Nguyệt san Nghệ Thuật (Canada)                                                        

                                "Trước Khi Mùa Xuân Đến" của Bích Xuân

                                                                     Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên

Ngày 9 tháng 9 tại Asia-Palace bắt đầu lúc 19 giờ...Tác phẩm này có hiệu quả gây hấn ngay từ giây phút đầu một luận chiến (une controverse) dính dáng mật thiết đến sự nghiệp thơ và gia tài văn học của tác giả. Bích Xuân phải chăng là một nhà văn nữ đã áp dụng một lối viết riêng biệt trong làng văn nghệ hải ngoại ?
Bích Xuân với «Trước Khi Mùa Xuân Đến» là một nhà văn tiêu biểu hay không một học phái văn chương Việt Nam chuyên môn về luyến ái (érotique) hay về tiểu thuyết tà dâm (roman pornographique) ? Ta biết rằng ngoài 10 bài bút ký, «Trước Khi Mùa Xuân Đến» gồm vọn vẽ 12 truyện ngắn mà trong đó chỉ có 2 truyện : Nửa Đêm Chọc Tức và Một Hai Ba Bốn là có thể xếp vào hạng truyện có đôi lúc diễn tả tình yêu xác thể một cách thực tế. Ai cũng phải công nhận là đối với xã hội Việt Nam, sự lột trần xác thể của người đàn bà do một nhà văn phái nữ là một điều cấm kỵ tuyệt đối ; thế mà BX đã bỏ qua một cách dễ dàng, như một sự thử thách ! Về mặt thơ (BX trước hết là một nhà thơ), bài «Con Mèo» trong thi tập «Bây Giờ Em Vui» chẳng hạn là một tỉ dụ thơ khiêu gợi luyến ái không làm sao chối cãi được, nhưng không có gì nhơ bẩn :
Ước gì em biến thành mèo,
Để em cào xé leo trèo trên anh ... vân vân.

Ta có thể nói - bất luận tỷ lệ (toute proportion gardée) - là BX có nhiều vần thơ tinh khiết hơn Baudelaire, tác giả «Les Fleurs du Mal» (1857) hay Verlaine, tác giả « Les Fêtes Galantes » (1869). Trở lại vấn đề «Trước Khi Mùa Xuân Đến » ta hãy lắng nghe đoạn sau trích từ « Nửa Đêm Chọc Tức » : Nhớ đêm Noel, tôi nằm vật ra tóc tai rối bời, để chàng đổ rượu nửa ngực, trên thân xác trần truồng, nuột nà mịn tăm...Rồi như con ngựa tinh khôn, chàng đưa răng cắn vào...Tai, cổ tôi nóng hổi như đêm hừng hực, âm vang như những que tăm, châm chích nghe rợn cả người... Bối cảnh soạn sửa cho giao cấu thực sự giữa hai tình nhân mà ta thường thấy nhiều lần trên đài truyền hình Âu Tây ngay trong những giờ đầu đêm (heures de grande écoute) đã được BX diễn tả một cách rõ ràng với nhiều hình ảnh khao khát dục vọng ».. qua lời văn lãng mạn (như nàng đã viết trong Thiếp Mời), chát bỏng mang đậm màu sắc yêu thương, cũng như Emmanuelle ARSAN, tác giả L’anti-vierge Emmanuelle... với lối văn khiêu gợi xác thể một cách trắng trợn (mặc dầu đầy tài năng) đã gây mối ác bình (causer du scandale) trong xã hội luân thường đạo lý của Pháp trong những thập niên qua. Thêm đoạn sau (cùng trong một chuyện) có thể nói là còn táo bạo hơn nữa : Thỉnh thoảng như xuất quỉ nhập thần, tôi thò tay vào quần chàng đùa nghịch. Trên da non âm ấm, mấy ngón tay như con sâu bò lung tung, trên bụng, trên rốn... tác giả. «Trước Khi Mùa Xuân Đến » đã quên hết sự thơ ngây của một nhà thơ nữ cần phải giữ bề ngoài những bẽn lẽn thẹn thùng. Nhưng cuộc tình duyên với người láng giềng trên lầu cùng một khu nhà cửa không ngày mai, vì Raymond mê say làm việc (nghề thầu khoán xây cất nhà)... chàng đang từ từ, tiến dần đến sự bất lực, của sự cọ sát cơ thể... Chàng nằm trơ trơ, trầm tư u-mặc như khúc gỗ... » Cuộc giao kết giữa người thiếu phụ da vàng với ông Tây láng giềng đến đây là chấm dứt : Thế là xong coi như là chuyện xa lạ với mình. Chỉ còn lại những dư âm rắm rối, rồi cũng sẽ bay theo ngày tháng nhạt nhòa.

Một Hai Ba Bốn... kể lại một gặp gỡ trên máy bay giữa Sophie (Xuân) gái Việt với Claudel Nabonne (người Pháp). Chàng cư ngụ tại Mỹ, qua Pháp thăm mẹ ở Normandie, trong lúc nàng ở Paris. Gặp nhau lại ở đô thành Ánh Sáng và trong một đêm dạo chơi bên bờ sông muôn thuở : Claudel ôm chặt tôi trong lòng. Tôi run rẫy, trời đất như ngưng đọng, sông Seine như con ốc đang chìm giữa biểná; Tôi rơi vào thung lũng muôn ngàn cỏ dại đê mê, thấm dưới làn da mịn mỏng manh. Claudel chuyền hơi ấm, trên môi, trên lưỡi, trên mắt tôi...Biết chàng (nhờ một sự tình cờ) có vợ nhưng dấu nàng, Xuân từ hôm ấy không trả lời điện thoại cho Claudel mặc dầu biết chỉ còn hai ngày thôi chàng phải trở lại Hoa Kỳ. Một buổi sáng, Claudel bấm chuông tại nhà và cho Xuân biết rằng vợ chàng đã mất cách đây 5 năm trong một tai nạn xe hơi lỗi tại chàng...“Tôi sà vào lòng Claudel như đứa trẻ mới bắt đầu yêu. Claudel đang dìu tôi từng bước...Một. Hai. Ba. Bốn. Bước...đến giường. Claudel đang nghe tôi khe khẽ, nhưng tôi thì không biết tôi đã nói gì…

Thêm một câu hỏi quan trọng : Chúng ta có nên lên án thiêu đốt nữ sĩ BX đã viết hai bài có tính chất luyến ái trong một cuốn sách gồm tất cả 12 truyện ngắn và 10 bút ký, như một bà phù thủy dưới thời Trung Cổ ? Trong truyện Trước Khi Mùa Xuân Đến (mà cũng là tên của tập truyện) đề cập đến cặp vợ chồng Pháp Việt với 4 đứa con (hai trai hai gái), trạng huống của gia đình thật là đặc biệt : Patrick, người Pháp, chấp nhận cho Trang là vợ chính thức của mình tiếp tục (vì sinh kế) đi làm vũ nữ ban đêm. Hai vợ chồng ở cùng chung một nhà nhưng không nằm một giường. Một đêm, (tôi xin trích) : Không thể dằn được nữa trong niềm hoang tưởng lạc thú, đi đến kiệt cùng của khát khao... Patrick vùng đứng lên, đến ôm chặt Trang vào lòng, rồi vật nàng xuống hôn tới tấp. Hai tay nàng bị khóa kín không vùng vẫy được, nàng bị đè bẹp như con thằn lằn. Patrick cảm thấy còn yêu vợ nồng nàn, như những đàn ông khác từng yêu Trang...

Đó chẳng qua là ý niệm và hành động chính đáng của một người chồng đối với vợ; ngay cảnh tượng tác giả vừa tả lại trên cũng không có gì đáng nói về mặt luân lý ! Trong "Bao Giờ Cũng Chứa Chan "là một truyện (hay tự truyện), tác giả tường thuật cuộc đời của một cô gái đẹp tên là Xuân Ly trong một gia đình 7 con với một người cha hay áp bức mẹ nàng cho nên bà thường âm thầm khóc một mình mỗi đêm khuya. Lẽ dĩ nhiên là nàng thương mẹ, oán ghét cha, cho nên nhận lời cầu hôn của Phúc để thoát ly gia đình. Nhưng Phúc có máu nghiện cờ bạc, ma túy, nên nàng bỏ chồng một năm sau, trở về nhà cha mẹ với một đứa con gái là Quế Trâm. Từ đó, Xuân Ly gặp chú Tường và chú Tường bắt đầu yêu cháu Xuân Ly: Chú Tường ôm hôn Xuân Ly thật lâu, nàng ghì chặt chú, môi luôn luôn mấp máy, tràn huyết quản rân rân, và cảm giác thú vị hiện rất rõ...Bây giờ nàng đã yêu chú Tường, thì lại xa hẳn chú. Vì “chú Tường quyết định xa nàng” để tránh khỏi tội loạn luân. Còn chuyện tình nào tươi đẹp bằng sự chia ly rất hợp lý này ?

Tình mẹ con được tác giả lược thuật trong ba bài : 2 truyện "Mẹ Tôi" và "Con Dưng Ơi" và 1 bút ký : "Véronique", rất ý nhị và nhớ nhung. Hai bài cảm động nhất làù: “Mười Một Giờ Ba Mươi" và “Nỗi Niềm” Người Việt khắp nơi, ai cũng nôn nao theo dõi vụ án của anh. Rồi qua sáng hôm sau ngày...em được nhìn rõ hình anh trên Internet, giữa khoảng trong xanh mây trời ve vuốt. Anh trong bộ quần áo nhà tù màu vàng nghệ, bước ra khỏi trại giam. Anh gầy đi rất nhiều, nhưng rắn rõi cương quyết, ánh mắt bình thản, tự tin...Ai cũng đoán biết người yêu của BX ở đây là một vị anh hùng của đồng bào hải ngoại, một chàng phi công can đảm hiện bị giam giữ tại Thái Lan. Bức thư gửi cho người yêu kết thúc như sau : Anh, mình nhớ nhau, là mình như tiên anh nhỉ ? Tình yêu mầu nhiệm quá phải không anh ? Nhất là ai đó đã chi phối những suy nghĩ bồi hồi, tâm trạng kẻ đang yêu một cách đậm đà như em. Anh, đêm nay em đang nghĩ đến anh bên bàn rượu, kề bên góc ngọn đèn hoa kín mít mà nghe rất ồn ào trong em “cơn say suốt sáng, trận cuồng thâu đêm” (San Diego, 29-04-2001). Thư này Bích Xuân gửi cho người yêu từ San Diego (Hoa Kỳ) sau khi tham dự buổi lễ kỷ niệm Đệ Thất Chu Niên Nguyệt san Nghệ Thuật trong đêm mồng 7 tháng 4 tại St-Hubert (Québec,Canada), mà nàng đã tường thuật lại trong bút ký “Tình Nghệ Sĩ Tại Montréal” Trong hai tuần ở Montréal tôi và ông già Trịnh Hưng ngày nào cũng được đưa đi chơi...Và đến ngày phải từ giã Montréal : Tôi sẽ đổi máy bay tại Toronto để qua Hoa Kỳ. Ông Trịnh Hưng bay thẳng về Pháp. Tôi không biết bao giờ sẽ trở lại nơi đây nữa, để đứng dưới ánh đèn sân khấu, hát những bài ca nhẹ nhàng, tha thiết cảm động trong “Đêm Nguyện Cầu“,“Một Cõi Riêng Ta“,“Cảm Ơn“...Tôi quay nhìn ngược lại thành phố, thành phố dần dần thu ngắn lại, đang xa dần trong đám sương mù tím úa, và cổng máy bay nhấp nhóa sáng lòe...

Trong những bài bút ký khác, phần đông Bích Xuân kể lại những cuộc tuần du ra mắt bốn tập thơ xuất bản từ năm 1994 đén 1998 và CD “Có Những Chiều…” tại Pháp, Đức, Na-Uy, Canada và nhất là Hoa Kỳ, tất cả 22 lần: Ra mắt tại Mỹ là nhiều nhất (theo nàng viết trong bút ký “Về Một Nơi Ở Trọ”), hơn 10 tiểu bang trong nước. Có những nơi tôi trở lại lần thứ hai, riêng tại Orange County (Cali) thủ đô tị nạn của người Việt, có khi tới ba lần ra mắt trong một tháng. Tôi có điều kiện để ra mắt sách, và tôi cũng thích về văn nghệ. Việc ra mắt sách là một cái cớ, để tôi có dịp đi ngao du rong chơi đó đây. Tôi làm thơ xoàng thôi, tôi tự biết thế. Không ngờ mình may mắn, được các bạn yêu quí, nên những buổi ra mắt thành công dễ dàng...Trong 10 bài bút ký hoặc hồi ký, BX đã kể lại những chuyến đi với một hành văn lưu loát, nhẹ nhàng trừ phi (tôi muốn nói chung cả tập truyện) vài chữ về tiếng Huế không đúng cho lắm, hoặc đôi chữ suồng sã, như trong “Uncle Tom” chẳng hạn...Mình sẽ mặc bộ quần áo nào cho ra vẻ lịch sự, vẻ tây một chút! Chắc là mặc jupe màu đen, ôm sát từ mông xuống đầu gối... Hoặc lỗi xuyết tự (faute d’orthographe) : khoái lạc viết như sương khói biên thùy (trang 12). Để kết luận, ta có thể nói một cách tổng quát : phần “bút ký” hay hồi ký hay những truyện (mà thật ra là tự truyện) là lãnh vực mà nàng được nhiều kết quả tốt đẹp nhất. Mặc dầu tình bạn mỗi nơi nàng đi thăm viếng toàn rất nồng hậu, ta cảm thấy qua những kỷ niệm rải rác khắp bốn phương, một sự buồn rầu không thể tả : Chim bay hoài cũng sắp mỏi cánh rồi anh ạ...Ngày 20 tháng 6 thì em mới về lại Paris...Đó là hai câu đầu của một E-MAIL nàng gửi cho tôi từ San Diego ngày 12 tháng 5...Nàng ở lại đây để đợi ai ? Phải chăng là người yêu cuối cùng mà nay vì bổn phận đối với tổ quốc đã mất tự do ? Đó là tất cả cái thê lương của một nhà thơ, nhà văn nữ mà sau những chuyến đi khắp năm châu với bao nhiêu thân hữu đón tiếp nồng hậu, nhưng với thời gian qua đã cảm giác một sự cô đơn tận cùng như tiếng kêu tha thiết của thi hào LAMARTINE trong bài thơ L’ISOLEMENT (Cô Quạnh) :
Chỉ thiếu bóng một người
Đời ta như hoang vắng
UN SEUL ÊTRE VOUS MANQUE, ET TOUT EST DÉPEUPLÉ !
Lê Mộng Nguyên
PARIS, ngày 9 tháng 9 năm 2001.