ANH  ĐIÊN

Bích Xuân,Paris   

Một bóng đen xuất hiện nhô ra, ngay giữa nghĩa địa vào một đêm mùa đông. Người gác cổng nghĩa địa đi tuần, giựt mình khi nhìn thấy một bóng đen đang đứng bất động. Phải chăng đây là ma, hay là một trong những tên thường phá mộ, ăn cắp nữ trang đem về bán lại ? Nếu thật như vậy, tại sao tên này có dáng điệu thật tức cười ! Hắn đang mân mê bó hoa bằng nhựa trên tay. Miệng thì thầm như đang nói chuyện với ai !
     Người gác cổng hồi hộp, nhẹ nhàng đến sát sau lưng bóng đen. Thình lình, bóng đen quay lại, quật người gác cổng xuống đất. A, đây là người chứ không phải ma. Nghĩ vậy, người gác cổng đưa chân đá vào bóng đen. Sau một cuộc vật lộn ngắn, người gác cổng kéo ngược cái bóng kia lên. Bóng đen đứng yên, không cựa quậy. Cuối cùng người gác  cổng buông hắn ra, hắn ta nằm bệt dưới đất. Hắn là một người dơ bẩn, mặc cái áo vết cũ rách bươm, không có sơ mi, để lộ bộ ngực trần, ốm o gầy mòn. Cặp mắt hắn như điên cuồng, với bộ râu xồm mọc lộn xộn, bụi bặm dính đầy. Người gác cổng hỏi tên anh ta hai ba lần, nhưng miệng anh ta câm như hến. Không cách gì nói chuyện với hắn ; với mỗi câu hỏi, hắn đều nhìn người gác cổng, như trời sập trên đầu. Thôi đúng rồi, đây là một tên điên trốn ra khỏi nhà thương điên ! Chả cần gì mà báo cho cảnh sát, mình chỉ đưa hắn lại nhà thương điên là đủ rồi ! Nghĩ vậy người gác nghĩa địa đưa anh ta đến nhà thương điên gần đó .
   
 Ông giám đốc nhà thương điên nói với người gác nghĩa địa : « Ở thành phố này, có rất nhiều loại người điên, nhưng người điên này là một người điên dư thừa trong đám người điên kia. Có nghĩa là người điên này không có tên tuổi ». Ông đang tìm cách để biết người điên này có gốc gác từ đâu ra. Ông giám đốc hỏi người vô danh : « Anh tên gì ?  từ đâu đến ? bao nhiêu tuổi ? » Anh chàng điên  như cái bóng, nhìn ông giám đốc hoàn toàn không hiểu gì . Rồi anh ta bắt đầu run lên và miệng lắp bắp :« Tôi không biết…Tôi không biết…! » Chỉ một câu duy nhất mà hắn ta nói, ngòai ra không nói câu nào hơn nữa.
   
 Ông giám đốc nghĩ : đây là người điên trong trạng thái bị «sốc»  cũng không mấy nguy hiểm, chỉ cần cho anh ta chút thuốc an thần và nghỉ ngơi, chờ người thân trong gia đình đến rước hắn về là xong. Người ta dành riêng cho hắn một căn phòng. Thế rồi anh chàng điên này lăn ra ngủ. Ngủ đêm rồi ngủ ngày. Tỉnh dậy hắn đòi ăn. Ăn thì ăn như hạm, làm như đói lâu ngày lắm rồi ! Ăn xong hắn lăn ra ngủ như chết. Bất ngờ một hôm giật mình thức dậy, hắn ngơ ngác nhìn chung quanh :« Ơ hay ! các ông là ai ? Tôi đang làm gì ở đây ?» Đây là lần đầu tiên hắn biết đặt câu hỏi.  Khi nghe hắn hỏi, người ta nghĩ hắn bắt đầu tỉnh lại. Hắn tiếp tục hỏi :«  Nhà này là nhà gì vậy ? ». Những người làm việc trong nhà thuơng nghĩ hắn là một người điên, nên hỏi lại tên hắn. Hắn ngơ ngác :« Tên tôi hả ? tôi không biết ? ». Rồi hắn cố giương đôi mắt nhìn đăm đăm vào cõi hư vô. Mặt hắn nhăn nhó, tay vò đầu bứt tóc như cố nhớ lại mình là ai, vì mỗi người đều có tên, ai hỏi tức khắc mình trả lời ngay ; đó là phản xạ tự nhiên. Người vô danh này không nhớ đến tên tuổi mình, hơn nữa không biết mình từ đâu tới, và ở trong nghĩa địa khi về đêm để ăn cắp hoa giả để làm gì ? Người vô danh, vô danh chính với anh ta nữa. Ôâng Giám đốc nhà thương kết luận : anh chàng này đã mất trí và quyết định đăng hình sơ lược. Ông nhớ đã gặp anh ta trong trường hợp nào đó. Trước khi đăng hình anh ta lên báo, người ta tắm rửa, cắt tóc và cạo râu anh ta sạch sẽ cho bớt hốc hác xanh xao, vì râu tóc lổm chổm như người rừng của thời tiền sử, nhìn không ra là con người nữa. Sau khi tắm rửa và cắt tóc, anh ta đã trở lại con người bình thường, nhưng khuôn mặt cũng còn ngơ ngác, với đôi mắt trũng sâu lúc nào cũng nhìn thẳng. Trong đôi mắt đó, người ta không thể tìm thấy một kỷ niệm, một lý lịch nào cả. Đôi mắt trống rỗng của người điên lang thang.
 
   Một tuần lễ sau khi đăng hình người điên trên báo, ông Giám đốc nhận được một loạt thư gởi đến, có người đã nhận ra con người đi lang thang, không nhàkhông cửa này, trước đó là một người giàu có sang trọng và rất thông minh, được nể trọng nhất tỉnh. Đó là ông giáo sư  Trần  Hùng nổi tiếng, dạy môn toán học ở đại học Paris  ( Pierre et Marie Curie). Nhưng nghe đâu ông giáo sư này đã chết rồi mà ? Hay đúng hơn ông ta đã mất tích, cách đây 10 năm ? Lúc đó có vụ mặt trận.  Ông ta đã đầu quân trong mặt trận đó và ông bị mất tích. Những đồng bạn ông đã kết luận, ông ta đã chết trận, mất tích không tìm thấy xác trong bom đạn.
     Ôâng giám đốc nhà thương điên, ngắm nhìn người đàn ông điên, một cách chăm chú đặc biệt. Càng nhìn kỹ ông ta càng thắc mắc tự hỏi : Quái lạ, nhìn người này đâu có vẻ gì là một ông giáo sư đại học, mà cả thượng tầng trong tỉnh đều biết, mà ông ta làm gì trong nghĩa địa với bó bông nhựa ?  Nghĩ rồi ôâng giám đốc đến bên cạnh người điên hỏi dò :« Này anh, cái tên Trần Hùng có nhắc đến một kỷ niệm nào không ? » Người điên vẫn thản nhiên, lặng thinh, như chưa nghe đến tên đó bao giờ. Anh ta mệt mỏi, mặt phờ phạc tái xám. Ông giám đốc lại suy nghĩ, không biết anh ta có phải là Trần Hùng không ? Thôi tạm cứ để cho hắn ta nghỉ ngơi thêm một thời gian nữa sẽ hay .
     Gã điên lại ngủ li bì, cả ngày lẫn đêm bỏ cả giờ cơm. Anh ta ngủ bù lại những năm tháng thiếu ngủ thiếu ăn. Anh ta ngủ để quên đi điều gì đó. Hay ngủ để nhớ lại những điều gì đã quên ? .
     Những ngày kế tiếp, có một người đàn ông, mặc quân phục đến tại nhà thương điên, xin gặp ông giám đốc. Đó là thiếu tá Nguyễn Linh. Đi theo sau người đàn ông, là một người đàn bà sang trọng. Mặc quần áo đen, đeo kiếng đen. Một màu đen để tang. Ông thiếu tá nhìn hình người điên trong báo, nhớ lại người bạn thân tình đồng ngũ cùng chiến đấu với mình, đó là giáo sư  Trần Hùng và cũng là người bạn cũ thời còn đi học. Sau đó một người vô nhà binh thành thiếu tá. Một người thành giáo sư đại học. Rồi hai người cùng đi đánh giặc chung.
  
  Hai người bạn gặp lại nhau. Ông thiếu tá Linh chạy đến anh chàng điên kia kêu lên :« Anh Hùng bạn của tôi ơi ! » Khi thấy thiếu tá Linh, anh chàng điên kia cũng chạy lại ôm chầm lấy ông thiếu tá. Anh chàng điên này bỗng òa khóc, vui mừng đã gặp lại người bạn thân của thời xa xưa, nhưng rồi sau đo,  anh điên ngơ ngác, không được rõ ràng trong tâm trí của anh ta. Lúc đó, ông thiếu tá phải nhắc chuyện này chuyện kia, để gợi lại trí nhớ anh ta. Nhưng than ôi ! ngòai vấn đề nhận mặt nhau, anh chàng điên này không nhận ra được gì nữa. Trí nhớ của anh chàng này còn chập chờn mơ hồ! Mỗi một câu hỏi của thiếu tá Linh anh ta phân vân, cố nhớ mà không nhớ ra.ŽNhưng điều chắc chắn là anh ta nhận ra được người bạn thân của mình, thế thôi. Ngòai ra không nhớ gì nữa.
   
  Cuối cùng anh điên cũng nhận mình tên Trần Hùng, vì người bạn gọi đúng tên mình, tại sao mình không nhận ! Anh chàng điên này bắt đầu biết lý luận. Lạ nhỉ ? mình  đã mất tích từ năm…Bị thương sao ? Nếu bị thương sao mình không thấy có vết thẹo gì cả ? Mình là tù nhân sao…! Ngay lúc đó người đàn bà mặc đồ đen, lấy đôi kính mắt ra nhìn vào người điên chăm chăm, như  đang còn trong mê tỉnh, hầu như là mất trí. Bây giơ,ø tới lượt người điên giật nẩy mình : A vợ mình ! Ngọc Hạnh đây rồi…Làm sao có thể quên được khuôn mặt, vóc dáng em, dù có giận hờn oán ghét, cũng không thể nào quên được em…Nghĩ vậy, người điên giang đôi tay ra một cách ngại ngùng để đón bà vợ.ŽNhưng người đàn bà kia cũng e ngại, nhìn người đàn ông điên một cách lưỡng lự: Ô hay ! có phải người đàn ông điên này là chồng mình hay không ? đương nhiên là sau 10 năm, với cuộc sống kham khổ ổng phải già hơn, phải thay đổi ! Nhưng anh ta đã thay đổi quá nhiều. Bà Ngọc hạnh do dự không muốn nhào lại, bởi chưa chắc nên còn rụt rè chưa dám.

 Riêng người đàn ông điên khi tỉnh ra, đã biết người đàn bà này tên là Ngọc Hạnh là vợ và ông thiếu tá là bạn mình. Ngòai hai điều nhớ kia, người đàn ông còn nhớ, mình là một giáo sư trước kia nữa. Ba điều nhớ và nhớ một cách chắc chắn: « Ngọc Hạnh ! em không nhận ra giọng của anh sao ? Bàn tay này, chính của anh đây mà…Anh bảo đảm với em chính anh đây ! » Nhưng bà Hạnh nhìn anh ta một cách dò xét, và nói với ông giám đốc một cách nhút nhát,  xin để bà và người đàn ông này nói chuyện riêng trong một phòng kín. Chỉ có cách này mới đem lại giải pháp nhanh nhất .
Sau cuộc nói chuyện, bà Hạnh ôm chầm lấy người đàn ông mắt ứa lệ, khi biết chắc đây là chồng mình. Làm sao mà họ nhận ra nhau ! Đó là chuyện của họ, chuyện này mình không cần biết, vì không liên quan đến mình…Trong phòng kín vừa qua, chắc chắn có dấu vết gì đó ở trên thân thể của hai người. Hoặc là «…Bàn tay này chính của anh. Anh bảo đảm với em, chính của anh đây … »
     Thế rồi bà Hạnh làm thủ tục, đưa chồng trở về lại ngôi biệt thự của vợ chồng bà. Mọi nguời mong rằng, sau khi ông giáo sư trở về chốn cũ, nơi mái nhà xưa, tự động ông ta sẽ tìm lại được trí nhớ hòan toàn hơn bây giờ. Ông Trần Hùng nhìn lại các con một cách bỡ ngỡ, vì chúng bây giờ đã lớn. Khi các đứa con gọi bố bố, anh ta từ từ nhớ lại những kỷ niệm gia đình. Kể từ ngày đó, anh bắt đầu sống lại nhân vật cũ. Từ từ người điên bớt điên, nhờ gia đình mời các bác sĩ giỏi nhất về chăm lo, săn sóc sức khỏe cho ông. Ông Trần Hùng đang nhặt lại những mảnh vụn của trí nhớ, để ghép lại với nhau, bởi những mảnh vụn của trí nhớ phiêu bạt tản mác khắp nơi sau hơn 10 năm qua.
      Thời gian không bao lâu, sau khi ông Hùng xuất viện. Có một người đàn bà mặc bộ quần áo tồi tàn rách rưới, đến nhà thương điên tự xưng tên mình là Hoàng Dung. Tay phải của bà dắt đứa bé trai hai tuổi, tay trái cầm tờ báo, có in hình ông Trần Hùng. Bà nhận là chồng mình, và cũng là cha của đứa bé này, và đòi gặp ông Trần Hùng gấp. Nét mặt người đàn bà có vẻ tức giận. Ông giám đốc nhìn người đàn bà nghi ngờ: « Bà nhìn lầm người rồi. ». Người đàn bà quả quyết: « Tôi không lầm, đúng người trong hình này là chồng tôi tên là Phan Văn Tuấn ». Vừa nói người đàn bà liền móc trong xách ra xấp giấy tờ: « Đây là hình ảnh và giấy làm việc có mang tên chồng tôi. Anh ta bỏ đi để lại những giấy tờ này. Tất cả đều mang tên Phan Văn Tuấn. Tôi lấy ổng mang tên họ của ổng, và ông chồng tôi là thợ in ». Nói xong người đàn bà xổ ra một lô tiếng chửi rủa ông chồng thậm tệ. Ông giám đốc nghĩ thầm sắp có thêm một người điên nữa.Ž Ông vừa nhìn người đàn bà vừa nói: « Ông trong hình là một giáo sư giàu có, và rất thông minh về môn toán học, dạy tại đại học Paris . Tên ông là Trần Hùng. Ông Hùng  có vợ hai con. Vợ ông ta đến nhận chồng, đưa ông ta về nhà rồi ». Người đàn bà giận dữ, ôm con khóc la thảm thiết. Cuối cùng bà ta yêu cầu cho bà ta giáp mặt với ông Trần Hùng, và xin mấy người nơi đây làm nhân chứng. Bà nhất định đòi gặp mặt chồng, và một mặt hung hăng đi báo cảnh sát.

 Bà bồng đứa con đưa cho tất cả mọi người xem, đứa bé giống hệt bố nó như hai giọt nước. Mọi người nhìn nhau không hiểu gì cả! Ông Trần Hùng là giáo sư, hay là thợ sắp chữ ? Một người là quyền quý, được mọi người kính nể. Một người là tên thợ sắp chữ vô danh ! Nhưng đã điên khùng thì làm sao biết sắp chữ ? Nếu đã sắp chữ được thì đâu có điên...Một người có hai lý lịch ! Hay là hai người có hai lý lịch ?
     Cuối cùng câu chuyện được báo chí loan truyền khắp nơi. Mọi người bàn tán xôn xao trong thành phố, có sự lừa gạt gì đây! Tiếng đồn bay đến tai gia đình Trần Hùng. Họ hạch hỏi ông Hùng với những lời trách móc. Ông Hùng ôm đầu rên rỉ, như muốn điên trở lại. Ông muốn ẩn trốn một nơi nào đó để được yên thân. Nhưng không biết đi đâu, chỉ còn mỗi một chỗ là không ai quấy rầy mình,  vào lại nhà thương điên là chắc ăn. Bây giờ mình không biết mình là ai nữa rồi…
     Ông Hùng nhận được giấy cảnh sát, cho hay sẽ dàn xếp để có buổi gặp mặt với bà Dung. Hai họ gia đình Trần Hùng phân vân, không biết có nên gặp không ? vì nghe nói cô ta nghèo nàn rách rưới dơ bẩn lắm ! Mặc dầu chưa đến ngày hẹn, nhưng người đàn bà Dung ngày nào cũng bồng con, đứng trước cổng dinh biệt thự, kêu tên chồng khóc lóc chửi bới. Trên tay lúc nào cũng cầm những tờ báo có đăng hình ông Trần Hùng.
    Ngày gặp mặt để hai bên đối chất cũng đã đến. Khi người đàn bà thấy ông Hùng, bà chắc chắn một cách quyết liệt, đó là chồng mình. Còn ông Hùng nhìn Hoàng Dung và đứa con trai, ông không một chút xúc động nào. Ông nhìn trân trân vào hai mẹ con người đàn bà đang khóc tức tưởi đứng trước mặt ông. Ông cố nhớ lại, nhớ lại… Nhưng chịu, ông không tài nào nhớ nổi. Cảnh sát hỏi ông có nhớ gì không ? Ông nói: «Tôi không nhớ ». Rồi ông chạy lại ôm chầm lấy ông giám đốc tả oán: « Ông đã cứu tôi thóat ra khỏi cơn điên loạn, tôi tưởng đã được thoát nạn. Bây giờ tôi muốn điên trở lại đây ông ơi ! Tại sao người đàn bà và đứa nhỏ kia là vợ con tôi ! Tại sao vợ và hai người con trước tôi lại nhớ ra, còn người này tôi lại không nhớ ra ! Đối với người vợ trước, tôi là người được hồi sinh, với người vợ thứ hai này tôi lại không nhớ ? Tôi đúng là tên ăn mày dơ dáy khốn kiếp…Tôi sợ lắm ! Tôi không nhớ gì nữa, vừa tỉnh ra muốn điên trở lại. Trời ! ».
     Ông giám đốc nhà thương cố khơi chuyện để ông Trần Hùng nhớ : Ông cố nhớ lại một lần nữa, mới giải quyết được chuyện này, vì câu chuyện người đàn bà và đứa con trai nhỏ kia nan giải quá ? Mà vô lý ! người vợ nghèo đã đưa tất cả các bằng chứng không thể chối cãi được ! Ông hỏi ông Trần Hùng :
      - Anh cố nhớ lại đi ! Anh lấy bà vợ nghèo này lúc nào! 
Trần Hùng lắc đầu:
      - Tôi không nhớ ! 
  Ông giám đốc lại hỏi :
      - Thế anh nhớ lấy bà vợ «  lớn » lúc nào ?
Trần Hùng nói :
      - Tôi cũng không biết !
Trần Hùng vẫn nói không biết. Ông giám đốc kiên nhẫn hỏi :
- Thế người vợ « lớn » anh bỏ lúc nào ?
Ông Trần Hùng lắc đầu . Ông giám đốc tiếp tục :
      - Thế anh bỏ bà vợ nghèo từ lúc nào ? 
Trần Hùng nhíu đôi lông mày lại, và nói:
     - Tôi cũng không nhớ ! Có lẽ là tôi lấy cả hai, và tôi bỏ cả hai. Ông hỏi như vậy, chẳng khác nào ông hỏi tôi, giữa hai ông Leibniz hay là Newton ai là người khám phá đầu tiên ra phương pháp hệ số (fluxions) để đi tới cách tính vi phân (calcul différentiel) trong toán học. Mọi người đều biết cả hai đều kiếm ra phương pháp cùng một lúc. Hỏi tôi, một lúc là chồng của hai bà này, bố ai mà biết được ! Hai bà này là …vợ của tôi !

Khi nghe Trần Hùng nói đến tóan học, ông giám đốc nghĩ ngay Trần Hùng bắt đầu biết so sánh, biết đem tóan học ra ví von chuyện của mình, là bắt đầu Trần Hùng tỉnh ra trong môn tóan. Trong đầu ông giám đốc lóe lên tia sáng lý luận. Ông kêu lên : « Ô ! đã tìm ra được rồi ! như Archimede. Ông Trần Hùng và Phan Văn Tuấn là một. Sau vụ đánh giặc ông ta mất tích,  ông điên một thời gian. Sau đó ôg tỉnh lại, tỉnh lai sau một trận điên lớn nên ông Hùng mất trí nhớ, quên lý lịch cũ, quên luôn chữ nghĩa, nên ông tạo ra một cái tên khác là Phan Văn Tuấn để đi làm vớ vẩn. Ông đi học nghề in, rồi đi làm thợ sắp chữ. Thời gian làm thợ sắp chữ ông đang lơ lửng thì gặp Hoàng Dung, rồi ông cưới cô vợ nghèo nàn xấu xí này, hai người có con với nhau, là đứa bé trai vừa kể trên.
Sống với Dung không được bao lâu, cơn điên ông trở lại. Rồi ông ta bỏ đi lang thang. Ông bỏ đi biệt tích vì cơn điên lúc đó, nhưng Dung không biết ông lên cơn điên mới bỏ đi. Trước khi lấy chồng, Dung không hề biết  gì về dĩ vãng chồng. Chỉ biết chồng mình là Nguyễn Văn Tuấn làm thợ in. Khi ông chồng bỏ đi, nàng  oán giận chồng, tại sao tự nhiên bỏ đi như vậy.
 Một con người mà hai lần điên. Điên sau khi bị mất trí rồi tỉnh ra, lấy vợ có con, sau đó bị điên trở lại. Nhờ người gác nghĩa địa bắt gặp, đem giao vào nhà thương, đến khi gặp bà vợ cũ ông tỉnh lại, và nhớ lại những gì trước đó. Còn khi lấy người vợ thứ nhì, ông lấy trong lúc không được tỉnh táo, nên ông không tài nào nhớ .
      Bên gia đình vợ của ông Hùng, làm nhà mới và cấp dưỡng tiền bạc mỗi tháng cho bà Dung để nuôi ăn con học thành tài. Còn ông Hùng sống với người vợ thứ nhất là Ngọc Hạnh và hai đứa con chung của hai người. Trong lúc sống với bà vợ lớn, không biết ông có tới lui thăm viếng hai mẹ con của người vợ sau này không biết ? Hay là ông vẫn còn nửa tỉnh nửa mê ?  Đoạn cuối ai biết được !

Bích Xuân, Paris
bichxuanparis@yahoo.com