PHẠM DUY
Bích Xuân, Paris
 

Một buổi sáng mai, tôi còn nghiêng nghiêng trên giường, hiện thân của hoang dã câm lặng, đưa vào cảm giác sau một đêm ngủ dài no nê, trong cõi mông lung bất tận lạ kỳ. Hy vọng qua những cơn mơ, tâm linh tôi lắng nghe vời vợi, gởi trí tưởng đến một phương trời nào hun hút…Bỗng chuông điện thoại reo vang lanh lót giữa yên lành đất lặng, đưa tôi về thực tại, không gian như thỏang mùi hương ban mai. Tôi nhìn đồng hồ treo trên tường đúng 8 giờ sáng:
- A lô, ai đấy !
- Phạm Duy đây…
- Ô là la! Bác Duy đấy à ! Đến Paris khi nào vậy ?
- Chiều hôm qua…Dậy chưa ? Đi ra uống cà phê…
Tôi như đang còn trong mơ, choáng ngợp thăm thẳm bức màng nhung, phủ kín che ánh mặt trời yên ả. Lăn người nằm thẳng, gát chân trên gối, thân thể cười đùa dưới bộ đồ lụa mỏng, một tay lùa dưới áo đè lên trái tim, một tay ôm máy nói với giọng lơ lửng ánh trăng vàng khàn đục :

- Hẹn bác ngày mai 8 giờ sáng nhé !
 - Ừ thôi ! Ngày mai vậy !
Gát máy, tôi nhắm mắt lại mà thấy những con đường, những hàng cây bừng lên sức sống, bắt đầu nhộn nhịp trong một mùa xuân Paris, đang đón đợi khách đến từ phương xa.

Gió gờn gợn dặt dìu nghiêng ngả từ đâu bay ra. Trời lành lạnh nhưng nắng đầy dưới bóng, ngời lên một thứ ánh sáng, lung lay mềm mại thong thả. Hôm nay như đã hẹn tôi đến gặp nhạc sĩ Phạm Duy tại nhà chị Thụy Khuê, bất ngờ gặp nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại đây. Phạm Duy và tôi chào nhau, theo kiểu tây phương thân mật, với cái hôn trên má. Tôi bắt tay nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, vừa một thóang nhận xét về nhà văn mà tôi đã từng đọc tác phẩm của ông.

Tôi nhìn Nguyễn Huy Thiệp nghiêng nghiêng mỉm cười, ông vuốt mái tóc cười hỏi chuyện thân tình. Những lời từ Thiệp là chốn của mực thước, trơn loáng nhắc tôi nhớ lại một thời tưởng đã quên. Thiệp có sống mũi thẳng, cặp mắt to, hàng lông mày dài, nước da đen. Người làm văn nghệ dễ thân và dễ thông cảm nhau, mặc dù là buổi gặp gỡ đầu tiên. Sau một lúc chuyện trò, ba chúng tôi chụp hình kỷ niệm. Tôi tạm biệt Thiệp để cùng Phạm Duy xuống phố. Trước khi bước ra cửa, tôi và Thiệp tặng nhau món quà văn nghệ để kỷ niệm buổi sơ ngộ, đó là khăn chòang cổ Nguyễn Huy Thiệp mang từ Việt Nam sang. Chiếc khăn chòang ngẫu nhiên, mà rất hợp với chiếc áo tôi đang mặc hôm ấy. Còn  tôi chẳng có gì tặng Thiệp ngòai tập truyện «Trước khi mùa xuân đến » tôi có sẵn trong xách, rồi chia tay nhau.

Suốt một buổi Phạm Duy và tôi lang thang thành cổ, cái thành phố bé nhỏ nhưng rất duyên dáng, bước chân dạo chơi thanh nhã, trong cái thị xã xô bồ bụi bặm…Chúng tôi bước vào quán. Chọn một bàn gần mái hiên ngồi uống cà phê, có anh sáng nhòe nhọet ngang qua chỗ ngồi. Sau khi gọi xong cà phê, tôi chống tay trên cằm cất tiếng hỏi Phạm Duy :
      
- Này bác Duy, cho em hỏi một tị !

 - Ừ, hỏi gì thì cứ…Một tị thôi nhé ! 
 - Này bác !

  - Gì ?
- Hôm nay nắng rực rỡ quá chừng chừng…Nhờ bác mang nắng Cali sang đấy !
  - Có nắng bên Xuân là tuyệt …
Tôi ngốc nghếch cãi :

- Xuân đã qua rồi mà…A mà bác Duy nè, em khó có dịp gặp bác lắm ! nhân dịp bác qua Paris, trình diễn Minh Họa Kiều phần hai, do nhóm trẻ thư viện Diên Hồng tổ chức nhân ngày lẽ Phục sinh cho cộng đồng người Việt tại đây thưởng thức. Tiện đây chỉ có em với bác, em xin hỏi tí tị về đời bác, cho thỏa tính tò mò! Nhưng em vẫn gọi nhạc sĩ bằng bác đúng lễ nghĩa đấy, phải không ạ !
 - Gọi Bác…Chán bỏ mẹ !
- Vậy sao. Anh nhé !
- Cứ thế…
 - Dạ, lúc nào em cũng có lòng…từ bi.
 - Thế ! có mất mát cái gì đâu ! Cho bọn già chúng tôi vui cô à.
- Dạ, dạ…Bác Duy nè, ý quên…Anh, anh uống cà phê kẻo nguội.

Một luồng gió thoang thoảng ngang qua, làm lay động nhẹ chiếc khăn trên bàn, bất chợt trước mắt tôi bừng lên, một cây cổ thụ đang trổ bông, trong nắng giữa mùa xuân có chút gió heo may. Tôi nhìn vào mắt Phạm Duy, hình như cũng sáng rực rỡ như ánh nắng ban mai bên phố.
Năm nay Phạm Duy 81 tuổi,  tôi thấy trong đôi mắt ông cả bầu trời hun hút, trong đó nỗi lên bao sóng gió, một tâm hồn sôi nổi và khác lạ. Với tuổi 81 ông chưa chịu dừng lại, mà vẫn còn khát khao giấc mơ, mê say cuồng nhiệt ngân lên khúc nhạc đời, cũng như khúc nhạc lòng ân ái, trong thế giới rất riêng tư của ông. Tôi nghĩ chẳng có thế lực nào lôi ông ra khỏi hai thứ đó. Đôi mắt tôi mở to như muốn tìm hiểu. Với tuổi này ông vẫn choáng ngợp tình yêu. Ánh sáng vẫn còn phụt sáng trên ngọn đèn nghệ thuật, vĩnh viễn ông còn yêu, nếu không đời ông chỉ là hư không vô nghĩa.

Tôi bắt đầu câu chuyện:
 - Anh cho biết niềm vui và nỗi buồn ?
- Vui đã được về lại quê hương, có cảnh sắc riêng, đẹp thiên nhiên. Buồn đất nước chưa được như ý mình muốn…
 - Anh có còn ấp ủ đề tài nào nữa không ?
 - Minh họa Kiều 3 và 4.
 - Những nơi nào anh thích nhất ?
  - Việt Nam.
 - Quan tâm điều gì nhất, và tránh điều gì nhất ?
 - Cuối đời về được nơi sinh ra. Tránh tuyên bố điều nhảm nhí .
 - Văn nghệ sĩ ở Hải ngoại ?
   - Làm văn nghệ để chơi chơi, nếu có sống được cũng chỉ một thời gian ngắn thôi.
  - Điều gì khiến anh làm Minh họa Kiều ?
  - Nhạc kịch Opéra Paris.
 - Người ta chỉ có một thời kỳ rực rỡ thôi, anh trải qua ba thời kỳ. Cảm giác anh như thế nào, hôm nay !
 - Rất sung sướng và vô cùng hạnh phúc.
- Xong minh họa Kiều phần hai, anh cảm thấy nội lực như thế nào
- Khỏe mạnh và yêu đời, yêu người…

 - Anh có cảm nghĩ gì về lứa tuổi của anh bây giờ ?
  - Chẳng nghĩ gì cả, còn sống còn thấy khỏe, là còn làm nhạc, còn làm nhạc là còn ...yêu.
 - Yêu gì ?
 - Yêu em…
- Yêu em !Anh sẽ mau chết sớm…
 - Rồi anh sẽ được hồi sinh… anh biết, em là núi lửa.
- Không, là nhan thạch thôi!
Tôi khúc khích hỏi tiếp :

 - Anh yêu như thế nào ! Hiện bây giờ ?
- Yêu cuồng nhiệt, đam mê.
 - Anh quan niệm : tình yêu  ?
 - Bí ẩn, huyền bí…như anh vừa nói yêu em.
 - Lại khéo nịch đầm !Yêu em thì có gì là bí ẩn, là huyền bí .. ?
 - Ấy thế mà nó huyền bí đấy, cô không thấy được đâu !
 - Vậy à ! Em ghi ra đây cái  tình yêu huyền bí của anh nhé !
 - Ừ, thì cứ ghi…
 - Có phải cuộc đời quanh anh, là chất liệu ngọt ngào của đàn bà, là nguồn cảm hứng để cho anh tiếp tục minh họa Kiều phần 3, và 4 !
Nghe tôi hỏi đến đây Phạm Duy nổi quạu khóat tay :

- Thong thả nào, cô hỏi gì mà lẹ thế !
Tôi cũng làm bộ phát cáu… :

- Vậy mà đòi «yêu» nỗi gì ? Mới hỏi một tị mà đã mệt rồi !
 - Thì cũng tí tị thôi...Luật trời đất là vậy, âm dương điều hòa mới có thăng bằng trong cuộc sống, tình yêu nó làm cho con người ta khỏe mạnh, trẻ trung,cảm thông…trái tim của người nghệ sĩ có bao giờ gìa đâu !.
 - Anh có nhiều nhạc phẩm, anh tâm đắc tác phẩm nào nhất ?
  - Minh họa Kiều phần 2. Nó tích tụ tất cả những tinh hoa nghệ thuật dân tộc từ trước đến nay.
 - Cảm tưởng của anh về giới trẻ và âm nhạc hiện nay ở Hải ngoại ?
 - Chỉ có hai triệu người Việt tản mát khắp nơi trên thế giới, có số người không có điều kiện liên hệ rộng rãi để đến người thưởng ngoạn…Có quá ít người thưởng ngọan thì sao tác phẩm sống được ! Không sống được thì tác phẩm sẽ chết, không chết thì cũng mau trôi vào quên lãng .
 - Anh trở về VN nhiều lần anh nhận thấy văn nghệ sĩ sinh họat «bên ấy» ra sao ?
 - Sinh họat rất sôi nổi ồn ào, nhưng rất có trật tự.
- Nhũng người bạn cùng thế hệ, cùng thời trong cuộc cách mạng chống Pháp với anh, sau những lần anh trở về VN gặp lại những người bạn đó, hiện giờ họ sống ra sao, và họ đã nghĩ gì về hôm nay, ngày mai !
   - Họ vẫn nghèo và họ vẫn sống thế thôi ! Họ nghĩ gì bây giờ ? Mà họ có nghĩ gì thì ở trong lòng họ, làm sao mình biết được ! Gặp nhau là vui lắm rồi…
Sau khi hỏi xong những điều thắc mắc, tôi và Phạm Duy tiếp tục nói về chuyện con kinh con lạch Việt Nam, thỏang như ngửi thấy mùi tôm cá nướng. Chuyện giàn bầu giàn mướp cảnh nhà tranh, nhà lá nghèo khó ở thôn quê VN. Tất cả như con nước nhỏ, thèm nghe sức hút của đại dương, nhưng không có con đường để đi ra, bực bộ, tù túng…
Ngồi đối diện tôi là một người nghệ sĩ lớn, tòan bộ gương mặt ông, còn tạo cho người ta một vẻ thích thú đặc biệt. Ông đã ở tuổi 81 nhưng không biết mõi mệt trong sáng tác, nghệ thuật đã bơm cho ông chất sống, khiến tôi hết lòng cảm mến. Một cảm giác ấm áp, vững vàng tin cậy đến với tôi, khi ngồi đối diện cùng ông, nó xóa tan nhũng khỏang cách tuổi tác hai người. Tôi mong ông sống trên 100 tưổi, để ông làm nốt Minh Họa Kiều. Trong đôi mắt ông như có một dòng điện chập vào người tôi, vuốt dọc sống lưng lạnh đến ót. Đôi mắt ông còn tinh ranh đến thế sao ! Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Tôi muốn ông nhìn thẳng vào tôi lần nữa, để thương yêu mà thấy ông còn cơ hội làm nốt phần 3 hay 4 Minh Họa Kiều của ông.

Ông sang Paris lần này, có vẽ ốm người hơn những lần trước, nhưng nhẹ nhàng và lanh lẹ hơn. Tóc ông trắng như tuyết. Hôm nay ông mặc áo da màu đen, quần cũng bằng da, hơi rộng, có hai sợi dây từ sau lưng kéo ra trước, đội mũ nỉ đen. Tôi vẫn thích đàn ông mặc quần da màu đen, bó sát thấy vẫn gợi cảm và sexy hơn là rộng.
Tôi và Phạm Duy bước ra khỏi quán, khoan thai đi song song dọc theo những con đường ngóc ngách, hoắc gió thổi tới. Lưng Phạm Duy cong xuống phía trước. Tôi hỏi:

- Sao lưng cong xuống thế !.
Phạm Duy cười :
- Già rồi ! Lưng nó cong xuống đất …
Tôi đưa tay vuốt lưng ông :
- Ráng đừng để đất kéo xuống. Uỡn ngực nhìn thẳng. Nào thẳng người đàng trước bước 1…2…

Tôi và Phạm Duy cùng cười to, tươi vui. Tôi khóat tay ông đi trên những bậc tam cấp có hàng cây loang bóng. Tôi thầm nghĩ chắc trái tim của người nhạc sĩ, đang rộn ràng bên cạnh tuổi trẻ, con người ông cũng theo đó tỏa ra thứ men rượu tình người, càng già càng ngấm, bồng bột, nhưng đằm thắm.
Tôi đi bên ông như đôi tình nhân nghệ sĩ lãng mạn nhất thế kỷ, mà thật ra trong tôi  ngòai những lúc đùa giỡn, tôi vẫn xem ông như người Bố tinh thần, rất kính yêu. Với ông tôi có trọn vẹn, tình bạn, tình yêu, tình Bố con và hơn thế nữa là tình nghệ sĩ. Cái tình nghệ sĩ là thế ! sống bằng những cuộc tình, đủ thứ tình, tình để quên, tình để nhớ, tình nhẹ, tình nặng, chứ để tình nó suông suông thì…chán lắm ! Tất cả quyện lại với nhau, khiến tôi như được tìm về ẩn nấp dưới một tàn cây vững vàng.
Chứng tôi chia tay và hẹn sẽ đến dự buổi trình diễn Minh Họa Kiều 2. Tôi chìa má để ông hôn tạm biệt, những sợi râu lún phún trên mép ông, châm vào má tôi nghe nhột nhạt nhưng dễ chịu…
                                                                      
Tôi không thể không ghi lại, hình ảnh người nghệ sĩ trình diễn dưới ánh đèn sân khấu tại Paris hôm ấy : Phạm Duy, người đã từng kết đọng, những thao thức, những thời khắc, những quyến rũ, những truyền cảm đam mê, những dấu vết huyền thoại ngày xưa sôi động, phóng túng buông thả không dè dặt…Dưới ánh đèn sân khấu tràn đầy sinh khí tỏa rộng, một Phạm Duy tám mốt, vẫn còn sức hấp dẫn người đến tham dự. Nhìn ông lắc lư cái đầu theo điệu nhạc, ông như sống trong men rượu giao tình tri kỷ với nàng Kiếu. Ông thổi vào sinh họat văn học VN tại đây, một luồng gió nồng nàn, khiến cho khán giả hôm ấy ngồi im hàng giờ nhìn ông, thóat ra «cái võ ốc» để trở về cùng bản chất sơ khai thuần khiết của một người nghệ sĩ.

Trong bóng tối, tôi đưa cặp mắt hóm hỉnh, nhìn phong cách, trình diễn của Phạm Duy tiết nhịp từ dòng máu, từ bản năng. Dáng điệu lạc phách giang hồ, lãng tử. Ông như trở về với những thập niên 40-50. Cả người ông lắc lư theo nhịp phách cầu kỳ, nhưng rất thanh lịch, ngọt ngào, cùng với tiếng hát đào nương liên miên tiếp diễn, dưới màu sắc và âm thanh ảo tưởng, làm cho khán giả cũng say sưa nghiêng ngả theo nàng Kiều của ông…Vậy là nàng Kiều của ông lần này sang Paris, đáp ứng đựơc tình ý của chị em nên  «đắt địa » quá xá !
Đèn phụt sáng Phạm Duy nở nụ cười khoan hòa, chào mọi người với một niềm tin, và lòng biết ơn sự thưởng thức nghiêm túc của khán giả.
Chiều Phục sinh với Minh Họa Kiều, đã khắc họa hình ảnh : nâng cao tình người, trong một xã hội đầy lọc lừ, cạm bẩy. Tôi mang cảm giác vui vui ấm áp trong lòng. Cái sung sướng, hạnh phúc như vẫn còn đọng lại trong tôi rât lâu. Một nỗi cảm thông bắt nguồn từ chính sự đồng cảm với con người. Với tôi đó chính là cuộc sống thật sự…
Trời về khuya khá lạnh, tôi bước đi trong đêm mà như thấy một ngày của đời sống  mới đang được bắt đầu. Cảm ơn Phạm Duy : Người bạn chân thành. Người tình mơ mộng, người Bố thân thương kính mến.
Hãy thẳng lưng, đằng trước bước…để con bé Xuân này còn được trêu thêm ít ra vài chục năm nữa…

Bích Xuân  Paris 2002