quay về
         HAI  BỐ  VÀ  EM  DÂU
                Bích Xuân

Có ai đó đã từng hỏi tôi: lúc nhỏ tôi sợ gì nhất. Xin thưa: Sợ ba tôi nhất. Sợ đã đành, nhưng nể cũng nhất luôn. Bà nội chỉ có ba là con một. Nhưng ba tôi cho bà 10 đứa cháu nội, ( năm trai, năm gái sức khỏe dồi dào, tay chân ngay ngắn lành lặn). Ba làm đủ nghề trong bốn mùa, nghề nào ông cũng làm được.  Nhà đông con nên ba tôi, vào dịp teat  ông  may những bộ áo quần mới cho anh em chúng tôi, rôì hướng dẫn mẹ làm bánh chưng bánh tét, mứt gừng, mứt dừa, heo muối, dưa chua, củ kiệu ăn dư dã trong mười ngày tết.
Trước tết , ba dựng một túp lều ngay ngã tư , chỉ cần một cái máy nhỏ đánh bóng lư đồng, trong vài ngày cuối năm cũng kiếm được mớ tiền tiêu tết. Đêm đêm ba tôi cắt dán đồ mã, đủ kiểu, đủ màu: như áo quần giày dép v.v...bán cho bà con trong làng thờ cúng ông bà trong những ngày tết. Ba còn biết chẻ tre đan rổ, làm thợ rèn, lấy sắt làm thành dao, rựa, rồi quay sang làm thợ tiện. Mùa hè ông xuống sông đào đất bùn, nắn thành lò dùng than đá để mẹ tôi nấu cà phê bán buổi sáng. Bố làm hết việc này đến việc khác không bao giờ ngừng tay.

Cái bề ngòai đạo mạo của ba, lại có cặp môi đầy đặn và cặp mắt đa tình, ăn nói lại có duyên, đến tuổi về già mà ông cũng có người theo. Ba tôi cũng biết ca hát, nghe ai ca mùi tai ông cũng mê mẩn, cái thần nghệ sĩ nó lãng mạn là thế ! nhưng ông thích nhất là bộ môn hát bội. Ba bèn chung vốn với người em rể, lập ra gánh hát, đi lưu diễn làng nọ tỉnh kia. Ông viết tuồng, làm đạo diễn. Diễn viên nữ nào có tí nhan sắc la øông không tha. Ông lăng nhăng, bồ bịch lung tung nhưng kín đáo, qua mặt mẹ tôi dài dài, vậy mà có đào lẳng vẫn chịu “đèn” cặp bồ lửng với ông. Mẹ tôi ghen lên ghen xuống, chạy theo ông để bắt ghen hụt hơi mà cũng không bắt được. Phần con đông, phần ghen  làm mẹ trở nên hốc hác, tóc tai rối bời. ..

Lúc nhỏ tôi rất thích nghe hát bội, vì lời lẽ các diễn viên đốp chát nghe thấm thía ý vị , và nhất là vai nữ lưu hào kiệt trong bộ áo giáp giữa chốn binh đao, oai phong lẫm liệt lắm! Một câu nói theo sau là động tác, với tay chân, với ánh mắt, với cái hất cằm, lắc đầu làm người coi có nhiều ấn tượng và rạo rực theo tiếng trống kèn tùng xèng, và cũng rất gợi hứng cho diễn viên múa kiếm trên sân khấu. Hát bội mà có dàn nhạc đệm của cung đình Huế thì diễn viên coi như rồng gặp mây, thuyền gặp gió, nắng gặp mưa, họ ca diễn lột xác phàm thật đam mê quá đỗi, tôi còn mê huống chi là mấy cụ. Trong tất cả anh chị em, cô em kế tôi là không biết hát một câu, còn chín anh chị em, người nào cũng có tí máu văn nghệ “gia truyền” của cha, nhưng chẳng có đứa nào chịu theo cái nghề hát bội. Nhiều lần ông buồn, tôi làm tài khôn an ủi Ông  hét : “ Tổ cha mày.”  rồi rượt tôi chạy có cờ.  Ông độc tài lắm! Tôi ngán ông “già” nổi giận bất tử kiểu này !

Tôi phục ông làm thủ công nghệ khéo tay và làm đạo diễn văn nghệ cũng hết ý, nhưng nghe đâu ba tôi còn làm ra…tiền giả nữa ? Ngày xưa đâu có máy móc hiện đại như bây giờ, làm thế nào mà ông biến chế “cóp pi” đồng tiền đưa mẹ bán buôn ? Khi ông bị bắt về tội làm tiền giả, mẹ cũng không biết làm sao mà ông làm được những tờ giấy bạc đó  (tiền Đông Dương). Thời gian ông bị tù, và ngày về của ba tôi thì biền biệt không biết khi nào được thả ra. Mỗi khi đi thăm ba, có người thấy mẹ thường qua lại con đường phía trước. Lúc đó mẹ hai mươi lăm tuổi, gái một con, trông mẹ mặn mà, thân hình tròn trịa, mát da mịn má của mẹ làm ‘xốn” mắt gã trai làng sung mãn. Một hôm hắn thấy đằng xa xa bóng mẹ đi tới, hắn chạy ra nằm ép mình sát bên mép đê, chờ mẹ đi ngang qua…vồ lấy, “nuốt trửng” Đường rộng lớn sao mẹ không đi, đi chi đường vắng để “ma” đón đường không biết!

Sau lần bị tên “phải gió” trong làng làm nhục mẹ nín khe, không dám nói không dám hở răng với ai, hắn hăm dọa nếu mẹ hở môi là mẹ sẽ không yên thân với hắn. Mẹ biết gã thanh niên kia rất có quyền lực nhất nhì trong làng, nên mẹ gạt nước mắt hận thù, cố quên , coi như một tại nạn xui xẻo đã xẩy ra một lần trong cuộc đời. Mẹ không dám qua lại, trên con mương kinh hoàng đó nữa. Nhưng rồi nỗi kinh hoàng khác lại đến với mẹ, mẹ muốn quyên sinh chết ngay tại chỗ, nếu mẹ không nghĩ đến đứa con nhỏ dại, chắc mẹ đã tự tử rồi…Số là sau lần bị “cọp” vồ, mẹ thấy trong người thay đổi, rồi tắt bặt đường kinh. Thật là khủng khiếp ! Chồng bị tù vợ ở nhà có chửa…Trời hỡi ! Chết, chỉ có chết mới giải quyết được chuyện này thôi, ba mà biết được ổng sẽ vượt ngục giết…mẹ như chơi ? Mẹ biết cục ghen của ba như quả…bom. Khủng khiếp lắm !
Mẹ không biết nói với ai. Hoảng quá, mẹ đành chạy đến nhà tên “phải gió” báo hung tin, mẹ gào la kêu khóc và một hai đòi tự tử chết trước mặt hắn. Hắn bối rối suy nghĩ lung tung. Ôi, một chút sung sướng cuộc đời bây giờ sắp nổ tung. Ngưng khóc, mẹ nhìn hắn tức giận sôi gan, lúc cơn giận nổi lên con người có một sức mạnh phi thường và hung hăng như…sư tử. Mẹ vội túm lấy hắn, thoi mấy cái vào mặt, luôn đà mẹ nắm tóc hắn, giật một cái làm hắn chúi nhủi suýt té, thuận bàn chân, mẹ đạp mạnh một cái, hắn té nhào, nằm bất động ngay tại chỗ, chưa đã nư, mẹ đay nghiến hai bàn chân lên người hắn. Hắn nằm im rên hừ hừ để mẹ đánh, đạp, mỏi tay thì mẹ ngưng. Mệt quá, mẹ ngồi tiếp tục gào khóc, y bảo mẹ im để nghe y nói…Mẹ giận dữ :
“Nói cái gì ! Tôi chỉ muốn chết thôi…”
“Ai cho chết !”
“Anh là tên mọi rợ đê hèn, chồng tôi đang ở tù, nỡ lòng nào anh “lấy” vợ bạn cho được chứ !…”
“ Lấy ! được bao nhiêu ? Chuyện đâu còn đó…
“Trời ơi ! chồng tôi mà biết ảnh sẽ bằm anh…trăm mảnh.”
“Bằm…củ tỏi thì có”.
“Trời ơi !  hu hu …”
“Nín!” Y hét lớn.
Sau tiếng hét của y, mẹ chỉ chờ có thế là ngưng khóc ngay. Mẹ nghe theo hướng dẫn của y phải làm những giấy tờ để nộp lên Quận, như vầy…như vầy cứ thế mà làm. Mẹ hy vọng bố sẽ được thả ra vì mẹ biết y là người giàu có nhất trong làng, tiếng nói của người giàu rất có nhiều quyền lực (sai cũng thành đúng). Sau cái ngày mẹ“nhồi” y một trận nhừ tử, y âm thầm can thiệp vào chuyện của ba tôi.  Một tháng sau, ba được thả tự do. Bảy tháng sau, mẹ sinh đứa con gái xinh xinh đặt tên Vân Nguyệt. Tuy mẹ sinh “non” chưa đủ tháng, nhưng mẹ tròn con vuông, sức khỏe dồi dào…Mẹ tiếp tục cho ba tôi những đứa con kế tiếp đủ chục đứa thì ngưng.

Không biết ba tôi nghe ai giới thiệu, hoặc là đã nghe danh tiếng cô đào Giáng Phương tuổi trẻ nhưng diễn xuất thì rất lão luyện nên ông phải đích thân vào tận Bình Định Qui Nhơn làm hợp đồng mời đào Giáng Phương ra Trung biểu diễn. Tôi nhớ một đêm trăng, bố đưa về nhà một cô tuổi chưa tới hai mươi, người nhỏ nhắn xinh đẹp, da trắng, tóc dài, nét mặt nhẹ nhàng người nhìn dễ mến. Ai hỏi gì, cô chỉ dạ dạ rồi e thẹn lí nhí trả lời. Giáng Phương sẽ là đào chính của đoàn hát của ông.
Đêm diễn đầu tiên của Giáng Phương người đông chật rạp, và cứ thế con thiên nga Giáng Phương bay trên bốn phương trời nghệ thuật của bộ môn hát bộ. Hát đâu, đi đâu, ai muốn gặp Giáng Phương phải qua ông.  Lúc  bấy giờ thằng em trai tôi làm việc sau bức màn nhung phụ trách dàn âm thanh và ánh sáng cho sân khấu, còn đào Giáng Phương rất nổi tiếng nó đâu dám lại gần. Giáng Phương hát cho đoàn được ba tháng, thì bố đưa tin, tuần tới đám hỏi của Giáng Phương cho thằng em trai tôi, tháng sau thì làm đám cưới. Tội nghiệp nhỏ Giáng Phương khi hát ở trong quê thì lệ thuộc cha mẹ, khi bố tôi vào Bình Định gặp bố nó để ký “ hợp đồng” rồi nó theo bố tôi ra Trung như con gái theo cha đẻ, bảo hát thì hát, bảo nghỉ thì nghỉ, nó chỉ biết hát để phục vụ khán giả, thấy khán gỉa vỗ tay khi nó bước ra sân khấu là nó vui, nó chìm trong hạnh phúc, nó hát rất say mê, tiền bạc đưa cho bao nhiêu cũng được, không bao giờ phàn nàn, tuồng nào không có nó là rạp vắng tanh.  Có một lần vai diễn của nó cho người hát thế vì phải về quê trong ngày lễ dạm hỏi, không có nó khán giả tức giận bỏ ra về. Hôm sau nó phải hát lại tuồng trước để “đền” khán giả. Chị em tôi coi nó đóng vai Lưu Kim Đính Phá Tứ Mã thì mê nó luôn. Tuồng này phải hát hai đêm liên tiếp mới hết. Con nhỏ bắt đầu đi hát năm mười bảy, hát ba năm, là làm đào chính. Hai năm đầu nó làm vai phụ, bước qua năm thứ ba nhảy ra làm đào chánh, lúc đó vừa đúng hai mươi tuổi. Sau khi lấy chồng Giáng Phương vẫn liên tục được mời đi lưu diễn khắp vùng Nam Bắc sở dĩ được mời nhiều vì bộ môn hát bộ càng ngày càng hiếm mà em dâu tôi chuyên hát và múa võ rất đẹp. Gái Bình Định mà…Khán giả mê nó đến khi có bầu tám tháng vẫn còn đóng tuồng trên sân khấu.

Bố tôi rất hãnh diện sung sướng đến tận mây xanh, mỗi khi ra đường người ta xầm xì , bố là bố chồng của đào Giáng Phương. Bố cưng con dâu quá làm trong gia đình bị xào xáo. Bố nói mấy đứa con gái sau này là con của “người ta”, còn dâu mới là con của bố. Thấy “bà” con dâu đau đầu sổ mũi là bố làm nước chanh hấp chưng thủy và mật ong cho nó uống, bố nghe nó than mệt, ăn không ngon là bố đi mua thịt bò, vằm nát nấu cháo đưa đến tận tay cho nó. Phải trái gì bố cũng bênh nó, coi bầy con gái như người dưng nước lã. Có lần tan một buổi hát để về nhà, hôm đó là tháng mười hai mưa gió thường xẩy ra luôn luôn, hai bố con đang đi nửa đường thì cơn mưa đổ xuống, nhỏ Giáng Phương quên áo mưa, bố đưa áo  mưa bố cho nó mặc. Hôm sau bố cảm nặng, bố nằm liệt cả tháng, tiêu, tiểu trên giường, chị em tôi thay phiên chăm sóc bố bắt mệt. Bố khỏe mạnh lại, bố hỏi con Gíáng Phương mấy hôm rày hát hò ra sao. Mở con mắt ra là bố lo săn sóc o bế “bà” con dâu của bố. Một hôm bố mặc áo quần sắp bước ra cửa, chị em tôi biết thế nào bố cũng đi thăm con dâu. Con em kế tôi tức giận ra mặt. Nó nói bóng, nói gió vói theo:
“Con báo tin buồn cho bố biết, từ đây sắp tới bố có bệnh họan thì gọi “nó” đến nhé! Tụi con là con của “người ta” rồi”ù.
Bố vừa đi vừa nói:
“Tụi bây làm chị mà không rộng lượng chi hết…”
“Bố mê…hát bộ quá thì  bố dọn qua nhà “nó” ở luôn đi.”
Bố tôi quay lại nhìn trừng nó, ông đi vô nhà định bạt tai em gái tôi. Tôi nhảy ra giang hai tay trước mặt bố . Tôi hét :
“Bố mà đụng tới em con là bước qua xác của con đây nè…”
Nghe tiếng lớn nhỏ ngoài phòng khách, bốn đứa em gái tôi ở nhà dưới chạy lên. Thấy “lực lượng” đầy đủ, con em đứng nấp sau lưng tôi, nó nói rất mạnh miệng :
“Chưa thấy ai trên cõi đời này, cha chồng mà “mê” dâu như bố, con gái mình chẳng coi ra gì. Bố qua ở luôn với nó đi…
“Mày hỗn…”
Bố tôi muốn chụp em tôi, nhưng nó chạy lòng vòng nên bố bắt không được. Bốn đứa em còn lại ôm lấy bố, em kế tôi vội chạy thoát ra ngòai. Ra ngoài nó còn  ấm ức nói lớn:
“Tụi con sẽ dọn đi qua nhà anh Hai ở, không thèm ở với bố nữa đâu!”
Mẹ đi đâu về, nghe bố kể lại, mẹ liền bênh bố, rầy la đám con gái hỗn với bố. Đúng là…vợ chồng đồng tịch đồng sàn có khác, sai trái gì lúc này cũng phải bênh nhau.

Kể từ đó chị em tôi không thèm đi coi hát nữa, thiệt tình chị em chúng tôi không ghét bỏ gì cô em dâu,  vì nó đâu đụng chạm gì đến mấy bà chị em chồng ! Chỉ cái tội nó hát hay, diễn giỏi mà bố là một  « fan » của nó, nay “thần tượng” trở thành dâu của mình, bố không cưng chiều sao được! Nhưng bố cưng nó quá thấy “ngứa” mắt, nên em gái tôi “cảnh giác” bố một tí thôi, nhưng bố đâu có ngán lời hăm dọa em tôi, đám con gái của bố trước sau gì cũng phải bỏ bố ra đi, không đi trước cũng đi sau, đi làm “con người ta” ấy mà ! Sáu đứa con gái không bằng một “bà”con dâu của bố !

Thời gian dần theo năm tháng, chị em tôi đến ngày cũng phải xa bố mẹ để về làm “con người ta”. Đứa lấy chồng xa, đứa có chồng gần, thỉnh thoảng các con của bố tụ về đầy đủ trong ngày lễ cúng ông bà rồi vội vã ra về ngay. Chuyện bố và em dâu không còn là đề tài để chị em tôi phản ảnh nữa, một phần cũng đã lớn và sự suy nghĩ cũng sâu xa hơn. Con dâu cho bố bầy cháu nội kháu khỉnh, sau này bố tôi lớn tuổi không kham nổi đoàn hát nên bán đoàn lại cho người khác, bố ở nhà giữ cháu cho mẹ chúng đi hát. Con dâu của bố vẫn theo nghiệp cầm ca. Môn hát bộ dân miền Trung khoái lắm nên  đêm nào nó cũng được tiền khán giả liệng trên sân khấu, nhất là mấy ông Việt Kiều ngồi dưới hàng ghế ném tiền lên như mưa, còn nhiều hơn tiền lương một đêm hát. Dâu của bố, sau này hát đủ các bộ môn, nhất là hát cho đám…tang, hát cho ngày tảo mộ, hát chầu văn trong đình làng, và hát mãi cho đến ngày hôm nay. Tôi có chồng xa nên ít về thăm bố mẹ. Ngày tôi xa gia đình, xa các em, năm đó mẹ năm mươi tám tuổi. Vài năm sau mẹ tôi mất. Bố sống thêm mười năm mới mất, bố tôi thọ bảy mươi tuổi.

Một buổi tối, chuông điện thọai reng. Tôi cầm máy bên kia là tiếng của người đàn ông, ông tự giới thiệu về mình và xin gặp họa sĩ Vân Nguyệt. Tôi trả lời: “Vâng, chính tôi ”. Ông nói, ông ở miền Bắc thường theo dõi chương trình văn học nói về tranh Vân Nguyệt, ông phôn để tỏ lòng ngưỡng mộ rồi ông hỏi Vân Nguyệt là bút hiệu chăng ?. Tôi nói: “Không, tên thật” Ông hỏi :“ Xin lỗi, cô biết ông Trần Thanh Nghị ? Tôi trả lời: “ Là bố tôi. Còn ông là ai?”. Ôâng trả lời: “Một khán giả trung thành đoàn hát của bố cô”. Tôi à một tiếng, người đàn ông bên kia đầu dây cất tiếng: “Tôi muốn có một cái hẹn để mua những bức tranh của cô được không ?” “Được” Tôi nói.
Trước mặt tôi là người đàn ông cao lớn, tuổi ngoài bảy mươi, da trắng, tóc hói  đứng xoay lưng vào cửa, còn tôi thì đang nhìn ra dãy hành lang. Ông khách nhìn tôi, đôi mắt ông sáng ngời hãnh hiện và xúc động. Mấy lần ông định nói điều gì đó rất khó khăn nên khựng lại. Ông bắt đầu kể câu chuyện tình mấy chục năm về trước:
“ Bác và bố cháu là bạn học lúc nhỏ, bố cháu là một nghệ sĩ đa tài, đa nghề. Bác rất nể phục, bác thích văn nghệ nhưng lại đam mê trong công việc đồng áng, cái nghề ăn chắc mặc bền. Bác yêu mẹ cháu, nhưng mẹ lại yêu bố cháu, bác biết phận mình nên giấu kín tình đơn phương trong lòng, lúc mẹ cháu có con trai đầu lòng, bác mới lấy vợ, nhưng vẫn còn say mê mẹ cháu. Một hôm bác nghe tin bố cháu bị bắt về tội làm bạc giả. Thấy mẹ cháu mỗi lần thăm nuôi chồng vất vả bác thật xót xa, rồi một buổi chạng vạng tối bác thấy mẹ cháu đi ngang qua, bác cầm lòng không được, bác đã làm…hỗn với mẹ cháu. Một tháng sau, mẹ cháu cho bác hay đã cấn thai, mẹ cháu đòi tự tử, bác sợ mẹ cháu…chết, và bác nghĩ mình đã có lỗi với bố, với mẹ cháu, nên bác phải có trách nhiệm trong việc này, tiền bạc có bao nhiêu bác đổ hết vào để chạy chọt lo cho bố cháu về càng sớm càng tốt, và chưa đầy một tháng bố cháu được thả về. Hai tháng sau bác dọn nhà đi nơi khác, nhưng thỉnh thoảng bác kín đáo nhờ người trong làng hỏi thăm về “hai mẹ con” và biết tên con gái của bác mẹ đặt là Vân Nguyệt. Sau này thì nghe tin cháu có chồng về tận miền Tây bác mất tin tức, rồi tình cờ bác thấy tên cháu trên báo, nửa  tin nữa nghờ, không biết có phải Vân Nguyệt con của…mẹ cháu không ? Bác phôn hỏi nhà báo xin địa chỉ cháu, nhưng nhà báo nhất định không cho, bác phải tìm đến tận nơi kể rõ sự tình họ mới cho số phôn…”

 Cố gắng lắm tôi mới dằn được, cổ họng như có một cục gì nghẹn dâng lên, mặt tôi nóng bừng. Trong vài giây sửng sốt mãnh liệt mà trước đây tôi chưa từng có, đầu óc tôi hỗn loạn dữ dội trong sự im lặng. Trời, tôi là giọt máu của người đàn ông xa lạ này sao ? Làm sao tin được ? Người đàn ông xa lạ này ở đâu đến dựng ra câu chuyện tình éo le như cải lương ba xu, rồi nhận tôi là con ? Nhận con dễ vậy sao ? Tôi lấy lại bình tĩnh, lau nước mắt, mặt đanh lại như nước đá lạnh. Không chịu được nữa, tôi giận dữ:
“ Ông về đi ! Tôi chỉ có một bố là Trần Thanh Nghị  chấm hết”.
 Người đàn ông trong tư thế coi như rất bình thản, nhưng cũng run run vì xúc động, ông nhìn thẳng vào mắt tôi nhẹ nhàng nói nhưng cũng rất dứt khoát:
“ Tin hay không là quyền của cháu, bác có bổn phận nói lại để cháu biết nguồn gốc của mình là ai, vì chính mẹ cháu nói với bác cháu là…con bác. Bác tưởng mẹ cháu đã nói cho cháu biết rồi. Thôi chào cháu…bác về” .
Người đàn ông đi rồi, tôi đứng như trời trồng, tự nhiên tôi òa khóc. Tôi không nhớ mình khóc được bao lâu thì ngưng, từ khi gặp người đàn ông chưa đầy mười phút mà tâm tư tôi bức xúc  thế này ! Lấy bằng cớ gì để nói tôi là con của ông ta ? Chính mẹ tôi đã nói với ông ? Ai làm chứng mẹ tôi đã nói với ông ? Mẹ tôi mất rồi, ông muốn nói gì thì nói, ai cấm ! Nhưng mà ông nhận con để được gì ? Danh, lợi hai thứ đó tôi không có, thì ông nhận con như tôi để làm gì, nếu không phải là con ruột của mình ? Bố mẹ mất hết, biết hỏi ai ? Tôi lại bâng khuâng. Nghĩ suy cho cùng bố mình đã mất, bây giờ có người nhận làm con thì cũng được có sao ? mình lại có thêm bố nữa coi như là bố…nuôi đi.  Càng vui. Tôi bắt đầu lý luận và suy nghĩ đến  một lọai triết lý đơn giản về thứ hạnh phúc, trong sự bình yên trong tâm hồn, để bớt rắc rối cuộc đời

Hôm sau tôi phôn lại người đàn ông. Ông rất vui vẻ, riêng tôi thì hơi ngượng vì câu chuyện còn quá mới với tôi. Ông nói sẽ đến gặp tôi ngay bây giờ.
Hôm nay là ngày thứ bảy, chiều nay…bố Huỳnh Phố sẽ dẫn tôi về để giới thiệu với các con của bố. Vợ bố mất bốn năm nay, bố Huỳnh Phố có bảy người con, năm trai, hai gái. Người nào cũng có gia đình, có con cái . Bố nói tôi giống đứa con gái áp út của bố, hai chị em giống nhau quá !…Tôi nghe bố lẩm bẩm mà bần thần trong hồn một cảm giác rất lạ, thật khó diễn tả. Tôi hồi hôïp theo sau bố đi vào nhà. Ngôi nhà khá lớn, tường cao cổng sắt. Bước vô bên trong có sân rộng dưới hàng cây bông giấy màu hồng rất thơ mộng, tôi thấy có bảy, tám đứa con nít, đứa đứng, đứa ngồi, đứa nằm dưới đất. Thấy hai…bố con tôi bước vào, mọi người trong nhà từ lớn đến nhỏ nín khe, đưa mắt nhìn ra…Tôi rón rén đi sau bố. Bố cầm tay tôi nói lớn:
“Này các con, chị Vân Nguyệt là chị của các con. Các con xem nhỏ út Thúy Vân giống chị Vân Nguyệt ghê hông ?…
Tôi mắc cở, đứng làm thinh, bỗng một trong hai con gái của bố nói:
“ Con thấy anh Thái giống chị Vân Nguyệt hơn”…
Hai ba cái môi đồng thanh: ừ nhỉ anh Thái giống chị Nguyệt nhiều hơn là Thúy Vân…Tự nhiên tôi có thêm một gia đình mới, bố đã báo tin cho các con biết, bố đã tìm lại được đứa con gái , nên hôm nay tất cả đều có mặt đầy đủ để bố giới thiệu giọt… máu rơi bên mương làng năm nào của bố.
 Sự quan hệ tình cảm hàng ngày trong gia đình bố Huỳnh Phố cũng như sự ân cần thăm hỏi các con bố làm tôi có cảm tưởng, tôi là con của bố, không còn có cảm giác xa lạ nữa, và tôi yêu mến gia đình thứ hai này như chính gia đình ngày xưa của tôi.
Một hôm tôi về lại quê nhân dịp giỗ mẹ. Lúc thắp nhang tôi nhìn ảnh mẹ, rồi nhìn qua ảnh bố, tôi có cảm tưởng bố gườm gườm giận hờn một điều gì đó, hoảng quá, tôi quay nhìn ảnh mẹ, mẹ nhìn tôi mỉm cười, nụ cười bí mật như nụ cười La Joconde Mona Lisa của Leonard De Vinci . Tôi hoang mang, tư lự mông lung…
 Sau buổi kỵ cơm, mấy em tôi ai về nhà nấy, chỉ còn tôi đứng xớ rớ bên dì  Út . Dì thấy lạ hỏi :
“ Ủa cháu Nguyệt chưa về à! muốn vài dĩa xôi chè đem về cho con phải không?”
“ Dạ đâu có Dì.  Con muốn ở lại chơi với Dì tí nữa về cũng được. Còn sớm mà…Khi nào thì Dì về.
     “Dì ở lại chơi với vợ thằng Mẫn ( Mẫn anh trai tôi) ngày mai  dì về”.
“ Con nói chuuyện với dì môït tí rồi con về. À dì ơi ! Dì có biết ông Huỳnh Phố không ?
“ Ôâng đó giàu nứt tiếng ai mà không biết ! Con ông Huỳnh Phủ đó mà. Gớm ! cha con gì mà đặt tên thấy toàn là phố phường quận phủ…
Tôi nhìn quanh nhà thấy không còn ai lai vãng, tôi  xuống giọng thật nhỏ:
“Dì à…dì có biết chuyện ông Huỳnh Phố với…mẹ con không ?
“Biết ! ”.
Tôi rất hồi hộp:
“Mẹ con nói với dì hả ?”.
“Không, lúc đó dì còn nhỏ, mẹ đâu có nói với dì”.
“ Ủa ! thế sao dì biết ?.
“ Dì nghe bà ngoại con nói”.
“ ? ? ? ”.
“ Tại sao bấy lâu nay dì không nói cho con biết ?”.
“ Ủa, mà tại sao bây giờ con mới hỏi dì ? Dì không nói với con, dì nghĩ ổng sẽ không bao giờ gặp con. Ổng biệt tăm biệt tích, ông Huỳnh Phố…chết rồi ! ”.
Tôi ngập ngừng:
“ Ổng đã tìm gặp con. Mẹ đã nói với ổng về đứa con.. .”
“ Hai “cha con” gặp mặt rồi à ! Ông Huỳnh Phố là người tốt bụng, con nhận làm bố … cũng được.”
“ Dạ, đến ngày thì hai bố con cũng phải gặp nhau ”.
“ Nhưng, ông Huỳnh Phố không phải …bố con.
“ Ủa, kỳ vậy Dì ?
“Người chết mới là…bố con ?”.
“Dì nói lộn rồi. Ông Huỳnh Phố mới chính là bố đẻ con ?”
“ Đừng có cãi,  nghe dì nói đây: Sau đêm ông Huỳnh Phố cưỡng hiếp mẹ con, mẹ con về kể lại cho bà ngoại con nghe. Bà ngoại con sau nhiều đêm suy nghĩ bày mưu cho mẹ con, chờ hơn một tháng sau đến nằm vạ ông Huỳnh Phố, nói là cấn thai một tháng, và một hai cứ đòi tự tử vì bà ngoại con biết dòng họ ông Huỳnh Phố giàu có và nhiều thế lực, vã lại ông Huỳnh Phố cũng là bạn của bố con nữa, thế nào ổng cũng lo cho bố con ra, chỉ có ông Phố mới đem bố con ra được khỏi tù mà thôi. Không ngờ mẹ con làm đúng lời bà ngoại, ông Phố bị trúng kế. Nhờ ông Phố nên bố con mới được về, chứ không cũng ở tù rục xương…Bố con về, mẹ con mới cấn thai”.
“Bố về, nhỡ mẹ con không cấn thai thì sao ?”
“Thì mẹ con bị…sẩy thai .”
Tôi nghe lạnh từ trên xuống dưới, sực tỉnh giấc mơ kinh hòang vừa chấm dứt, một giấc mơ khi người ta tỉnh giấc đổ mồ hôi lạnh. Tôi đứng chết lặng khi nghe dì nói hết sự thật, bàng hoàng như lúc ông Phố cho biết tôi là giọt máu rơi của ông năm nảo năm nao. Bàng hoàng sửng sốt chắc cũng như ông Huỳnh Phố sau khi nghe mẹ tôi báo“hung tin” cấn thai với ông. Không ngờ do bà ngoại tôi lập kế. Tôi không cảm thấy buồn hay vui khi biết mình không phải là con của ông Huỳnh Phố mà cũng không cảm thấy vui hay buồn khi biết mình là con của bố tôi. Cảm giác buồn, vui , vui buồn không rõ rệt, nước mắt tôi một lần nữa trào ra và trái tim tôi thêm một lần nữa yêu thương rộng mở về ông Huỳnh Phố, ông là kẻ bị xí gạt mà không biết. Bây giờ tôi là con của bố tôi, hay bố Huỳnh Phố thì không thành vấn đề nữa, có điều thấy tức cười, khi nghe mấy đứa em tôi nói, đứa em gái kế giống tôi. Đến khi gặp gia đình bố Huỳnh Phố các con ông cũng nói, con gái Út ông Phố giống tôi nữa…Chịu !

 Chuyện mấy người lớn làm tôi nhức đầu quá! Tuổi tôi đã khôn lớn rồi mà nghe xong câu chuyện cứ ngớ ra như đứa trẻ lên năm lên bảy. Tôi nghĩ đến ông Phố, tôi thấy ông là người thiệt nhất, ông chỉ có tội là cưỡng hiếp mẹ tôi, nói cho cùng thì cũng không phải chi là quá đáng, vì trong quá khứ ông đã từng yêu mẹ tôi, và nếu ông không yêu mẹ thì ông sẽ chẳng bao giờ bỏ tiền bạc lo cho bố ra khỏi tù. Nếu ông là người bất nhân, ông sẽ mặc kệ mẹ và để cho bố ngồi tù. Khi bố tôi ra tù, hai tháng sau ông mới đi biệt xứ. Ông muốn xa người ông yêu. Cách quyết định ra đi của ông là hay nhất. Người tuyệt vời nhất trong vụ này là bà ngoại tôi, và mẹ tôi cũng là một diễn viên xuất chúng tài hoa không thua gì các đại tài tử chuyên gia đóng phim, rút được ruột ông đại gia sành sỏi việc đời. Chỉ có bố tôi là vô tư, một đời nghệ sĩ muốn làm gì thì làm, ngay như việc tày trời, chế biến tiền giả tài tình, xử dụng tiền được một thời gian mới bị lộ, và bố ngang tàng tuyên bố dứt khóat: chỉ có dâu mới là con gái, nhưng bố lầm rồi ( quả báo ngay mà) sau này các con trai bố lấy vợ, vợ cũng là…Thượng Đế, vợ là mẹ, nên cần hỏi gì thì bố lo chiều con dâu trước. Thiệt buồn cho đám con bố, con trai trong thời đại này, tội cho mấy đứa con gái “người ta” sau này thay phiên nhau lo hương khói ông bà. Nhưng bố là bố của tôi, mà bố Huỳnh Phố cũng chính là bố của đời còn lại của tôi. Làm cha mẹ có thương con thì sau này con cái mới thương lại cha mẹ. Tôi nhớ lại lúc đến gia đình bố Phố mấy đứa em nói, đứa con gái Út của bố Phố giống tôi…mà lạ thật,  tôi  cũng cảm thấy đúng thế. Chịu !
Từ xa xa, bố Huỳnh Phố với mái tóc bạc phất phơ trong gió xuân đang đi tới. Thấy tôi, nét mặt bố đầy vẻ hân hoan, bố vui rạng rỡ, đưa cả hai tay lên trời ra dấu, bố cười sung sướng. Không bút mực nào tả lại nỗi yêu thương của tôi vào lúc này, tôi phải yêu thương bố nhiều hơn nữa và cuộc sống gắn bó của hai bố con tôi, như một món quà cuối cùng vô giá, sẽ tiếp tục đến hết những tháng ngày còn lại. Mắt tôi sáng ngời mừng rỡ khi vừa trông thấy bố. Tôi hét lên: “ Bố, bố, cảm ơn bố…” rồi hấp tấp chạy nhanh đến sà vào lòng ông như đứa trẻ trông mẹ đi chợ về. Tôi nghe sau lưng có tiếng chim hót, tiếng gió reo quyện theo tiếng cười dòn tan của hai bố con tôi giữa nắng xuân đang về .
Bích Xuân
E- Mail : bichxuanparis@yahoo.com