Em, Paris Trong Ngày Lễ Hội
Bích
Xuân, Paris (và hình ảnh)
Ở
quê hương ngày mồng một Tết, bà con
kéo nhau đến chùa để xin lộc và cầu
may cho gia đình, mồng một Tết tại Paris rơi vào
ngày thứ năm nên phải
chờ đến ngày cuối tuần mới có không
khí Tết.
Tết
tại quận 13 Paris, rất gây ấn tượng cho dân
Pháp, họ kéo nhau đến khu
phố này để xem ngày đầu năm dân
Á Châu tưng bừng nháo nhiệt
đón Tết,
và xem xe hoa. Những con đường chính trong khu
phố này, không còn chỗ
để chen chân, hết 80 % là khách ngoại
quốc đến xem. Nhiều xe cảnh sát
giữ an ninh và đi trước đoàn xe hoa để giữ trật
tự, vì có rất nhiều
người chạy ra ở giữa đường để chụp hình.
Thứ
bảy, mồng 3 Tết bắt đầu xuất hiện tiết mục múa
lân,
lân đủ màu sắc :
đỏ, xanh, tím, vàng ... Lân đến tiệm
nào
là những tràng pháo treo trước
cửa tiệm nổ đôm đốp, mịt mù khói
pháo đến
đó. Tết năm nay pháo nổ nhiều
hơn những năm về trước. Quận 13 này là trung
tâm tụ
hộp của người Á
Châu, đa số là nhà hàng ăn,
khi bà
con đi ngang qua đã ngửi thấy mùi
phở và mùi vịt quay, làm ai cũng muốn
ăn. Nhưng
nhà hàng nào cũng đông
nghẹt, có những nhà hàng ế
khách cả năm,
hôm nay cũng không còn chỗ
trống. Các tiệm bánh mì cũng vậy,
người ta sắp
hàng dài đến mấy trăm
trước đợi mua khúc bánh mì kẹp thịt.
Ngày
Tết vào khu phố này cũng
không thể thiếu mùi rất là đậm
đà của
trái sầu riêng bay ra làm cho
ông
tây bà đầm phải nhăn mặt ...

«
Kho Tàng Nước Việt » là chủ đề buổi văn
nghệ của Tổng Hội Sinh Viên
Paris tổ chức để mừng Tết cổ truyền dân tộc tại thị
xã Massy đã giới
thiệu : « Đối với con em chúng ta, những thế hệ
sinh ra và lớn lên nơi
xứ người, hai tiếng Việt Nam có gợi lên được điều
gì không, hay đó chỉ
là xứ sở cổ tích, một đất nước nhạt
nhòa của những câu chuyện vừa kể
lại theo trí nhớ của ông bà, cha mẹ ?
Hãy đặt mình vào vị trí của
thế
hệ trẻ ấy để thấy chính những nơi mà ta gọi
là « đất tạm dung » là
quê
hương thứ nhất của họ hiển hiện trước mắt, còn Việt Nam,
quê hương thứ
hai chỉ mờ ảo sau lớp sương mù của ký ức. Họ sẽ
nghĩ gì, làm gì, sẽ so
sánh, lựa chọn ra sao giữa hai nơi chốn ấy ? Lớp
thanh thiếu niên Việt
Nam tại hải ngoại, bằng cách này hay
cách khác, đang tự thân tìm
hiểu,
khám phá nguồn gốc của mình. Sau nhiều
thắc mắc, nhiều trăn trở, nhiều
giăng co, nhiều đối thoại, đến một lúc nào
đó, có thể các em sẽ nhận ra
rằng, quê hương yêu dấu của ông
bà cha mẹ mình cũng chính
là mảnh đất
mà các em sẽ tìm về, nhớ đến ...
»
Anh
chủ tịch Hội Sinh viên cho biết : Tết năm thứ 43 của Tổng Hội
Sinh Viên
Paris do nhóm trẻ (thế hệ thứ ba) tổ chức. Hội trường
là một vòng bán
nguyệt có hai tầng lầu chưng bày những gian
hàng về di sản văn hoá
Việt, và gian hàng ẩm thực. Đồng hương đến
đây để hưởng những giây phút
ấm cúng, đượm tình quê hương,
cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon
đậm đà trong không khí của
ngày Tết.
Ngày
Tết, bà con chưng diện áo mới để du
xuân. Những
tà áo dài tươi trẻ đủ
màu sắc của các cô gái
xuân như những
cánh bướm chập chờn trong nắng
mới làm tươi thêm cho ngày lễ hội. Thấp
thoáng tà áo dài cổ điển,
kín
mít từ cổ cho đến gót chân,
ngoài ra
áo dài được biến chế đủ kiểu. Hai
tà áo dài còn
nguyên, nhưng từ eo trở
lên thì vải ở giữa vòng eo rất
là
mỏng manh. Bây giờ các cô mặc
áo phải cho
thấy mờ mờ nhân ảnh, lưng
cong, đôi tay thon dài trìu mến,
làm cho
người nhìn thấy lạ lạ, vui vui
... Các cô diệu hiền, chân thật,
nét văn minh
nên mặc áo kiểu gì đi nữa
cũng thấy xinh, thấy đẹp ...
Ở
Paris ít khi có dịp để chiêm ngưỡng
tà
áo dài, trừ khi có những
ngày lễ
lớn, nên thấy có tà áo
dài tung bay
trong gió là thấy vui lắm rồi, phần
trên chiếc áo có biến hoá
thế nào
thì cũng vẫn là áo thôi.
Nhưng người
bảo thủ thì nhất định không chịu, họ tội nghiệp
cho chiếc
áo dài cứ
phải bị đem ra « giải phẩu » hết cắt nơi
này, chắp
vá chỗ kia ...lung
tung. Thì đã sao, cái gì
cũng phải thử mới
biết đẹp hay xấu ! Người trẻ
thích khám phá mới trên
đường sáng
tác, nếu được thì tiếp tục, còn
không thì trở lại chiếc áo
dài như xưa.
Nhưng đặc biệt chiếc quần mặc
với áo dài ít thấy bị biến dạng.
Nếu
các đàn anh của Tổng Hội Sinh
Viên giao Hội chợ và văn nghệ
xuân để
nhóm sinh viên trẻ tổ chức, thì ngược
lại Hội Hướng Đạo toàn là những
người ...già. Hội có tên «
Hướng Đạo Trưởng Niên Làng Bách Hợp Nam
Quan
» Thấy cái tên của hội là
biết không có người trẻ. Anh Hướng Đạo
nói,
Hội may mắn được ông Thị trưởng dành đặc biệt
không phải trả tiền mướn
hội trường, nên Hội mời đồng hương vui vẻ trong
ngày Tết. Nhìn cách tổ
chức từ trong ra ngoài như có một « đội
quân » rất hùng hậu. Nghĩ là
vậy nhưng không phải vậy, nhân sự chỉ có
bốn người là chính thôi. Ông
Bà Thị trưởng năm nào cũng ngồi coi
trình diễn văn nghệ đến khi chấm
dứt mới ra về. Ít thấy có ông Thị
trưởng nào dễ mến như thế, thường chỉ
đến dự một tí ra về ngay, đừng nói chi ngồi coi
văn nghệ cho đến giờ
phút cuối.
Trong
phần văn nghệ, một bé gái Việt, 6 tuổi, ca đủ
loại nhạc, bé ca cải
lương, hát nhạc miền nam, dân ca miền Bắc, những
tràn vỗ tay như pháo
tết tán thưởng bé ... Rồi đến màn vũ
có mấy anh người Pháp nhảy theo
điệu nhạc quê. Tiếp theo đó là tốp ca
của một nhóm người Pháp khác. Mấy
cô đầm cũng rất tha thướt trong chiếc áo
dài bằng tơ lụa, và hợp ca
những bài dân ca Việt, cũng như nhạc kịch trong
những chiếc áo tứ thân
gái Bắc. Rồi đến màn biểu diễn của ban Tiếng Tơ
Đồng của giáo sư Thùy
Trang. Tiếng đàn bầu, đàn tranh, một
hình ảnh quê hương như hiện ra
trước mắt mọi người, làm nhớ làng, nhớ
quê ...
Đã
« mình ên » mà
ngày xuân
làm người không có Tết nữa
thì trời ơi buồn
biết mấy ... Thấy người ta đi chùa thì
mình cũng
đi. Những ngày đầu
xuân, tôi có mặt các nơi, từ
những ngôi
chùa trang nghiêm hiền lành,
cho đến những nơi yên tĩnh của những ngôi
nhà rộng
lớn đầy đủ tiện
nghi, ai vào đây sẽ có người chăm
lo ăn uống,
cũng như săn sóc sức
khỏe mỗi ngày. Nhưng hầu như ai cũng ngoảnh mặt
làm lơ,
chẳng ai thèm
bước chân vào đó. Thưa, nhà
thương ạ ! Nơi
dưỡng sức để trước khi làm
một chuyến du lịch vĩnh viễn không hạn kỳ về miền
...Tây
Tạng.
Giữa
đường phố ồn ào náo nhiệt của những
ngày Tết, một nhóm chúng tôi
ra
khỏi đám mây trong những phút
giây ham chơi, mơ mộng, để rèn luyện hoạt
động tâm linh bằng cảm giác tính vị
nhân. Chiều mồng một Tết (thứ năm)
tôi và một số anh chị em nghệ sĩ vừa
chuyên nghiệp, vừa không chuyên
nghiệp làm một buổi văn nghệ, tại một phòng tiếp
tân trong nhà thương,
để các bệnh nhân ấm áp tình
người trong mùa xuân hạnh phúc, mừng
chúa
xuân đến với tất cả mọi người, chứ xuân chẳng của
riêng ai. « Khán giả
» được đưa đến bằng những chiếc xe ...lăn, già
có, trẻ có. Thoạt mới
nhìn những hình ảnh này, nghĩ
là ai kia già nua chứ đâu phải
mình !
Mình còn khỏe, còn trẻ mà
...Nhưng, coi chừng ! ông Trời không chừa một
ai, kể cả người trẻ, đâu chỉ tuổi già mới bệnh.
Có một khán giả nằm dài
trên ghế, nhưng cũng đòi đến « hội
trường » để hưởng chút không
khí ồn
ào trong ngày Tết Việt cho đỡ buồn.
Hai
buổi văn nghệ Tết tại hai nhà thương Broca quận 13 Paris
và Charles
Foix ở Ivry, có nhóm Phượng Ca Dân Ca
của
giáo sư Phương Oanh, phần đệm
piano là nhạc sĩ Xuân Vinh, về phía
người ca
thì có Ngọc Lan, Thanh
Vân, Đỗ Quyên, Thái Quang Nam,
Bích
Xuân, May Nith nhạc sĩ kiêm ca sĩ,
đàn sĩ và cũng là hoạt náo
viên
trên sân khấu làm cho các
khán giả
trong bệnh viện có những tiếng cười rộn rã vui
tươi,
và Mai múa, cô Mai
rất đam mê về múa, cô hát
không được
thì múa, ai hát là
có cô
múa phụ
hoạ. Người ca thì cứ ca, người múa thì
cứ
múa, Mai với áo quần rực rỡ
làm vui và lạ mắt cho các «
khán giả
» đang ngồi xem.

Chị
Tuy Như lo phần liên lạc mời các nghệ sĩ đến
giúp vui văn nghệ, chị
điện thoại than thở, mời ca sĩ cực quá, làm việc
từ thiện mà có nghệ sĩ
đòi tiền, nếu không là họ viện cớ
vì bận, có ca sĩ từ chối, nói thẳng
vì yếu bóng vía, sợ, không
dám nhìn sự thật những hình ảnh trước
mắt,
xe lăn, bệnh tật, già nua ... Ai mà
không sợ. Nhưng muốn không sợ thì
phải tập cho đừng sợ. Có thế mới thấy những y tá
làm việc trong nhà
thương thật sự đáng phục, đáng qúi ...
Đa
số khán giả là Tây, đầm nên
các anh em
nghệ sĩ cứ ôm mấy bài « xì
lô »
mùi mà hát, khán giả ngồi
xe lăn và
những y tá cùng hát, không
khí văn
nghệ thật là vui nhộn. Những cô
y tá cảm ơn
ban văn nghệ đã mang đến
bệnh viện một làn không khí tươi vui,
cô
còn nói thêm, thỉnh thoảng đến
đây giúp vui chứ mỗi năm văn nghệ một lần
ít
quá ...



Bình
minh là những bông hoa nở trong những
ngày đầu xuân, và Tết năm nay đến
với tôi thật êm đềm, hạnh phúc. Hạnh
phúc này đã giúp
tôi thay đổi quan
niệm cuộc đời, trong một xã hội đầy đủ tiện nghi vật chất
này. Cũng như
trong ngày Tết vừa qua có một hình ảnh
làm tôi khó quên
là ngay trước
cửa một siêu thị lớn tại khu phố đang diễn ra tưng bừng
không khí tươi
vui của ngày Tết, có một nhóm người,
ngồi trên vỉa hè với áo quần dơ
dáy, bên cạch là chai rượu sắp hết. Họ
kéo nhau về đây để hưởng chút
không khi vui nhộn trong ngày Tết. Trước những cắp
mắt ngạc nhiên của
mọi người, nhưng hình như họ không hề ngại
ngùng và cũng không phân
biệt được giữa mình và khách du
xuân kia. Tôi ngắm nhìn họ như
tìm kiếm
một cái gì, bỗng có người ngồi trong
đám kia ngước nhìn tôi. Chờ cho
người kia quay đi nơi khác, tôi lén
chụp một tấm hình rồi vội vã đi
ngay.

Tết
năm nay, tôi còn có thêm
hình ảnh của
hai bà cụ già, đâu họ hàng
gì,
nhưng, hình như một cái gì
đó đang
sâu thẳm hồn tôi. Nếu bạn hỏi tôi
nhớ gì nhất trong những ngày Tết vừa qua. Xin
thưa
là nụ cười của hai
cụ bà cô độc . Một cụ 75 tuổi đã bắt
đầu lẩm bẩm
một cái gì, nhớ, quên
thất thường, nhưng chuyện xa xưa thì cụ không bao
giờ
quên. Còn cụ 88
tuổi thì rất đặc biệt, da mặt không có
nếp nhăn,
và trí nhớ cụ ít khi
quên. Buổi chiều 30 của ngày cuối năm,
tôi đến thăm,
cụ nói :
- Này,
tôi đã ký sẵn tấm ngân phiếu
cho cô rồi đấy .
- Chà ... lì
xì sớm vậy bác .
- Chưa, cô có
tiền đó không ?
- Dạ có.
- Cho tôi mượn 200 euros.
- Cháu chỉ có
100 đây thôi ...
- Ừ 100 cũng được, lần sau đem
thêm 100 nữa, tôi sẽ đưa cô
cái chèque 200 nhé !
- Dạ, được bác ...
Mồng
4 Tết, tôi đến nhà hai cụ, hai cụ từ trong
phòng vội vã đi ra, bước đi
của hai cụ chậm chạp, chập chững như đứa trẻ mới bắt đầu tập đi. Thấy
tôi, hai cụ cười, nụ cười vui mừng rạng rỡ như vừa thấy lại
đứa con từ
xa mới về, chỉ trong thoáng giây tôi
thấy mình đang ngụp lặng trong
dòng suối mát. Muốn khóc ...
Cụ bà vội hỏi như đứa
bé vòi vĩnh chờ quà mẹ vừa đi chợ về :
- Này, ở chùa
về mang món gì đến đấy !
- Dạ, đậu hủ kho củ cải,
và bánh cúc.
- Có thế thôi
à ...
- Dạ, còn nữa,
bò bía và gỏi cuốn ạ ...
Paris
đã chìm trong bóng đêm,
tôi nhìn ra cửa sổ hơi lạnh tràn
vào, những
ngôi nhà đã tắt đèn,
không còn ai ra đường, chỉ nghe tiếng
chó sủa vu
vơ. Trong nhà, ba người đàn bà, hai
già một trẻ thì thầm nói
chuyện ...
Tôi
ra về trên con đường vắng ẩm ướt hơi sương, một lần nữa suy
nghĩ về ý
nghĩa của cuộc đời và mùa xuân,
có phải mùa của là ước mơ
và hy vọng !
Sống mà không ước mơ, không hy vọng
thì khác gì trăng đứng một
mình
phải không bạn ...
Bích
Xuân