng …
Ông A nói:
-  Đội Pháp không thắng mà huấn luyện viên Domenech Raymond vẵn thắng ! Ông vẫn ẵm 50.000 euro mỗi tháng, lại sắp cưới  cô xướng ngôn viên Estelle ở đài tuyền hình M6.  Ổng còn thời giờ đâu mà lo huấn luyện  banh với bóng chứ !
Ông B hớp tí rượu hít hà :
- Đừng đổ lỗi cho ai hết, Pháp thua là bị báo chí chỉ trích, cổ động viên thì chửi muốn bể màng ngĩ ! Moi thấy Pháp mà « quê độ » là đá không được, đá thế nào cũng thua…Pháp lại kỵ Ý, Anh, Đức, đụng mấy đội banh này là Pháp cầm chắc thua. Làm chuyện gì cũng phải có sự may mắn ! Thôi dzô một cái đi ông bạn …

Thấy tôi ngồi tiếp tục ngổi dỏng tai, ông rượu A lại quay hỏi tôi về  tổng thống nước Pháp, tôi cười rồi lắc đầu, ông A lại nhếch môi…khi dễ.
Ông B lên tiếng :
-  Cha Sarkozy coi cũng có vẻ điềm đạm, nói năng  từ tốn…
- Nhưng moi không thích cái vẻ đạo mạo của Sarkozy, moi thích tay nào nói năng ồn ào bạt mạng, ngang tàng, việc gì chỉ cần trở bàn tay là xong đó là bản tính đặc biệt của Sarkozy.
Ông A nói:
- Ông đã hứa những gì trước khi tranh cử bây giờ chỉ là ảo tưởng, và dân chúng bất mãn vì cho rằng ông thiên vị nhà giàu và cộng thêm từ ngày cưới bà Carla số điểm ông ta tụt dốc thê thảm, điểm từ 69%  chỉ còn 36%.
Ông B làm như thông cảm :
 
Làm việc gì cũng có người đồng ý và người không đồng ý, giá dầu xăng lên gấp hai lần so với lúc ông ứng cử, đồng euro quá cao làm khủng hoảng tài chánh, kinh tế, toàn là những điều ngoài khả năng của ổng...Đùng một cái ổng đưa ra 55 cải tổ thì phải đụng chạm đến giới này, hội kia chứ…
- Ông Sarkozy chỉ còn 4 năm nữa để ổng chuộc lỗi lầm mà thôi !
Ông  B đưa hai tay vuốt lại mái tóc muối tiêu nói :
-  Tui chịu Sarkozy, có năng lực, can đảm và khiêm tốn và biết nhận lỗi, một điểm mà ít có tổng thống nào chịu nhận lỗi, riêng ông Sarkozy đã có 5 lần nhận lỗi. Số điểm của ổng bắt đầu lên lại rồi, cũng nhờ bà vợ Carla chinh phục được cảm tình ở các nước. Thôi, dzô một cái đi ông bạn, 100% nghe !
Ông A cụng ly :
 - Tôi xin phép mời ông bạn một chầu tuần tới ở quán ca nhạc kế bên cạnh.
Ông B xua tay :
- Cảm ơn ông bạn, tôi chỉ muốn uống rượu ở quán này thôi.

« Kỹ thuật » thương mại.
Ngồi Quán ở các tiệm khác để biết những sinh hoạt trong quán ở đây ra sao. Được biết khách quen tiệm nào thì đến tiệm đó, có người như « mua chết » luôn cái bàn ở trong tiệm. Tôi ghe những cái tên thật lạ : khách rượu và khách « một ly ». khách rượu là hết ly này đến ly khác, rồi chai này đến chai khác..  « khách một ly » là khách chỉ kêu một ly bia, rượu, hay café nghe nhạc cho đến giờ phút cuối. Tôi để ý chủ tiệm cà phê này không tỏ vẻ gì khó chịu với «  khách một ly » cả. Khách vào tiệm là vợ chồng anh ta vui vẻ, lúc nào cũng có nụ cười trên môi rất nhiệt tình để đón khách. Chủ quán biết cách xã giao nên mỗi ngày quán của họ càng có thêm khách mới.
Nhưng có những tiệm xã giao kém, thường thường là quán ca nhạc người 
Việt, ví dụ : một nhóm vào vũ trường họ uống từ  3 đến 5 chai Remi Martin là chuyện thường (90 euro/chai) Chủ tiệm cả người làm tử tế đến tận bàn bắt tay, chào hỏi rất thân thiết . Khách nào không uống rượu, hôm đó kể như là những người âm thầm trong « bóng tối ». Chủ, và cả nhân viên phục vụ đều tỏ ra hờ hững cho dù khách đã từng ghé tới đây nhiều lần.
Chung quanh khu vực Á châu này, tiệm gì của người Tàu mở cửa lớn, nhỏ đều nườm nượp khách. Thức ăn ngon, chứng tỏ thợ bếp cao tay nghề, mấy anh chạy bàn cũng gốc Tàu, nhưng đa số là khách Việt, kể cả ban nhạc và ca sĩ cũng là người Việt. Khách Việt chịu ăn chơi, chịu nhảy nhót. Khách người Tàu đa số đến ăn uống xong là về, ít khi nào họ ở lại. Còn nhà hàng ca nhạc Việt cứ thay đổi người nấu bếp luôn luôn, mỗi lần khách kêu món ăn cũ nhưng mùi vị lại khác. Bữa đực, bữa cái. Có tiệm, thấy đông khách, thức ăn giảm lại, nhưng giá tiền lại tăng lên, riết nhà hàng chỉ còn lại toàn khách người Pháp. Tiệm Việt có nhiều khách Việt là tiệm đó thức ăn ngon. Thức ăn ngon mà chủ cứ nghêng nghênh mặt lên trời thì khách cũng không muốn vào.

Một lần khác, tôi cùng hai người bạn vào một tiệm phở Việt, lúc đó 9 giờ 30 tối, vừa lúc đó, có một cặp khác cũng bước vào quán. Chủ quán nói bây giờ chỉ còn mỗi món phở thôi. Tôi nói chúng tôi muốn ăn phở mà…Đúng 9 giờ 40, tất cả những tổ phở được đem ra một lúc (sao mà lẹ thế)  Phở đem ra chúng tôi vừa ăn vừa thổi vì đói bụng …9 giờ 50 vừa gắp vài đũa thì đèn đuốc bỗng tắt đui, chỉ chừa một ngọn đèn nơi bàn chúng tôi. Người chạy bàn vừa tắt hết đèn, vừa nói lớn để cho khách nghe : « 10 giờ là tiệm chúng tôi đóng cửa nghe ! ». Tôi nhìn đồng hồ lúc đó 9 giờ 55. Anh ta bỗng lấy tô phở của tôi, tôi ngạc nhiên :«  Tôi chưa ăn xong mà ! » Anh ta đặt lại và nói xin lỗi .

Nhưng chỉ 5 phút sau , đúng 10 giờ anh chạy bàn chạy ta đem giấy tính tiền đến bàn chúng tôi, vàthông báo đã tới giờ tiệm đóng cửa. Chúng tôi chưa ăn xong, nước cũng chưa kịp uống . Anh bồi bàn chỉ tấm bảng treo ngoài cửa rồi nói : « « Tiệm có ghi đóng cửa 10 giờ tối ngoài cửa kia kìa».

Tôi nói : « Nếu vậy lúc chúng tôi vào anh không nên nhận khách » Cặp vợ chồng người Pháp ngồi bên cạnh cũng bất mãn, ông người Pháp nói : « Chúng tôi vào đây chỉ để trả tiền rồi đi ra sao ? Tôi đã từng ăn ở nhà hàng Á châu, đây là lần đầu tiên tôi thấy chuyện này…»
10giờ10, chúng tôi bỏ lại những tô phở đang ăn lở dở còn đang bốc hơi.

                                                                                     

                                                                                       Bích Xuân