Hoàng Đế Napoléon
                                                                                       Bích Xuân


Napoléon (Nã Phá Luân) sinh ngày 15-8-1769 tại Ajaccio thuộc đảo Corse. Gia đình thuộc dòng dõi quí tộc. Lúc mười lăm tuổi được học bổng vào trường sĩ quan tại Paris. Có khuôn mặt xương, tóc nâu, sợi nhỏ, nụ cười quyến rũ, và một khả năng làm việc lạ lùng. Nã Phá Luân dáng nguời thấp, nhỏ bé có vẻ mảnh khảnh, nhưng rắn chắc, có trí nhớ phi thường. Tính tình rất nóng nẩy, dễ giận, nhưng có sức chịu đựng tinh thần qua những cuộc đấu trí. Nã Phá Luân có tư tưởng rất mạnh, lúc nào cũng ở trong tình trạng sẵn sàng, và có một ý niệm chính xác về sự công bằng trước công lý, ông đánh giá rất cao tình bạn hữu, nhất là đối với những người cùng chiến đấu vào sinh ra tử với ông.

Về chiến lược, Nã Phá Luân là một thiên tài, còn quan niệm về đàn bà thì cũng giống như những người đàn ông ở đảo Corse, nghĩa là người đàn bà phải ở nhà, chăm lo gia đình, chỉ theo chồng đi hội hè, dự tiệc, nhưng không được tham dự vào việc chính trị hoặc có những chức vụ chính trị. Nã Phá Luân lúc nào cũng muốn chế ngự những nước Âu Châu và lúc nào cũng khao khát sự vinh quang của chiến thắng. Điều này, có lẽ do thời niên thiếu, lúc Nã Phá Luân còn hàn vi là một sinh viên được học bổng tại Pháp, nhưng lúc nào cũng cảm thấy mình như một sinh viên «ngoại quốc» trước những sự thờ ơ, coi rẻ, chế riễu của những người khác, mặc dầu Nã Phá Luân cũng là dân Pháp. Chính điều này đã hun đúc nung nấu để Nã Phá Luân vươn lên.

Nã Phá Luân nghiền ngẫm, đọc đi, đọc lại tiểu sử, cuộc đời chinh chiến của các đại đế Alexandre và César…Đối với Nã Phá Luân, đây là những biểu tượng cao nhất mà con người có thể đạt được. Ông nhìn thấy nhiều sự trùng hợp, giữa định mệnh của ông và định mệnh của các thần tượng trên. Do sự học hỏi, suy luận và tổng hợp về chiến lược chiến thuật, Nã Phá Luân rút tỉa và cho rằng chiến tranh là một sự di động phải luôn luôn ở thế chủ động để tấng côn bất thần địch ở tư thế không chuẩn bị. Truy nã khi địch thua chạy. Rút lui khi cần thiết để tự bảo vệ an toàn. Nã Phá Luân có tài khích lệ ba quân và khơi dậy lòng yêu nước của binh lính và các tướng lãnh. Vào thời đó, không có đội quân nào có kinh nghiệm như đội quân của Nã Phá Luân, không có đội quân nào có nhiều sĩ quan tài giỏi do chính Nã Phá Luân tuyển lựa và huấn luyện. Nã Phá Luân thường hay để tượng bán thân của  César trong phòng làm việc của mình.

Lúc cách mạng Pháp bùng nổ, Nã Phá Luân trở lại đảo Corse với tư cách của một sĩ quan trong quân đội. Lúc đó, đảo bắt đầu có nội chiến với phong trào đòi độc lập. Gia đình phải lánh nạn sang Pháp. Nã Phá Luân ủng hộ cách mạng Pháp và lên chức mau chóng. Ông đã giải phóng tỉnh Toulon (Pháp) thoát khỏi nhóm quân chủ được sự hổ trợ của binh lính Anh. Sau đó Nã Phá Luân đã dẹp tan cuộc nổi dậy chống lại nhóm cách mạng vào năm 1795.

Nã Phá Luân có đầu óc chiến lược sáng suốt, có khả năng thu nhập tất cả tinh hoa của những hiểu biết về quân sự, và biết tùy cơ ứng biến vào những trường hợp xẩy ra trong cuộc chiến. Là sĩ quan pháo binh, Nã Phá Luân đổi mới cách xử dụng pháo binh trong vấn đề hổ trợ bộ binh trong cuộc tiến quân và tấn công. Khi Nã Phá Luân nắm chức tư lệnh quân đoàn, lúc ấy đoàn quân không được nhiều cho lắm, nhưng Nã Phá Luân vẫn thắng nhiều lần. Trong những trận đánh này, Nã Phá Luân biết tận dụng hệ thống truyền tin mặc dầu hệ thống này còn trong tình trạng thô sơ.

Nã Phá Luân dẫn quân sang Ai Cập với chủ đích “dằn mặt” sự hiện diện của quân đội Anh ở vùng phía đông  Địa Trung Hải và trên những lộ trình đi Aán. Nã Phá Luân cùng đòan quân rời cảng Toulon năm 1798 mang theo 170 nhà khoa học. Nã Phá Luân lần đầu đã vượt qua vòng lưới hải quân Anh của tướng Nelson tại vùng này. Nã Phá Luân đầu tiên chiếm đảo Malte, kế đến là đổ bộ lên tỉnh Alexandrie của Ai Cập và tiến vào vùng Kim Tự Tháp (nơi đây, Nã Phá Luân đã lấy một trụ đá cao đỉnh nhọn “obélisque” đem về Paris). Sau đó, ông tiến thẳng tới Le Caire, thủ đô Ai Cập. (năm đó Nã Phá Luân vừa ba mươi tuổi). Khi đến Alexandrie Nã Phá Luân bị khung cảnh của xứ này thu hút và thích thú khi được đi lên những vết chân cũ của đại đế Alexandre và César là những thần tượng của ông. Khi trở về Paris, Nã Phá Luân đem theo những cổ vật của Ai Cập. Sau đó, Paris nổi lên phong trào trang trí trong nhà theo kiểu Ai Cập với những đầu người thân sư tử (Sphinx) và chạm trổ với những cổ ngữ Ai Cập…

Lúc Nã Phá Luân bị kẹt tại Ai Cập, trong khi đó, tại Âu châu, một liên kết mới thành lập để chống lại nước Pháp. Nã Phá Luân phải dẫn quân trở về cứu Paris (1799). Nhân cơ hội này ông làm một cuộc đảo chính và lập thể chế mới tạm thời. Năm 1802, Nã Phá Luân lên nắm quyền, đứng đầu chính phủ cộng hòa lúc đó. Nhưng thật ra, đó là một chế độ quân chủ cải trang mà thôi. Nã Phá Luân lập ra một triều đình, họp với các quan cận thần do chính ông lựa chọn, và ban chức vụ. Ông đối xử rộng rãi, kèm theo những phần thưởng bằng đất đai, tiền bạc cho những nhân tài. Những người này trở thành một giới quí tộc mới dưới triều đại Nã Phá Luân. Càng ngày người theo ủng hộ Nã Phá Luân càng đông. Năm 1811, với 44 triệu dân Pháp và 167 triệu dân Âu châu, gồm 130 vùng rộng lớn, hầu hết tất cả những nước Âu châu, lúc đó, đặt dưới sự cai quản của những người trong gia đình Nã Phá Luân. Dưới thời đại Nã Phá Luân, văn chương, kịch nghệ, âm nhạc không được phát triển vì kiểm duyệt gắt gao, trừ sáng tác nhạc Opéra của Ý. Ngược lại, khoa học được khuyến khích nên phát triển rất mạnh. Hội hoạ không bị hạn chế.

Nã Phá Luân dẫn binh sang đánh nước Aó. Sau đó đem quân sang đánh Syrie năm 1799. Vào năm 1800, Nã Phá Luân tấn công và thắng nước Áo một lần nữa. Đánh Đức, Pologne và Nga từ năm 1805 đến 1807, trở lại đánh Đức 1809, rồi đem quân sang đánh Tây Ban Nha. Tiếp đến là cuộc chiến tại Bỉ trong 100 ngày. Nã Phá Luân sang đánh Nga lần chót vào năm 1812, lần này thua vì qúa chủ quan, coi thường thời tiết băng giá về mùa đông của Nga, và diện tích đất đai quá lớn và ở quá xa cho nên tiếp tế lương thực, súng đạn  rất khó khăn. Nã Phá Luân bắt buộc từ chức và sau đó bị đày ở đảo Elbe năm 1814 đến 1815. Cùng bị đày với Nã Phá Luân, đi trên một tàu chiến của Anh là những người thân cận và đám cận vệ. Đảo Elbe cách nước Ý vài cây số, là một đảo nghèo, diện tích 225 cây số vuông, với dân số 12.000 người, hầu hết sống về nghề chài lưới và trồng nho. Thời gian ở đảo, Nã Phá Luân sống thoải mái, thong dong, không phải sống theo kiểu tù nhân. Ông tổ chức một đội vệ sinh để dọn rác và làm sạch sẻ đảo, cho trồng những cây olive và những cây dâu. Ông cho làm rất nhiều cầu và nhiều đường trải đá. Ngoài ra còn cho làm hệ thống đèn đường với những đèn lồng bằng kính.

Nã Phá Luân tự ý rời đảo với một đám tuỳ tùng thân tín vào đất Pháp, được dân chúng hoan hô đón chào. Về đến Paris, khoảng 3 tháng sau, Nã Phá Luân đem 130.000 quân đi đánh Bỉ, nhưng quân Âu châu gồm có Nga, Áo, Đức, Anh, liên kết chống trả lại Nã Phá Luân. Nã Phá Luân thua trận, bị bắt lại lần thứ hai. Lần này, Nã Phá Luân bị đày ở đảo Sainte-Hélène, (thuộc chủ quyền Anh). Đảo này nằm giữa biển Đại tây dương, giữa Phi châu và Nam Mỹ. Đảo cách Phi châu 1863 cây số, và cách Brésil 3562 cây số. Chiếc tàu buồm chở Nã Phá Luân khởi hành ngày 7-8-1815 mãi tới ngày 17-10 mới đến đảo Sainte-Hélène.

Trải qua sáu năm khổ ải trên đảo xa xăm, gần như không ai biết tới. Nã Phá Luân ở trong một căn nhà, nhưng coi như là nhà tù, lúc nào cũng bị lính canh theo dõi, rình rập, từ cử chỉ đến lời nói, kể cả sự di chuyển. Nã Phá Luân không được tiếp xúc với dân ở đảo này. Chung quanh đảo lúc nào cũng có hai đội tuần tiễu, thay phiên nhau đi tuần, ngày đêm không ngừng. Nã Phá Luân có vài người thân tín ở chung là ba cặp vợ chồng tướng lãnh, còn có thêm 11 người làm. Tại đây, ông viết hồi ký « Sainte-Hélène », hồi ký này được xuất bản vào năm 1823, được nhiều dân Pháp đón nhận. Cuộc sống sáu năm ở đảo khó khăn và buồn chán trong bầu không khí ngột ngạt, vì những  sự ganh tị lẫn nhau trong đám người thân cận cũng như hầu cận. Nhưng hoạt động hàng ngày của Nã Phá Luân cũng không thay đổi : đọc sách, (Nã Phá Luân yêu cầu cung cấp một thư viện gồm 2000 cuốn sách, yêu cầu này đã được chấp thuận). Ngòai việc đọc sách, Nã Phá Luân thích đi tản bộ, nhưng bị giới hạn trong một phạm vi cố định. Mỗi lần tắm, Nã Phá Luân thích nằm trong bồn tắm một tiếng rưỡi trong nước. Vào buổi chiều tối, vài ván cờ tây, hay đọc một vở kịch.

Vào tháng 4-1821, Nã Phá Luân ghi lại di chúc. Một tháng sau, vào buổi chiều ngày 5 tháng 5 năm 1821, ông trút hơi thở cuối cùng, lúc 5 giờ 49 phút trên hòn đảo lưu đày. Ông chết vì bệnh ung thư bao tử. Nã Phá Luân được chôn gần một con suối dưới bóng mát của những cây liễu. Ngày 15-12-1840 người ta đem hài cốt Nã Phá Luân về Pháp để tại điện Invalides.

Nã Phá Luân đã làm nhiều điều cải cách trong ngành giáo dục, công lý, kinh tế và hệ thống hành chánh. Bộ hình luật dân dự của Nã Phá Luân có tên « code Nã Phá Luân » vẫn còn ảnh hưởng lớn ở nhiều nước hiện nay. Sau đó ít lâu, nước Anh cũng ký hòa ước tại Lunéville. Năm 1802, Nã Phá Luân bán lại cho Hoa Kỳ tiểu bang La Louisiane, một vùng đất mênh mông Bắc Mỹ, Nã Phá Luân cảm thấy không còn sức để bảo vệ vùng này nữa nếu bị tấn công vì ở quá xa.

Nã Phá Luân có ba người tình, người tình thứ nhất Joséphine de Beauharnais. một người đàn bà dịu dàng và gợi cảm. Người thứ hai là Marie Walewska, người đẹp xứ Ba Lan nóng bỏng, đã tự thề rằng chỉ thương yêu đất nước mình mà thôi, và người thứ ba là Marie–Louise, đẹp, nhưng tính tình trẻ con.

 Ba giai nhân này, ai là người duy nhất làm rung động trọn vẹn trái tim Hoàng đế Nã Phá Luân ? và trong ba người đàn bà xinh đẹp thuộc dòng dõi quí tộc, ai là người dành tình yêu nhiều nhất cho Nã Phá Luân?

                                                                                                                                                  Bích  Xuân