Dưới Tháp Địa Tạng 
    Bích Xuân

 Một buổi sáng chủ nhật mùa thu, tôi đang còn mê đắm ngủ khì trong chăn ấm bỗng giật mình thức giấc vì tiếng động cơ của chiếc xe hút lá rơi ngoài đường. Một anh lái xe, một anh cầm cái  ống hút đi theo sau để hút lá dưới đất. Mùa  thu trên những con đường lá rụng hàng hàng lớp lớp, hết xe đi dọn lá rơi đến người phu quét đường cầm chổi, nhưng vài tiếng sau lá vàng lại rụng ngập lối đi. Mùa thu, đi đâu cũng nhìn thấy lá vàng, vàng trên cây, vàng dưới đất giữa bầu trời sương lam như một bức tranh vẽ thật đẹp. 
Hôm nay là ngày 1/11, đêm hôm qua lễ Halloween, (Lễ Halloween ở Pháp như là lễ Cô Hồn của VN nhà chùa cúng vào rằm tháng Bảy, một tập tục của mỗi cá nhân mỗi gia đình, xã hội qua các thời đại ) . Đêm hôm qua, giới trẻ đã hóa trang bằng những mặt nạ qủi ma và y phục quái đản khiêu vũ, hét hò, vui chơi suốt đêm ở những hộp đêm trong một quang cảnh thật ghê rợn. Tại Pháp những năm gần đây dần dà biến mất mấy trẻ em giả làm ma quỉ kéo nhau từng nhóm đến xin kẹo bánh từng nhà. Ngay cả các cửa hàng lớn chỉ lưa thưa bán vài món tượng trưng để hoá trang trong mùa Halloween. Chỉ có các tiệm bán hoa trong mùa này là tiền vô như nước. Tiệm hoa nào cũng có người đứng sắp hàng dài mấy thước chờ mua cho bằng được chậu hoa vàng (người mình gọi là hoa cúc) .

Trước lễ Halloween vài ngày, trên các băng tầng tivi cũng có những chương nói về ma, có hay không có ma, và có nhân chứng lên tivi kể lại cảm giác những lần họ nghe được những tiếng động trong nhà mà theo họ đó là những oan hồn còn tha thiết với trần gian, những gì của họ là của họ, họ không muốn ai đụng tới. Một bà đầm đã lớn tuổi là cháu chắc cuối đời của dòng họ trong tòa lâu đài. Đêm đêm bà nghe tiếng đóng và mở cửa, ngay cả tiếng xầm xì ngoài vườn làm bà sợ quá, bà tha thiết cầu xin để bà được yên ở đây chăm lo và giữ gìn lâu đài, nếu làm bà sợ, bà đi nơi khác thì tòa nhà này sẽ thành hoang phế không ai dám tới. Sau đó bà không còn nghe tiếng động nữa, và còn được cho biết đến ngày, giờ, năm, tháng bà đến địa chỉ đó có người sẽ cho bà mượn tiền. Bà vay tiền tu bổ tòa lâu đài thì được ngân hàng chấp nhận. Tòa lâu đài bây giờ làm thắng cảnh cho khách du lịch. 

Hôm qua là ngày Lễ Halloween, hôm nay, 1 /11 là các lễ Thánh (Toussant ) Chùa Khánh Anh ở Evry buổi sáng có lễ cầu siêu cho các hương linh để tro cốt tại tháp Địa Tạng, nên lát nữa đây tôi sẽ đến Địa Tạng thăm người thầy cũ. Dưới chân tháp là một cái hầm sâu, từ dưới hầm lên đến tháp cao để được khoảng 1600 hài cốt. Đọc tới câu này qúi vị đã ngán rồi phải không ? Nhằm nhò gì, đừng sợ ! Con đường này là tương lai của chúng ta rồi cũng phải đến. Người viết bài này rất yếu bóng vía ở những nơi vắng vẻ thậm chí ở nhà một mình đôi khi cũng sợ…ma, vậy mà tôi đã xuống dưới  Địa Tạng một cách…hiên ngang. Nói cho oai vậy chớ lúc đầu thì tôi hãi lắm, lòng thầm nghĩ xuống dưới Địa Tạng thăm ông thầy một cái  rồi « chạy » lên ngay, nhưng khi xuống dưới Địa Tạng tôi không đi lên liền mà ở 
dưới đó gần hai tiếng đồng hồ mới…chui ra. 
(Tháp Địa Tạng (trái) và chùa Khánh Anh)
Chắc bạn nghĩ dưới Địa Tạng có gì…vui mà tôi ở dưới lâu quá vậy. Không vui tôi ở lâu làm gì !
Người ta lên xuống Địa Tạng không ngừng, họ thăm hương linh người thân, tất cả những hộp đựng hài cốt giống nhau và hình người quá cố dán trước hộp. Chung quanh vách tường dưới Địa Tạng sáng rực, óng ánh như loại vàng 18 carat. Phút thiêng liêng trước tấm hình người quá cố ai cũng bùi ngùi rơi lệ, có người cặp mắt đỏ hoe, người thì trầm tư như suy nghĩ điều gì. Nét trầm tư  này chắc chắn không phải lo âu ngày mai tiệm vắng khách, mà cũng không phải lo âu về các món nợ đã vay của  ngân hàng...Tư lự thế kia chắc là sẽ chuẩn bị cho mình một cuộc sống ngày mai bên kia thế giơiù!  Tâm lý chung khi đến nơi này ai cũng có một ý nghĩ  này giống nhau.

Kẻ ra người vào Địa Tạng khá đông, nhưng có người hình như sợ tương lai, nên vừa xuống nhìn hình người thân một cái vội vàng đi ra ngay. Tôi xuống dưới Địa Tạng cũng gặp người quen, họ dừng lại chào đôi ba câu :
- Cô đi thăm ai đây ?      
 -Dạ thăm ông thầy...
-Cô mua hậu tro chưa ?
- Dạ sắp mua, còn anh...
- Mua lâu rồi mà không biết  “nó” nằm ở đâu! Tuần trước tôi bệnh nặng, bà vợ mới lo đi tìm thầy hỏi chổ...
(Khách sắp hàng để xuống Địa Tạng)
Cũng có người lo mua hậu tro trước đòi gần ngay cửa ra vào, để người nào đi ngang qua cũng thấy hình. Tôi hỏi để làm chi vậy ! Họ nói để thấy người qua lại cho vui. Xuống dưới Địa Tạng mới biết có chuyện vềø kể lại để độc giả Trẻ đọc đỡ… buồn.

Chuyện xuống dưới tháp Địa Tạng đâu phải là dễ, vì phải chờ những dịp có lễ đông người mới vui, nên khi xuống được tôi không sợ mà còn bước đi chậm rãi, nhìn chung quanh để chọn một nơi tương lai cho mình, sẽ yên giấc ngàn thu nơi đây... 

Ban đầu, những người mua hậu tro sợ điềm xấu, nhưng có người đã mua hậu tro 30 năm rồi mà còn sống nhăn, thỉnh thoảng còn đi thăm hậu tro sống của mình. Sống chết có số mạng lo chi cho mệt...Mùa thu sao chẳng thấy có hình ảnh thơ mộng, nói gì chuyện con đường tương lai phía trước buồn quá phải không bạn ! Nhưng mùa Halloween, mùa lễ Thánh cũng như  là Lễ Cô Hồn mà vui nổi gì ! 
(Dưới Địa Tạng )
Lợi dụng lúc đông người, tôi đi xem những tấm hình dán phía trước hộp đựng hài cốt. Trời ơi người già thì ít mà sao người trẻ nhiều lắm thế ! Danh nhân không đợi tuổi, cái chết chẳng chừa ai. 
Nhìn những tấm hình khỏe mạnh, trẻ đẹp mà ngẩn ngơ đời…Mỗi một hộp xinh xinh để được hai bình tro, thường là vợ chồng, có hộp thì lẻ, nhưng có ông nói nhỏ với thầy xin được để…ba. Có những bình đựng hài cốt thật đẹp và có cái cũng rất tầm thường, lúc chọn bình tùy cách suy nghĩ của mỗi người. Có người xuống Địa Tạng thăm và đòi mở hộp lấy bình tro ra để ngắm nghía cho đỡ…nhớ. 


Một nhóm đàn ông khoảng 7 người Pháp và một người đàn bà trong đó có một người đàn ông Việt xuống Địa Tạng. Họ đi chung quanh để xem những hộp nhỏ xinh xinh. Tôi đi đến gần chào ông khách người Pháp, xin phép hỏi cảm tưởng ổng, ông khách dễ thương niềm nở trả lời là ông rất ngạc nhiên ở nơi đây 
(Những cánh cửa nhỏ nhắn xinh xinh)
quá đẹp để riêng cho người quá vãng. Tôi lại mạnh miệng hỏi tiếp ổng có nghĩ rằng một ngày nào đó ông cũng sẽ vào đây ? Ông Tây nói ngay là ổng chưa hề nghĩ đến điều này. Đang nói chuyện thì có người gọi ổng, ổng chào tôi rồi đi ra hướng có tiếng gọi.

Tôi tiếp tục « lang thang » dưới Địa Tạng thì thấy bà đầm đi trong nhóm người Pháp lúc nẫy, đang chăm chú nhìn những chiếc bình được trưng bày trên bàn. Tôi đang nhìn bà đầm có nét sang, thì có một chị từ sau lưng tôi đi tới, nói nhỏ vào tai tôi : Bà đầm đó là Monique, vợ sau này của vua Bảo Đại. Nghe nói vậy tôi đến gần bà Monique chào bà, và xin phép được chụp bà tấm hình để làm kỷ niệm. Bà nở nụ cười thật tươi khi biết có người đã nhận ra bà là ai. 

 Đây là lần thứ hai tôi gặp bà Monique. Lần này bà gầy đi, nhưng nụ cười vẫn còn tươi nét, tiếc là buổi gặp chớp nhoáng rồi bà cùng nhóm người kia ra về ngay.
(Bà Monique và những người bạn viếng thăm Địa Tạng)
Xin trở ngược về quá khứ, cách đây 20 năm, tôi gặp bà Monique trong một buổi lễ Vạn Thọ của vua Bảo Đại năm 1989 tại nhà hàng Le Président, số 120-124, đường Du Faubourg, quận 11 Paris, với chiếc bánh sinh nhật cao 12 tầng. Buổi tiệc Vạn Thọ này do nhà thiết kế trang phục Thành Lễ Paris tổ chức, có khoảng  300 người đến dự, đa số là người trong hoàng tộc, và tôi may mắn được ngồi chung bàn với Bảo Đại và bà Monique. Hôm đó nhìn bà Monica từ trên xuống dưới chỉ một màu vàng, áo dài vàng, quần vàng, đầu đội khăn vàng, do nhà thiết kế Thành Lễ Paris dâng tặng. Lúc ấy bà Monique đẹp, kiêu hãnh...
Tôi đến dự buổi Vạn Thọ là để ngâm thơ và hò Huế cho ngài Bảo Đại nghe. Tôi ngâm bài thơ « Đây thôn vỹ dạ»ï của hàn Mạc Tử  và hò Huế. Khi bước xuống sân khấu về lại bàn, Bảo Đại đưa tay ra dấu bảo tôi đến bên cạnh ngài và hỏi tôi xứ Huế ở mô…Sau khi biết tôi không phải là người Huế mà là người Đà Nẵng, ngài cười rồi nói không phải gái Huế sao hò « mái nhì » giống quá ! Tôi nói : Dạ thưa ngài con…bắt chước.

Sau buổi Lễ Vạn Thọ tôi không có dịp gặp lại ông Bảo Đại. Mặc dầu có vài lần tôi ngồi trong xe đậu sát căn nhà nhỏ nơi ngài cư ngụ với bà Monica. Có những lần như thế là tôi lái xe chở cụ Thái Văn Kiểm đem món thịt heo tàu kho trứng đến Bảo Đại vì ông rất thích món này. Bà Monique cũng làm món thịt heo kho trứng, nhưng không đúng khẩu vị của ông.
Hai mươi năm trôi qua cái vù, bây giờ gặp lại bà Monique dưới chân tháp Địa Tạng làm tôi nhớ lại những hình ảnh ngày Vạn Thọ của Bảo Đại ngồi bên cạnh bà trong chiếc áo dài màu vàng với chiếc khăn vàng truyền thống Việt Nam.
(Bảo Đại và bà Monique trong ngày lễ Vạn Thọ tại Paris
thứ sáu ngày 17 -11-1989)
Bây giờ xin trở lại chuyện dưới tháp Địa Tạng. Tôi đến làm quen với chị Tuyết là hướng dẫn khách trong Địa Tạng.  Chị Tuyết làm được hai  năm ở dưới Địa Tạng này. Tôi hỏi chị một mình ở dưới này mỗi khi vắng khách chị có sợ không ? Chị nói không sợ làm tôi phục chị quá xá. Tôi hỏi vì sao chị không sợ thì chị trả lời là có niềm tin mạnh nên chị không sợ, vã lại  những người « nằm » ở đây hiền lành, họ không phá phách. Tôi hỏi làm sao chị biết họ hiền. Chị nói là những người vào đây trước kia là những người hay đi chùa, hoặc làm công quả…Tôi  hỏi vì cớ gì chị chọn làm công việc này. Chị Tuyết kể : Cách đây hai năm chị bị một căn bệnh gì mà kỳ cục, tự nhiên  tay chân chị nổi gân xanh to bằng ngón tay cái, ngoằn ngoèo như con rắn, nhìn thật là rùng rợn, thuốc tây thuốc ta gì chị cũng thử ráo. Lúc đó một niềm tin để chị bám víu vào là Phật Quan Thế Âm. Trong lúc chửa bệnh chị  nguyện khi lành bệnh chị sẽ vào chùa làm công quả. Hết bệnh, chị tìm chùa để xin việc làm thì được giao việc dưới Địa Tạng. Nói xong chị chỉ tấm hình ngay phía trước : Chị này trẻ đẹp cũng làm việc ở dưới Địa Tạng, vừa mới mất vài tháng vì bị bệnh cancer. Tôi nhìn vào tấm hình với lòng thành kính của người sống đối với kẻ khuất mặt. 

(Bích Xuân bà Monique và chị Tuyết)
Vừa lúc ấy thì thầy Quảng Đạo xuống Địa Tạng, thầy Quảng Đạo tính tình vui vẻ, xề xòa.
-  Dạ kính chào thầy.
- Nam mô A Di Đà Phật.
-Dạ thưa thầy, thầy ở đây có thấy điều gì lạ ở dưới  Địa Tạng này không thầy?
- Thầy chưa ở nên đâu biết. Địa Tạng chỉ mở cửa những ngày lễ, ngày thường ai muốn thăm thì phải nói trước, sẽ  có người đến mở cửa. Chùa chưa làm xong nên chưa có người ở.
- Thưa thầy, Lễ Cô Hồn của VN Rằm Tháng Bảy. Lễ Halloween ở Tây nhằm vào 30 tháng 10,  các lễ Thánh (Toussant) 1 /11, lần đầu tiên chùa cúng lễ Toussant ở đây!

 -Lễ Toussant là ngày lễ tại Pháp, người ta đi thăm mộ người thân. Chùa Khánh Anh mỗi năm tổ chức bữa cơm xã hội vào tháng 11, nhân dịp này chùa có làm lễ cầu siêu cho những hương linh để ở Địa Tạng, sau đó dùng buổi cơm xã hội. Chùa đã cúng Lễ Toussant từ năm ngoái.
 - Hôm nay trời mưa lớn quá, bà con mình đến chùa rất đông, chung quanh đầy kín cả xe, con phải đậu xe thật xa, đi bộ cây số mới đến chùa. Có khoảng bao nhiêu người đến dự lễ vậy thầy ?
(Thầy Thích Quảng Đạo (trái) bà Monique (phải) và nhóm nguời khách Pháp)
 -Phòng ăn ở trên và ở dưới  bán được 650 vé. Hôm qua đài khí tượng nói hôm nay có mưa làm thầy sợ ít người đến, không ngờ bà con thương chùa đến ủng hộ đông quá…

- Dạ, con thấy số người hơn nhiều hơn đó thầy, nhiều người không mua vé, hết chổ nên phải ăn bằng “tay cầm”, có người mua thức ăn tại chỗ ở các gian hàng, chưa kể người đến làm lễ rồi ra về liền…Bữa cơm xã hội đông người như thế, chuẩn bị trước cho buổi cơm xã hội bao lâu,  anh chị phụ giúp chùa bao nhiêu người  vậy thầy?
- Chuẩn bị buổi cơm xã hội này trước đó 3  ngày, có người nấu ở nhà mang đến nữa. Có khoảng 50 người từ trong bếp kể cả ngoài phòng ăn…cộng thêm 20 người giữ trật tự nữa.
 - A, hai cái thùng màu vàng là gì vậy thầy?
 - Thùng Phước sương.
 - Thùng phước sương cỏ vẻ nặng chắc là tiền …kẻm !
 - Nhờ tiền kẻm mà xây được chùa đó.
Ồ…
(Hội trường không còn chổ trống)
Tôi đi phía sau lưng thầy Quảng Đạo ra khỏi Địa Tạng lúc đó hơn bốn giờ chiều. Trời thu ảm đạm sắp tối. Từ lúc bước vào tháp Địa Tạng mưa gió ào ào, đến khi tôi ra khỏi Địa tạng mưa vẫn còn rơi. Trong khi chờ mưa tạnh tôi đi tìm bà cụ 73 tuổi, gát cửa chính ở tháp Địa Tạng này. Nghe nói bà cụ thường lái xe một mình như …cao bồi đến tháp Điện tạng để quét dọn, lau chùi, ngay cả những ngày không có lễ. Tôi nhìn quanh không thấy bà cụ gát cửa đâu, chắc là cụ vào bên trong. Thôi thì để dịp khác sẽ gặp cụ vậy. Đứng dưới tháp tôi nhìn vào bên trong, ai muốn xuống dưới tháp Địa Tạng cũng phải qua hai lớp…địa ngục bằng cửa sắt, chứ không phải ai muốn vào là được.
Trời vẫn mưa to, mưa thì mưa tôi cũng phải đội mưa để về, đêm sắp đến, ngày đã tàn, đứng chờ trời hết mưa đưới chân tháp Địa Tạng này cũng… ngán, và biết khi nào trời mới hết cơn mưa !

                                                                                        (Món khai vị:bánh ít trần, chả giò, giò thù, bò bía)

Novembtre 2009
  Bích Xuân