về lại trang chính                  
 
https://www.youtube.com/user/Nguoibenhepho/videos
http://www.dailymotion.com/bichxuanparis
                                                                         

                                                Lâu đài Versailles
                                                                                Bích Xuân

Cung điện Versailles là một trong những tòa lâu đài lộng lẫy, nổi tiếng nhất tại Âu châu, bởi nơi đây đã ghi lại những trang sử Pháp, và cũng chính nơi đây, các vua chúa đã thay phiên nhau cư ngự qua các thời đại, chẳng hạn như : vua Louis 14, 15, 16, hoàng đế Napoléon….
Năm 1995, cung điện Versailles đã trở thành viện bảo tàng của quốc gia, để mọi người đến từ khắp nơi thăm viếng. Trong số 3 triệu người thăm viếng mỗi năm , du khách ngoại quốc chiếm 70%.
Vài nét về cung điện Versailles.
Lâu đài Versailles được chia ra làm 3 phần:
Phần 1: lâu đài Versailles.
Phần 2: Petit Trianon.
Phần 3: Grand Trianon (thuộc về Unesco).
Nơi đây, có 900 người làm việc, trong số đó, 400 người được giao phận sự canh gác.
Điện Versailles có diện tích: 67.121 mét vuông, có 700 phòng, với 2513 cửa sổ, 352 lò sưởi, 67 cầu thang. Nơi đây là một trong những nơi được nhiều khách du lịch tìm hiểu về văn hóa Pháp thăm viếng. Mỗi năm, có khỏang 3 triệu người thăm viếng trên tổng số 7 triệu du khách. Trong lâu đài Versailles, có một “ Viện Bảo Tàng Lịch Sử Pháp”, (18.000 m²). Trong viện bảo tàng có nhiều bức tranh vẽ do vua Louis Philippe gôm nhặt, sưu tập. Khu vườn của cung điện có diện tích : 8 triệu m², trong đó 3 triệu m² là rừng, và 2 công viên trồng cây. Một vườn hoa ,Le Petit Parc, có 800.000 m². Lâu đài Trianon 500.000 mét vuông, có bức tường rào với chiều dài 20 cây số, 42 con đường đi dạo, có 372 bức tượng điêu khắc ngòai trời, 55 bồn nước, 600 vòi phun nước,( các ống dẫn nước bơm từ sông Seine vào dài 35 cây số).

Bảo trì cung điện Versailles là một việc làm khó khăn, vì các mái che của cung điện có diện tích quá lớn, nên phí tổn rất nhiều, nhưng nhờ tiền thâu vào cửa từ du khách, và cộng thêm vào đó tiền trợ giúp của các hiệp hội mạnh thường quân, kế đến là tiền ứng của qũy nhà nước, nên chương trình tân trang lại cung điện Versailles đã bắt đầu từ năm 2003 và dự trù chấm dứt vào năm 2020. Trong 7 năm đầu, nhà nước đã bỏ ra một ngân khỏan 135 triệu euro, nhắm vào 3 mục đích chính: Thứ nhất, tạo sự an ninh cho cung điện Versailles. Thứ hai, tân trang lại tòan bộ cung điện Versailles. Thứ ba, tạo những khu vực mới để tiếp đón khách thăm viếng. Số tiền của nhiều mạnh thường quân đóng góp vào vấn đề tân trang này, tương đương với 5% của tổng ngân qũy. Hiệp hội “American Friends of Versailles” vừa tặng 4 triệu đô la để tân trang những vòi phun nước, và một cơ sở tư nhân Vinci tặng 12 triệu euro để sửa lại phần hành lang bằng gương trong cung điện Versailles.
Nguồn gốc điện Versailles.
Ban đầu thành phố Versailles là một làng bé nhỏ, hẻo lánh, nằm trong một khu rừng, dân lưa thưa, cách Paris 23 cây số về phía tây. Vùng đất Versailles này của một người dân vùng Florence tên Albert Gondi (mua năm 1575) khi đến Pháp. Gondi đã mời vua Louis 13 đi săn bắn nhiều lần trong khu rừng này. Tám năm sau, vua Louis 13, mua lại vùng đất Versailles này của Gondi. Lúc đầu, vua Louis 13 cho xây một lâu đài nhỏ, để ông nghỉ ngơi khi săn bắn tại đây. Nhưng trước cảnh đẹp hữu tình, vua Loius 13 đã quyết định cho xây tòa lâu đài Versailles vào năm 1624. Lúc này vua Louis 13 được 23 tuổi. Cung điện được ông Philibert le Roy thiết kế và trông nom xây dựng.

Vua Louis 13 mất năm 42 tuổi (1601- 1643). Louis 14 lên ngôi lúc  đó 5 tuổi.
Vua Louis 14, lúc nhỏ có thiên khiếu về hội họa, âm nhạc, và nhất là vũ. Mỗi ngày Louis 14 học nhảy 2 tiếng,( từ 7 tuổi cho đến 27 tuổi). Ngòai ra, Louis còn thích săn bắn. Lúc 5 tuổi, Louis 14 súyt bị chết đuối trong một bồn nước tại vườn hoa Versailles. Lúc 10 tuổi, bị bệnh đậu mùa rất nặng, sau 10 ngày chạy chữa bác sĩ chịu thua, nhưng tự nhiên Louis bỗng hết bệnh một cách kỳ lạ. Ít lâu sau, Louis 14 bị trúng độc thức ăn, các danh y đều lắc đầu và triều đình chuan bị nghi thức cho lễ tang thì ông bỗng hồi tỉnh.

vua Louis 14, có vóc dáng cao lớn so với thời ấy. Năm 17 tuổi, ông  cao 1,75m, sức khỏe gấp đôi người thường. Năm 23 tuổi, ông cho ban hành 17 điều luật nhằm mục đích để tăng ngân qũy quốc gia. Tại sao người ta gọi Louis 14 là vua Mặt Trời ? Vì trong những kỳ lễ hóa trang, Louis 14 luôn luôn cải trang thành mặt trời, vì mặt trời đem nguồn sống cho mọi vật nên ông chọn mặt trời làm biểu tượng cho mình.

 Vua Louis 14, đam mê và thích thưởng thức về nghệ thuật, nên bất cứ giá nào ông cũng phải làm cho cung điện lộng lẫy. Từ một lâu đài nhỏ của vua cha Louis 13, Louis 14 đã biến nơi này thành một cung điện rộng lớn lộng lẫy, huy hoàng để có thể tá túc được 20.000 người, trong đó có bộ trưởng và quần thần của triều đình. Năm 28 tuổi (1866) ông chọn cung điện riêng cho mình, cho xây cất thêm ra cung điện Versailles .Thời đó, ông cho san bằng hết những ngọn đồi nhỏ chung quanh và lấp những bãi xình lầy. Ngoài ra ông cho trồng lại cây cối có lớp lang và nghệ thuật. Khu vườn cây này có diện tích hơn 1 triệu m². Việc xây cất mất 17 năm với số thâm hụt đáng kể, tuy nhiên vua Louis quyết phải làm cho bằng được.
Năm 1682, điện Versailles hoàn thành, trở thành một cung điện hoàng gia lộng lẫy. Điện Versailles không có thành luỹ. Versailles trở nên biểu tượng và quyền lực hùng mạnh nhất Âu châu. Vua Louis 14 dành ra 20 năm để trông nôm xây dựng, nhưng công trình này kéo dài tới 50 năm.
Vua Louis 14, có thú đam mê săn bắn không biết mệt mỏi. Ngòai thú đam mê trên, ông còn tò mò tìm hiểu mọi chuyện xung quanh. Vua Louis 14 lúc nào cũng có những người hầu cận gốc Thụy Sĩ chung quanh ông. Tất cả những gì xẩy ra trong cung điện Versailles ông đều biết trước là nhờ những người hầu cận Thụy Sĩ này. Triều đại của ông kéo dài 72 năm, dài nhất trong lịch sử nước Pháp.
Vua Louis 14 mất năm 77 tuổi (1638 -1715). 
Vua Louiis 14 là nhà chiến lươc quản lý quân sự tài ba,ông còn có những chuyện tình nóng bỏng và bí mật .

Ông Vua Đa Tình
Đã mấy thế kỷ qua, khi nói đến triều đại ông hòang, bà chúa của nước Pháp, người dân  còn  ấn tượng về: Vua Louis 14, điện Versailles  nói về uy tín  của vua Louis 14 (1638-1715) , cùng với sự lộng lẫy của cung điện Versailles mà du khách ngưỡng mộ khi thăm viếng. Nền kinh tế Pháp lúc đó lên cao là nhờ công lao của vua Louis 14.
 Vua Louis 14, có nhiều tình nhân, và nhiều con. Con chính thức, không  chính thức, chưa kể con rơi, …Con đông vậy mà chẳng có người con nào lên kế nghiệp, chỉ có đứa cháu kêu vua Louis 14 bằng ông nội lên ngôi (vua Louis 15 trị vì 59 năm) đến đời vua Louis 16, thì chấm dứt (vua và hòang hậu Marie Antoinette) bị lên đọan đầu đài.
Cách đây bốn thế kỷ, vua chúa lấy vợ, lấy chồng phải thuộc dòng vua, nếu không, họ kết hôn  trong dòng họ, hoặc bà con gần, bà con xa để thừa kế sự nghiệp, không cho rơi vào kẻ lạ , không đủ tư cách cai trị. Những ông hòang con này, khi sinh ra cùng một dòng máu nên dễ mắc bệnh và thường hay chết trẻ, trường hợp như  các con của vua Louis 14.  Vua Louis 14 lấy công chúa Thérèse bà con họ hàng với mình, (mẹ vua Louis 14 và cha của Thérèse là anh em ruột) . Vua Louis 14, có 6 người con chính thức đều chết trẻ. Người con trai trưởng  chỉ “tho”ï ở tuổi 30.

Vua Louis 14, có vợ năm 22 tuổi. Vợ là Thérèse, cùng tuổi với ông. Thérèse rất sùng đạo và được giáo dục chặt chẽ. Thời ấu thơ, Thérèse đã biết, sau này, mình sẽ là vợ vua Louis 14, vì hai bên gia đình đã có lời giao ước . Thérèse không yêu ai, chờ ngày khôn lớn để làm vợ vua. Đám cưới vua Louis 14, với công chúa Thérèse, do sự dàn dựng của Mazarin một hồng y ở trong triều đình, và sự góp ý của mẹ vua. Trước khi cưới Thérèse, vua Louis 14, đã có người tình đầu là Mancini 19 tuổi (1639 -1770).
Marie Thérèse (1638-1683)  chắc chắn rằng vua Louis 14 đã yêu thương mình, vì vua thường gởi thư và tặng nhiều quà cho nàng. Khi Thérèse đến Versailles, không biết nói một chữ tiếng Pháp, Thérèse được mẹ vua che chở và dạy cho nghi thức để làm…hòang hậu. Nhưng mẹ vua đã thất vọng, vì bản tính Thérèse rất nhút nhát, không có hình ảnh của một hoàng hậu. Mỗi lần Thérèse xuất hiện trước công chúng là mỗi lần Thérèse để lộ ra sự vụng về của mình. Mẹ vua nghĩ : Thérère chỉ biết  mỗi một việc sinh con thôi… Vua Louis 14, buồn chán người vợ này rất nhanh. Nhưng nhà vua vẫn săn sóc Thérèse rất chu đáo. Thérèse có 6 người con, 3 trai, 3 gái với vua. Nhưng 5 người con đã chết lúc trẻ vì bệnh.
Thérèse thâu hẹp cuộc đời mình, sống an phận trong một cung điện nhỏ, cùng với những người hầu cận nữ gốc người Tây Ban Nha, để bà đỡ nhớ nhà khi vua không còn để ý đến . Thérèse rất sùng đạo, nên hay bí mật đến nhà thương săn sóc những người bệnh tật không người thân, và thường giúp đỡ tiền bạc cho những người nghèo.
Ngòai vợ chính thức là Thérèse.  Ông vua này có tất cả 5 người tình kế tiếp nhau. Năm người tình của ông đã vào lịch sử  là : Mancini,  Vallière, Montespan , Fontanges , Maintenon .

1- Marie Mancini (1639-1715), người tình đầu tiên lúc vua chưa có vợ. Mancini là cháu gái của hồng y Mazarin. Mancini sinh tại Ý. Theo lời hồng y, cả gia đình Mancini dọn đến ở tại Paris. Mancini da ngăm đen, ốm người lại không được sang trọng, nhưng có sắc đẹp bí ẩn, đủ đã làm cho tim vua chao đảo. Chưa có thời giờ đến với Mancini thì vua đau nặng. Mancini thầm yêu vua Louis 14, khi thấy vua đau nặng, sợ vua chết Mancini đã khóc như mưa, và sẵn sàng chết theo vua làm vua cảm động,  ông đáp lại bằng cuộc tình nóng bỏng.
 Cả triều đình đều biết và cho đây là chuyện đương nhiên khi vua và Mancini thương nhau. Nhưng, hồng y Mazarin biết vua yêu cháu gái mình, ông nhất định ngăn cản cho bằng được, và khuyên vua nên lấy công chúa Thérèse. Tại sao kỳ vậy ? Vì, nếu cháu  ông thành hoàng hậu, ông không lợi lộc gì, mà sẽ bị cách chức nữa là khác, bởi Mancini ghét cay, ghét đắng ông. Trong khi đó, Mancini nghĩ vua thương yêu mình, sẽ lấy mình làm vợ. Mancini nuôi hy vọng, nhưng vẫn lo sợ trước một địch thủ của mình là Thérèse có dòng dõi vua chúa. Lúc này, vua Louis 14 có phần nghiêng về công chúa Thérèse. Mặc dầu vua còn yêu Mancini, nhưng buộc phải chia tay. Nhưng Mancini vẫn còn nuôi hy vọng là sau khi chia tay, biết đâu thế cờ lật ngược, vua sẽ trở lại với mình !

2- Mlle de la Vallière (1644-1710) : Bị khuyết tật, đi hơi nghiêng. Năm 17 tuổi, Vallière làm nàng hầu cho hoàng hậu Thérèse. Vallière có sắc đẹp lộng lẫy, mê hồn. Nước da trắng hồng, có cặp mắt xanh rất dịu dàng, và nhất là mái tóc dài óng mượt, màu bạch kim. Vua chú ý và yêu nàng ngay. Lúc đầu, hai bên bí mật gặp nhau, nhưng sau thì công khai, ở trong cung mọi người đều biết,  chỉ có vợ vua là không biết. Mẹ vua ra lệnh, không cho chuyện này đến tai Thérèse, sợ ảnh hưởng đứa con đang trong bụng. Nhưng đến khi bà mang bầu đứa con thứ hai, bà mới biệt sự vụ, nhưng vẫm giữ im lặng. Năm Vallière 18 tuổi (1662), nàng rời cung điện, vào tu trong một tu viện. Vua Louis  vẫn yêu Vallière cuồng nhiệt, nên đích thân đến tu viện đem Vallière ra.  Vallière trở về sống với vua, có 4  con, nhưng đã mất đi 2. Đến năm Vallière 23 tuổi, vua ban cho Vallière chức quận công ở tỉnh Vallière (tên thật Vallière là Louise Francoise). Mọi người trong cung đều hiểu, khi vua ban quyền hành, chức tước cho 3 mẹ con nàng là để làm quà chia tay vĩnh viễn với nàng.  Vallière bắt đầu với cuộc sống khó khăn và đau buồn. Nàng biết mình bây giờ là bình phong cho cuộc tình sắp tới của vua với Montespan, một người hầu cận của hoàng hậu. Năm 1667, Vallière một lần nữa, trốn vào tu viện, nhưng được một cận thần của triều đình rước ra. Nhưng Vallière thật sự muốn đi tu, nên năm 27 tuổi (1671) Vallière vào lại tu viện, Vallière tìm bình yên trong dòng tu được 39 năm thì mất. 

3- Madame Montespan  (1640-1706). Tên thời con gái là Tonnay Charente Năm 20 tuổi là nàng hầu của vợ vua Louis 14. Năm 23 tuổi, có chồng, chồng là quận công ở vùng Montespan, nên được gọi là Madame Montespan. Năm 28 tuổi, đã có 2 con với chồng. 27 tuổi, Montespan đã là tình nhân của vua. Năm 30 tuổi, Montespan ly dị chồng. Một văn sĩ đã viết, không thể so sánh Montespan với một người nào khác, vì sắc đẹp của bà là một sự chiến thắng. Montespan được vua thương yêu nhất, lúc vua Louis 14 đã nổi tiếng là vua Mặt Trời. Lúc đó, người ta coi bà như là một hòang hậu của Versailles, mặc dầu trong cung điện đang có sự hiện diện của hoàng hậu Thérèse, nhưng vì nhút nhát nên ở trong bóng tối. Trong vòng mười năm, Montespan đóng vai trò một hòang hậu, làm thăng hoa thêm cung điện Versailles, và thường giúp đỡ những người nghèo khó. Vua rất hãnh diện về sự giao thiệp cũng như sắc đẹp của Montespan với các đại sứ nước láng giềng khi họp mặt tại điện Versailles.
Montespan rất ghen, bà không chấp nhận nhà vua có những cuộc tình phiêu lưu khác. Trong khi ấy, ông vua đa tình này đang ngắm nghé một cô gái khác tên Fontanges. Montespan ghen tức lồng lộn . Bỗng dưng cô gái đột ngột chết, người ta nghi Montespan đầu độc, làm vua mất mặt và mang tiếng, mặc dầu không có bằng chứng để buộc tội, nhưng trước áp lực dữ dội của dư luận, vua đày bà ở một nơi hẻo lánh, (năm Montespan 52 tuổi). Nhưng vua còn yêu cuồng nhiệt người đàn bà này, nên không thể nào rời xa được. Ban đêm, vua lén đến gặp Montespan. Montespan đã có 6 người con với vua Louis 14. Tất cả những người con này được chính thức hóa. Vua để lại di chúc, nếu dòng chính thức, không còn ai lên ngôi kế nghiệp thì dòng con của Montespan lên ngôi. Khi vua chết, người cầm quyền đã họp các quan lại, và tất cả đồng ý hủy bỏ phần di chúc này, vì không phải dòng con chính thức nên miễn bàn. Montespan vào dòng tu. Bà tu được 14 năm thì mất, hưởng thọ 66 tuổi.

4- Angélique de Fontanges (1661-16810) , người tình thứ tư, nhỏ hơn vua 23 tuổi. Fontanges sinh ra trong một lâu đài ở Cantal. Cha là trung úy trong quân đội vua. Ông chú ruột thấy cháu gái có nhan sắc nên đề nghị anh mình tìm cách đưa Fontanges vào cung điện Versailles, để có điều kiện lọt vào mắt xanh vua. Năm Fontanges 17 tuổi, được nhận vào cung để hầu cho em dâu vua Louis 14. Rất nhanh chóng, Fontanges trở thành người tình trong bóng tối của vua. Cuộc tình lén lút này kéo sang mùa xuân năm sau. Fontanges 18 tuổi, được chính thức công nhận là người tình của vua. Cuối năm 18 tuổi, Fontanges sinh đưa con đầu lòng, nhưng vì đẻ non, con trai vừa sinh ra đã mất. Sau lần sinh đẻ này, vua phong chức cho Fontanges là quận công. Năm Fontanges 19 tuổi, sức lực mỗi ngày một yếu kém, xanh xao, nên không được vua yêu nữa. Fontanges đâm ra buồn nên tìm vào dòng tu. Tu không được bao lâu, bỗng Fontanges chết bất thình lình (lúc tuổi 20). Cái chết bất ngờ, khiến mọi người nghi ngờ có người đầu độc. Người bị nghi ngờ là Montespan (người tình thứ ba của vua). Ngày nay, các bác sĩ nghiên cứu lại cái chết của Fontanges, Fontanges không phải chết vì bị đầu độc mà chết vì: bệnh sưng màng phổi.

5- Madame Maintenon (1635-1719) . Gia đình theo thiên chúa giáo. Maintenon theo gia đình qua đảo Martinique. Cha Maintenon được cử làm quan toàn quyền nơi đây. Maintenon ở trên đảo được mệnh danh là người con gái, có nét đẹp như gái Ấn. Năm 16 tuổi, Montespan lấy một nhà thơ, nhà thơ này 42 tuổi, rất nổi tiếng, nhưng bị tê liệt. Năm 25 tuổi Maintenon thành bà góa. Nhờ ở với ông chồng thi sĩ nên Montespan nói chuyện rất có duyên. Năm Maintenon 34 tuổi, tình cờ gặp Montespan ở nhà một người quen, hai ngưòi nói chuyện với nhau rất tâm đắc. Montespan giới thiệu Maintenon làm công việc nhẹ là giữ trẻ (những đứa con rơi của vua Louis 14). . Maintenon lại được mẹ vua cấp cho một số tiền trợ cấp nhỏ hàng tháng, vì chồng là một thi sĩ nghèo nổi tiếng. Vua gặp Montespan mến ngay cách nói chuyện lịch lãm, hiểu biết của nàng. Một lần nữa, vua bị rơi vào bẫy tình của cảm giác. Năm Maintenon 41 tuổi, bắt đầu liên hệ với vua. Một thời gian sau, Maintenon  và vua hợp thức hoá để trở thành cha mẹ của những đứa con rơi của ông vua này.
Vợ vua là Thérèse ngã bệnh, khiến Maintenon động lòng, bà khuyên vua nên trở về săn sóc, và yêu thương người vợ mà vua bỏ rơi một cách công khai. Ông vua này nghe lời Maintenon trở về với vợ. Thérèse rất cảm động sự săn sóc bất ngờ của ông chồng ham vui, bay bướm này. Bà nói : “Từ ngày tôi được làm hòang hậu, không có ngày hạnh phúc và sung sướng như ngày hôm nay. Chúa đã khiến bà Maintenon khuyên vua, để trái tim vua hướng trở về tôi. Chưa bao giờ ông đối xử với tôi tử tế như thế”. Nhưng Thérèse không hưởng được sự yêu mến này lâu dài, bà trút hơi thở cuối cùng ở điện Versailles (năm bà 45 tuổi) bởi một vết sưng làm độc nằm dưới cánh tay. Vua nói : Chưa bao giờ bà làm cho ông buồn như lúc này.
Sau khi hoàng hậu mất, Maintenon là người chia xẻ trong khoảng thời gian cuối với nhà vua. Năm Maintenon 48 tuổi, vua chính thức cưới Maintenon. Người ta nói:  Ông vua cưới vợ lần này để chứng tỏ là đã tu tâm dưỡng tính, không bỏ rơi Maintenon như  đã bỏ rơi những người tình trước kia. Vua Louis  14 mất năm 77 tuổi, bà Maintenon mất  ở tuổi 84 .

                                                          Bích Xuân