Paris Bích Xuân với  «Trước khi mùa xuân đến»

                       Bán nguyệt san BẠN ĐƯỜNG, Paris (Từ Ngọc Lê)

Cái thiếu sót ngớ ngẩn nhất của Bích Xuân « muốn có vài hàng » cho buổi ra mắt tác phẩm mình mà lại quên mất cái việc tối thiểu là « trình diện » tác phẩm. Tôi đã « nhắc khéo » nhiều lần, nhưng có lẽ vì quá bận rộn, nên Bích Xuân « nhớ » ra thì ngày ra mắt sách đã kề cận. Thật tình, tôi không nghĩ là có ai dám nói về một tác phẩm mà mình mới chỉ nhận được trước đó có vài giờ. Riêng tôi thì lại càng không dám.Tuy nhiên, tôi nghĩ công việc này cũng đã quá đủ với bài giới thiệu của Giáo sư Lê Mộng Nguyên, một người đa năng đa hiệu. Sở dĩ phải nói như vậy vì GS Lê Mộng Nguyên là một nhạc sĩ tài hoa đã nổi tiếng từ lâu với nhạc phẩm « Trăng mờ bên suối », trong khi ở Pháp, ông lại là giáo sư đại học giảng dạy về môn chính trị và luật hiến pháp. Ông cũng là một trong hai vị thành viên của Hàn Lâm Viện Pháp quốc hải ngọai, vị kia là học giả Thái Văn Kiểm. Tuy bận rộn như vậy, nhưng ông vẫn cộng tác thường xuyên với tạp chí song ngữ Pháp-Việt Tin Tức ở Paris từ hơn mười năm qua và cũng viết khá nhiều những biên biên khảo đăng rải rác trên những tạp chí Pháp ngữ (ở Pháp) và Vịêt ngữ ở Hoa Kỳ va Canada…

Như thế càng dễ cho tôi.Viết về bài tường thuật ngắn về một buổi ra mắt sách, dù có thêm cảm nghĩ của mình về tác phẩm, tác giả thì vẫn dễ hơn.Thêm nữa, với Bích Xuân thì tôi lại càng không ngại. Nỗi kinh hòang của tôi khi làm báo là thấy những…văn hào « viết một câu không gẫy » nhưng luôn ra lệnh :« Bài của tôi một dấu phẩy cũng không được sửa ».Nghĩ đến tâm tư người xưa « Ta hồ ! văn chương chi sự » mà nỗi sợ, nỗi ngại ngùng cứ dâng tràn.

Tôi rất sợ nói về thơ vì tôi chỉ biết có…vè, mà bốn tác phẩm trước của Bích Xuân lại là…thơ. Nhưng với « Trước khi mùa xuân đến » thì tôi uống thuốc liều. Khoan. Xin quí vị chớ vội tưởng lầm. Nhận lời, nhưng tôi biết chắc là tôi vẫn chưa đủ « liều »để ví von so sánh tập sách nhỏ này với những V.Hugo, HemingWay, Dostoievski hay Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam đâu. Mà xin kể về tiếng khóc nức nở ma quái lúc nửa đêm.

Một buổi tối cỡ quá nửa đêm, tôi không nhớ thời điểm nào, khi đang ngồi trước máy để lo « trả nợ », thì điện thọai reo. Tôi có tật « ngủ ngày, cày đêm », điện thoại reo giờ này chắc hẳn phải là người quen. Bốc điện thọai lên và hỏi :« A-lô, ai đó » thì đầu dây bên kia vỡ òa tiếng khóc. Mà lại là tiếng khóc « liền bà » mới kẹt. Tiếng khóc càng lúc càng nức nở, đau khổ, uất ức khiến tôi đâm hỏang. Một thóang « tự kiểm » chớp nhóang. Mình đã làm chi bậy bạ mà nay…lãnh nợ ? Tôi nói như hét trong máy « Ai đó ? Cái gì vậy ? » Tiếng khóc bên kia chợt nín và một giọng mếu máo, thiểu não cất lên. Đó là Bích Xuân. Trong tiếng nấc, Bích Xuân cho hay là đã lỡ tay xóa hết gần 100 trang của một tác phẩm mới, loay hoay mãi bây giờ đành thất thủ. Bây giờ làm sao viết lại ? « Chắc em chết » ! Và tiếng khóc lại cất lên nức nở. Một, hai chỉ đòi…chết ! ! !

Tôi cũng thua luôn, vì máy móc thì tôi thuộc lọai « book one ». Thêm nữa Bích Xuân xài PC còn tôi xài Mac. Thế là tôi đành « nói lấy huề » để trấn an. Chợt nhớ đến anh Nhân, chủ nhiệm báo Tin Tức, người đã bỏ PC quay qua Mac và cũng là người đã giúp tôi rất nhiều ý kiến quí báu trong công việc sử dụng Mac. « Nhưng anh Nhân đi vắng cuối tuần mới về ». Tôi đành « câu giờ » bằng cách kê ra một số tên tuổi mà tôi chợt nhớ ra như Từ Nguyên, Tô Vũ, Trần Trung Quân, mấy người bạn trong Tổng hội sinh viên và cả Hội Chuyên gia nữa…Vẫn chưa làm cho Bích Xuân thôi mếu máo.

Thế rồi Bích Xuân lại biến mất khỏi Paris, qua « văn nghệ văn gừng » lung tung ở Canada và Hoa Kỳ.Đầu tháng 7-2001 nhận được giấy mời dự buổi ra mắt tác phẩm « Trước khi mùa xuân đến » tôi mới biết Bích Xuân trở lại Paris. Trong giấy mời ghi rõ « lúc 19 giờ ngày chủ nhật 9-9-2001 » và tôi đã thông báo và cho « đi » trong mục « Tin Cộng đồng » trên Bán nguỵêt san Bạn Đường trong 3 sô liên tiếp ( số - 21 ngày 15-7 trang 7, số 22 ngày 1-8 trang 5 và số 23+24 ngày 15-8 trang, trước khi đi hè muộn), ấy vậy mà vẫn có « người quốc gia » viết rêu rao trên báo bên Mỹ là Bích Xuân chọn ngày 2- 9 đế mừng « Quốc khánh VC » ! Nửa thế kỷ đã qua đi với biết bao « nước chảy qua cầu », biết bao cơ hội đẻ học cái hay của xứ người mà sao vẫn không thấy gì thay đổi ? Ta cũng chẳng nên trách chuyện « Khỉ Cà Mau » hay «Con Ma Vú Dài » của những thập niên 50,60 của quá khứ cổ hủ xa xưa nữa.

Sau những nức nở nghẹn ngào thì tập sách nhỏ « Trước khi mùa xuân đến » cũng được ra mắt thân hữu ở Paris ngày 9-9-2001. Sách dày gần 300 trang trình bày trang nhã, bìa của  Khánh Trường, do nhà Nghệ Thuật ở Canada xuất bản. Trong tập sách có hơn 30 tiểu mục gồm đủ các thể loại như : chuyện ngắn, bút ký, tự truyện, thơ..do Bích Xuân viết về những liên hệ của chính mình với gia đình, với bằng hữu với giọng văn ngổ ngáo, mạnh bạo nhưng rất…đàn bà cố hữu của Bích Xuân.

Ưa thích hay không ưa thích còn tùy theo quan niệm thưởng ngọan của mọi người.  Những ganh tỵ, ghen ghét cá nhân chỉ vì « nó dám nổi hơn ta » không những không vùi dập được ai mà còn giảm đi nhân cách của chính mình.

Từ Ngọc Lê