THANH TUYỀN trong  ước bình thường
      Bích Xuân
 
Paris vào đông, mùa của yêu đương nhung nhớ. Mùa đông dễ khiến cho những ai có tâm hồn lãng mạn dễ đa cảm, đa sầu. Khi cảm xúc tình cảm bằng con tim thì những suy nghĩ theo đó mà tuôn ra. Mùa đông nhìn lá vàng hờ hững rơi trong công viên, như một bức tranh vừa cụ thể vừa trừu tượng: « Em ra đi mùa thu- Mùa thu không trở lại. Đếm lá úa mùa thu – Đo sầu ngập tim tôi...( Phạm Trọng Cầu ) Một tí lãng mạn cho tâm hồn dịu dàng tôi không dám sa đà trong cảm xúc, sợ lại chìm đắm trong sự viển vông …
Tháng mười ở Paris chương trình ca nhạc đã thấy đầy các quảng cáo cho những buổi văn nghệ sắp tới, dài dài cho đến mùa Giáng Sinh , Tết v.v…
 (Thanh Tuyền)
 Paris bớt đi những tia nắng rực rỡ là bắt đầu có buổi ca nhạc. Buổi văn nghệ Tình Thu Paris do ông bà thương gia Trần Văn Hoà tổ chức vừa qua để giúp đỡ những trẻ mồ côi và khuyết tật tại VN. Ôâng bà Trần Văn Hoà mấy năm gần đây thường xuất hiện trong những buổi văn nghệ thiện nguyện để tài trợ vật chất cũng như về mặt tinh thần do các Hội đoàn đứng ra tổ chức Buổi  ca nhạc vừa qua tại Bussy Saint Georges (cách Paris 30 cây số ) Hội trường do ông Thị trưởng có nhiều cảm tình với dân Á Châu cho mượn (không tính tiền), không những thế, ông Thị trưởng còn tăng cường thêm nhân viên giữ trật tự cho đến cuối buổi văn nghệ chấm dứt vào lúc 03 giờ sáng. Chưa hết…bục sân khấu và sáu mươi bàn tròn do ông cung cấp đầy đủ.Ž Sở dĩ ông Thị trưởng vùng Bussy thân ái với dân Việt vì ông muốn giới thiệu vùng đất mới nơi ông đang nhậm chức.

 Bussy Saint Georges hơi xa lạ với một số cộng đồng người Việt, người viết hơi lo cho Ban Tổ Chức vì hơi xa Paris, nhưng dân đi nhảy đầm muốn tìm huơng vị lạ, khi nghe ca sĩ  đến từ Hoa Kỳ sang thì mấy sông cũng lội mấy dèo cũng qua … Trước buổi văn nghệ một tuần, được biết vé đã bán hết làm cho ban tổ chức cũng như nghệ sĩ đều tươi vui phấn khởi ...
  Chương trình ca nhạc chia làm hai phần : Phần đầu nhạc thính phòng do anh Nguyễn Ngọc Lộc và Bích Xuân giới thiệu. Phần hai khiêu vũ do ca sĩ Mai Vy đảm nhiệm .
 Đêm văn nghệ tại Bussy Saint Georges thành công là một niềm vui lớn cho những người trong Ban Tổ Chức. Số khách tham dự qua hai lớp tuổi, một thích giọng ca đàn chị như Thanh Tuyền, Chế Linh, Mai Lệ Huyền, và lớp trẻ như Mai Vy, Loan Châu, Kỳ Anh, Jenny Hiền…Đệ nhất Ban nhạc do Ngô Minh Khánh phụ trách . Đêm ca nhạc có bà Hạnh Phước Giám đốc trung tâm thẩm mỹ viện Hạnh Phước đến từ Houston ... 
 
Buổi văn nghệ do ông bà Trần Văn Hoà tổ chức được sự tiếp tay của ông Nguyễn Quang Hạnh, Nguyễn Ngọc Lộc, Trần Văn Trung, Nguyễn Đức Tăng, v.v…Tặng phẩm hiện kim do hai trung tâm gởi tặng Thẩm Mỹ Hạnh Phước Houston tặng 1000 Euros và Trung tâm Thúy Nga tại Paris tặng 1000 Euros …

Nhân dịp này tôi có dịp chuyện trò với hai danh ca Thanh Tuyền và Mai Lệ Huyền đã có một thời đẹp nhất của tuổi trẻ… Nói chuyện với các ca sĩ cũng thú vị vì họ đã mang theo niềm hạnh phúc lẫn đau khổ, để thực hiện được ý định mong muốn của mình. Té ra họ vẫn bé nhỏ và rất bình thường sau những buổi diễn rộn ràng, ồn ào lên một lúc, họ muốn được sớm để trở về với gia đình. Tôi gặp Thanh Tuyền và Mai Lệ Huyền  tại một khách sạn cùng với nhóm nghệ sĩ đang tạm trú tại đó . 
Đang nói chuyện với người cháu trai, thấy tôi từ ngoài bước vào, Thanh Tuyền nở nụ cười thật vui chào tôi. Tôi cũng vui chào chị với cái bắt tay thân mến. Thanh Tuyền đeo kiếng râm đen, tí phấn hồng phớt nhẹ trên má, son môi nhạt. Có một dạo tôi gặp Thanh Tuyền trong một chiều dạo phố bên dòng sông Seine lộng gió với cô bạn, nhưng không có dịp nói chuyện. Lúc đó hai chị tản bộ, còn tôi thì dạo phố bằng xe. Chúng tôi chỉ chào hỏi qua loa nhưng không thiếu vẻ đậm đà .  

Chào hỏi Thanh Tuyền thì Chế Linh đến, thấy tôi anh chàng ca sĩ hai dòng máu kêu à lên một tiếng…Tôi cũng kêu a một tiếng thật vui, (Chế Linh và tôi quen biết trước đó rồi ). Chế Linh có vẻ mệt, ( chắc là tại giờ giấc chưa quen) đang ngồi cạnh bà Hòa có làn da trắng hồng như da con gái mười lăm, và đôi môi đỏ « mệnh phụ » . Tôi trò chuyện với Chế Linh vài câu xoay qua chào Mai Lệ Huyền, chị trẻ hơn tôi nghĩ. Mai Lệ Huyền đeo kính màu nâu nhạt, mái tóc ngắn, chị không trang điểm, chút son môi cũng không. Mai Lệ Huyền mộc mạc, không kiểu cách, có nụ cười rất tươi. Chị nói cười hồn nhiên rất thoải mái, dẫu trên sân khấu ngàn người như nói với người bạn đang đối diện với mình nên không để ý dè dặt . 
Ca sĩ Kỳ Anh ồn ào sôi động, để tóc dài toát ra một sức sống nhiều đam mê trong nghệ thuật . Loan Châu rất con gái có đôi mắt đen tròn kiểu « mình hạt sương mai » giọng ca nhẹ nhàng như sương rơi xuống lối mòn . Jenny Hiền còn xa lạ với khán giả ở Paris. Cô trình diễn phần mở đầu chương trình bằng bốn bài nhạc tình (kiểu nhạc mạnh) cô cũng là mình hạt sương mai . Ca sĩ trẻ nào có tạng người kiểu này mà không mặc áo hở rốn lúc trình diễn là…dại, cho nên trong buổi ca nhạc vừa qua hai cô đều mặc áo hở rốn rất quyến rũ …vui  mắt . 
Ca sĩ Mai Vy quen với tôi qua diễn đàn báo chí phát hành tại California. Mai Vy viết về những sinh hoạt của nghệ sĩ. Ngoài việc viết phóng sự Mai Vy cũng là một ca sĩ đã từng ra CD nhạc và trình diễn các nơi trong những tiểu bang ở Hoa Kỳ. Mai Vy cũng không trang điểm,  rất dễ thương với mái tóc dài có màu nâu nhạt. Tình cờ gặp Mai Vy chúng tôi thật mừng. Tôi vội kéo Mai Vy chụp vài tấm hình để kỷ niệm buổi gặp gỡ.

 Tôi muốn mời các nghệ sĩ đi uống trà xanh, ngắm lá mùa đông để biết bây giờ họ đang nghĩ gì, nhớ gì, mơ gì v.v…khi nhìn lại ông ca sĩ có màu da cà phê sữa biến đâu mất ! Chế Linh đi …ngủ vì mệt, các ca sĩ kia cũng cảm thấy mệt mỏi, chỉ có Thanh Tuyền là còn tỉnh.  Nhóm ca sĩ kia đi đâu đó với bà Hòa, chỉ còn tôi với Mai Lệ Huyền và Thanh Tuyền . Tôi bắt đầu câu chuyện với Thanh Tuyền . Thanh Tuyền nói năng từ tốn mạch lạc, giọng chị trầm ấm chứ không như tiếng ca lúc chị cất lên thật nhẹ nhàng cao vút như gió thổi,  giọng ca đã từng có những người ngưỡng mộ âm thầm . 
Thời giờ của ca sĩ có hạn, đến rồi đi như gió, vì sau buổi trình diễn ở Paris sáng hôm sau họ đi diễn ở đâu đó nữa, nên tôi hỏi những câu vô thưởng vô phạt cũng như người trả lời không kịp suy nghĩ , nếu có đồng ý điều gì chỉ gật đầu một cái ngắn ngủi rồi thôi . Trò chuyện chớp nhoáng với Mai Lệ Huyền xong, tôi quay sang Thanh Tuyền, thấy Thanh Tuyền mân mê đôi kiếng mát. Tôi hỏi ngay.
     - Thưa chị Thanh Tuyền giọng ca thanh trong của chị  được số người mến mộ. Chị có thể cho biết bí quyết dẫn đến sự thành công và cách gìn giữ gịong ca của chị ?
  
  Thanh Tuyền : Trước hết rất cảm ơn Xuân. Thanh Tuyền rất vui khi gặp lại Xuân. Hơn một năm rồi chị em mình mới gặp lại nhau. Thật ra nói hai chữ «bí quyết»  thì hơi quá! chẳng có « bí quyết » đâu ! Người nghệ sĩ có nỗi đam mê tha thiết cuồng nhiệt trong khi cất tiếng ca, đó là chìa khóa có dịp Thanh Tuyền dùng lời hát để diễn tả một trạng thái của tâm hồn nói lên được nỗi đau đớn, vui buồn hay hạnh phúc. Giọng ca Thanh Tuyền giữ được ngày hôm nay là nhờ sự yêu mến dài lâu của khán giả đó thôi !   BX : Gặp chị hôm nay làm tôi nhớ lại những mùa hè xưa, nhất là buổi trưa dưới cành phượng đỏ để chờ xuất học buổi chiều, tiếng hát chị đâu đó trong Nỗi Buồn Hoa Phượng để lại một ấn tượng sâu xa trong lòng người. Bây giờ được gặp chị ở đây (Paris) Xin hỏi : Chị có một thời đáng nhớ và trong tâm hồn mỗi người đều có một quê hương để trở về. Chị có muốn về hát nơi quê hương ?


Thanh Tuyền : Đó là điều mong ước của Thanh Tuyền được hát trên quê hương trước khi nhắm mắt, vì mình sinh ra lớn lên và thành danh nơi đó. Sau bao nhiêu năm tha hương Thanh Tuyền mong sẽ được hát tại quê hương một lần, trước khi giã từ nghiệp cầm ca. Thanh Tuyền muốn hát tại quê hương vì nơi đó còn có khán giả ngày xưa cùng tuổi với mình, mình biết chắc rằng họ vẫn còn nhớ đến Thanh Tuyền .

 BX : Xin chị cho biết ca sĩ bây giờ có khác gì với lớp ca sĩ của chị ngày xưa ?

Thanh Tuyền : Khác nhiều chứ ! Ýù Xuân muốn nói là so sánh ? Nói về kỹ thuật hát bây giờ họ rất tiến bộ vì họ không theo cách học như ngày xưa. Kỹ thuật hát theo trào lưu bây giờ ca sĩ hát rất thoải mái dễ thích hợp với người thưởng thức, Thanh Tuyền rất đồng ý, chỉ khác với ca sĩ ngày xưa là giọng hát, ví dụ ngày xưa các trung tâm tuyển chọn ca sĩ họ để ý đến giọng ca phải có một sắc thái riêng, như khi nói đến ca sĩ Khánh Ly là giọng của Khánh Ly, Thái Thanh là Thái Thanh, Thanh Thúy là giọng của Thanh Thúy, Lệ Thu là gịong Lệ Thu v.v…Bây giờ ở Việt Nam có một số ca sĩ có trình độ âm nhạc họ tập luyện có kỹ thuật rất cao, nhưng nghe giọng giống nhau đến tám, chín phần. Giọng hát na ná giống nhau như vậy, lúc xưa, các Trung tâm băng nhạc không chú ý bằng những ca sĩ có giọng hát riêng. Còn ở Hải ngoại Thanh Tuyền nhận thấy những giọng ca có thể nói là hiện tượng bắt nguồn từ sự tình cờ chứ họ không qua một chương trình huấn luyện để am tường về âm nhạc, không như lớp của Thanh Tuyền ngày xưa phải có căn bản, phải biết nhạc lý, bây giờ những ca sĩ không biết nhạc lý vẫn là ca sĩ được, nên khó phân biệt. Có sự khác nhau là vậy .


 BX : Một ca sĩ nghiệp dư hát chung trên một sân khấu với chị . Chị có cảm nghĩ gì ?

 Thanh Tuyền : Ồ Thanh Tuyền rất thương và thông cảm, dễ dàng chia sẻ với người ca sĩ nghiệp dư đó ! Bởi vì Thanh Tuyền quan niệm bất cứ ai khi đã cầm micro cất tiếng hát là đã biết thưởng thức nghệ thuật, nghệ thuật phát xuất từ tâm hồn, cho nên Thanh Tuyền nghĩ ca sĩ nghiệp dư hay là chuyên nghiệp cũng giống nhau thôi. Lúc nãy mình phân tách vấn đề khác nhau về ca sĩ còn bây giờ đứng trên sân khấu cùng cầm micro cùng hát đều giống nhau, không phân biệt gì cả, « siêu sao » hay nghiệp dư khi cất tiếng ca cũng đam mê giống nhau . A…mà không chắc « siêu sao » với nghiệp dư ai hơn ai ?

BX : Chị đã đến Paris nhiều lần để hát,  lần trở lại này cảm giác chị ra sao ?

  Thanh Tuyền : Cảm giác đầu tiên của Thanh Tuyền rất vui mừng sung sướng khi được biết vé đã bán hết từ một tuần nay, đó là phần thưởng vô giá cho người nghệ sĩ nói chung, Thanh Tuyền nói riêng. Thanh Tuyền cảm thấy rằng hình như là những khán giả lúc nào cũng như bóng với hình với Thanh Tuyền . Thanh Tuyền chỉ biết dùng lời hát để cảm ơn khán giả tại Paris đã thương mến Thanh Tuyền đến  ngày hôm nay .
 BX : Khán giả chỉ nhìn thấy chị hát trên sân khấu qua một dáng vẻ dễ thương, đằm thắm, nhưng ở ngoài đời chị là người thế nào ?
             
Thanh Tuyền : Xuân chưa thấy mình sau sân khấu hả ? Nhận không ra đâu ! Suốt cuộc đời bốn mươi năm đi hát Thanh Tuyền chưa hề biết Thanh Tuyền là gì ? Ngay từ nhỏ bước đầu đi hát, bản tính bình dị, chất phát là bản tính của Thanh Tuyền. Thành danh về nghề ca vì mình đam mê nghệ thuật, khán giả yêu thích nghệ thuật mới đi tìm mình, mình và khán giả gặp nhau dưới ánh đèn sân khấu. Sau ánh đèn, sau sân khấu Thanh Tuyền là người mẹ, người vợ trong gia đình như những người đàn bà bình thường khác. Hôm nay gặp Bích Xuân mình được dịp thổ lộ tâm tình, trong một ước mơ cũng rất bình thường thôi, mình muốn có những kỷ niệm về đời ca hát, để sau này các con thấy kỷ vật mà nhớ về một thời của mẹ. Thanh Tuyền cũng đã nói với các con rồi, mai kia mẹŽ« ra đi » không được khóc, không được giỗ. Nhớ mẹ thì đem băng nhạc ra để nghe mẹ hát, đủ rồi. Cát bụi trở về với cát bụi, nắm tro tàn chỉ muốn hướng về nơi dòng sông biển cả quê xưa...

Tôi nhìn ra trời, trời Tây Âu bắt đầu đổ giọt cũng đủ sũng ướt chiếc lá. Tôi nghe mơn man những cảm giác vô hình như trở về xa xưa trong một cõi  mơ hồ nào đó. Tôi nhìn người ca sĩ từng trải qua một thời lý tưởng nhung mơ, bây giờ tìm được sự thanh thản cho cõi lòng… Tôi lại nhìn mưa chạm đất bung ra trên chiếc lá rừng úa héo, không được tưới bón. Tôi quay nhìn Thanh Tuyền như muốn nói với chị : Sau lớp cứng rắn bề ngoài lòng chị cũng mềm yếu như chú chim bé nhỏ giữa cuộc đời. 


Câu chuyện với Thanh Tuyền đến đây ngưng nửa chừng, vì bà Hòa muốn đưa chị đi đâu đó, bây giờ đã quá giờ hẹn rồi.  Chúng tôi tạm biệt nhau bằng cái siết tay thật chặt, ẩn sâu đâu đó tận trong tâm hồn …

Tiếng bước chân bà Hòa và Thanh Tuyền vang lên xa dần trong gió. Hơi mây lùa chút gì ươn ướt rơi trên mí mắt . Tôi đưa tay sờ má. Mùa đông Paris có những cơn mưa sương, mưa phùn, mưa lâm râm . Mưa dai dẳng như con gái mới lớn làm duyên, làm cho tâm hồn tôi lửng lơ, phấp phỏng về một kiếp nhân sinh kỳ lạ nào đó…
Bích Xuân Paris

Tiểu  sử Thanh Tuyền trích trong trang www. Yêu Nhạc Vàng.com
Thanh Tuyền tên thật là Phạm Như Mai, sinh ở Đà Lạt, đến năm 17 tuổi mới về sống ở Sài Gòn. Khi ở Đà Lạt, chị theo học trường Bùi Thị Xuân cho đến khi thi xong Trung Học. Tại Sài Gòn, tiếp tục học trường Lê Văn Duyệt tới hết lớp 12. Thanh Tuyền có khiếu về ca nhạc từ khi còn nhở với sự chỉ dẫn căn bản về nhạc lý của người cậu và qua một số giờ học nhạc ở trường. Chị đã tham gia nhiều buổi văn nghệ do trường tổ chức, cũng chính vì vậy mà khi mới lên 10 tuổi, với ước vọng trở thành ca sĩ. Thanh Tuyền được mọi người gọi là "thần đồng" với tên thật là Như Mai sau khi đi dự giải "thần đồng" của Đà Lạt năm 59. Cuộc thi này được diễn ra ngay tại sân vận động thành phố với rất đông khán giả tham dự và cô bé Như Mai đã oanh liệt chiếm được hàng đầu với nhạc phẩm "Nắng đẹp Miền Nam". Thanh Tuyền gặp được nhiều may mắn khi đến với lãnh vực nghệ thuật vì chỉ 3 tháng sau, vào mùa hè 64, sau khi về đến SàiGòn là tên tuổi chị được biết đến. Hãng dĩa nhạc Continental của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã mời chị ký giao kèo độc quyền ngay sau khi chân ướt chân ráo từ Đà Lạt về. Từ mùa hè năm 64 cho đến đầu năm 65, tên tuổi Thanh Tuyền đã nỗi bật, một phần do giọng hát thiên phú, một phần do giám đốc hãng đĩa Continental là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã dồn mọi nỗ lực trong việc "lăng xê" giòng suối trong của đà Lạt này trên báo chí cũng như trên đài phát thanh, nên từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu người ta cũng nhắc nhở tới tên Thanh Tuyền. Một điều khá lý thú là mặc dù tên tuổi của Thanh Tuyền đã nỗi như cồn nhưng chị rất ít được khán giả biết mặt, ngoài một vài hình ảnh đăng tải trên báo chí, vì thời đó phương tiện truyền hình còn phôi thaị Từ năm 67, 68 một hiện tượng được nhắc nhở đến rất nhiều, đó là sự xuất hiên của Chế Linh bên cạnh Thanh Tuyền để trở thành một cặp song ca cho đến nay vẫn được nhắc nhở đến. Thanh Tuyền có tất cả 4 người con đều thích âm nhạc, trong số chỉ có Shayla theo nghiệp của mẹ Con trai cả của chị năm nay 29 tuổi hiện đang phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ, chị kế của Shayla theo học ngành dược và người con trai út 16 tuổi của chị còn đang đi học. Gia đình chị ngoài chị và cô em Sơn Tuyền - lần đầu tiên được chị đưa vào hát trong băng nhạc "Thanh Tuyền 6" - chị còn có một người em gái khác tên Ngọc Tuyền có một giọng hát hay và đã từng đi hát tại Việt Nam, nhưng chẳng may Ngọc Tuyền bị mất sớm cách đây 4 năm, khi mới được 31 tuổi. Trải qua hơn 30 năm, giọng hát của Thanh Tuyền hiện nay tại hải ngoại vẫn như một giòng suối trong ngọt ngào của đà Lạt ngày trước đối với những yêu nhạc.