quay về
 góp ý bài này                                  
                                           CẨM THÂN  CẨM HỢI

                                                                            Bích Xuân

Trong gia đình, tôi là đứa con gái thứ ba. Trước tôi là bà chị, kế đến ông anh. Ba chị em tôi đã lớn tuổi, nhưng chưa ai lập gia đình. Ba mẹ tôi rầu đứt ruột nhưng không dám nói ra. Mẹ làm như ba chị em tôi ế như chợ chiều không bằng, Mẹ nôn nóng tìm mai mối nhà ai có con chưa vợ, gái chưa chồng dàn xếp để hai bên quen biết nhau. Chị em tôi chỉ biết nhìn nhau cười. Ba tôi thì bênh các con, ông nói, cái duyên của chúng nó có thừa, nhưng chuyện vợ chồng phải nợ nhau mới ở được, bà đừng nôn nóng mà hỏng…duyên con ! Mẹ kêu : Ở đó mà chờ, đợi « nợ » đến chúng nó…già hết rồi ! Để chuyện vợ chồng tụi nó tôi lo. Ừ mà biết biết đâu, chuyện mối mai này một trong ba chị em nó thành vợ thành chồng thì sao ? Lúc buồn, Mẹ than, may nhà chỉ có 3 đứa, nếu có 5,7 chúng kéo nhau…ế cả đám. Nghĩ thật tội nghiệp mẹ tôi, bà lo cũng phải, vì chị Cẩm Thân tôi 32 tuổi, anh Dậu 31, còn tôi Cẩm Hợi, 29  cái xuân…rồi còn gì !

Mẹ tôi tên Cẩm. Trước khi mẹ sinh chị cả tôi, ba tôi bản chất mộc mạc và để nhớ tuổi của con, đứa nào sinh vào năm gì thì lấy tên đó đặt tên con. Con trai thì không sao, nhưng con gái thì lấy tên mẹ làm chữ lót. Năm đó, chị tôi sinh vào năm con khỉ, nên chị có tên Thân, ghép tên mẹ là Cẩm : Cẩm Thân. Anh tôi sinh vào năm con gà,  anh có tên là Dậu. Hai năm sau, tôi được sinh ra năm con heo, khai sinh tôi mang tên là Cẩm Hợi.

Mẹ tôi lúc trẻ là gái quê, không đẹp, nhưng có nét sang, ba tôi gặp lần đầu là mê bà ngay. Ba tôi gốc nông thôn, nhưng bản tính thích văn nghệ, dù ông không biết hát lấy một câu. Nhưng đình làng nào có hát hò là có Ba tôi, ông đến để nghe nhạc, nghe thơ, nghe hát chèo, hát bội đến mãn tuồng mới ra về.  Còn ông ngoại tôi rất nghệ sĩ, biết hát, biết xướng họa đối đáp những ngày hội lớn trong làng. Ngoại tôi gã con gái cho Ba tôi, vì « chịu đèn»  thằng rể có tí máu nghệ sĩ thì trong người nhẹ nhàng uyển chuyển, tính tình không quá khó khăn. Ba chị em tôi sinh ra được thừa hưởng chút hơi hướm văn nghệ của cha, tính nghệ sĩ bên ngoại, nên cả ba chúng tôi đều có « nòi » nghệ sĩ ấy. Chị em tôi đã đi vào con đường văn nghệ như ông ngoại. Anh Dậu tôi bây giờ là một nhạc sĩ chơi đàn guitar, vừa hát vừa đàn, lúc nhỏ anh thích đàn piano nhưng nhà nghèo, Ba tôi mua cho anh cây đàn thùng để anh đánh từng tưng nghêu ngao cho đỡ...ghiền.
Chị Cẩm Thân tôi lúc nhỏ thích vẽ con Trâu, con Bò, con Châu Chấu trên cánh đồng xanh, bây giờ chị vẫn tiếp tục vẽ. Tranh của chị có bức bán được mấy nghìn đồng. Còn tôi, thủa nhỏ bắt chước mẹ hay đọc truyện Trần Minh khố chuối, Thoại Khanh Châu Tuấn, Con Tấm con Cám, Lục Vân Tiên v.v…Với tính lí lắc, tinh nghịch, khi lên chín, mười tuổi tôi thường hát nhại lời trong Lục Vân Tiên, lúc ấy Mẹ nghe được, bà quất vào mông tôi mấy cây chổi lông gà, rồi đay nghiến con gái… vô duyên, từng ấy tuổi mà đã ranh. Tôi hát như vầy, như vầy …
Vân Tiên đến cuối thôn làng
Chờ trăng lặn, đụng vú nàng Nguyệt Nga
Nguyệt Nga …mắc cở không la
Vân Tiên được trớn đụng ba bốn lần...
Chuyện của tôi đang vào con đường có liên quan đến văn chương, anh Dậu tiếp tục ca hát, chị Cẩm Thân vẫn đam mê trong cây cọ, sơn tô trên khung vải. Ba chị em chúng tôi mỗi người theo đuổi một bộ môn văn nghệ, mà người nào cũng rất đam mê về chuyện của mình. Anh em chúng tôi luôn luôn quan hệ với nhau bằng cách tiếp nhận, tranh cãi, đối thoại… Anh Dậu tôi không đẹp, da thì ngăm ngăm, nói nhiều, nhưng rất có duyên, anh nói câu nào chắc nịch câu nấy, nghệ sĩ nhưng anh rất là sạch sẽ, ngăn nắp, đồ đạc đâu vào đó. Anh Dậu đàn giỏi, hát hay lại có duyên ăn nói, hể có dịp nói được là anh nói không ngừng, đúng là con gà tục tác. Anh có một lúc mấy cô nhân tình, chị nào chị nấy nhan sắc trên điểm trung bình, nhưng anh không chịu lấy vợ vì thích tự do. Mẹ tôi la ó nhưng bà biết chúng tôi có máu văn nghệ không muốn bị ràng buộc vào chuyện vợ chồng. Nợ gì chớ nợ gia đình một khi đã vào rồi thì khó mà bước ra.

Tôi sắp bước vào tuổi…ba mươi, nhưng là nhỏ nhất nhà, nên anh Dậu thường hay sai vặt, nhiều lúc bực mình tôi rủa thầm anh. Anh bắt tôi học nhạc, tôi kêu khó lắm học không được đâu ! Anh nói khó cũng phải học để biết, Do Re là một ton. Mi Fa nửa ton. Si Do nửa ton v.v…Đầu óc tôi lung tung như đang lạc giữa rừng, mặt tôi nghệch ra không hiểu anh nói gì, lúc đó anh la tôi sao ngu như…heo, rồi anh cười hê hê nói tôi không phải là nghệ sĩ, mà là nghệ...vàng. Tôi nhếch môi để cười trừ, nếu giận dỗi là anh dỗ ngon, dỗ ngọt là xong. Tôi biết mình tối dạ không cãi lại, nên nhắm mắt làm thinh nghe anh bắt nạt với tôi một tí cho oai. Chỉ vì nể anh chơi đàn hay, hát giỏi đúng đáng tiền bát gạo của Cha Me,ï và anh có nụ cười hiền nên tôi mới phục dịch anh. Anh có tài thì để anh có quyền hách với tôi cũng được. Anh nhờ tôi đi lấy nước, tôi lấy nước đưa anh. Anh đưa cái ly tới gần cặp mắt anh, coi tới, coi lui, rồi bảo tôi lấy cái ly khác. Tôi đi xuống bếp, anh nói vói theo : Cái ly có vết tay, để vậy uống nước  à ! Dơ như…heo  ! Đụng đâu anh la rầy tôi đó ! Con heo cũng có …danh dự của nó chứ ! Anh mắng tôi thì anh đừng hòng nhờ tôi, kể cả chuyện cho anh mượn chiếc xe đạp của tôi để anh chở nhân tình đi chơi. Nghệ sĩ gì mà khó như …quỉ ! Hèn chi chẳng ai chịu làm vợ anh ? 
Tôi đi thẳng vào phòng nằm ì ra, định ngủ một giấc trong tư thế như…heo cho sướng. Nhưng có ngủ được đâu. Không khéo anh biết được lại nói tôi làm biếng như heo nữa. Tức Ba tôi quá! Tại sao không là Cẩm Thạch, Cẩm  Hoàng, Cẩm Kim nhỉ ? Ông có hai gái cưng sao không lấy tên hoa quỳnh, hoa mai hoa Lan mà đặt, lại đặt chi hai cái tên Hợi tên Thân, biểu tượng con vật xấu xí đó dính liền vào chị em tôi suốt cuộc đời. Cẩm Hợi ; Cẩm Hợi, trời ! cái tên thật là vô duyên.
Người ta nói, trong 12 con giáp, heo là con vật sướng nhất, chỉ biết ăn no tắm mát rồi nằm, tôi cầm tinh con heo mà chẳng sung sướng gì, bị sai vặt tối ngày, hết cái này, đến cái kia. Nói đến heo tôi chú ý ngay đến con heo trên tivi, trong chương trình các loài thú, tôi nhìn con heo thật thơ ngây vô tội, nó đưa cái mỏ ủi ủi phía trước, ỏn ẻn chậm chạp bước đi từng bước , trên mình đầy những bùn, đất rất ư là dơ dáy. Tôi lại động lòng trắc ẩn…! Ui, con vật cầm tinh của tôi đây mà .
Chị Cẩm Thân tôi cầm tinh con Khỉ mà sung sướng từ A đến Z. Này nhé, mỗi ngày chị
ăn no rồi ôm giá vẽ đi tìm « cảm hứng » ngày nào không có đề tài thì chị vẽ hình Ba Mẹ đang ngồi coi tivi, có khi trong buổi ăn sáng, có khi ông bà ngồi hóng mát sau vườn. Ba mẹ tôi rất bằng lòng về chị nên chị được cưng nhiều nhất. Ông bà có đồng nào là mua vé tàu, mướn nhà cho chị về những vùng núi xa xôi, chị đến ở đó cả tuần để vẽ.
Chị sống được tiến lên trong phương diện này nên không biết mệt mỏi. Chị nhanh nhẹn, đốp chát thì không ai lại chị, công việc nhà không bao giờ chị đụng tới, thứ gì có ở trong nhà chị cũng chẳng cần biết đến, chị vô tình nữa là khác. Trong gia đình ai muốn làm gì thì làm, hỏi thì chị nói , không hỏi thì chị làm thinh. Chị có cuộc sống thầm lặng, ít nói, nhưng hễ nói là không ai cãi vào đâu được, anh Dậu tôi « tục tác » thế kia chớ đụng chị là anh xếp vào hạng thứ, chưa bao giờ anh lên được hạng nhất.  

Anh Dậu yêu lung tung bao nhiêu, thì chị Cẩm Thân  bản tính chung tình bấy nhiêu. Hễ chị không yêu thì thôi, khi đã yêu thì rất cuồng nhiệt như…mãnh hổ. Tôi bình thường bao nhiêu, thì chị khác thường bấy nhiêu. Chị yêu một thi sĩ nhân chuyến đi nghỉ hè, nghe đâu anh thi sĩ kia ở tận bên  Uùc châu xa lắc xa lơ. Hai anh chị hẹn hò gặp nhau vài lần, tôi thấy chị yêu đời rạng rỡ, như sắc màu sặc sỡ trong tranh vẽ của chị vậy. Đùng một cái, chị u hoài, xa xăm…thơ thơ thẩn thẩn, mắt mông lung tận đâu đâu. Một hôm, tình cờ tôi khám phá ra tranh vẽ của chị toàn là đàn ông…lõa thể. Trong lúc tôi kinh ngạc thì chị ôm mặt rưng rức, bảo tôi giấu kín chuyện này, đừng cho gia đình biết, chị nói chị đang chờ đợi người yêu ! Chờ người yêu thì chị đã chờ lâu rồi, qua bao nhiêu ngày tháng đã qua, nhưng vì ở xa nên người yêu của chị có bạn gái khác. Tôi nghe mà tức, chị ở đây chờ người yêu, còn người yêu thì lại có bồ khác, tôi nói…bỏ quách cho rồi, thương nhớ làm gì người bạc như vôi. Chị nói chị thông cảm người yêu vì ở xa chị nên anh ấy cần có thứ…tình khác thay vào, cho đời sống thêm ý nghĩa. Như vậy là trong thời gian hai người dàn xếp để gặp lại nhau, vẫn tiếp tục hẹn hò chờ ngày tái hợp, chị chấp nhận người yêu có nhân tình khi xa chị. Lạ quá ta ! Sự suy nghĩ của chị thật là khác thường.Thôi thì chuyện của chị, tôi không xen vào làm chi cho…thêm tức. 

Còn việc của tôi thì đang đi vào trong vườn hoa, chưa biết bên trong hoa thơm cỏ ngọt như thế nào, nhưng tôi vẫn náo nức mỗi đêm mỗi đèn, trước những trang giấy viết những bài thơ, nhưng không được sự để ý của Ba Mẹ chứ đừng nói chi là sự cưng chiều như anh chị tôi. Thật là lối cư xử phân biệt lạ kỳ ! Anh, chị tôi xin gì Ba Mẹ cũng cho, nói gì cũng nghe, còn tôi thì không được sự ưu ái đó. Ba tôi nhiều lần nói : không phải ai cầm cây đàn là biết đàn, ai cầm giá vẽ là biết vẽ, chứ văn, thơ thì ai cũng làm được ! Thơ các ông bạn của Ba có khi còn hay hơn lắm kìa ! Mà coi chừng, văn chương là thứ nghiệp chướng nghe con, cũng trầm luân vất vả xiêu liêu lắm, nó theo đuổi người ta từ lúc trẻ đến già. Đã vào rồi thì không có đường mà ra !

Nghe Ba tôi cảnh cáo, tôi vừa buồn vừa lo, dầu chỉ viết nhì nhằng những bài thơ vu vơ nhưng có sự sàng lọc, cũng vất vả như người mẹ mang thai, chưa kể đôi khi thơ làm ra khen chê nhau vô tội vạ trong đó có sự hùa theo nhau, nhưng tôi vẫn cảm thấy vừa lòng với mình, với cuộc đời, khi đã ngồi trước bàn để viết là đã phục vụ, như thế cũng đã đủ rồi. Tôi biết Ba tôi không ý niệm gì về các nguyên lý kết cấu văn bản. Sáng tạo trong văn học là thứ ngôn ngữ được thanh lọc mới thành. Ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ trong văn học có sự khác nhau, khác nhau như vàng thật và vàng giả. Văn nghệ là một thứ gia vị cần thiết, nhưng nói chung văn nghệ ở những cương vị thuộc nhiều ngành khác nhau. Khi nói đến con người văn nghệ, có kẻ nghĩ ngay đến những người  văn nghệ ấy là những người lêu lổng, lơ lửng… Ý nghĩ này nên thay vào đó sự ưu ái mến yêu, và thông cảm đến cho giới văn nghệ sĩ nhiều hơn.

Ba đứa con của mẹ sinh hoạt ngày như mọi ngày, đứa thì chơi nhạc, đứa thì vẽ, đứa thì làm thơ. Bỗng một hôm, bà mai giới thiệu một chị rất đẹp cho anh Dậu làm không khi gia đình nhộn nhịp hẳn lên. Cả nhà ai cũng thích cô gái mà bà mai giới thiệu cho anh Dậu, nhất là Mẹ tôi. Chị này tên thật đẹp là Trúc Hồ, chị có nét đẹp thùy mị, nói năng nhỏ nhẹ, lúc nào cũng có vẻ như rụt rè, ấp e hay giấu mặt nghiêng nghiêng theo mái tóc dài đen mượt ngang vai, tuyệt đẹp như một bức tranh vẽ. Anh Dậu tôi thế nào mà chẳng mê ! Lần này anh trúng số độc đắc đấy nhé! Không tìm kiếm tự nhiên sắp được…vợ đẹp. Cả nhà ai cũng thấy anh Dậu mặt tươi rói, nhìn ai, anh như muốn cười tỏ vẻ hạnh phúc lắm lắm … Nhưng, chỉ sau vài tuần, mỗi khi thấy chị Trúc Hồ đến là anh lẻn ra cửa sau… biến mất ! Chờ anh mãi không được chị bỏ về. Lúc đầu, cả nhà tưởng anh đùa với chị Trúc Hồ, nhưng những lần sau đều như vậy, chị Trúc Hồ giận rồi không thèm đến tìm anh nữa. Cả nhà hoảng lên, tra vấn thì anh nói, mẫu người đoan trang thùy mị như chị Trúc Hồ không hợp với anh. Mỗi khi nói chuyện với chị là anh bị « sửa lưng » đều đều, có lúc anh lớn tiếng, hay cười lớn hơi, thì chị cau mày, đưa tay lên miệng ra dấu, ý bảo phải « nhẹ nhàng ». Tính  anh hay nói tếu cho vui cũng bị cảnh cáo lớn rồi nên chửng chạc một tí. Gần chị, anh bị thụ động hoàn toàn. Rồi anh đến gần bên mẹ, chê chị Trúc Hồ một câu xanh dờn, anh nói, nhìn cái dáng tiểu thư đài các, liễu yếu của chị không thể nào làm anh « bốc » được. Không « bốc » nghĩa là không sống động nên không gợi tình được ! Thằng quỉ sứ, bộ lấy vợ là phải có tướng « bốc » hay sao ? Thôi kệ mày !  Mẹ mệt lắm rồi …

Thế rồi, anh Dậu tôi trở lại làm thứ bèo bọt trong sân chơi văn nghệ, dễ thích ứng với khả năng, hoàn cảnh, để anh tác oai, tác quái cho trọn cuộc đời hào phóng chất nghệ sĩ của anh. Ba tôi nói, anh là đứa con dễ bảo, nhưng không phải bao giờ cũng là một đức tính đáng khen, mà sự ương bướng như tôi chưa chắc là điều đáng trách. Anh em chúng tôi sẵn sàng bỏ tất cả những niềm vui riêng tư, để vào con đường nghệ thuật. Ba chị em tôi đều ước mơ theo chiều hướng rộng, nhưng thiếu chiều cao, chưa có đỉnh...

 Phần tôi, Mẹ nói tôi hơi nóng nảy. Bà chê tôi quyết định công việc gì cũng nhanh, đi đứng, ăn uống cũng nhanh nữa. Về công việc quả thật tôi có quyết định nhanh, điều này có khi làm hư việc. Tôi không giống anh Dậu, hay chị Cẩm Thân đam mê trong tình yêu. Anh chị tôi có bị lầm lỡ tình yêu, khi có lại tình yêu khác vẫn đam mê, vẫn cuồng nhiệt như thường, còn tôi thì khác, bị lầm lỡ là tởn đến…già. Chuyện cũ lâu rồi, đôi lúc quẫn trí ngồi nghĩ lại tôi còn ngẩn ngơ…
 Chuyện thế này, năm 19 tuổi, tôi gặp một gã đàn ông người cao cao, nói chuyện có đạo đức y như là con nhà đàng hoàng. Gã « cua » tôi bằng nét hiền trên mặt, đạo đức hay quá làm tôi tin thật nên yêu gã. Mối tình chân thành của tôi chói sáng chớm nở, tôi dệt biết bao hình ảnh tuyệt vời trong tương lai. Nhưng gã đã dối gạt tôi, gã đã có vợ. Tôi biết được gã có vợ nhờ vào một buổi chiều kia được tin gã bị tai nạn, chiếc xe của ai đó bị trật bánh húc vào người gã. Gã được đưa vào nhà thương. Lòng tôi rung động theo tin tức này, vì trước đây 2 tiếng đồng hồø gã còn đang âu yếm với tôi. Tôi vào nhà thương thăm gã, thấy mặt và đầu gã băng kín, gã nằm bất động không hay biết tôi đến, thấy mà thương. Tôi khóc sướt mướt và mở bóp tìm chiếc khăn tay, thì khám phá ra số tiền lớn trong bóp đã mất. Số tiền hốt hụi của mẹ đưa đi lấy chiếc xe đâu rồi ? Tôi đâu có đi đâu mà bị móc túi ? Tôi chợt hiểu, lúc đến nhà gã, tôi để cái xách ở ngoài rồi vào toilette, chỉ có gã đã mở xách tôi. Trờ đất ơ, bồ gì mà đi lấp cắp tiền của người yêu !  

Tôi nhìn miếng băng trắng đang quấn trên mặt gã, như quái vật đang gây mầm từ đâu hiện đến. Tôi vội đi nhanh ra cưả, vừa ra khoải phòng thấy có người đàn bà dắt đứa bé gái 5 tuổi bước vào phòng gã, đó là vợ con gã. Gã nói với tôi là chưa bao giờ có vợ mà…Tôi đau đớn ê chề như người mất hồn trên đường về nhà. Về nhà, tôi nói thật chuyện bị mất tiền, rồi chìa cái carte visite của gã cho anh Dậu tôi coi. Anh Dậu bạt tai tôi một cái đổ đôm đốm. Anh nói « thằng » này là tên đại bịp, làm sao em quen với nó ? Lần sau quen với « thằng » nào phải cho anh hay nghe chưa ? Ô hay Anh này lạ, độc tài vừa vừa thôi, chuyện tình cảm của em quen ai phải « báo cáo » với anh sao ? Bốp ! Tôi bị thêm cái tát nữa với cái tội cãi bướng .

Bây giờ, thỉnh thoảng trong những phút tĩnh lặng, tôi nghĩ lại trong một cảm giác buồn buồn, tôi bị cú « sốc » nên bây giờ gặp ai « cua » thay nói yêu đương tôi  còn  sợ, sợ bị xí gạt, tình yêu mà cứ sợ sợ, nghi nghi thì yêu quái gì được nữa ! Con người bao giờ cũng có sự đáng quí, sao lại nỡ lường gạt nhau như thế, Tình yêu trong « ca » đầu đời đã bị lừa gạt, mà còn bị mấy cái tát đích đáng của anh tôi nữa ! Thật đúng là ngu như…heo còn than thở nỗi gì !

Tôi nhìn ra cửa sổ, ngoài trời làn mây nhẹ đang lơ lửng như làn voan mờ, tiếng nhạc đang ồn ào ở đâu vọng đến. Cơn gió thổi ập lại làm rung những cành hoa đang rơi trong mùa thu. Mùi lá hăng hắc bay qua, báo hiệu mùa thu sắp đến. Tôi nhìn qua bên kia phố, ngợp những bóng người trong đám lá vàng sáng chói. Mẹ ơi, con gái út của mẹ ngày mai sẽ không còn tư lự, sẽ lấy lại niềm tin. Con sẽ không để nhan sắc phai tàn theo năm tháng, rồi con sẽ lấy chồng, sẽ cuồng nhiệt để che giấu vết tích của tình đầu. Lúc ấy, có lẽ, con cũng chưa …già lắm đâu Mẹ ạ!                                                                                                                                                    

   Bích Xuân
 quay về
 góp ý bài này