Tạp chí Á CHÂU,  Paris

                                      Tình Thơ của Bích Xu
ân
  
                                                                          Lê Mộng Nguyên

Tôi biết tiếng Bích Xuân đã từ lâu, nhưng mới được làm quen và gặp lần đầu tiên nhờ nguyệt báo Tin Tức giới thiệu nàng trong số 59 vừa qua, nhân dịp thi tập Bao Giờ Anh Đi ra đời, mà tôi được hân hạnh giới thiệu cùng quí vị hôm nay.
« Nhà em ngang mé sông Seine
Đường cầu bắt nhịp rung bên hoa đào »
             ( Mái nhà bên sông )
Qua Pháp năm 1978, làm thơ bắt đầu 1988 từ nơi trú ngụ trong một làng đẹp cạnh Paris, Bích Xuân đã làm rung động bao nhiêu trái tim những kẻ tha hương với hai tác phẩm đầu : Bao giờ Em Quên (1994) và Chàng (1996 ), được toàn thế giới văn nghệ sĩ Việt Nam tại Âu Châu, Hoa Kỳ và Gia Nã Đại nồng nhiệt đón chào. Thi tập thứ ba Bao Giờ Anh Đi, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết lại nỗi cảm xúc của người đọc, vì theo ông : « Đó là những bài thơ chan chứa tình quê hương, man mác tình người, ấm áp tình đời... »
Nhà văn Tô Vũ đã viết : « Nếu ta gắn liền với ba tựa đề, ta thấy có một sự liên tục như tựa đề của những tập chương, của tiểu thuyết Roman à épisodes hay Feuilleton ». Theo tôi, Bích Xuân không những là một nhà thơ có biệt tài mà còn là một nhà luận lý học đã vô tình hay cố ý trình bày tác phẩm đầu tay Bao Giờ Em Quên như một luận đề (Thèse), Chàng- xuất bản hai năm
sau là phản đề (Antithèse) vì đó là tượng trưng người đối lập với nàng với tất cả sự phủ phàng của người đàn ông. Tập thứ ba cho ra năm nay : Bao Giờ Anh Đi là tổng hợp ( Synthèse) của một mối tình dang dở :
« Anh đường anh tôi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi »
Hai câu thơ của Thế Lữ viết tặng tác giả « Đoạn tuyệt » Nhất Linh, có thể áp dụng vào thi tập thứ ba, vì theo lời báo tin ở trang bìa sau, Bích Xuân sẽ xuất bản BÂY GIỜ EM VUI để kết luận (Epilogue) một mối tình dang dở của nàng tương tự như « Lỡ bước sang ngang » của nhà thơ Nguyễn Bính.
Bích Xuân đã thổ lộ tâm tình trong lời ngỏ : « Thần linh đã lặng lẽ an bài cho số kiếp, nhưng định mệnh cố tình chọc phá, để lòng tôi phải nát tan ». Bao Giờ Anh Đi ? Anh phải đi, xa anh em mới vui được ít nhiều. Tình nàng thật là mâu thuẩn, vì :
« Anh chưa đi mà nghe lòng hun hút nhớ
Thấm qua đời rớt xuống lá lạnh băng »
À, vậy ra Bích Xuân mong mỏi người yêu ra đi, chóng đi, đi ngay để nhà thơ trong nàng có dịp diễn tả lòng bùi ngùi thương tiếc người xa vắng, để dược sống một đời cô đơn, lạnh lẽo, cái tình này phải chăng là một nhiệt tình biến thái (Masochisme) mà người mắc chứng ấy chỉ thích chịu đau đớn một mình ? Không, tôi không tin rằng nàng thuộc về hạng ấy, vì tình nàng với chàng thường rất nhẹ nhàng, như một làn gió thoảng :
Tình anh như ánh trăng ngời
Hương yêu êm ấm trong đời sống em
               (Một ngày trong tuần)
Được biết Bích Xuân sinh quán tại Quận Ba ĐàNẵng, tôi nhớ hai câu :
Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành !
Lẽ dĩ nhiên phải biến thành
Ngọc mùa xuân, Quảng ra chơi
Thành đô Huế đẹp muôn đời nhớ thương !

Than ôi ! tôi tìm mãi Huế trong thơ Bích Xuân. Không một lời bóng gió, không một lời ca ngợi núi Ngự sông Hương, mà chỉ thấy bức vẽ phác họa những chân trời lạnh lẽo miền Bắc Âu hay nắng đẹp miền Tây Hoa Kỳ :
Bóng người còn dấu chân trên tuyết
Tôi nặng bâng khuâng bước đường về
hoặc :
« Nắng Cali đưa màu hương sắc nhớ
Dưới trăng mờ đôi bóng lặng nhìn nhau
Ngày em về phản phất tiếng mưa ngâu
Thành phố lặng chờ nhau chiều hoang vắng »
Và Paris ! từ nhà « ngang mé sông Seine » ở Ivry cứ rõi theo bờ sông thì ngay đến kinh thành ánh sáng :
Anh đến Paris để làm gì ?
Đến như cánh én vụt bay đi
...
Và tình thương mẹ đã qua đời :
Tương tư mẹ
Để muôn sương rơi đọng
Ngang qua đầu thương nhớ
Mãi ngàn sau mẹ ơi...
Hoặc tình chị em
Đầu thư đề chúc câu hạnh phúc
Duyên chị còn đâu - đã lỡ làng
Và tình đạo, một đêm xuân, nhà thơ đến chùa Khuông Việt Oslo :
Bỗng nhiên lạc bước đến đây
Trầm hương tụ dựng theo mây dẫn đường
Nhập nhòe dưới ánh trăng sương
Cành mai vàng chín đã hương ngạt ngào
                            (Lạc bước đêm xuân)
Diễn tả cảnh vật thiên nhiên, thi sĩ đã làm cho người đọc thơ nàng có cảm tưởng hợp hòa với những bức tranh của phái ấn tượng. Ta hãy lắng nghe :
Rung rinh gió nhẹ thướt tha
Hiền như giải lụa bay sà bước chân
                          (Như sóng lụa mềm)
Trong bài « Qua khe suối buồn » thua gì Hồ Xuân Hương trong ( Than Thân)
 Xiêng ngang mặt đất, rêu từng đám
Đâm toặc chân mây, đá mấy hòn
Ngàn nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con
Đã làm cho trí tưởng tượng chúng ta lạc loài trong thiên đàn say. Hãy nghe Bích Xuân :
« Ưỡn mình nhấp nhá lặng nghe
Những đường tên ngọc qua khe suối buồn
Bông cỏ rủ xuống run run
Thẻo hơi uống nữa khói luồn ấm da »
Trước khi tôi chấm dứt, tôi xin cống hiến quí vị một vài dòng thơ của Bích Xuân mà tôi cho là tuyệt mỹ :  Trong bàì « Hương phù du » đã được nhạc sĩ Trịnh Hưng phổ nhạc, chẳng hạn bốn câu :
« Cúi hôn mặt đất như vôi
 Hư vô như chết mình tôi bên đường
Ân tình một tiếng yêu đương
Liệng tôi trong đám mười thương gợi sầu »
Hoặc « Cho em vui », nhưng thì thầm, hồn nhiên và giản dị, như một giấc mộng bình thường, rất Lưu Trọng Lư :  (Ta mơ trong đời hay trong mộng ? Vùng cúc bên ngoài động dưới sân)
...Gặp anh em ngỡ hương làng lúa non
Ngoại ô dưới chân đèn mòn
Rì rào tiếng gió lạc hồn gái quê

Thơ đẹp và nhẹ nhàng như thế thì sao mà Người lại đau khổ ? Theo tôi, so sánh Bích Xuân với T.T.K.H. hơi qúa đáng, T.T.K.H. mà Hoài Thanh - Hoài Chân đã công nhận « Một nỗi đau đớn trần truồng, không ẩn sâu liễu chương đài như nỗi đau đớn của nàng Kiều ngày trước ».
Không Bích Xuân không giống như tác giả « Hai sắc hoa Ti- Gôn » hay số phận nàng Kiều (« Khi về hỏi liễu chương đài, Cành xuân đã bẻ cho người chuyền tay »), mà chỉ là Bích Xuân thôi, một nhà thơ mỹ miều, một tài năng mới đã tự chấp cánh bay mà quí vị và các văn nghệ sĩ chào đón hôm nay với tác phẩm BAO GIỜ ANH ĐI trong vườn hoa thơ mộng của muôn đời.

Lê Mộng Nguyên