Khải Hoàn Môn Paris
Bích Xuân,Paris

Khải Hoàn Môn là một biểu tượng cho sự chiến thắng tại Paris, đã đóng góp rất nhiều cho vẻ đẹp của kinh đô ánh sáng này. Người ta thường hay qua lại, lên xuống trên đại lộ, tụ tập, hò hẹn, vì đây là một nơi dễ làm quen nhau để đi dạo phố, để đi nghe nhạc, ăn uống sau những buổi chiều cuối tuần và nhất là trong những ngày lễ.

Khải Hoàn Môn đứng nguy nga đầu con đường đại lộ nổi tiếng nhất Paris, đó là đại lộ Champs–Elysées thuộc quận 8 Paris. Khải Hoàn Môn có chiều cao 50 thước, chiều ngang khai-hoan-mon-Paris.JPG45 thước và bề dầy 22 thước. Nền móng được đúc sâu 8 thước, chịu sức nặng 50.000 tấn của Khải Hoàn Môn. Chung quanh Khải Hoàn Môn có khắc 558 bức tượng của những danh nhân, tướng lãnh qua các triều đại của những thế kỷ qua.
Khải Hoàn Môn đứng chế ngự một vòng tròn lớn, mang tên Place Etoile (Rond–point). Từ nơi đây, tỏa ra 12 đại lộ (được liên kết bằng một vành đai tròn bao chung quanh) là “huyết mạch” của Paris. Sau khi lên hết 284 nấc thang, bạn sẽ khám phá Paris từ trên đỉnh Khải Hoàn Môn với cái nhìn khác lạ rất dễ thương về đêm cho bạn một hình ảnh bao quát về thủ đô Paris, dưới một nghìn lẻ một ánh sáng lấp lánh. Đứng trên sân thượng Khải Hoàn Môn nhìn xuống, bạn sẽ thấy 12 con đường tỏa ra như 12 cánh sao. Lúc đó bạn cảm thấy như đang phơi trải tâm hồn bên những hàng cây xanh. Những con đường sẽ để lại trong lòng bạn một dư âm…
Đầu tiên là đại lộ Champs-Elysées kết thúc là vòng tròn place Concorde có một tháp cổ Ai Cập ngay trung tâm điểm.
Bạn nhớ, tránh băng ngang đường để đến dưới chân Khải Hoàn Môn mà đến bằng một con đường hầm xuất phát từ khu vực Champs-Elysées. Ở trên mặt tiền, hai phía của Khải Hoàn Môn, có tất cả bốn bộ tượng được điêu khắc chạm trổ một cách tinh vi.
 Hai bộ tương nhìn về hướng Paris: Bộ tượng thứ nhất, tượng trưng cho sự lên đường của những tinh nguyện quân. Bộ tượng thứ hai tượng trưng cho sự chiến thắng của Napoléon (Nã Phá Luân).
 Hai bộ tường nhìn về hướng ngọai ô Neuilly: Một bộ tượng trưng cho sự kháng chiến, và một bộ tượng trưng cho hòa bình.
 BX-tren-dinh-KHM.JPGCó đến tận nơi, nhìn tận mắt Khải Hoàn Môn mới thấy những nét oai phong hùng dũng sống động của nó.
Khải Hoàn Môn nằm ở đầu đại lộ Champs–Elysées. Đây là một khung cảnh luôn luôn là nơi để tổ chức các lễ lộc lớn, thuộc tầm vóc quốc gia hay là quốc tế, và cũng là nơi đón nhận giây phút đầu tiên của tết dương lịch. Nơi đây, có một viện bảo tàng nhỏ giới thiệu những tài liệu và hình ảnh kỷ niệm về công cuộc kiến trúc này. Ngòai ra, còn có một bộ phim về tài liệu ghi nhận tất cả những hình ảnh của những giây phút lớn của lịch sử, có liên quan đến Khải Hoàn Môn. Ở tầng giữa của Khải Hoàn Môn có tiệm bán đồ lưu niệm liên quan đến Nã Phá Luân và Khải Hòan Môn mà thôi.

Khải Hòan Môn được đại đế Napoléon I (Nã Phá Luân) xây dựng, với chủ đích đầu tiên là để làm lễ chào mừng những chiến tích về quân sự. Có nhiều đề án được trình lên và đề án của kiến trúc sư Jean Francois Chalgrin (1739-1811) đã được trúng tuyển. Năm1806, Nã Phá Luân cho khởi công xây Khải Hoàn Môn này.

Vì sao Nã Phá Luân có ý nghĩ cho xây dựng Khải Hoàn Môn ? Vì sau trận chiến thắng lớn tại vùng Austerlitz vào năm 1806, Nã Phá Luân muốn có một Khải Hoàn Môn huy hòang và đồ sộ hơn Khải Hoàn Môn Constantin tại Rome. Ý nghĩa của Khải Hoàn Môn tại Rome là những chiến sĩ thắng trận trở về, khi đi diễn binh, ngang Khải Hoàn Môn, người chiến sĩ bỏ vũ khí qua một bên cổng Khải Hoàn Môn với tinh thần hòa bình của người công dân danh dự đã làm tròn nghĩa vụ trở về hội nhập lại xã hội người dân. Về phần đại đế Nã Phá Luân, ý nghĩa khác hơn : Khải Hoàn Môn Paris của Nã Phá Luân dùng để đón tiếp và chào mừng đội quân chiến thắng trở về mà thôi. (hòan tòan không có ý nghĩa từ bỏ vũ khí để hội nhập vào xã hội, với tư cách của người dân bình thường)

Năm 1810, Nã Phá Luân (40 tuổi), cưới công chúa Marie Louise (18 tuổi) người Áo (Autriche) cháu ruột của Hoàng hậu Marie-Antoinette. Marie Louise trở thành hoàng hậu trong lễ cưới với kèn trống rầm rộ, sắc phục oai phong của các binh chủng, và một cuộc diễn binh hùng tráng, chính thức đi trên đại lộ Champ-Elysées này với Nã Phá Luân. Lúc đó, Khải Hoàn Môn mới vừa làm xong nền móng, sau hai năm làm việc chỉ xây lên được 5 thước. Nhưng Nã Phá Luân muốn có ngay một Khải Hoàn Môn để duyệt binh trong ngày cưới, ông Chalgrin bằng mọi giá phải thực hiện gấp một Khải Hoàn Môn lớn, (tương đương như cái thật bây giờ) bằng khung gỗ bọc vải sơn và được vẽ giống hệt như Khải Hoàn Môn một khi hoàn tất thật sự (maquette en trompe-l’oeil ) .

Sau đám cưới của Nã Phá Luân, ông Chalgrin qua đời. Công trình xây cất Khải Hoàn Môn bị ngưng lại một thời gian. Sau đó, kiến trúc sư Abel-Blouet tiếp tục xây cất phần còn lại. Chương trình đang xây cất thì Nã Phá Luân qua đời, mãi đến 15 năm sau Khải Hoàn Môn mới được hòan tất thật sự, do sự nhiệt tâm hô hào của vua Louis-Philippe. Xây dựng Khải Hoàn Môn này kéo dài gần 30 năm, từ năm 1806 đến năm 1836.

IMG-4333.JPGKhải Hoàn Môn biểu tượng chiến thắng của quân đội, đã đi vào lịch sử quốc gia, khi người ta đem nắm tro tàn của Nã Phá Luân diễn hành băng ngang cổng Khải Hoàn Môn vào năm 1840, trước sự hiện diện của 400.000 người. Nhưng cảm động nhất là vào năm 1921, khi chính quyền đương thời làm lễ long trọng để chôn hài cốt của một Chiến Sĩ vô danh đại diện cho 300 người lính mất tích trong trận Verdun (Pháp- Đức đệ nhất thế chiến 1914-1918) lúc đó, Khải Hoàn Môn có thêm một ý nghĩa của lòng ái quốc, và sự vinh quang ngòai ý nghĩa chiến thắng do Nã Phá Luân đề xướng ra.

 Ngôi mộ Chiến Sĩ vô danh, được đặt dưới cổng Khải Hoàn Môn để làm nơi tưởng niệm mỗi khi có những buổi lễ lớn. Ngọn lửa thiêng được thắp lên mỗi buổi chiều, vào lúc 18 giờ 30 ngay trên ngôi mộ Chiến Sĩ. Ngọn lửa do Hội cựu quân nhân cử người đại diện thay phiên thắp đều đặn mỗi buổi chiều kể từ ngày 11 tháng 11 năm 1923 cho đến nay. Trên con đường này, ngày 14-7-1919, dân Pháp đã ăn mừng chiến thắng sau trận đệ nhất thế chiến. Hai mươi lăm năm sau, cũng trên con đường này, ngày 26-8-1944, tướng De Gaulle ăn mừng chiến thắng chấm dứt đệ nhị thế và giải phóng nước Pháp khỏi ách xâm chiếm Đức quốc xã. Trong bầu không khí long trọng của sự đón tiếp, toàn thể dân chúng Paris chào mừng tướng De Gaulle dắt đầu đoàn quân chiến thắng trở về. Khai-Hoan-Mon-huong-ve-Paris.JPG

Ngày nay, Khải Hoàn Môn vẫn là một khung cảnh của những cuộc diễn binh chính thức: Lễ 14 tháng 7, đặc biệt hai bên đường phố mang màu sắc đỏ, trắng, xanh. Nhất là đêm giao thừa dương lịch, du khách của các nước láng giềng tụ về họp nhau cùng đón giao thừa, và lễ 11 tháng 11. Nơi đây cũng là điểm để đón tiếp những tay đua xe đạp vô địch chiến thắng trở về, sau một vòng nước Pháp (giải vô địch của Tour de France). Ngay như quân đội của Đức quốc xã, dưới thời Hitller cũng đã hai lần, năm 1871 và năm 1940, diễn hành chiến thắng (xâm chiếm Pháp) qua Khải Hoàn Môn này. Đại văn hào Victo Hugo cũng được vinh hạnh, khi chết hưởng lễ quốc táng tại Khải Hòan Môn này trước khi được chôn tại Panthéon (nơi an nghỉ của các bậc vĩ nhân Pháp).

Thật là khó tin rằng nơi đây, hồi xa xưa chỉ là những cánh đồng và những bãi xình lầy hoang vu...Khải Hoàn Môn và đại lộ Champs Elysées lúc đó là vùng La butte de Chaillot, một khung cảnh thôn dã đơn sơ. Đường này được biến đổi lột xác hoàn toàn vào năm 1860 (thế kỷ 19) nhờ vào trí tưởng tượng phong phú của ông kiến trúc sư Hittorff, ông đã biến đầu đường Champs Elysées từ một ngã 5, trở thành ngã 12 với những đại lộ rộng lớn như bây giờ. Những con đường này được mang tên những mặt trận chiến thắng của Nã Phá Luân, chẳng hạn như đại lộ Friedland, Wagram, Iéna, hay mang tên những danh tướng chẳng hạn như Carnot, Marceau v.v...

Ngày nay, qua nhiều thế kỷ, nơi đây được trang trí và tô điểm bằng những cửa hàng lộng lẫy sáng trưng, bằng những câu lạc bộ ca vũ nhạc, bằng những nhà hàng sang trọng nổi tiếng. Nơi du ngoạn hợp thời trang này đã tạo cơ hội cho những người đàn bà, con gái đẹp chưng diện những bộ quần áo đẹp nhất, cũng như những mái tóc đẹp nhất, qua những kiểu khác nhau. Trên con đường này, càng ngày càng đông khách viễn du, nhộn nhịp ngày đêm, nơi hẹn hò của các tao nhân mặc khách…

                                                                           Bích Xuân