về lại trang chính                  
 
https://www.youtube.com/user/Nguoibenhepho/videos
http://www.dailymotion.com/bichxuanparis
         
Nghề Taxi Tại Paris
                                                                       Bích Xuân 20/01/201                                                                                   


                                                       Bích Xuân

Khi du khách bước ra khỏi phi trường Roissy hay Orly, sẽ thấy một hàng xe taxi nối đuôi dài khoảng 500 mét, chờ đón khách trên những chuyến bay quốc tế.

Để có quyền lái xe taxi ở Pháp, phải có chứng chỉ tốt nghiệp, sau đó thể hiện bằng tấm thẻ (giấy màu hồng phải dán trước kính xe taxi). Tài xế taxi nhiều nhất là người Ả Rập, kế đến người da đen. Còn tài xế người  Á Châu thì người Miên chiếm đa số, thứ đến người Việt, rồi người Tàu. Người Lào là ít nhất. Tây càng ít hơn. Taxi có 5 đến 9 chỗ ngồi, kể cả tài xế. Ở Pháp, phụ nữ làm nghề lái taxi, xe lửa, xe điện ngầm là điều bình thường…

Khi hành nghề taxi, phải bảo đảm tuân theo hợp đồng hợp tác với các đại diện nghiệp đoàn. Đầu tiên phải vượt qua kỳ kiểm tra để có được một thẻ hành nghề, và sau đó phải kiểm tra y tế thường xuyên, cũng như kiểm tra kỹ thuật chiếc xe. Năm 2010, có khoảng 50,000 taxi trên toàn lãnh thổ Pháp, riêng tại Paris có 17, 500 chiếc chạy tại Paris, và các tỉnh  lân cận Hauts-de-Seine, Seint-Denis và Val-de-Marne… «Tổ tiên» nghề taxi của Pháp có từ năm 1637, taxi lúc đó là một cái ghế, có hai bánh xe, kéo bởi một người đàn ông phía trước.

Muốn chạy taxi, phải có bằng lái xe hai năm. Để có bằng taxi, phải học 3 ngày về những cách hô hấp cứu người, lúc khách bị tai nạn trong xe; sau đó, học một khoá học tổng quát về  luật lệ. Khi có bằng thứ hai này rồi, mới học khoá taxi Paris thời gian ba tháng, mỗi ngày học 8 tiếng, giá 3,000 euros. Phải thuộc 20 quận ở Paris, và hơn 600 hình ảnh những nơi nổi tiếng, ví dụ, nhà thờ Notre Dame Paris ở đâu, trên con đường gì, nhà thương Louis Pasteur Paris ở quận mấy v.v… Taxi hành nghề ở tỉnh thì phải học code ở tỉnh.

Taxi Paris biểu tình

Khi thi, có ba người chấm thi ngồi sau xe, họ đưa địa chỉ và  cho 7 phút để xem bản đồ, và  phải đến nơi bằng con đường ngắn nhất. Trên xe ba ông chấm thi sẽ thay phiên nhau hỏi, đại khái như sắp đến phía là  bùng binh tên là gì? Bên trái, có một trại lính của binh chủng nào…

Đa số tổng đài taxi ở Paris do người Miên làm chủ. Khách sạn liên lạc với tổng đài taxi, tổng đài gọi cho tài xế. Tất cả bên trong đều có sự ăn chia. Người chạy taxi phải biết xoay xở, biết ăn chia với nhiều tổng đài taxi khác nhau, mỗi tháng có thể kiếm được 7-8 ngàn euros. Mỗi tổng đài, người lái taxi phải trả hàng tháng 105 euros, chưa kể khi  đưa  khách ra phi trường phải chi thêm tiền hoa hồng cho tổng đài. Paris còn có hai loại taxi: G7 taxi, và Bleu taxi.  Người Á Châu ít chạy 2 loại taxi này.

Licence taxi Paris sang lại với giá hiện nay là 200,000 euros, ở Cannes, Nice, cao giá hơn 400,000 euros. Ai mua licence tự làm chủ, phải tự lo thuế má, bảo hiểm an sinh xã hội, sửa xe... Nếu mướn xe của nghiệp đoàn taxi, nghiệp đoàn lo từ A đến Z, người mướn còn được mỗi năm nghỉ hè một tháng có lương, như là đi làm công sở vậy. Nhiều người cũng thích mướn xe hơn là tự làm chủ.
Taxi Paris biểu tình
Taxi ở Pháp được yêu cầu sơn màu đen. Xe phải đặt một đèn hiệu bên ngoài (gọi là ánh sáng). Ánh sáng màu xanh trên mui là xe không có khách, màu đỏ đang có khách. Giá cả được chỉ định A, B, C. Giá A, ban ngày, B vùng ngoại ô, C giá ban đêm. Dưới ánh sáng A,B,C, giá cả tuỳ thuộc thời gian, ngày hay đêm nằm trong khu vực taxi. Giá cả được quyết định bởi chính phủ. Luật cho thời hạn, ánh sáng cài đặt trên mui xe đến 30-12- 2011. Mấy ông taxi cười như mếu, tương lai hệ thống cài đặt lại đèn màu trên mui xe nhẹ nhàng bay đi 2,000 euros.

Người mướn xe của nghiệp đoàn taxi, phải trả mỗi ngày 120 euros cho nghiệp đoàn, tiền đổ xăng người mướn phải chịu (3,600 euros/tháng) và được quyền làm 11 tiếng mỗi ngày. Compteur đồng hồ taxi đúng 11 tiếng tự động tắt, có muốn làm thêm cũng không được. Nhưng có lúc ế khách, tài xế không thèm làm, bỏ về nhà… ngủ. Mùa taxi ế khách, người mướn xe phải bỏ tiền túi để trả chủ. Làm sao mỗi ngày  phải kiếm trên 200 euros mới có phần bỏ túi riêng cho mình. Năm 2000, tại Paris 15,000 taxi. Đến nay, Paris có đến 17,500. Lượng taxi mỗi ngày một tăng, chính phủ còn nhận thêm những ai chọn nghề này. Nghiệp đoàn Lao Động của David Lange cho biết, sẽ có 20,000 xe  trong năm 2012. Đã có hơn 9,000 người mua licence, và 4,000 nhân viên mướn xe các công ty. Bảng số taxi màu đỏ hoặc vàng là xe mướn của nghiệp đoàn.

New-York taxi màu vàng. Licence sang lại giá cũng 200,000 euros. Và người lái xe không có tiền mua licence, cũng phải mướn lại của nghiệp đoàn taxi. Hầu hết lương của người taxi ở New-York từ 17,000 đến 20,000 euros/năm. Tài xế taxi ở New-York thường cũng không phải người New-York gốc, hết 84% là người nhập cư. Họ theo khoá học taxi 80 giờ và thông qua một bài kiểm tra tiếng Anh và địa lý.

Trở lại taxi Paris, những năm trước, xe được đậu ngay cửa phi trường, hành khách vừa ra khỏi cánh cửa là trông thấy ngay, năm nay, taxi phải đậu xa hơn. Nhiều xe taxi nối đuôi nhau chờ đến 2, 3 tiếng để tới phiên mình lấy khách, nếu khách đi khoảng 30 cây số còn có được 60 euros, đôi khi nghe khách đi đường gần, tài xế chỉ muốn…xỉu, chờ 3 tiếng chỉ có 10, 12 euros, nhưng tài xế taxi không được quyền từ chối, nếu từ chối sẽ bị phạt nặng. Đã vậy, năm ngoái luật chỉ cho taxi hai lần chờ đón khách ở phi trường, và tuyên bố nhận thêm những ai muốn làm ngành taxi, nên 50 ngàn công nhân taxi  chống đối lại sự gia tăng này, nên tổng đình công toàn quốc và tổ chức xuống đường biểu tình. Xe taxi đổ ra đường nằm ngổn ngang làm lưu thông bị cản trở khắp nơi. Đa số tài xế làm bảy ngày một tuần, có người chỉ làm ban đêm dễ có khách hơn. Những người làm ngày cũng không khỏe gì, họ cũng cảm thấy mệt mỏi với 11 tiếng ngồi trong xe. Mùa Lễ lạc tài xế kiếm nhiều tiền hơn, nhưng cũng không hiếm cảnh khách vui chơi say xỉn xuống xe bỏ chạy, có trường hợp tài xế rượt theo bị bắn chết. Nên họ thường phải nhìn mặt bắt hình dong để kịp thời từ chối, nhưng khách ở phi trường, tài xế không được quyền từ chối.

Xe taxi bất hợp pháp không phải là không có, dù hình phạt: một năm tù ở, tiền phạt 15,000 euros. Họ thường chờ  khách những hộp đêm của giới trẻ đi chơi khuya. Có một «lữ đoàn» đặc biệt của cảnh sát Paris để kiểm soát taxi lậu. Khách ngoại quốc đến phi trường Pháp nên chú ý, nếu có người đến hỏi muốn đi taxi không, đó là những người taxi bất hợp pháp. Taxi này nguy hiểm, tiền trả gấp hai mà đôi khi còn mất đồ đạc nữa. Muốn đi taxi, khách bước ra khỏi cánh cửa là bến taxi ngay phía trước. Ở Pháp, không có chuyện taxi chính thức mời mọc khách ngay trong phi trường.

Tại phi trường, có những người nấu cơm phần, đến giờ trưa họ đem cơm tới bán cho dân tài xế Á Châu, một phần cơm thịt kho và món xào, giá 7 euros. Tài xế gốc Việt cũng khá đông, mỗi năm, taxi Việt tổ chức ăn tết với nhau  đông khoảng 400 người. Ca sĩ là taxi, phụ nữ, đàn ông đều lên sân khấu nhảy múa hát hò, rượu uống «tới bến».

Trong ngành taxi, người Việt nói riêng, nhiều người làm nghề chỉ là bất đắc dĩ, có những người trình độ cao, tiếng Anh tiếng Pháp nói lưu loát, nhưng lớn tuổi nên phải vào nghề taxi. Họ kể những chuyện vui buồn, người viết lây cái buồn vui của họ. Hỏi: “Có khi nào được tiền típ nhiều không?” Anh ta nói: “Khi có, khi không, típ nhiều nhất là 20 euros”. Hỏi: “Cuốc xe bao nhiêu mà típ đến 20 euros?”. Anh ta nói “Chỉ 30 thôi, nhưng khi khách đưa tờ 50 euros, bảo giữ luôn” Hỏi: “Lý do gì khách cho típ anh nhiều vậy?” Anh nói: “Ông khách là người Anh, biết về chiến tranh Việt Nam, tôi nói tiếng Anh với ông khách, và nói nghề nghiệp, chức vụ ngày xưa tôi làm trong quân đội, thông dịch cho người Mỹ trong suốt 10 năm. Ông khách thích nghe, nên khi xuống xe cho luôn 20 euros”. Nhưng có khi anh cũng bị khách bỏ chạy không trả tiền. Anh tài xế taxi chính là nhà thơ, nhà văn H.T. viết những bài nhận định chính trị trên báo Văn Nghệ Tiền Phong của những năm về trước, lúc mới mới đến định cư ở Pháp. Còn anh Vinh Hảo cho biết, mỗi khi khách hàng quên đồ trên xe, như  rượu, thuốc lá, điện thoại cầm tay, dù, hay laptop v.v… nếu khách hàng có số phôn của taxi thì nhờ đem lại, tính tiền như một cuốc taxi, nếu không thì tới sở cảnh sát hỏi. Tài xế taxi phải đem giao cho sở cảnh sát. Nhưng đôi khi khách  không biết sở cảnh sát nào, ở đâu mà hỏi. Không có người đến nhận, cảnh sát cũng lấy… xài tạm, nên taxi giữ luôn, khỏi mất thời giờ đem tới sở cảnh sát. Khách lên xe, tốt nhất là xin số điện thoại của taxi.

Người viết hỏi: ”Nếu một cô gái bị mất hết tiền lúc 3  giờ khuya, xin taxi chở dùm về nhà được không?” Anh taxi nói: “Không có tiền thì để lại vật gì đó lại, sẽ chở giùm về, khi có tiền, đem tới sẽ trả lại hiện vật” Hỏi: “Nếu không có gì hết để lại ?”. Anh cười “Nếu cô gái ấy… đẹp thì có thể!” Nói rồi anh thách người viết đi hỏi các taxi khác họ có chịu chở giùm về nhà không!

Ừ, hỏi thì hỏi, nhưng mà phải kiểm soát lại dung nhan mình trước đã…

Bích Xuân
Paris Janvier 2011