Mùa Phật Đản
Bích
Xuân
Một
buổi trưa chủ nhật, tôi lái xe trên con đường xa lộ A6 trực chỉ hướng
thị xã Evry tỉnh Essonnes cách Paris khoảng 35 cây số có Đại lễ Phật
Đản 2552 tại chùa Khánh Anh (trong tình trạng xây cất chưa xong).
Xa
lộ A6 này được mệnh danh là « con đường của mặt trời » thì phải biết
cái nóng như thế nào, nhất là nắng vào buổi trưa. Đêm hôm qua coi thời
tiết thì được biết chủ nhật này sẽ có mưa gió cả ngày. Thêm một lần nữa
đài khí tượng lại nói sai, hay là trái đất quay nhanh, quay chậm sao đó
mà mới bảy giờ sáng mặt trờ đã vàng rực, đến trưa là hừng hực nóng. Lái
xe ở xa lộ chạy chậm một tí là bị xe chạy phía sau bóp kèn, nháy đèn
pha ngay, bắt buộc mình phải đạp ga cho xe vọt nhanh, đâu phải đường
làng đâu mà lái xe tà tà…
Ngôi
chùa Khánh Anh to lớn hiện ra, xe nào chạy ngang qua cũng phải chú ý,
nhất là quốc lộ số 7, mặc dầu chỉ mới hoàn tất ở phần trước mặt, phía
sau Tăng Xá trống trơn chưa có mái ngói, nhưng đã xây tường để chống
gió và tiếng ồn ào. Xe tôi chạy đến nơi thì parking rộng 2000 m² của
chùa không còn chỗ, dọc hai bên lề đường nối dài đuôi nhau, xe đậu hàng
ngang dọc trên lề… Tôi đậu xe thật xa rồi thong thả đi vào chùa, bề nào
thì cũng đã trễ giờ làm lễ rồi vì « con đường mặt trời » này có tiếng
là kẹt xe mà…
Đường
vào chùa phải qua con đường nhỏ, chưa đến cổng chùa đã thấy bà con kẻ
đứng người ngồi (bệt) dưới đất để tìm bóng mát dưới những lùm cây xanh
mướt. Lạ ! tuần trước như là mùa đông, bỗng nắng lên là nóng ơi là
nóng, Nghe nói mùa đông ở vùng Evry này cũng rất đặc biệt nhất là gió,
khi có gió hơn 100 km/ giờ, gió như cắt da từng khía, từng khiá !
Trước
khi bước vào Chánh điện (chứa được 400 người) để lễ Phật,
tôi ngước
nhìn hai nóc mái ngói bằng sứ óng
ánh vàng đẹp tinh vi, mái cong hình
rồng, bông sen được ê-kíp thợ Tàu đến
làm rất công phu tỉ mỉ (hai mái
ngói trên 80 tấn). Tôi đứng trên nền
Chánh điện, đi qua, đi lại nhiều
và hai chân đạp thình thịch thềm nhà, chăm
chăm nhìm xuống dưới coi có
gì lạ không ? Nhưng nền nhà vẫn trơ trơ, cứng đơ.
Sao tôi tò mò cái nền
nhà ? vì được biết nền Chánh điện của chùa
Khánh Anh Evry này không
phải là loại bình thường mà là loại nền
« nhún lên nhún xuống » như
lò
xo với lối kiến trúc bằng nhiều « tấm đan có
tính đàn hồi » để phòng
khi có gió rung chuyển (như động đất chẳng hạn).
Vừa
bước vào bên trong Chánh điện (rộng khoảng 550m²) nhìn thấy ngay tượng
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni như tỏa ánh đạo vàng (ngồi dưới gốc cây bồ đề
Bodhigaya ở miền bắc Ấn Độ vào thế kỷ 5, trước Giáng sinh) đập vào mắt
tôi. (tượng Phật cao 4 thước nặng hơn 7 tấn) Ngoài hai bàn hoa quả để
cúng Phật, hai bên trống trơn (chùa mới xây cất được chỉ 3/4 trên 10
năm khó khăn vất vả mà vẫn chưa xong) Sau vài phút định thần, tôi chắp
tay lễ Phật mà ấn tượng cảm giác đầu tiên vừa bước vào Chánh điện đã
tỏa ra một sức mạnh trang nghiêm làm tôi cảm thấy…ngán (đến đây đố ai
dám nói dối !) Có lẽ sức mạnh tư tưởng về tâm linh của những người tạc
tượng ở Thaí Lan để tất cả niềm tin vào trong tượng Phật đó chăng ?
khác với Chánh diện ở chùa Khánh Anh cũ, tôi nhìn Phật mỉm cười mà lòng
bỗng đằm thắm, lạ lùng…
Lễ
Phật xong, tôi đi trở ra, vòng qua một hướng khác để đến tháp Địa Tạng
có chiều cao 18 thước, 9 tầng lầu. Địa Tạng là nơi để tro của người
chết được gởi tại đây. Từ 10, đến 20, hoặc 30 năm, bắt đầu từ tầng hầm
dưới đất lên đến tháp chuông. Tháp Địa Tạng xây chưa xong, nhưng hầm
dưới đã hoàn tất trước để giữ cất tro. Những hộc tủ để tro tuyệt đẹp có
màu óng ánh như thỏi vàng 18 cara. Hộc tro được đặt làm ở Hồng Kông gởi
về. Tháp Địa Tạng có những bộ cửa kiếng có khung và hoa văn bằng sắt,
loại cửa đặc biệt rất dày, bên ngoài nhìn vào không thấy gì, bên trong
nhìn ra thấy rõ mọi việc. Các tầng lầu đều gắn loại kiếng này. Loại cửa
kiếng này do một hãng Bồ Đào Nha cung cấp.
Không
có thân nhân họ hàng « nằm »
trong tháp Địa Tạng này tôi vào đây để
làm
gì ? Vào thăm « mộ » dùm cho bà
cụ có người con trai để tro ở đây. Bạn
có bao giờ đi thăm mộ dùm cho những ai chưa ? Thường
thường thì người
ta nhờ ai đó đi chợ mua thứ này món nọ, hoặc
là đưa đi đâu đó v.v…đâu
ai nhờ đi thăm mộ người thân dùm mình phải
không bạn ! Nhưng, nếu bạn
là tôi thì bạn cũng phải như tôi. Lẽ ra
thì tôi đưa bà cụ đi thăm mộ
con, nhưng là ngày lễ Phật Đản có rất đông
người kéo nhau đến chùa,
chân cụ bước đi khó khăn thì làm sao qua
được những đoạn đường khúc
khủy để vào được tháp Địa Tạng ! Sẵn tôi đi
chùa, cụ nhờ tôi ghé thăm
mộ của con cụ luôn thể.
Khi
tôi xuống căn hầm để tro của thân hữu, hàng hàng lớp lớp hộc tro để sát
tường. Hầm này cũng giống như hầm ở trong các nhà băng, có những cái
hộc nhỏ để cho các bà các cô gởi nữ trang. Dưới hầm đèn đuốc sáng
trưng, nhưng ai đã từng lên xuống hai hầm khác biệt này thì biết hai
cảm giác khác nhau là thế nào. Một sức mạnh quyền lực của người giàu.
Hai là cảm giác buồn buồn của những ngày đầu năm đến giữa, nửa năm đến
cuối, lảng vãng phía trước chuẩn bị để « ra đi »…
Lúc này tôi ở dưới hầm Địa Tạng, ngoài
tôi ra không còn
có ai, chỉ có bà cụ khoảng 70 tuổi «
trực» trước cửa để chỉ đường cho
những ai muốn xuống hầm. Đường xuống hầm bằng một cái cầu thang
tròn,
có tiếng nhạc tụng Nam Mô A Di Đà phát
sóng chung quanh để người thăm
viếng không cảm thấy âm u. Hầm có nhiều ngã
để đi nhưng tôi đứng xớ rớ,
không biết đi vào ngả nào. Thôi thì
đứng ở đâu thì bắt đầu về hướng ở
phía trước vậy. Vừa tìm số ghi trên hộc tro, vừa
liếc mắt nhìn những
tấm hình người chết chung quanh cho đỡ thấy thời gian chậm chạp
trôi
qua…Địa Tạng này không chỉ dành cho người
đã mất, hiện nay người sống
cũng đã mua sẵn Hậu Tro mai sau cho mình. Giá một
Hậu Tro 1.200 euro để
thời gian 30 năm. Sau này, tôi cũng sẽ nằm ở đây,
chỗ nào tốt đẹp hơn
nơi này ! vừa ấm áp vừa được nghe kinh kệ, chung quanh
vừa đẹp lại vừa
sang, so với nghĩa địa của tây, buồn chán, lạnh lẽo,
cô đơn, hiu
quạnh…Bạn đừng nghĩ là tôi nói nhãm,
nói thật đây ! vì tôi tin là có
thế giới « bên kia ». Tôi sẽ xin đề nghị với
thầy một khu « nghỉ ngơi »
dành cho nghệ sĩ, ở Địa Tạng này, giống như ở nghĩa trang
Père la
Chaise vậy.
Quanh
quẩn mãi mà chưa tìm ra bảng số con của bà
cụ, (chắc là tại tôi luýnh
quýnh). Nhìn chung quanh hình ảnh của những người
quá vảng, tôi đâm sợ
khan. Không muốn chần chờ ở đây nữa, tôi mau mau
tìm đường để đi ra.
Tới, lui ở dưới hầm mà cũng không thấy chân cầu
thang đâu, tôi mất bình
tĩnh kêu to : Bà bác ơi, bác
ơi…Nghe tiếng kêu, bà cụ ở trên hỏi
vọng
xuống: - Gì đây !
Tôi mừng quá la lớn :
- Bác ơi, cháu không thấy chân cầu thang để đi lên .
- Phía này nè ! Thấy chưa. Tôi nói
mau : Dạ chưa. Bà cụ vọng tiếng xuống : Ở đây nè,
đây nè…
- Dạ, cháu thấy rồi …
Vừa chui đầu lên khỏi cầu thang bà cụ hỏi liền:
- Tìm
được số hộc tro chưa ?
- Dạ chưa bác ạ ! mình cháu ở dưới Địa Tạng sợ
quá, chờ có ai xuống cháu sẽ xuống theo…
Đúng lúc đó một ông khách đi
thăm « mộ ». Tôi vội đi theo sau ông xuống Địa
tạng, tôi nói : Làm ơn chờ tôi đi
với…
Xuống
dưới hầm, ông khách hỏi tôi tìm hộc tro để một người hay hộc hai người,
tôi nói hộc một người. Ông khách vừa đi vừa đưa ngón tay chỉ vào con
đường nằm sau một bức tường,
- Hộc một người thì trong này, còn phiá bên kia là hộc dành cho hai người.
Nói
xong, ông quẹo qua hướng khác, khuất mất. Tôi vừa bước đi vừa liếc mắt
nhanh qua những tấm hình già có, trẻ có để bớt sợ, nhưng trong lòng sao
nghe run run, ớn lạnh…trời ơi, đâu chỉ có già mới chết…Tôi đang ở dưới
một nghĩa địa khổng lồ, chung quanh toàn là các…oan hồn. Đã xuống trở
lại đây lần thứ hai rồi thì phải tìm cho ra hộc tro con của bà cụ cho
trọn lời hứa. Lần sâu vào bên trong, tôi quay nhìn lại hướng cầu thang
để định hướng lúc trở ra, lúc này thì tâm trạng tôi lung tung, nhìn
phải, trái, trước, sau toàn là hình ảnh của người chết, mặc dầu đèn
vàng « nê ông » sáng trưng và tiếng nhạc tụng niệm vang vang…
Cuối
cùng tôi cũng tìm ra được nắm tro con bà cụ để ở cuối tường. Tôi đứng
ngắm nhìn tấm hình người đàn ông, có nét dũng mãnh, tinh tấn đeo kính
cận in trên hộc tro. Trước khi đến đây, tôi nghe bà cụ nói về người con
của bà biết nói nhiều thứ tiếng Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và có lắm
tay nghề. Lạ quá, bây giờ thì tôi không cảm thấy sợ sệt nữa, bình tĩnh
ngước mắt nhìn chăm chăm vào tấm hình rồi lẩm bẩm :
- Ở đây không mưa nắng gió sương, không như hộc tro ngay bên cạnh nhà
hỏa thiêu Père La Chaise chỉ có mái hiên che, có hộc bị nứt bể chim
chui vào ở trong đó. Lúc sống sao ông ích kỷ quá vậy ! ích kỷ ngay cả
việc có con và không chịu lấy vợ, để bây giờ chẳng có ai đến thăm. Mẹ
ông ốm yếu, bệnh tật làm sao đi thăm ông được. Phù hộ sức khỏe cho mẹ
ông nhé ! Có dịp tôi sẽ đến thăm ông.
Trời
! tôi nói như thiệt, lần sau đi chùa mà lơ
cái vụ này không khéo lại
mắc nợ lời hứa… Trước khi trở ra, tôi ngậm ngùi đưa
tay xoa xoa lên tấm
hình, in trên hộc tro có màu vàng lưu
ly, để hồn người độc mã ấm áp
chút tình người muôn thủa. Chui ra khỏi Địa Tạng
mà chưa thấy ông khách
lúc nẫy, ông vẫn còn ở « dưới» chưa
lên. Tôi nhìn lại tháp Địa Tạng một
lần nữa như giã từ thân quyến đang trong một khung cảnh
của một ngôi từ
đường mà những người yên nghĩ trong đó không
cảm thấy hiu hạnh.
Bây
giờ thì tôi đi vào xem văn nghệ do gia đình phật tử của chùa Khánh Anh
trình diễn. Đang đi vào thì gặp thầy Quảng Đạo đang khệ nệ bưng soong
nồi từ trong bếp đi ra sau vườn cho các chị chùi rữa. Đây là lần thứ
hai tôi đến ngôi chùa Khánh Anh mới này và cũng là lần thứ hai tôi gặp
thầy. Gặp thẩy một ngày mưa và một ngày nắng. Lần gặp trước 2/ 12, chùa
tổ chức bữa cơm xã hội, hôm ấy, trời mưa to gió lớn tôi không đi phía
trước để vào chùa mà đi ngang hông, ngay lúc ấy thì gặp thầy Quảng Đạo
đang quét …nước mưa đang đọng thành vũng, để cho bà con đi ngang qua
khỏi bị trơn trượt. Thầy mặc chiếc áo màu nâu dài đến tận gót chân, cặm
cụi quét nước không để ý có người đang đi vào. Mưa thế mà thầy không
đội mũ, (có tóc đâu mà sợ ướt) .Tôi vội nói lớn : « Chào thầy ạ ! »
Thầy ngước nhìn mà hai tay quét nước lia lịa, thầy cười, nụ cười tươi
như Phật Di Lặc, thầy nói : Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật…
Hôm
nay, lần thứ hai, (nắng đổ mồ hôi hột) tôi lại gặp thầy, thầy mặc bộ áo
lam hiền hòa, nhìn thầy…tròn trịa, như các ông sư áo vàng in trong
những bộ sách kiếp hiệp. Thấy thầy là thấy có ngay nụ cười trên nét
mặt. Đúng là ông Di Lặc của mấy đứa nhỏ nghịch ngợm, đứa rờ tai, rờ
miệng, rờ bụng, rờ mũi, rờ mắt mà ông cứ ngồi yên cười ha hả...
- Chào thầy ạ !
- Nam Mô A Di Đà Phật. Chị đi lễ.
- Dạ.
Tôi
đi vào hậu trường hình chữ nhật rộng khoảng 600m² đang có ca sĩ trình
diễn văn nghệ. Căn phòng sắp ghế từng hàng và người đứng hai bên « cánh
gà » chật ních, (có khoảng ngàn người). Hôm nay trời nóng nên cửa sổ
hai bên mở tung. Phần văn nghệ ngoài số ca sĩ ở chùa, và ca sĩ từ
Paris đến như Lệ Quyên, Julie Thanh, Ly Ly, Ngọc Châu, Quang Qũng, Hải
Triều, Huy Nhân và Thanh Thanh, (ái nữ của ca sĩ Thanh Phong). Ban nhạc
của chùa có tên rất là…thiền : Hải Triều Âm. Những vũ khúc dân tộc do
gia đình Phật tử Quảng Đức đãm trách. Mùa lễ Phật Đản năm nào chùa
Khánh Anh cũng mời ca sĩ ở Mỹ sang trình diễn (năm nay thầy Quảng Đạo
mời ca sĩ Quang Lê). Đứng ở ngoài nghe tiếng hát vọng ra, vì chung
quanh đều đặc máy phát sóng khắp nơi, nên các chị ở dưới bếp cũng nghe
được tiếng hát của ca sĩ. Tôi bước vào thì không còn chỗ, nhưng mà lạ !
Chắc là thấy tôi đặc biệt, quá khổ của người phụ nữ Việt, lớn xác, cao
gần 1,70m nên khi thấy tôi, bà con để tôi nhích tới, nhích tới, cứ thế
mà từ phía chót cuối, lên tới sân khấu, bỗng một chị đưa tay ra dấu vào
ngồi gần bên chị ở hàng ghế thứ ba, ngon hơ…
Ngồi
gần sân khấu thì tôi chụp được những tấm hình
thấy rõ ca sĩ đang trình
diễn. Ca sĩ địa phương mà hát cho chùa trong những
ngày đại lễ thì đều
trình bày bài nhạc có âm hưởng về
tinh thần Phật giáo, ít có ca sĩ nào
dám rên rĩ gào thét nhạc tình. Nhưng
hôm
nay, ngoài hát một hơi chục bài tình ca về
mẹ, về quê hương Quang Lê
được bà con vỗ tay hà rầm, được trớn, Quang Lê ngẫu
hứng nhắm mắt hát
thêm: « Em ơi nếu mộng không thành thì
sao, Lâu đài tình ái, Đập vỡ cây
đàn… » Dưới sân khấu, các em nghe ca
sĩ trẻ rên rĩ « em ơi, em ơi…» cả
hậu trường tiếp hơi đồng thanh ơi ới… Văn nghệ có
chút tình yêu trai
gái trong lời ca tiếng nhạc đưa vào, bỗng thấy
không khí văn nghệ bừng
lên sắc màu tươi trẻ, mọi người đều vui vẻ trong một buổi
văn nghệ có
một chủ đề trang nghiêm. Tôi quay hỏi năm người lớn tuổi
ngồi bên cạnh,
cả năm đều thích anh ca sĩ này. Hỏi vì sao
thích thì được biết, có
duyên, thật thà, phúc hậu. Hỏi năm người trẻ,
có ba trả lời không thích
cái « Style » nhạc của Quang Lê!
Trên
sân khấu Quang Lê nói mùa Lễ Phật Đản năm nay, Quang Lê chọn hát ở Pháp
vì chưa biết nước Pháp, vừa đến Paris được một ngày Quang Lê đã bị bùa
mê của 4 món hàng làm Quang Lê nhẹ nhàng bay 2000 euros, muốn đứt ruột
non ruột già nhưng làm ca sĩ mỗi khi trình diễn phải trang phục lịch sự
kẻo không bị chê là coi thường khán giả, nên phải ráng gồng mình để
chịu chi, chịu…đau. Sợ quá ! Sợ là đúng, đồng tiền euro bây giờ ngay
như triệu phú ở Mỹ qua Pháp còn phải sợ cái màu tim tím (tờ 500 euro),
lá màu xanh xanh thời mơ mộng qua rồi….Nhưng khi đi đến một nước nào đó
thì cứ nghĩ rằng ai sao thì mình vậy, đó cũng là một cách…thiền vậy.
Tai
nghe nhạc mà mắt tôi cứ nhìn quanh, như là
một công đôi ba việc vậy.
Tôi quay nhìn phía bên trái, thấy chị
Hạnh thường xuyên có mặt tại
chùa, ngồi nghe Quang Lê hát mà chị thừ ra
mất hồn bất động, Đôi mắt
buồn sâu đang nhìn vào cõi xa xăm nào
đó. Tôi đoán chị đang nghĩ gì,
nhớ gì, nhưng không dám hỏi sợ làm vỡ đi
dòng tư tưởng mỏng manh như
pha lê dễ bể. Tôi nắm bàn tay chị :
- Chị ơi, nghe nhạc đi…
- Ừ, mình nghe đây, nhìn Quang Lê hát mà cứ tưởng là Quang Tuấn…
- Em cũng nghĩ thế…
Đôi
mắt chị như cục nước đá, gặp phải tia lữa bỗng tan chảy nhạt
nhòe.
Quang Tuấn là con trai của chị là nam ca sĩ của
các phòng trà ca nhạc
tại Paris và cũng là ca sĩ chùa của
Khánh Anh đã « ra đi » cách đây
mấy năm vì một cơn bệnh mà các bác sĩ
đành bó tay.
Sau
phần trình điễn của QL là màn vũ do các em Phật tử trong chùa trình
diễn mặc trang phục Tàu, uốn éo thân mình theo tiếng nhạc Việt trong
buổi trưa nắng nóng. Tôi cảm thấy khát nước nên rời chỗ, đi đến « khu »
bán thức ăn, nước uống. Đến nơi thì thấy trống trơn, một chị ngồi gần
thùng phước sương bên cạnh trưng bày những sách vỡ Phật, tôi hỏi mua
nước để uống chị nói :
- Nước bán hết rồi, còn đâu nữa mà mua…
- Trời nắng chang chang vậy
mà hết nước sao ! Chị còn chút nước nào
không, làm ơn cho em một ly, khô cả cổ cả
môi chị ơi…
- Thức ăn, nước uống hết sạch từ lúc 1 giờ lận. Chỉ vì
đài khí tượng
nói hôm nay trời mưa gió lớn nên Ban ẩm thực
chở nước cũng như thức ăn
nấu nướng ở chùa Khánh Anh cũ đến đây vừa đủ như
mọi năm, không ngờ hôm
nay trời nóng quá nên món nào cũng
hết. Này, bà chị ơi ! rót cho cô này
một ly nước …dứa đi. Cô đến đàng kia rửa cái
ly này để uống nước .
- Dạ khỏi rửa, nhìn chị khỏe mạnh là thấy bảo đảm rồi…
Được uống một ly nước lạnh thơm lừng mùi lá dứa nghe
mát cổ mát ruột thật là hạnh phúc.
Từ
bốn năm nay (2005-2008) Đại lễ Phật Đản đã tổ chức tại chùa Khánh Anh
này, dần dà phật tử xa gần thành thói quen nên mỗi năm đến mỗi đông
(phật tử gốc Á châu ở vùng Paris có 100 ngàn người, toàn nước Pháp
khoảng 500 ngàn người) Chùa mới chưa đủ tiện nghi, mỗi lần Đại lễ Phật
Đản Ban trai soạn phải nấu nướng ở chùa Khánh Anh củ, rồi Ban chuyên
chở từ chùa cũ đến chùa mới.
Trong
Ban chay soạn có những cặp đã gặp nhau tại đây,
và họ đã thành vợ thành
chồng từ 30 năm nay, con cái họ cũng sinh hoạt tại chùa
cho đến bây
giờ. Già trẻ liên tục làm việc luôn tay
không ngưng nghỉ, bất kể thời
tiết gió mưa, nóng lạnh cũng vì ngôi
chùa vì lòng yêu quí thầy trụ
trì
là sư ông Thích Minh Tâm. Đặc sản của
chùa là bánh cuốn, bánh bèo,
bánh
khúc, bánh bột lọc…lớp bán ăn tại chỗ lớp
mua đem về, nên tuần nào cũng
như tuần nấy làm hoài không bao giờ dứt. Ban chay
soạn của chùa Khánh
Anh đúng là số một trong nhiệm vụ thiêng
liêng.
Trước
khi về, tôi dạo chung quanh và ngắm nghía ngôi chùa lớn nhất  Châu.
Ngôi chùa tuy chưa xây cất xong nhưng đã có lần Đức Đạt Lai Lạt Ma định
viếng thăm
nhưng
phút cuối sức khỏe ngài không được tốt nên
phải hoàn lại chuyến viếng
thăm. Ngôi chùa do Hòa thượng Thích Minh
Tâm đề xướng khởi công xây cất
đã hơn 10 năm nay phí tổn đến 9 triệu euro mà vẫn
chưa xong. 1 triệu nợ
ngân hàng, 1 triệu nợ Hội thiện. 7 triệu do bà con
phật tử kẻ có công
người có của đóng góp hơn 10 năm, trong đó
có cả các chùa ở Âu châu.
Ngay cả ông Thị trưởng Evry cũng đóng góp phần
giúp đỡ chùa, bằng cách
lo giấy tờ và cho hai căn nhà để ở mỉm phí cho
ê kíp thợ Tàu, gồm 9
người từ Trung quốc sang ở, trong thời gian một, hay hai năm để lợp
mái
ngói.
Chùa
Khánh Anh tọa lạc trên mảnh đất 4.000m² tại Evry sẽ là viện bảo tàng
nghệ thuật Phật giáo một nơi sinh hoạt văn hoá và tâm linh, đem lại an
lạc thanh thản trong tâm hồn người. Sẽ có hàng ngàn du khách và tín đồ
phật tử thăm viếng. Thành phố Evry sẽ tiếp nhận một cách hãnh diện một
trong những tác phẩm kiến trúc tuyệt hảo về mỹ thuật và tâm linh này.
Bích Xuân