Hát Rong Bên Vỉa Hè

Bích Xuân ( và hình ảnh)

Đã bước vào tháng ba mà mây mờ bay như khói, rồi đến gió bấc làm cho người ta có vẻ lạnh lùng. Paris đã nhuốm hơi xuân nhưng còn lạnh lẽo như mùa đông, thỉnh thoảng có ngày nắng, qua hôm sau là hết, nên mỗi khi có nắng là thấy không khí trời Tây sinh hoạt nhộn nhịp hẳn lên. Người, xe qua lại ào ào trên đường phố khiến người ta có cảm giác muốn ra khỏi nhà, nắng ấm thế này dại gì mà ngồi ở nhà ! Nhưng ra khỏi nhà vào mùa này dân Tây thường đem theo áo khoác lạnh, vì thời tiết tháng tư sẽ trở trời bất cứ lúc nào không hay.
Trước khi nói về mấy ông nghệ sĩ có những màu da khác nhau thích lang thang hát dạo ở vỉa hè, xin vài dòng về nghệ sĩ gốc Việt tại Paris trước. Thời gian mới đây bỗng nỡ rộ những hoạt động chương trình ca nhạc cùng vui cùng hát với nhau tại các nhà hàng Á châu. Lúc trước, chỉ có ca nhạc khiêu vũ ở các nhà hàng lớn, bây giờ các tiệm phở phở cũng có thêm mục ca nhạc cuối tuần. Nghệ sĩ thất nghiệp lên hương.

Chương trình ca nhạc bắt đầu từ tối thứ sáu tới chiều chủ nhật, thành phần ca sĩ  là khách. Người Việt mình còn khách là kéo thêm giờ, hết khách mới đóng cửa. Vui là chỗ đó ! Không như phòng trà khiêu vũ, đúng giờ là ngưng.
Mấy ông nhạc sĩ thường trực ở nhà hàng khiêu vũ, đàn hát tuần này qua tuần khác, đâm ngán nên họ cũng muốn đổi tiếp xúc với khách vui hơn là ở khiêu vũ trường, dù sự- thay đổi chưa chắc thành công nhưng vẫn khác hơn cái cũ.

Khách quen nhạc sĩ nào thì họ kéo nhau đến quán có nhạc sĩ đó, khách ghé quán này rồi chạy sang quán khác, quán nào có không khí họ  dính luôn. Phần nhạc sĩ cũng kéo bạn bè đến tham dự cho đông để chủ tiệm hài lòng. Một số nhạc sĩ làm việc cho các quá rượu nhỏ của Tây bây giờ cũng về đàn cho quán phở có không khí vui hơn, hát ở quán rượu của Tây, đàn ca một mình đến…hụt hơi. Nói là quán phở nhưng có chia ra một phòng nhỏ bên trong chứa từ 100 người trở lại.

Ban nhạc làm việc cho các phòng trà cũng như các ca sĩ chạy show cuối tuần, chẳng bao giờ bị nhà nước hỏi thăm hoặc đặt câu hỏi với chủ tiệm mướn họ có khai không ?. Thanh tra vào tiệm, thấy người bạn đứng trong quầy rượu, lần thứ hai là phạt ngay tức khắc. Về ban nhạc thì ít bị thanh tra hỏi han gì ?

Tiệm nào có ca nhạc là có khách, Bàn nào cũng rượu mạnh, ba chai thì chủ tặng một. Dưới bóng đèn màu mịt mờ, khách ăn uống, cười nói, hát hò say mê, người đàn cho khách hát cả đêm mà cũng không hề mỏi lưng, chóng mặt. Tất cả đều quên hết mọi phiền phức, tuyệt vọng, quên chủ quán đưa hóa đơn tính tiền thường sai số ! khách còn tỉnh vặn hỏi thì chủ quán …quên !

Phòng trà ca nhạc hay karaoke phải có bán thức ăn, không bán thức ăn, khách cũng mua thức ăn đem vào nhấm nhí trong lúc nghe nhạc, vui chơi mà thiếu món ăn là dân Việt ở Paris không chịu, không như ở Mỹ quán ca nhạc của người Việt chỉ uống bia và nước ngọt.
Bây giờ xin nói về là các nghệ sĩ hát dạo bên vỉa hè. Họ là những nghệ sĩ đủ màu da, đủ mọi lứa tuổi. Nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng như không chuyên nghiệp thích hát rong bên vỉa hè, hay ở dưới đường hầm tàu điện ngầm. Có nhóm năm, bảy người (như là một ban nhạc), người đàn violoncelle, guitar, xasophone, violon…Nhiều nhóm nghệ sĩ hát rong khác nhau, biểu diễn hoà nhạc dưới đường hầm metro khác nhau, phía trước có cái mũ để khách bỏ vài đồng tiền kẻm vào đó (không bắt buộc). Có nhóm hát để bán những dĩa CD nhạc của chính họ, nhóm nghệ sĩ này có giấy phép, những người đàn lẻ thì không vì họ chỉ có cây guitar thùng không gây tiếng ồn ào lớn…

Những tháng mùa đông, họ hầm trú của nhóm hát rong là dưới đường hầm métro, họ di chuyển các nơi khác nhau trong đường hầm. Bạn đến Paris sẽ cảm thấy thích thú khi nhìn thấy các nghệ sĩ hát rong này.
Mùa hè họ lang thang ở các vỉa hè Paris, vì họ muốn khách đi đường dừng chân lại lắng nghe. Những nghệ sĩ này chưa hẳn là họ không có việc làm, hay không có nghề nghiệp như  tấm hình phụ bản kèm theo bài viết, một nghệ đàn Accordeon ngồi đàn ở dưới métro, ghi trên tấm giấy muốn dạy kèm toán ở lớp trung học. Hát rong lang thang đây đó là điều họ muốn, không phải hát cố ý kiếm tiền để sống mà chỉ ï muốn biểu diễn tài năng, đối với họ đó là một điều hạnh phúc…
Nhưng trong đám người hát rong, cũng có số người hát kiếm tiền để sống, đa số họ là những người đến từ các nước châu Âu. Số nghệ sĩ này thường hát trên xe điện dưới métro, họ hát như trả bài, rồi vội vàng cầm cái mũ đi đến từng người để xin tiền, xong rồi nhảy nhanh qua toa xe lửa khác tiếp tục đàn hát. Hát rong để xin tiền ở dưới métro, hay hát rong trong các quán ăn, được khách thưởng tiền với một cử chỉ vừa thông cảm, vừa mến mộ, vì khách biết người hát rong là một nghệ sĩ đã dám chạy theo sở thích riêng của mình mà không phải bất kỳ người nào cũng có thể làm được.

Đời nghệ sĩ hát rong với một cây đàn, họ đàn ca bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu nếu họ thích, họ chẳng hề ngại ngùng hay mắc cở, đôi khi cũng quyến rũ được cả trăm người khách qua đường ở những nơi công cộng. Khách ngồi bệt xuống đất hứng thú nghe người nghệ sĩ đàn ca là điều mong ước trong đời sống của riêng họ. Những người hát rong cũng cần đến sự ngưỡng mộ của đám đông bằng những tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Lúc này, khách nhìn nghệ sĩ hát dạo thật là oai, khách cũng biết đàn nhưng còn khuya mới đươc cái oai ấy ! Cũng có khách lặng lẽ nhìn người hát rong đang say mê theo tiếng đàn, họ có nét gì thật độc đáo không giống ai, hình như họ có giòng máu nghệ sĩ phù thủy trong người, chỉ có phù thủy mới biến người hát dạo thu hút được cả trăm người khách như thế !
Nghệ sĩ hát rong có mặt khắp nơi ngay ở nơi bãi biển, tiếng đàn tiếng hát họ cất lên, lập tức ở chung quanh, người ta kéo nhau đến. Người hát rong khoe rằng hôm đó anh được 80 euro tiền thưởng của khách ở bải biễn.

Muà hè, từ tháng bảy, tám, từng nhóm nghệ sĩ với guitar xập xình tụ năm tụ ba, đàn ca một cách hứng thú suốt đêm dọc theo hai bờ sông Seine, đám đông dạo chơi dừng lại để lắng nghe. Ai buồn ra bờ sông Seine sẽ hết buồn, vì đây là thế giới của nhóm nghệ sĩ hát rong dưới bầu trời thiên nhiên. Sau xuôi ngược khách được dịp nhìn, nghe các nghệ hồn nhiên với thế giới riêng . Họ còn trẻ,ï là những người sáng tạo, họ không thích gò bó, không thích làm theo sự hướng dẫn, chỉ hướng dẫn những gì họ sáng tạo được…Khách thầm nghĩ : Nếu không có nhóm nghệ sĩ hát rong thì sông Seine và mấy ông tượng đá ngồi yên những đêm khuya yên cô đơn.

 Tiếng đàn, tiếng hát trầm bỗng thật đáng yêu êm du xuôi gió tạt qua bên đường, hàn tơ liễu buông chùng khẽ rung động. Khách rảo bước dưới bóng đèn phớt trên ngọn cỏ, Lòng khách cảm thấy tươi vui với trong một buổi dạo chơi thích thú hơn mọi lần khác.
Bích Xuân