Đồi Mont-Saint-Michel

    Bích Xuân

Trời vào thu, những chiếc lá đầu mùa bắt đầu ngả sang màu huyết dụ trong những hàng cây xanh màu lục thẫm. Thu đến, tự nhiên lòng mình cảm thấy tràn ngập cảm xúc hay bâng khuâng khi nhìn lá vàng lơ lửng bay...Buổi sáng, tôi bước ra khỏi nhà để lên đường viếng thăm một tu viện nằm trên một ngọn núi đang thu hút những khách du. Trời thu se lạnh, thành phố còn đang ngủ yên sau những ngày trong tuần ồn ào, vội vã... Lạ thật ! Mỗi lần đi trời lại đổ mưa mà lúc về cũng vậy. Trời Tây, mùa hè, mùa thu, có những cơn mưa, cơn gió bất chợt, Trời mưa lâm râm, chín giờ sáng mà vẫn còn những đám mây mờ. Ngừng xe tại trạm xăng để dùng buổi điểm tâm. Ly café với cái bánh pain chocolat chỉ trả 3,50€  nhẹ nhàng. Nhưng tiền xa lộ, từ Paris đến Mont-St-Michel thì phải trả 20€.

Vùng Mont-Saint-Michel, cách Paris 353 cây số, về hướng Tây Bắc. Đây là một thị xã của Pháp trong vùng Manche, sát cạnh Basse-Normandie. Tên Mont-Saint-Michel xuất phát từ một núi đá nhỏ, (Mont)để tên ông thánh Michel. Ở đây được xây lên một tu viện nổi tiếng đến ngày nay. Tu viện này, kiến trúc kiểu romain (lối kiến trúc cổ xưa của Ý) hòa hợp với kiến trúc gothique (cổ xưa Đức). Kiến trúc cổ Ý, cho thấy sức mạnh và sự nguy nga lộng lẫy. Kiến trúc cổ Đức, nhẹ nhàng, thanh thóat, nhưng rất lôi cuốn người xem.

Tu viện trên hòn núi đá này, giữa bãi cát, là một trong những cảnh trí du lịch, đứng thứ ba tại Pháp sau tour Eiffel và cung điện Versailles. Mỗi năm, có khoảng 3 triệu 2 trăm ngàn du khách thăm viếng. Tượng thánh Michel được đặt trên đỉnh nhà thờ của tu viện, với độ cao 170 thước. Mont-Saint-Michel được UNESCO xếp vào danh sách di sản thế giới vào năm 1979. Khi nói về cảnh trí, người ta viết: “mont Saint-Michel” (chữ m viết thường và không gạch nối sau chữ mont. Còn nói về thị xã, người ta viết: “ Mont-Saint-Michel” chữ M viết hoa và có gạch nối sau chữ Mont). Đảo này, ngày xưa là núi đá, thỉnh thoảng những kẻ chán đời thường ra đây. Sau là những người tu hành tìm đến.

Xe dừng dưới chân núi, nắng vàng rực rỡ, có những làn gió mạnh, nhưng không lạnh, Từ đàng xa, hàng người lũ lượt, vai mang, tay xách, chân trần, đi sát với nhau trên cát, bùn để đến Mont-Saint-Michel. Đoàn người vừa đi vừa ca. Họ đi bộ băng ngang bãi đất, mắt nhìn về đô thị bé nhỏ này từ đàng xa, khi ẩn, khi hiện trong đám mây như một lời hứa hẹn… Lạc lõng trong biển cát, tu viện bằng đá đục xây dựng với lối kiến trúc nửa thiêng liêng, nửa quân sự. Khách đã bị thu hút bởi nét đẹp của phong cảnh này. Đây là một trong những kiệt tác kiến trúc của một nền văn minh có chiều hướng đi tìm tâm linh với niềm tin.
 (Tác gỉa)
Đa số du khách đến tận chân tường thành bằng xe hơi. Tôi cũng như họ, đậu xe ở đấy, trước khi leo lên những con đường dốc, với những nấc thang nhỏ hẹp, đã có từ thời Trung cổ. Ai cũng ngừng lại trước những tiệm bán đồ kỷ niệm như để đánh dấu giây phút viếng thăm. Một số vào trong những viện bảo tàng tí hon. Nơi đây, họ sống lại một khía cạnh nào đó với những mẫu làng mạc, lâu đài bằng giấy carton, sơn phết, những nơi giam cầm thời xa xưa, những bộ áo giáp bằng inox, các loại  gươm cổ của các hiệp sĩ…Thắp một ngọn nến trước tượng Archange Michel và “giao phó” cho ngọn lửa nhiệm vụ cầu kinh. 

Đi chung quanh các tu viện, nơi đây, tôi thưởng ngọan nét kiến trúc phong phú. Một số du khách đã thăm viếng những phòng trang nghiêm, và tưởng tới cuộc sống tu sĩ của thời trung cổ. Những người tu làm về hành chánh, trông coi những di tích lịch sử, còn có hơn chục tu sĩ nam và nữ đến từ vùng Jérusalem tu tại đây.

Mont-St-Michel, với những kiến trúc xây dựng chồng chất lên nhau. Mỗi cái đi tìm một chỗ đứng trên một khỏang đất không đồng đều. Người ta thấy, những mảnh tường lẫn với khối đá, Mont-Saint-Michel là một núi đá nhỏ,(diện tích mặt bằng khoảng 4 cây số vuông) nên khi xây tu viện trên đó là cả một vấn đề, vì mặt bằng thiếu. Người ta phải khai thác xây dựng trên lườn của núi này bằng cách tạo những mặt bằng nhỏ, qua những nấc thang

lớn, rồi cứ thế xây dựng từ thấp lên cao. Linh mục Avranches xây căn nhà thờ nhỏ đầu tiên trên Mont-Saint-Michel ngày 16 tháng 10 năm 709. Đến năm 966, theo yêu cầu của bá tước ở vùng Normandie, một tập thể tu sĩ áo chòang nâu với mũ phủ kín đầu, đến tu tại nơi đây, kể từ thế kỷ thứ 4. Trong 800 năm, người ta không ngừng xây cất tu viện, làm rộng và đẹp thêm ra. Ngay ở thế kỷ 13, Mont-Saint-Michel đã được mệnh danh là  một “Kỳ quan”. Ngọn núi này, trước năm 710, mang tên “Mont-Tombe”. Sau đó, được đổi tên là Mont-Saint-Michel. Tại nơi đây, người ta tìm thấy lại hài cốt của thánh Michel. Hài cốt này hiện để ở một nơi cầu nguyện, trong Notre-Dame-Sous-Terre ở một cánh của tu viện.

Mont- St- Michel và vua Louis 16.
Vua Louis 16 rất sùng đạo. Ông đã thăm viếng Mont- St- Michel bốn lần, lần thăm viếng chót ông đã cho xây một lồng sắt lớn. Năm 1523, những tu sĩ ở đây không được phép bầu tu sĩ trưởng mà do vua đề nghị. Từ ngày tu sĩ trưởng được vua chỉ định (không phải thuộc dòng tu) các tu sĩ cảm thấy sự tu hành có người dòm ngó, kiểm sóat. Các tu sĩ chán nản, dần dần bỏ đi. Số tu sĩ tại đây 60 người, sau chỉ còn lại 13 người. Năm 1589, những người theo đạo tin lành muốn chiếm tu viện Mont-St-Michel bằng võ lực dưới sự chỉ huy của Montgomery, nhưng thất bại.

Vào năm 1594, sét đánh ngay đỉnh tháp chuông và một phần khung sườn của tu viện bị thiêu hủy thành tro. Tu sĩ trưởng không ngó ngàng tới tu viện, khiến những người thăm viếng giảm bớt nhiều. Những tu sĩ bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, chán nản, cho mãi đến mười lăm năm sau, gác chuông và tu viện mới được sửa lại. Những tu sĩ ở đây, được thay thế bởi 9 tu sĩ khác, thuộc dòng áo choàng nâu, phủ kín đầu của dòng Saint-Maur. Những người tu sĩ này có trình độ văn hóa cao. Thay vì sửa chữa tu viện, họ phá bỏ những phần này để mở trường tại đây. Sự hăng hái của những tu sĩ áo choàng nâu này chỉ được một thời 

gian ngắn, bởi cách làm việc của tu sĩ trưởng( được vua chỉ thị) làm mọi người chán nản. Tu viện càng ngày càng bấp bênh, tiền lợi nhuận của tu viện sụt hẳn, và tu viện sống trên nợ. Năm 1789, các tu sĩ bị phe cách mạng đuổi khỏi tu viện, tất cả những của cải của tu viện được đem bán vào năm 1792. Cách mạng đã biến Mont-St- Michel thành một nhà tù. Măm 1799, 300 tu sĩ bị nhốt trong tu viện, được thả ra và thay vào chỗ họ là những tù nhân khổ sai. Tất cả những phòng của tu viện biến thành những phòng thuộc mọi ngành thủ công. Số tù nhân lên đến 700 người, họ làm việc tại những phòng này, hoàn toàn không nghĩ đến việc bảo trì tu viện.
 

Năm 1817, phòng cho du khách tạm trú bị sụp đổ, nhưng vẫn không tu sửa. Đến năm1834 lại thêm một trận hỏa hoạn laị xẩy ra, nhưng cũng không được sửa chữa. Đến năm 1863, nhà tù được hủy bỏ. Linh mục Coutances mướn lại tu viện và cho sửa chửa lại. Những tu sĩ đến tu trở lại. Khách hành hương thăm viếng trở lại Mont- St- Michel. Khách sạn, nhà hàng, các tiệm bán đồ kỷ niệm mở cửa trở lại. Khách du lịch đến càng ngày càng đông. Năm 1874 chính phủ Pháp đã xếp  Mont- St- Michel là di tích lịch sử quốc gia cần tu sửa lại. Kiến trúc sư Edouard Corryer được giao nhiệm vụ tu bổ Mont-St-Michel. Bà Annette Poulard, người hầu cận của kiến trúc sư này là nguồn gốc của món trứng tráng “omelette” nổi tiếng mà ngày nay người ta vẫn rất được ưa chuộng tại đây. Sau lần tu bổ đó Mont-St-Michel hiện diện cho đến ngày nay.

Nhân dịp lễ kỷ niệm nghìn năm của Mont- St- Michel, những tu sĩ đã tạo thành một tập thể tôn giáo nhỏ với hình thức tự lập, tự trị. Bây giờ người ta coi Mont- St-Michel như một thành phố. Nơi đây, tiếp đón đều đặn 3 triệu 200 du khách mỗi năm. Dân số thị xã Mont- St-Michel chỉ có 43 người, với diện tích 3,98 km2. Tầm quan trọng thu nhập của một tỉnh lớn mà với dân số chỉ là một làng quá nhỏ.

  Bích Xuân