Đức Đạt Lai Lạt Ma Thăm Chùa Khánh Anh
Bích Xuân 
(và hình ảnh)


Các Tăng, Ni, Phật tử khắp nơi vui mừng đến chùa Khánh Anh ở Evry, chào đón Đức Đạt Lai Lạt Ma 14, vị lãnh đạo về tâm linh, danh tiếng của người Tây Tạng, giải Nobel Hòa Bình năm 1989, đến Pháp trong chuyến công du 12 ngày hoằng pháp của ngài. Chiếc phi cơ khởi hành từ New Delhi (Ấn Độ) đến phi trường quốc tế Roissy Pháp ngày thứ hai 11/8/2008 (hướng Bắc Paris) lúc 06 giờ sáng, terminal 2 A. Phật tử Tây Tạng đã chào đón ngài tại cửa phi trường, và đưa ngài về thẳng chùa để nghỉ ngơi được sự bảo vệ an ninh và canh gát chặt chẽ của cảnh sát.
Sau một ngày nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu thăm viếng vào sáng thứ ba tại chùa Yia Tcheudzine Tây Tạng ở Thị xã Veneux-les Sablons (Seine-Marne) với 600 chính khách, không ngoài đề tài trao đổi với ngài về vấn đề văn hoá và tôn giáo . Yia Tcheudzine này trước kia là một biệt thự cất trong thập niên 1950, biến thành giảng đường Ganden-Ling, khi sư Dakpo Rimpoché rời Tây Tạng đến Pháp năm 1959. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, cũng rời khỏi rặng núi Hy Mã Lạp Sơn năm 1959, tị nạn ở Ấn Độ, và lần đầu tiên ngài đến Pháp, viếng thăm chùa Ganden-Ling vào năm 1960.
Vào lúc 2 giờ trưa cùng ngày, Đức Đạt Lai Lạt Ma 14, đến thăm chùa Khánh Anh (4000 m²) tại thị xã Evry, tỉnh Essonnes cách Paris 30 cây số. Ngôi chùa thứ hai của Khánh Anh đang xây cất, phí tổn lên đến 15 triệu euro, nếu không trở ngại về tài chánh, có thể đến năm 2010 ngôi chùa sẽ hoàn tất.

Chuyến công du 12 ngày ở Pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma, ngoài việc thăm viếng những ngôi chùa, và gặp gỡ Tăng, Ni, Phật tử, và họp báo tại Thượng Viện, sau đó ngài được mời đến thành phố Nantes (Tây nước Pháp ) từ ngày 15 cho đến 20 để thuyết trình về tư tưởng sống chung hòa ái, và thế giới an bình qua các hội thảo công cộng, quy tụ hàng ngàn người đến dự. Giá vé 170, 120 euro bán hết từ lâu không còn chỗ. Đức Đạt Lai Lạt Ma có hơn chục lần đến Pháp kể từ năm 1982 cho đến nay. Năm 1993, ngài được đón tiếp bởi Tổng thống Mitterrand, George W. Bus, Angela Merkel, Gordon Brown…

Trước khi chấm dứt chuyến công du để trở về (ngày 23). Ngày 22, ngài sẽ viếng thăm ngôi chùa Roqueredone của Tây tạng (Nam nước Pháp, xây năm 1991, có tượng Phật cao 7 mét. Ngài đã từng viếng thăm ngôi chùa này vào tháng 9 năm 2000). Đệ nhất phu nhân Carla-Bruni-Sarkozy  sẽ tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma tại chùa Roqueredone, nhưng không có Tổng thống. Sau khi Sarkozy dự lễ khai mạc Jeux olympiques tại Bắc Kinh, ngày 6/8 chính thức trả lời, không có cuộc gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma là để Bắc Kinh không nổi giận, nên chuyến công du của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Pháp hạn chế tối đa cuộc tiếp đón, kể cả nhân các vật của chính quyền.
Những chuyện bên lề.
Chùa Khánh Anh xây dựng chưa hoàn tất hợp lệ, nên chỉ được phép chứa giới hạn 1370 người. Do đo, huy hiệu cũng giới hạn, chỉ dành cho Tăng, Ni, Phật tử các chùa, các hội Phật giáo. Huy hiệu gồm có hai màu.
- Màu cam : ở tầng Chánh điện, khoảng 300 người, gồm Tăng, Ni (Việt và Ngoại quốc)
khách mời, truyền thông.
- Màu xanh : ở tầng giảng đường, có màn ảnh lớn được truyền hình từ Chánh điện.Toàn thể Phật tử và bạn hữu. Và ở tầng parking có đặt máy trực tiếp truyền hình.
Khi vào chùa, vì lý do an ninh cảnh sát sẽ kiểm soát huy hiệu, không có huy hiệu không được vào, và sẽ đi ngang qua máy kiểm soát cá nhân (porte détecteur). Do đó nhà chùa yêu cầu không nên mang theo những vật liệu sắc nhọn, máy chụp hình, máy quay phim…không dắt chó, mèo theo, và không mang theo tài liệu, truyền đơn hay bất cứ vật gì khác ngoài nghi lễ cầu nguyện.
Một hệ thống an ninh qui mô để bảo vệ Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng như quan khách với hàng ngàn cảnh sát lưu thông, chống biểu tình cũng như an ninh chìm nổi lẫn lộn từ ngoài đường trong khu vực, từ sân cho tới chánh điện, vị trí hành lễ….
Không một ai ở trong chùa, tất cả phải ra khỏi chùa Khánh Anh ở Evry trước đó vài ngày, để ban an ninh kiểm soát rà máy từ trong chùa ra đến bên ngoài. Cảnh sát cần 32 đàn ông Việt Nam khỏe mạnh và lanh lẹ để giữ trật tự với cảnh sát trong ngày Đức Đạt Lai Lạt Ma đến chùa. 32 anh được giao cho công việc, không được lên trên Chánh điện, ai đâu thì ở đó, không đi lại lung tung. Ngay cả khách khi vào ngồi ở hậu trường, giữ yên lặng và không được rời ghế đi chỗ này đến chỗ kia lúc Đức Đạt Lai Lạt Ma đến giảng đường chào hỏi…
Xa lộ số 7 để đến chùa sẽ đóng cửa lúc 11 giờ trưa. Tôi lo đi đến chùa sớm, bằng đường xa lộ khác, không qua con đường số 7. Chỉ còn hơn cây số nữa là đến chùa Khánh Anh, những con đường đến chùa đã thấy có xe cảnh sát đậu sẵn. Parking không còn chỗ trống. Tôi đậu ẩu lên lề dành cho người đi bộ. Đậu ẩu mà tâm lý lắm ! biết thế nào cũng không bị phạt xe, vì hôm nay là ngày đặc biệt, cảnh sát cũng xí xóa cho. Bên hông trái của chùa có parking rộng nên ai đến chùa cũng đi vào ngả này. Có hơn 20 xe lớn, nhỏ của cảnh sát đậu bên lề. Phải qua ba cổng kiểm soát mới vào được chùa.
Ngay tại đây có để cái bàn dã chiến thấp gần sát mặt đất. Anh nhân viên cấp thẻ báo chí để vào chùa, đang ngồi bệt dưới lề đường. Ai có thẻ Presse, cũng phải ghi tên trước, để cấp huy hiệu đặc biệt của báo chí. Nhiều nhà báo không ghi tên trước nên không được vào chùa.

Tăng, Ni, Phật tử đứng chờ trước cửa này từ hồi nào.Trời mỗi lúc mỗi nóng, người đến chùa mỗi lúc càng đông. Các sư áo nâu, sắp hàng đứng chờ, đưa tay che đầu cho bớt nóng, có sư đưa tay áo thụng để che nắng. Sư nữ màu áo lam, ai nấy cũng có mũ len. Trời nóng, có người vào đứng dưới lùm cây…
Cảnh sát dắt chó đi tới, đi lui chung quanh người đang đứng sắp hàng để vào cửa. Có hai lối vào qua máy kiểm soát, (như trên phi trường), một lối dành cho các Tăng, Ni vào trước, rồi đến phóng viên, truyền hình. Tất cả đều dán huy hiệu truớc áo. Những người kiều bào Tây Tạng trang phục cổ truyền, và những sư cô ngoại quốc mắt xanh, mặc áo nâu dài đến chân, sau lưng mang ba lô, trên cổ mang máy ảnh với ống kính lớn, sư cô đưa máy hình chụp lia lịa một cách chuyên nghiệp vào những sư đang sắp hàng, mắt nhắm nghiền, bình yên tự tại thiền dưới nắng. Trên nét mặt ai cũng hân hoan, ngay cả những người ngoại quốc. Tôi hỏi một người đàn ông da trắng: Ông cũng đạo Phật ? Ông lắc đầu nói : Cha mẹ tôi Thiên Chúa Giáo. Tôi ngạc nhiên : Ông cũng đến đây ! Ông nói : Tôi ngưỡng mộ Đức Đạt Lai Lạt Ma, nên muốn gặp được ngài. Tôi chúc ông được hạnh phúc và may mắn, rồi tôi đi nơi khác.
Tôi đi trở ra cửa thì gặp nhóm người đến từ Đức, Bỉ, Hoà Lan, đến đây họ mới chưng hửng, vì không có huy hiệu. Tôi nói huy hiệu ở chùa cũng đã hết rồi, anh chị qua đồi bên kia có để màn ảnh vĩ tuyến lớn cho những ai không có huy hiệu. Tôi dẫn nhóm người đến từ phương xa này đi vòng ra phía sau ngôi chùa, rồi băng qua một con đường xe hơi chạy là đến nơi, tôi nhìn đồng hồ lúc đó 11 giờ 45. Khách nằm, ngồi trên cỏ trước màn ảnh lớn chờ đến 2 giờ trưa coi hình ảnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma trực tiếp phát ra từ trong chùa.
Chưa thấy Đức Đạt Lai Lạt Ma mà nhìn đâu đâu cũng thấy toàn là cảnh sát. Cảnh sát trong lùm cây, trên đồi, dưới đồi, trên nóc chùa, dưới nóc chùa. Hàng rào sắt bao chung quanh chùa, cách trăm thước một cảnh sát đứng gát. Đến 12 giờ 45 phút, cảnh sát bắt đầu ăn cơm trưa, tôi vội vã vào cửa có máy kiểm soát. Đến nơi vài ba người còn chần chờ chưa vô, chờ đến phút cuối cùng mới vào, sợ vào bên trong không được …nhúc nhích.
Đến một giờ 1 giờ trưa, cảnh sát không cho một ai được ngoài này, ai không vào chùa bây giờ thì lập tức rời khỏi nơi đây. Tôi vội vàng bỏ máy ảnh vào túi quần sau, đưa cái xách tay cho cảnh sát, còn tôi đi tay… không qua cánh cổng có máy kiểm soát kêu tít tít. Ông cảnh sát nhìn tôi, tôi vội vàng đưa hai bàn tay có đeo nhẫn bằng kim loại. Ông kiểm soát bảo tôi lấy cái xách rồi đi mau mau vào hướng bên trái.
Nam Mô đại từ đại bi…
Phía trước Chánh điện, thảm đỏ được trải từ cổng tam quan vào đến tận bên trong. Có nhiều cờ treo trước cửa Chánh điện, cờ Phật giáo, cờ Pháp, Tây Tạng, cờ vàng ba sọc đỏ, nhiều nhất là cờ Phật giáo. Hôm nay có nắng, nhưng gió rất mạnh có những lá cờ bị gió cuốn tròn vì gió…
Tầng trệt ở phía dưới cùng, người ngồi đầy hai bên hàng ghế, phía trước có màn ảnh lớn. Tôi đang đứng nhìn, lập tức có người mời tôi vào. Tôi đi lên tầng thứ hai, người giữ cửa chận lại vì ở trên đã hết chỗ. Tôi nói lên kiếm ông…chồng. Ông gát cửa nói xuống ngay nhé, sắp hết giờ rồi ! Tôi lên lầu ở luôn trển.
Nam Mô đại từ đại bi Quan Thế Âm Bồ Tát…

Tầng lầu hai cũng đã đông, người ngồi có lớp lang ngay ngắn. Tôi xớ rớ tìm chỗ ngồi ở một góc sát tường. Đúng 1giờ 30 tất cả vào chỗ ngồi, không được rời ghế đi đứng lung tung, vì Đức Đạt Lai Lạt Ma đang trên con đường đến chùa, khoảng 20 phút nữa ngài sẽ đến, ai đâu ngồi yên, không đứng lên, ngồi xuống, cấm chụp hình, vì máy ảnh đưa lên, đưa xuống cảnh sát không thể kiểm soát được, và cần yên lặng, giữ một tinh thần hoan hỉ trang nghiêm để đón Đức Đạt Lai Lạt Ma. Khi ngài đến tất cả đều tụng kinh Bát Nhã để cầu nguyện cho ngài.
 Lòng tôi bỗng nhiên hồi hộp, nôn nao một cách khó hiểu, tôi nghĩ chắc mọi người cũng có tâm trạng như tôi. Ngay lúc đó, mọi người được tin chiếc xe chở Đức Đạt Lai Lạt Ma chạy đi rất nhanh, chỉ còn 5 phút nữa ngài sẽ đến chùa Khánh Anh. Ngài đến chùa sau 2 giờ . Trên màn ảnh bắt đầu thấy đoàn xe hộ tống của cảnh sát ở ngoài xa lộ từ từ vào trước cửa tam quan của chùa. Đức Đạt Lai Lạt Ma trong xe bước ra, với nụ cười hiền luôn luôn trên môi, hai tay ngài đưa cao chào mọi người. Nghi thức đón Đức Đạt Lai Lạt Ma là một hồi chuông cùng với lời kinh Bát Nhã. Chung quanh ngài là người giữ an ninh trật tự và các phóng viên truyền hình …
Hòa Thượng Thích Minh Tâm viện chủ chùa Khánh Anh đón Đức Đạt Lai Lạt Ma vào Chánh điện. Đức Đạt Lai Lạt Ma lễ Phật 3 lạy, đầu cúi sát thảm đỏ. Các Phật tử mặt áo tràng ở dưới giảng đường cũng qùi gối lạy, đầu sát nền nhà, mắt rưng rưng nhòa lệ, giọt nước mắt hạnh phúc được nhìn Đức Đạt Lai Lạt Ma, đặt bước chân đầu tiên của ngài trước ngôi chùa (năm 2006, đã có tin là Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ ghé thăm nơi đây, nhưng vì sức của ngài nên bị hoản lại).
Đức Đạt Lai Lạt Ma sau khi lễ Phật, chân trần, ngồi xếp bằng trên ghế trước bàn thờ Phật Tổ. Phiá bên phải, các vị cao tăng, bên trái là khách mời, chung quanh cảnh sát áo đen, và người giữ an ninh trật tự.
Trong số quan khách ở Chánh điện, có sự hiện diện Đức Giám Mục Michel Dubos nhân danh toàn thể giáo dân Thiên Chúa Giáo kính gởi lời chào mừng và chúc sức khỏe lên Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông Jean-Paul Huchon đảng Xã Hội (PS)Chủ tịch hội đồng Essonne chào mừng và hân hạnh đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma ngày đầu tiên trong thời gian ngài thăm nước Pháp. Ông Manuel valls (PS) Dân biểu Thị trưởng Evry chào mừng ngài đến thăm chùa Khánh Anh và thành phố ông. Sau cùng là Đức Đạt Lai Lạt Ma chào tất cả mọi người, và sau lời chào, ngài xác nhận, chuyến đến Pháp lần này không phải lý do chính trị mà hoàn toàn trong tinh thần tôn giáo.
Sau đó là chương tình hoằng pháp của ngài, hơn một tiếng đồng hồ bằng hai thứ tiếng Anh và tiếng Tây tạng do sư người Tây tạng gốc Pháp Matthieu Ricard, và chị Giao Trinh chuyển ngữ.  Buổi hoằng pháp chấm dứt, có 8 em nam và nữ đến dâng hoa cúng dường ngài, trong đó, có 2 em là người Tây Tạng đọc lời chào mừng ngài bằng tiếng Tây Tạng và tiếng Pháp. Sau đó ngài chuẩn bị xuống giảng đường.

Tôi từ từ nhích dần lên phía trên cánh cửa mà lát nữa đây ngài Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ đi ngang để vào giảng đường. Nhưng trật lất, ngài đã đến một hướng bên hông sân khấu. Tôi chuyển hệ thống máy ảnh qua hệ thống khi chụp không phát ra tia chớp sáng. Tôi đứng sau lưng mấy chị tiếp tân sẵn sàng để chụp hình…
Đức Đạt Lai Lạt Ma xuống giảng đường để chào Phật tử. Ngài đứng trên sân khấu của giảng đường, vẫy tay chào chưa đầy 5 phút cảnh sát vội đưa Đức Đạt Lai Lạt Ma ra khỏi giảng đường, để ngài nghỉ ngơi trong chốt lát, ngài sẽ trở lại.
 Mười phút sau, cảnh sát đưa Đức Đạt Lai Lạt Ma trở lại giảng đường. Lần này, Đức Đạt Lai Lạt Ma ở lâu hơn đến 10 phút. Tôi lén bấm máy, thì bị bà chị tiếp tân bắt qủa tang, bà chị nói: Những hàng chữ dán đầy trên tường kia, cấm đem máy ảnh, cấm chụp hình... Anh giữ an ninh đến yêu cầu tôi cất máy. Tôi bỏ máy vào xách, rồi lại lấy ra, bỏ vào, lấy ra...Tôi nghe có tiếng nói phía sau… lì quá ! Không lì, liều thì làm sao có được những tấm hình của Đức Đạt Lai Lạt Ma !
Nam Mô đại từ đại bi Quan Thế Âm Bồ Tát…

Sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma rời chùa Khánh Anh, mọi người ra khỏi giảng đường đến trước Chánh điện.Tôi thấy ông Thị trưởng tỉnh Evry còn đứng ở trước cửa tam quan, chung quanh rất nhiều truyền thanh, báo chí chuẩn bị quay phim phỏng vấn ông. Và một lần nữa, người điếc không sợ súng,  đến trước mặt ông Thị trưởng:
- Kính Chào ông Thị trưởng, cho tôi được vinh dự nói chuyện với ông.
Nghe tôi hỏi thình lình, ông Thị trưởng ngạc nhiên không biết người hỏi mình  là ai mà chẳng nghe giới thiệu gì ráo ! nhưng lịch sự ông đưa tay ra bắt rồi cười : Chào cô !
 ông Thị trưởng Evry & Bích Xuân
Tôi nói :
- Tôi được biết những sinh hoạt của ông qua báo chí, nhất là sự giúp đỡ phương tiện thiếu thốn cho chùa Khánh Anh. Tôi không phải là Phật tử
của chùa, nhưng rất ái mộ công việc làm của ông.
Ông Thị trưởng nghe tôi nói một  câu …bình dân quá, ông trả lời cụt ngủn cho có lệ :
- Giúp chùa một tí mà…!
Tôi hỏi thêm một câu lãng xẹc !
- Hôm nay tôi thấy ông rất vui.
Ông cười :
 - Tất cả mọi người ở đây đều vui…
- Ông vui vì Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến thăm thành phố của ông !
Ông Thị trưởng có vẻ bằng lòng và chỉ ngôi chùa:
- Nhờ ngôi chùa Khánh Anh này…
Thấy anh phóng viên đứng bên cạnh có vẻ nôn nóng, tôi xin phép ông Thị trưởng chụp tấm hình với ông để kỷ niệm, rồi tôi đưa máy ảnh, nhờ anh phóng viên chụp dùm. Anh phóng viên chẳng đặng đừng, nhận cái máy của tôi một cách không vui gì cho lắm, chụp một cái thật nhanh cho xong Nhưng đâu đã xong, kiểm soát lại, thấy hình mờ quá, tôi nhờ ổng bấm lại cho một « bô » khác…
Trên con đường trở về nhà, hình ảnh của chuyến viếng thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại chùa Khánh Anh còn chờn vờn trong đầu tôi với những lời hoằng pháp cởi mở, chân tình nhất là sự dí dỏm của ngài làm ai cũng phải cười xòa. Trong những cuộc công du hoằng pháp qua 52 quốc gia trên thế giới của Đức Đạt Lai Lạt Ma được các nguyên thủ quốc gia và chính quyền tiếp đón. Ngài đã từng gặp gỡ những nhân sĩ trên các lãnh vực khoa học, kinh tế, tôn giáo nên chuyến công du của ngài hôm nay, muốn nói là trên thế giớí này làm sao để mọi người biết kính trọng là đem lại sự hoà ái với nhau, vì nếu không có sự kính trọng nhau thì làm sao làm gương cho kẻ khác. Khi ngài đi du lịch mọi nơi, vấn đề trước nhất làm sao cho các tôn giáo hiểu nhau, vì vậy ngài rất hạnh phúc có ngài Đức Giám Mục Michel Dubos có mặt ngày hôm nay, đã biểu tượng cho sự hoà hài cho các tôn giáo.
Ngài nói giá trị của con người, thứ nhất là tôn giáo, ví dụ như là Thiên chúa giáo. Nếu những tín đồ của thiên chúa giáo họ tin vào thiên chúa của họ thì họ cũng có tình thương về chúa. Phật giáo thì tin chính mình sáng tạo ra mình, tức là mình biết luật nhân quả, nếu biết nhân quả thì biết tình thương. Và điều thứ ba mà ngài nhắc lại của lời ông Thị trưởng là sự vô thần là không tin vào tôn giáo nào khác. Vô thần không có nghĩa là chống lại tôn giáo mà kính trọng mọi tôn giáo…
Ngài nói đạo Pháp của Tây tạng là nước đi sau cùng, nghĩa là Phật giáo đàn em sau Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn, nên ngài kính chào những người theo Phật giáo nguyên thủy, Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Trung Hoa… Vì từ thế kỷ thứ 8, những người Phật giáo Tây Tạng rất là uyên thâm nên các vị ấy muốn những người khác cũng giỏi, cho nên Tây Tạng có một truyền thống để học hỏi để hành trì Phật pháp rất thâm sâu. Truyền thống đó ngay từ lúc đầu cho đến bây giờ vẫn còn tiếp tục. Giáp Pháp đầu tiên của Đức Phật là Tứ Diệu Đế là một Phật pháp đặt trên nền tảng căn bản trên luật nhân quả…

Chùa Khánh Anh được vinh dự đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma trong ngày hôm nay tại Pháp nói chung và tại Aâu châu nói riêng đã đem lại niềm vui cho tất cả mọi người. Kính chúc Đức Đạt Lai Lạt Ma, Hoà Thượng Thích Minh Tâm được thọ dài thật lâu để con đường hoằng pháp của các ngài đem lại cho tất cả mọi người trên thế giới, không phân biệt tôn giáo hay chủng tộc.

Paris 5/2008

Bích Xuân