BÍCH XUÂN TÌNH YÊU NHƯ TRÁI PHÁ CON TIM...
   (Bài đọc trong ngày ra mắt tại Philadelphia 29.6.97)
Võ Đình Tuyết

Trong một bài hát của Trịnh Công Sơn có câu : « Tình yên như trái phá con tim mù lòa ». Đó là một loại nhạc tình đầy tính cách triết học trong thời chiến, mang nhiều ảnh hưởng về cuộc chiến, mà ông đã phát họa có lợi cho người chống chiến tranh. Nhạc tình của Trịnh Công Sơn đối với riêng tôi là một tuyệt tác.
 Loài người sinh ra đều thích viết về chuyện tình yêu. Cụ Nguyễn Du Việt Nam làm thơ lục bát cho tình yêu Kiều và Kim Trọng, cụ Victor Hugo của Pháp quốc viết chuyện người gù xấu xí vẫn biết thương yêu, và thương yêu tha thiết , cụ Shakespeare của Anh quốc vẫn viết về truyện tình yêu đôi trẻ, thương thê thảm cho đến lúc lìa đời. Vậy là chuyện tình yêu rõ ràng là cũ như trái đất. Vậy có gì mà quí vị la toán lên như thế. Có người hỏi « Tình yêu là cái gì nhỉ » rồi sau đó định nghĩa theo ý thích của mình, theo Xuân Diệu :
« Làm sao định nghĩa được tình yêu
Có ghĩa gì đâu một buổi chiều
Theo Hàn Mặc tử
« Để nghe tơ liễu rung theo gió
Và để nghe trời giảng nghĩa yêu »
Nghe mấy ngài đại thi sĩ định nghĩa tình yêu khó hiểu quá...Theo tôi tình yêu trước tiên là nghĩ đến nụ hôn, rồi nghĩ đến cái tay phải làm gì, và sau rót nghĩ tới...Bậy thật, tôi sẽ chẳng bao giờ là thi sĩ . Lựa Philadelphia, một người làm thơ tình rất mới, nhưng ra mắt tuyển tập thứ ba, sau Bao Giờ Em Quên, Chàng và Bao Giờ Anh Đi, rất ư là rầm rộ trên văn đàn hải ngoại. Cô đã đi lại nhiều nơi trên thế giới để ra mắt những tập thơ viết về tình yêu của mình, để tặng cho đời, những bài thơ nóng như nước sôi trên bếp than hồng tình tự. Kính thưa quí vị, đó là nữ sĩ Bích Xuân.
Một thành viên không tên tuổi của nhóm Duyên Văn, được anh trưởng nhóm Lê Văn Lân chỉ định, viết một cái gì cho chị Bích Xuân, mới nghe xong là thấy ớn ! Anh Lê Văn Lân phán : « Cậu là người cùng quê với Bích Xuân, biết làm thơ lai rai, ngày xưa đã từng tắm trên sông Hàn, thì cậu phải viết được, không lôi thôi gì cả ! » Thú thật, tôi chẳng mấy khi được cái hân hạnh viết về những người nỗi tiếng như chị Bích Xuân nên rất hãi. Lần trước đây nhà văn Trần Quán Niệm đã chỉ định cho tôi viết về nữ sĩ Ngô Thy Vân đến bây giờ vẫn còn nổi da gà, bởi vì con người tôi rất dể bị phản ứng khi đụng nhằm vào những vị nữ lưu tài năng lẫm liệt. Cuối cùng thì tôi cũng phải làm với câu nhắn với anh Hà Kỳ Lam « Mấy đại ca phán thì kẻ này làm, nhưng dở thì ráng chịu ».
Kính thưa quí vị.
Rất nhiều văn nghệ sĩ khi viết về Bích Xuân thường nhìn về khía cạnh sầu thảm, và rất buồn, trong lời tựa tập thơ Chàng ở cuối câu chị viết hai câu thơ của Chế Lan Viên :
« Với tôi tất cả đều vô nghĩa
      Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau »
Riêng tôi, không nghĩ là vậy, mà là sự trái ngược : Thi sĩ Bích Xuân là một người rất yêu đời, yêu người, rất lãng mạn, rất nghệ sĩ và rất...tếu. Ở một người đàn bà trời cho đẹp, cho nhiều tài năng thiên phú, thì đương nhiên


«Chữ tài với chữ tai một vần » thường đi với nhau như cụ Nguyễn Du nói. Với tôi nữ sĩ Bích Xuân là con người rất nhiều hạnh phúc, nhiều đến nỗi cô ta cân ký bán đi không hết :
« Chiều vào thu
Chạm vai em
Thương ôi thương
Dìu hiu trên da men sữa
Đôi mắt xanh tươm hương mọng mật
Loi ngoi qua dòng lưỡi ngậm quen »
Chúng ta nhìn thấy gì trong Bao Giờ Anh Đi, khi trời mùa thu suốt đời làm chia ly.
     « Em không biết rồi anh có bơ vơ »
Có nghĩa là nữ sĩ chẳng làm sao cả, chỉ sợ người tóc vàng sợi nhỏ buồn bả hiu quạnh thôi :
 « Oằn trĩu bờ vai
Anh chưa đi mà nghe lòng hun hút nhớ
Thấm qua đời rớt xuống lá lạnh băng »
Thì thôi... anh đi ; anh đi lẹ cho rồi ! Bên cạnh những nỗi buồn triền miên Bích Xuân là con người chịu đựng mọi thăng trầm cho đời mình, và tha thứ cho tất cả để biến nổi ngậm ngùi thành thơ làm vui đời sống. Tính chất dục thể rất nhiều trong sự sáng tạo làm cho thơ cô là nguồn hứng khởi cho đám văn giới đàn ông, nếu có ở đây ông Bùi Giáng :
«Em ơi ! rượu uống bây giờ
Là trong lát nữa lên bờ đuổi ma... »
            ( Bùi Giáng )
Bích Xuân nghĩ sao nói vậy. Nghĩ sao làm thơ vậy. Nhiều khi lối gieo vần của cô làm người đọc khựng lại, nhưng... có sao đâu...Sắp sưả lại có BÂY GIỜ EM VUI đây, thì tha hồ chúng ta sẽ đầy những nụ cười. Nhưng cười hay khóc thơ Bích Xuân là loại thơ rất chân tình, tình người tha thiết.
Lãng mạn là tính chất cần thiết của một nghệ sĩ sáng tác. Trong thơ Bích Xuân là trường phái lãng mạn :
« Gió mùa xuân em nhớ anh
Em nhớ anh ấm áp
Bịn rịn nhẹ nhàng em xuống phố đìu hiu
Đèn hồng lên bên sông Seine man mác
Xuống gió chiều
Đường thơm bước chân tình nhân »
( Nhớ người xa em )
Tôi thích thơ của cô nhiều hơn lối thơ vần, ở thế thơ tự do Bích Xuân làm thơ như đi chơi, cô phóng những hơi thở thơ vào lời nói không ràng buột bởi những niêm luật nhiều khi không cần thiết :
« Em ra về mang theo sầu ở lại
Đang chết chìm trong dòng mắt gã làm thơ
Em nhìn qua đường lưu luyến
Đang khép sầu, sâu tận bước em đi »
( Đâu phải điều bình thường )
Và Bích Xuân rất vui trong Tình Thơ Của Lính. Sau khi cô yêu lung tung rồi cô phán :
« Em chỉ yêu anh lính Cộng Hoà
Nối gót theo anh dưới trời hoa
Và sẽ hôn lên nòng súng cũ
Chiều tím sẽ hồng bước em qua »
Mặc dầu không biết cô có hôn lên nòng súng cũ hay không, nhưng nếu cô dám hôn thì đôi má chắc sẽ hồng. Nhưng giữa chọn lựa trong đời sống tư tưởng, Bích Xuân đã chọn lựa cho mình một thế đứng hướng về phía tự do :
« Làm trai không khoanh tay đứng ngó
 Bằng không là hổ mặt đất trời
..................................................
..................................................
Bài thơ gởi lính thật chân tình
Xin đọc dừng hỏi cứ lặng thinh »
Chắc chắn là không ai dám hỏi, nhưng với lòng yêu anh lính Cộng Hòa như Bích Xuân thì ở đây có nhiều người xung phong lắm lắm...
Sau năm 1975, người Việt ra đi tìm tự do, thơ văn lưu vong hướng về quê hương trút bao nỗi ngậm ngùi thương nhớ, nói theo nhà văn Mai Thảo là : Những bàn viết lữ thứ. Từ những bàn viết lữ thứ mỗi người mang theo mình một hành trang kỷ niệm, và những ước mơ, những đau đớn, những buồn vui, những miền đất hứa tưởng tượng cho mỗi đời viễn xứ là những tản màu xanh cho tương lai, như một cuội nguồn cảm thông hòa nhập vào dòng luân lưu nhân loại.
Nhà thơ Bắc Phong có những câu thơ rất đẹp :
« Mang dùm ta quê hương
Dù chỉ là chiếc lá
Em nhặt nơi góc đương »
Nhà thơ nữ Bích Xuân mang dùm ta rất nhiều, trong hơi thở cô là cội nguồn tinh túy hiền lương và tha thứ, thơ của cô nói về tình yêu như trái phá con tim mù lòa, nhưng con tim biết mang lòng độ lượng.
Xin mượn tạm câu thơ của Thanh Tâm Tuyền gởi đến Bích Xuân, như một chút qùa gởi đến người từ Paris.
« Đi, anh đưa em vào quán rượu
Có một chút Paris để anh thành thi sĩ... »

                                                                   Võ Đình Tuyết